Thừa Thiên Huế xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng

PV| 11/10/2021 14:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Cải cách hành chính được Thừa Thiên Huế xác định là một thế mạnh, là giải pháp quan trọng nhằm năng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền và lãnh đạo các cấp tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong các cơ quan quản lý Nhà nước, trong nhân dân, doanh nghiệp. Hầu hết các mục tiêu quan trọng, các đề án CCHC đã và đang triển khai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này.

Theo đó, hệ thống thể chế được xây dựng, hoàn thiện, đổi mới. Công tác xây dựng văn bản ở cấp tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục ban hành đã bám sát hơn yêu cầu thực tiễn, chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh ngày càng được nâng cao.

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong công tác CCHC. Việc thường xuyên rà soát và ban hành bộ thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới cá nhân, tổ chức theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch. Hiện nay, 100% các TTHC đã được nâng lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ một, hai, ba, bốn và được cung cấp trên Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với 1.963 dịch vụ.

Thừa Thiên Huế xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng - Ảnh 1.

Người dân giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế. (Ảnh: PV)

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai tại hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; mức độ sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp tại 09 đơn vị thí điểm đánh giá mức độ hài lòng đạt mức khá. Trên 80% TTHC được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Thực hiện tốt việc công khai minh bạch thông tin và và tăng cường đổi mới phương thức đối thoại với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được với các văn bản và thông tin của chính quyền trên các lĩnh vực. Từ năm 2013 đến nay, định kỳ 02 tháng/lần, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức đối thoại trực tuyến với công dân và doanh nghiệp nhằm mục đích giải đáp, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, TTHC liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Tổ chức hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước đã được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn, theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, tránh được sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; việc tuyển dụng, quản lý, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai và phát huy được tính chủ động của các cơ quan, đơn vị. Áp dụng tuyển dụng cán bộ, công chức thông qua hình thức thi tuyển; thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở.

Thừa Thiên Huế xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng - Ảnh 2.

Thừa Thiên Huế có nhiều đổi mới, sáng tạo trong CCHC. (Ảnh: PV)

Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước được chú trọng. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại hóa phương tiện, cách thức tiếp nhận TTHC.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh là Chương trình trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Điểm nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế là xây dựng chính quyền điện tử gắn với CCHC và ứng dụng CNTT, với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh. Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT (ICTIndex) của tỉnh năm 2019 và 2020 liên tục xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Ông cho biết thêm, đến nay, 100% TTHC của tỉnh được cung cấp Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó, DVCTT mức độ 3 đạt 79,4%, DVCTT mức độ 4 đạt 31,4%; 100% hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được số hoá, ký số và xử lý theo quy trình điện tử trên môi trường mạng, có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, qua ứng dụng Hue-S.,.. góp phần giảm giấy tờ, thời gian, chi phí, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết TTHC.

Ngoài ra, tỉnh có nhiều sáng kiến CCHC thực hiện trong trạng thái "bình thường mới": áp dụng quy trình thanh toán không sử dụng tiền mặt trong thu phí, lệ phí giải quyết TTHC áp dụng tại 3 cấp từ năm 2020 nhằm hạn chế tiếp xúc, lây lan dịch COVID-19, tiết kiệm được nhân lực, biên chế thu phí tại các bộ phận một cửa…

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ ĐTTM. Dịch vụ ĐTTM giúp giảm bớt khâu xử lý trung gian, phương thức giám sát hiện đại. Việc xử lý trên dữ liệu số, quy trình số giảm đến hơn 65% thời gian xử lý so với trước đây. Kết quả công khai được người dân giám sát, từ đó trách nhiệm xử lý được nâng cao trong cơ quan Nhà nước. Tỷ lệ hài lòng và chấp nhận của người dân luôn đạt mức trên 80%, tỷ lệ xử lý trễ hạn luôn nhỏ hơn 3%...

"Kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để tiếp tục tổ chức chỉ đạo triển khai tốt hơn nữa công tác CCHC của tỉnh trong thời gian tới, hoàn thiện nền hành chính theo hướng phục vụ, với phương châm lấy dân làm trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và phục vụ"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO