Tiền Giang: Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT để phục vụ người dân tốt hơn

PV| 17/09/2021 16:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm trở lại đây, Tiền Giang là một trong những tỉnh nằm trong tốp 10 của cả nước về chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index). Tiền Giang đã và đang từng bước hoàn thiện nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước

Hơn 4 năm triển khai "Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước", đã tạo được hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, đến bằng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số liên thông trên phần mềm; sử dụng phần mềm "một cửa điện tử" để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả; 94,73% số cơ quan thực hiện tốt việc cập nhật và xử lý hồ sơ trên phần mềm, 57,9% số cơ quan không có hồ sơ bị chậm…

Tỉnh Tiền Giang xác định "Ðẩy mạnh cải cách hành chính" và "Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước" được coi là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11. Người đứng đầu các cấp cần phải đổi mới tư duy, nhận thức, xem công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Với chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang, tất cả hồ sơ giao dịch của người dân và doanh nghiệp có ra phiếu hẹn đều được số hóa lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử, điều này giúp việc tra cứu, xử lý hồ sơ được thuận lợi, nhanh chóng; đáp ứng việc tra cứu hồ sơ cho người dân qua mã biên nhận hồ sơ, qua tin nhắn trên điện thoại di động, tra cứu bằng mã vạch… Lãnh đạo, công chức tại UBND các xã, phường, thị trấn sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin để quản lý, phân công và xử lý công việc.

Cục Thuế tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT. Đây là đơn vị được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua về cải cách thủ tục hành chính trong nhiều năm liền.

Tiền Giang: Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT để phục vụ người dân tốt hơn - Ảnh 1.

Cán bộ bộ phận một cửa Cục Thuế Tiền Giang tiếp và giải quyết công việc với người nộp thuế. (Ảnh: baotiengiang.vn).

Theo ông Cao Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, ngành đã triển khai ứng dụng CNTT vào công tác quản lý người nộp thuế từ năm 1998. Đến nay, hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu về công nghệ, mức độ đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm hơn 85,3%, mức độ 3 chiếm khoảng 3,7%, mức độ 2 chiếm hơn 11%... Bên cạnh đó, thủ tục hành chính tại cơ quan thuế gồm 166 thủ tục cấp cục thuế và 124 thủ tục cấp chi cục được tiếp nhận và xử lý đúng quy định, trong đó có một số nhóm thủ tục hành chính giải quyết sớm hơn thời gian quy định, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước…

Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng là một trong những đơn vị cấp tỉnh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện chuyên đề thi đua Ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2019. Từ đầu năm 2020, việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương đã được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. Coi trọng ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh, Sở Công thương Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ. Việc thực hiện cơ chế Một cửa được duy trì ổn định, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân.

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Tiền Giang cũng là một trong những địa phương rất chú trọng thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển ngành CNTT trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Từ năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Đề án Công viên phần mềm Mekong. Mục tiêu của Đề án là cung cấp hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nhất là công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tại tỉnh Tiền Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp cho triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh Tiền Giang; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tại Công viên phần mềm Mekong hiện có khoảng 200 kỹ sư làm việc thuộc lĩnh vực CNTT thuộc các bộ phận như: Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Viễn thông Tiền Giang; Trung tâm IT Khu vực 5 - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Trung tâm Giải pháp chính phủ điện tử eGov và Trung tâm Giải pháp y tế điện tử eHealth của Công ty Công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Tiền Giang: Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT để phục vụ người dân tốt hơn - Ảnh 2.

Các kỹ sư trẻ hiện đang làm việc tại Công viên phần mềm sông Mê Kong. (Ảnh: TTXVN)

Cải cách hành chính để phục vụ người dân tốt hơn

Với mong muốn tạo ra các sản phẩm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang luôn chỉ đạo, giám sát và khuyến khích hoạt động ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính (CCHC). Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm sơ kết, đánh giá công tác ứng dụng CNTT và CCHC. Tại Hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đề nghị cần xây dựng kế hoạch, mở rộng ứng dụng CNTT vào CCHC có tính chuyên nghiệp cao; lãnh đạo đơn vị cần thay đổi tư duy, nhận thức trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; tập trung vào đầu tư CNTT nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống người dân, nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống tội phạm; xây dựng kế hoạch triển khai chọn 02 huyện nông thôn mới làm điểm về Chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT; tạo ra phong trào để người dân có thể tiếp cận CNTT rộng rãi và ứng dụng thiết thực hơn trong giải quyết TTHC.

Để có thể làm được điều đó, các cơ quan chức năng trên địa bản tỉnh đã và đang hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh theo Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chế độ công vụ được đẩy mạnh, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19. Về công bố, công khai, nhập dữ liệu TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia, đến nay, UBND tỉnh ban hành 09 quyết định để công bố danh mục 356 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã và cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia, nâng tổng số TTHC của tỉnh hiện có là 2.025 TTHC. Về cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ.

Việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đã triển khai đến tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, đến cấp huyện và cấp xã, ngoài ra còn triển khai cho 25 cơ quan ngành dọc, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh; có 2.033 TTHC và được đăng tải trên Cổng Dịch vụ công tỉnh tại địa chỉ: http://dichvucong.tiengiang.gov.vn, trong đó, tổng số Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: 76 thủ tục, mức độ 3: 1.140 thủ tục, mức độ 4: 817 thủ tục. 

Tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 13/04/2020, tổng số hồ sơ số hóa vào phần mềm Một cửa điện tử (bao gồm mức 2, mức 3 và mức 4) là 158.485 hồ sơ; tổng số hồ sơ đã giải quyết là 150.495 hồ sơ; tổng số hồ sơ đang giải quyết là 7.990 hồ sơ. Về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích, Bưu điện tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua hệ thống bưu điện với 19 cơ quan sở, ngành và 11 UBND thành phố, huyện, thị xã. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Cải cách hành chính và ứng dụng CNTT để phục vụ người dân tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO