Thúc đẩy tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp

Minh Tiến| 12/08/2022 15:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 149. Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp...

Nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh của thị trường tài chính, với nhiều kết quả vượt bậc dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Thị trường dịch vụ ngân hàng có bước tiến nhanh, bám sát sự phát triển của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách tài chính toàn diện vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong bối cảnh một nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149 năm 2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 2 năm qua, các cấp, các ngành đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Khuôn khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện. Mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là các kênh cung ứng dịch vụ trên nền tảng hiện đại như điện thoại di động, internet.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng hơn, hiện đại hơn, an toàn, tiện lợi hơn với chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhờ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện.

Các cấp, các ngành tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện và giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết tài chính cho người dân. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Đặc biệt, một số giải pháp rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp thực hiện như: Ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC); triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money), xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Thúc đẩy tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho mọi người dân  - Ảnh 1.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng hơn, hiện đại hơn, an toàn, tiện lợi hơn với chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Giúp hệ thống tài chính phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hướng tới bền vững trong dài hạn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Chiến lược được ban hành nhằm giúp hệ thống tài chính Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, giúp mọi người dân được thụ hưởng mọi thành quả của phát triển kinh tế. Mục đích cuối cùng là hướng đến người dân, bảo đảm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho mọi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn lực tài chính cần thiết cho phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống nhân dân, thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, bao trùm. Điều này khẳng định sự quyết tâm, sẵn sàng tiếp cận những vấn đề mới để triển khai thành công tài chính toàn diện ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Trung ương và địa phương, người dân, doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm, các cấp đều phải hành động, mỗi người đều phải tham gia, huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị. Tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược".

Chủ động đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu, ngành tài chính ngân hàng cần chủ động đưa ra các giải pháp đi cùng, gắn kết, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vai trò của tài chính toàn diện ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, nâng cao khả năng ứng phó, vượt qua những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững...

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng; tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm gia tăng nguồn lực cho việc thực thi Chiến lược.

Thủ tướng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn triển khai chính sách về bảo hiểm vi mô; bảo lãnh tín dụng, đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp đối với thu, nộp thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính, trong đó có thu phí không dừng đường bộ.

Bộ Công an đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định về định danh và xác thực điện tử để có căn cứ pháp lý triển khai kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các cơ quan, tổ chức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ việc lồng ghép giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy tài chính toàn diện một cách thiết thực, hiệu quả, chủ động lồng ghép các mục tiêu về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở cấp cơ sở, góp phần thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

"Cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về tài chính toàn diện, nhất là truyền thông để mỗi người nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên", Thủ tướng lưu ý.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO