Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP: Doanh nghiệp cần hành động ngay

LB| 30/08/2016 09:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Trở thành thành viên của TPP đang mở ra cơ hội cho Việt Nam tiến sâu hơn vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng thách thức cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam cũng từ đó lớn dần bởi những cam kết về chấp hành và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) – tiêu chí được đề cập nhiều nhất trong TPP.

Quyền SHTT đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp bởi quyền SHTT không chỉ là tải sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà là còn công cụ pháp lý để bảo vệ và giúp doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền SHTT đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ có tác động tích cực khi khuyến khích được các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.

SHTT trong TPP không chỉ có những quy định chung cùng những yêu cầu liên quan đến các lĩnh vực hợp tác, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả… mà còn chú trọng vào yếu tố thực thi quyền SHTT này của các quốc gia. SHTT được coi là yếu tố then chốt của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này. Việc tuân thủ yêu cầu, đảm bảo thực thi tốt quyền SHTT trong TPP là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ chính doanh nghiệp cũng như bảo vệ thành quả lao động của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp, mà còn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, việc thực thi quyền SHTT đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều thách thức khi các hành vi xâm phạm ngày càng gia tăng và phức tạp. Chẳng hạn trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Thống kê cho thấy, hiện vẫn có tới 81% phần mềm cài đặt trên máy tính cá nhân tại Việt Nam là “hàng lậu”. Điều này cho thấy rằng, các doanh nghiệp Việt sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa khi tham gia TPP. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT ngay cả khi TPP chưa có hiệu lực và có những bước chuẩn bị về tài chính, nhân lực, về kỹ thuật để khi hội nhập TPP để có thể tránh được các rắc rối có thể xảy ra.

Mặt khác, yêu cầu của TPP là phải xử lý hình sự vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam mới quy định xử phạt vi phạm hành chính. Hiện chúng ta mới chỉ làm tốt việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc thực thi lại rất hạn chế. Do đó, về phía Nhà nước, để đáp ứng các yêu cầu của TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật vì nhiều quy định của luật hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu rất cao của TPP. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng hàng hóa, sản phẩm; Luật Chuyển giao công nghệ...

Như vậy, dù gia nhập hay không gia nhập TPP thì Việt Nam cũng cần phải xác định việc phát triển SHTT là một trong những con đường đúng đắn để nâng cao giá trị của nền kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ lưỡng cả hai yếu tố nguồn lực và thị trường để tham gia sân chơi SHTT của TPP.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP: Doanh nghiệp cần hành động ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO