Viettel công bố siêu máy tính "khủng", xử lý 20 triệu tỷ phép tính/giây

PV| 12/05/2021 13:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Vừa qua, Trung tâm Không gian mạng Viettel (một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) chính thức vận hành Hệ thống tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu Viettel.

Đây là bước ngoặt giúp Viettel nâng cao năng lực tính toán để xây dựng và vận hành mô hình AI phức tạp hơn trong thời gian ngắn, khi nhu cầu tính toán tăng mạnh cả về số lượng và quy mô theo mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Thực hiện chiến lược quốc gia về AI, Viettel vận hành Hệ thống tính toán hiệu năng cao - Ảnh 1.

Hệ thống AI của Viettel được ứng dụng trong nhiều ngành từ nông nghiệp, tài chính - ngân hàng cho đến y tế...

Hệ thống mà Viettel đầu tư có hiệu năng tính toán thuộc top đầu Việt Nam ở Việt Nam khi đạt 20 Petaflops (20 triệu tỉ phép tính/giây), giúp giảm thời gian huấn luyện máy học giảm hàng chục lần. Nhờ đó, Trung tâm Không gian mạng Viettel có thể huấn luyện song song nhiều mô hình đồng thời, với độ phức tạp cao. Hệ thống này cũng huấn luyện cải tiến mô hình liên tục, rút ngắn thời gian nâng cao chất lượng các mô hình AI.

Siêu máy tính được Viettel đầu tư sử dụng các công nghệ tăng tốc tính toán, thiết bị chuyển mạch và phần mềm đồng bộ, tương tự công nghệ của các siêu máy tính trong Top 500 thế giới.

Việc đưa hệ thống vào vận hành đánh dấu bước phát triển mới của Viettel trong việc hiện thực hóa Quyết định ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 1.

Là doanh nghiệp (DN) an ninh quốc phòng, sở hữu hạ tầng viễn thông và CNTT lớn nhất nước, Viettel đặt mục tiêu giữ vai trò chủ lực ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cũng như các lĩnh vực đảm bảo an toàn dữ liệu, an toàn an ninh mạng, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công, và các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đánh giá: “Viettel quyết tâm đầu tư vào AI, là lĩnh vực quan trọng để thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. Khoản đầu tư này sẽ cho phép Viettel thỏa sức sáng tạo, thu hút các chuyên gia đầu ngành về AI, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ lớn của đất nước về AI”.

“Hệ thống tính toán hiệu năng cao sẽ cho phép Viettel tạo ra các cơ hội doanh thu mới và là công ty tiên phong toàn cầu trong việc sử dụng các giải pháp AI", ông Anish Pandey, Giám đốc ngành dọc khu vực ASEAN của NVIDIA, Công ty điện toán AI số 1 thế giới, chia sẻ.

Trước Viettel, tháng 5/2020, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research, Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố việc đầu tư siêu máy tính AI – NVIDIA. Thiết bị có hiệu năng tính toán lên đến 5 Petaflops (thực hiện 5 triệu tỷ phép tính một giây), với kiến trúc GPU NVIDIA Ampere được chế tạo với quy trình công nghệ 7nm hoàn toàn mới.

Viện VinAI sử dụng siêu máy tính NVIDIA để thử nghiệm với các mô hình AI lớn vượt trội cho các dữ liệu ngôn ngữ, hình ảnh, video để phục vụ cho công tác nghiên cứu chuyên sâu. Siêu máy tính sẽ tối ưu hóa sức mạnh và tài nguyên tính toán của VinAI lên gấp nhiều lần và cho phép VinAI thử nghiệm các mô hình lớn hơn với độ chính xác cao hơn.

Như vậy, với hiệu năng tính toán 20 Petaflops, siêu máy tính của Viettel đang là hệ thống siêu máy tính lớn nhất Việt Nam hiện nay và là một trong những siêu máy tính lớn nhất trong khu vực. Hệ thống của Viettel chỉ kém Dammam-7 (Arab Saudi), siêu máy tính đứng cuối cùng trong top 10 hệ thống tính toán mạnh nhất trên thế giới 0,4 Petaflops.

Siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay là hệ thống Fugaku (Nhật Bản) với hiệu năng tính toán lên đến 442,010 Petaflops (gấp 22 lần hệ thống mới của Viettel). Siêu máy tính Fugaku được xây dựng trên cấu trúc ARM thế hệ mới nhất, thực hiện tính toán hơn 415 triệu tỷ phép tính mỗi giây, nhanh hơn 2,8 lần so với hệ thống Summit - siêu máy tính do tập toàn IBM của Mỹ chế tạo đã từng đứng đầu danh sách top 500 các siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Fugaku đang được sử dụng để nghiên cứu Covid-19 bao gồm việc chẩn đoán, trị liệu và mô phỏng sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Bài liên quan
  • Giải bài toán “khát” chương trình đào tạo về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo tại Việt Nam
    Trong thời đại số hóa ngày nay, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một mũi nhọn quan trọng của những đổi mới tiên tiến mang tính thời đại, tạo ra sự thay đổi trong xu hướng ngành nghề. Nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này, trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mang đến chương trình đào tạo về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo từ Anh Quốc, do Đại học Stirling cấp bằng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viettel công bố siêu máy tính "khủng", xử lý 20 triệu tỷ phép tính/giây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO