Thủ tướng mời doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào năng lượng, chuyển đổi số Việt Nam

Thu Hằng (Từ Washington D.C)| 12/05/2022 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiếp nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng như năng lượng, chuyển đổi số...

Tiếp nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng như năng lượng, chuyển đổi số...

Trong ngày 11/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc.

Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam

Tiếp ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược kiêm Phó Chủ tịch cấp cao, Chiến lược và Phát triển Doanh nghiệp của Tập đoàn Boeing, Thủ tướng gợi mở, lĩnh vực hàng không của Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới và Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Boeing trong quá trình khai thác tàu bay của Boeing tại Việt Nam và hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác về công nghệ.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tập đoàn mở cơ sở bảo hành, bảo trì và tiến hành một số công việc khác tại Việt Nam; có chính sách hợp tác lâu dài và có ưu đãi cụ thể để giúp các doanh nghiệp nội vượt qua khó khăn lúc này. Từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Thủ tướng cũng mong muốn Tập đoàn hợp tác với phía Việt Nam trên tinh thần "đã nói phải làm".

Thủ tướng mời doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào năng lượng, chuyển đổi số Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Boeing mở cơ sở bảo hành, bảo trì và tiến hành một số công việc khác tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Marc Allen cho biết, phía Boeing đang quan tâm tới việc hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Tập đoàn này cũng mong muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về công nghệ, kết nối với các hãng hàng không…

Tiếp đó, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo Asia Group và các tập đoàn Blackstone, GenX, AES.

Lãnh đạo các tập đoàn bày tỏ quan tâm tới các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, mong muốn đầu tư hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26.

Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất chuyển đổi năng lượng của các tập đoàn, doanh nghiệp; làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới định hướng phát triển năng lượng, quy hoạch điện của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có bảo đảm cân đối lớn về năng lượng, đồng thời tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam chưa công bố quy hoạch điện VIII là do phải điều chỉnh nhiều nội dung để thực hiện các cam kết tại COP 26, trong đó có cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng cho rằng, trong phát triển các dự án năng lượng cần dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, nhất là về vấn đề giá cả để hai bên “cùng thắng”.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều là những nguồn năng lượng rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

“Mong các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án theo quy định của pháp luật với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan, hai bên cùng giải quyết các thủ tục nhanh chóng”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nói.

Sớm triển khai các dự án có sức lan tỏa

Tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng đề nghị thời gian tới, hợp tác giữa hai bên tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; các dự án hạ tầng giao thông lớn như các tuyến cao tốc, đường ven biển; các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, miền Trung; xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực y tế…

Thủ tướng mời doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào năng lượng, chuyển đổi số Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà Tổng Giám đốc điều hành WB. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam sẽ sớm làm việc với WB tại Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể, lựa chọn các dự án có sức lan tỏa, mong muốn các dự án này có ưu đãi phù hợp, linh hoạt, thời hạn vay dài nhất với lãi suất tốt nhất. Đồng thời, Việt Nam sẽ hỗ trợ WB để triển khai các thí điểm chính sách tại Việt Nam để bảo đảm các khoản vay có hiệu quả cao nhất có thể.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục cải cách thủ tục, chống tiêu cực, tham nhũng trong triển khai các dự án.

Tổng Giám đốc WB cho biết cơ quan này muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhất là trong bối cảnh quá trình phục hồi trên toàn cầu gặp những khó khăn do căng thẳng, xung đột tại một số nơi và giá nguyên vật liệu, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, các nguồn lực quốc gia bị suy giảm trong quá trình kiểm soát dịch bệnh.

Vấn đề đặt ra với Việt Nam là cần cân bằng giữa nhu cầu năng lượng lớn cho phát triển và yêu cầu phát triển bền vững. WB rất quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình trở thành nước thu nhập trung bình cao, đạt tới những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị; nhiều nước có thể học tập nhiều lĩnh vực của Việt Nam như quá trình điện khí hóa.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng mời doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào năng lượng, chuyển đổi số Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO