Tin ai trong thời INFODEMIC

Lê Quốc Minh| 09/05/2020 07:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước khi tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch (epidemic) trên thế giới vào ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sử dụng một thuật ngữ mới hết sức sáng tạo có cái đuôi “-demic”: “infodemic” (đại dịch thông tin). Trong một báo cáo hồi tháng trước, tổ chức này đã cảnh báo về “một ‘dại dịch thông tin’ quy mô lớn, tức là tình trạng quá dư thừa thông tin – trong đó có cả thông tin đúng lẫn thông tin sai lệch – khiến cho mọi người không còn biết đâu là những nguồn thông tin tin cậy cũng như những chỉ dẫn tin cậy khi họ cần đến”.

Làm thế nào để ngăn chặn đại dịch thông tin

Tối hôm 6/3, khi có tin về một ca dương tính với virus corona chủng mới ở Hà Nội, trong khi các cơ quan chức năng đang gồng mình đối phó thì xảy ra một cơn hoảng loạn trên mạng xã hội cũng như trong các cuộc trà dư tửu hậu. Bên cạnh những hình ảnh ban đầu của việc phong tỏa một khu vực gần hồ Trúc Bạch (Hà Nội) là đủ thứ thông tin thất thiệt: nào là cô này sau khi về nước vẫn đi bar, tham dự một cuộc khai trương rầm rộ, nào là có 3 người nhiễm chứ không phải một dù chưa có xác nhận của cơ quan chức năng y tế.

Thậm chí ai đó lên hẳn một danh sách hơn 20 điểm cần lánh xa vì đây là nơi ở của những người được cho là có tiếp xúc với ca nhiễm, bao gồm cả những nhân viên y tế bệnh viện. Sự sợ hãi biến thành hành động khi nhiều người dân ngay lập tức chạy xuống các cửa hàng mua vét thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu.

Vừa mới vài ngày trước nhiều người dân Việt Nam còn ngạc nhiên và buồn cười khi xem hình ảnh hoặc video cho thấy người dân ở một số quốc gia tranh giành đồ trong siêu thị, những gian hàng trong siêu thị trắng trơn, thậm chí cả tình trạng tích trữ giấy vệ sinh ở Australia mà không ai lý giải được nguyên nhân. Khi dịch mới xuất hiện ở Việt Nam, khá nhiều người vội tích trữ khẩu trang, nước diệt khuẩn, thậm chí cả mì ăn liền, nhưng cũng chưa đến mức ồ ạt như sau sự việc phát hiện ca nhiễm mới thứ 17.

Tin ai trong thời INFODEMIC  - Ảnh 1.

Hôm 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch (epidemic) trên thế giới. Nhưng trước đó, WHO đã sử dụng một thuật ngữ mới hết sức sáng tạo có cái đuôi "-demic": "infodemic" (đại dịch thông tin). Trong một báo cáo hồi tháng trước, tổ chức này đã cảnh báo về một "đại dịch thông tin' quy mô lớn, tức là tình trạng quá dư thừa thông tin – trong đó có cả thông tin đúng lẫn thông tin sai lệch – khiến cho mọi người không còn biết đâu là những nguồn thông tin tin cậy cũng như những chỉ dẫn tin cậy khi họ cần đến".

Thuật ngữ này được tạp chí Technology Review của trường đại học MIT nổi tiếng nhắc đến khi đưa ra đánh giá rằng con virus corona chủng mới đã tạo nên "đại dịch thông tin đầu tiên trên mạng xã hội" vì "mạng xã hội đã đẩy cả thông tin thật lẫn thông tin giả ra toàn thế giới với tốc độ chưa từng thấy, kích thích cơn hoảng loạn, tình trạng phân biệt chủng tộc,… và cả sự hy vọng".

"Infodemic" là từ viết tắt của "information epidemic" vốn xuất hiện vào năm 2003 khi nhà khoa học chính trị David J. Rothkopf sử dụng trong một bài viết trên tờ Washington Post khi ông nhắc đến dịch SARS: "Một vài thông tin có thực, pha trộn với nỗi sợ, sự phỏng đoán và tin đồn, được khuếch đại và chuyển tiếp nhanh chóng ra toàn thế giới bằng những công nghệ thông tin hiện đại, đã có tác động khủng khiếp đến các nền kinh tế, chính trường và cả nền an ninh quốc gia và quốc tế theo những cách thức hoàn toàn không phù hợp với tình hình thực tế".

Ông Rothkopf kể với một nhà báo của Wall Street Journal rằng ông gắn "thông tin" với "đại dịch" để tạo thành từ "infodemic" là vì nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa cách thức một căn bệnh lan ra trong dân chúng và cách mà một ý tưởng nào đó được lan truyền như con virus trên Internet. Trong trường hợp dịch SARS, ông cho rằng đại dịch thông tin còn tác động đến mọi người nhiều hơn chính cái dịch bệnh gây ra nó.

Tin giả và tin thất thiệt đã tồn tại từ lâu, từng được gọi là vấn nạn toàn cầu, từng gây hại cho nhiều cá nhân, nhiều tổ chức và doanh nghiệp, thậm chí làm rối loạn xã hội, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Và dường như chính trong dịch COVID-19 này, tin giả và tin thất thiệt đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi nó đánh trúng vào nỗi lo sợ của mọi người, cả cái bản năng thích lan truyền tin đồn, và có lẽ nghiêm trọng hơn, là lối suy nghĩ rằng những nguồn chính thống thì không bao giờ nói thật.

Mới vài hôm trước thôi, một vài người đều thuộc nhóm có tri thức cao và nắm bắt nhiều thông tin, vẫn hỏi tôi rằng có phải virus corona là sản phẩm của một chương trình vũ khí sinh học tại Vũ Hán, có phải con số người nhiễm được công bố là không đúng, có phải tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này phải trong khoảng 6 đến 18% chứ dứt khoát không thể là 2%. Sự quan tâm và lo lắng đến dịch bệnh này cũng tạo cơ hội cho rất nhiều status trên mạng xã hội về các phương thuốc hoặc cách điều trị hoàn toàn vô căn cứ. Những ý tưởng quái lạ và vô lý không hiểu sao vẫn phát tán và được hưởng ứng trong các nhóm này nhóm kia. Có thể đối với họ, phát biểu chính thức của cơ quan chức năng về bất cứ cái gì cũng là điều không thể tin được.

Có lẽ nhiều người chúng ta đang mơ mộng về một kế hoạch kỳ diệu nào đó để kiềm chế cả con virus corona chủng mới kia lẫn cái đại dịch thông tin mà đa phần là thông tin thất thiệt này. Chúng ta hy vọng có một cái luật nào đó xử lý nghiêm những kẻ tung tin giả, hoặc Facebook sẽ thay đổi thuật toán để xóa bỏ những lời dối trá, giống như việc tìm ra một thứ vắc-xin hiệu quả cho dịch COVID-19.

Đương nhiên những biện pháp từ cấp độ thượng tầng là rất hữu ích. Một hệ thống y tế mạnh sẽ có khả năng đối phó với các dịch bệnh, thì tương tự như việc cần phải củng cố các thiết chế để chống lại thông tin sai lệch, bao gồm cả việc minh bạch thông tin. Những quy định pháp lý chặt chẽ và nghiêm minh vể việc xử lý những đối tượng sản xuất và phát tán tin giả, gây thiệt hại cho cộng đồng là cần thiết, thậm chí có thể còn mạnh mẽ hơn như luật của một số nước với mức phạt lên tới hàng chục ngàn USD và cả án tù rất nặng. Sự hợp tác với các nền tảng công nghệ để dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và xóa bỏ thông tin thất thiệt cũng là cách thức đã và đang được sử dụng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan báo chí chính thống, là một đặc điểm nổi bật của Việt Nam, giúp cho việc ngăn ngừa dịch bệnh cho tới nay rất hiệu quả, được thế giới đánh giá cao, nhưng vẫn chưa quyết liệt và chưa đủ trên trận tuyến chống tin giả, tin sai lệch.

Nhưng rốt cục thì một xã hội muốn chống đỡ được dịch bệnh hay tình trạng tin giả tràn lan thì cũng cần những biện pháp từ dưới lên. Chẳng hạn muốn phòng virus lây nhiễm thì mỗi người dân cần thay đổi thói quen vệ sinh để thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước kháng khuẩn hay năng đeo khẩu trang. Và để phòng ngừa tin giả, tin sai lệch thì mỗi người đừng để bị lâm vào sự hoang tưởng và lo lắng thái quá, đừng chia sẻ thông tin khi chưa suy nghĩ chín chắn. Khi gặp một thông tin báo động, hãy đếm đến 10 và tự hỏi bản thân xem có nên lan truyền thông tin đó không.

Dù là phòng chống virus corona hay đối phó với một câu chuyện kinh sợ dễ lan truyền thì mỗi người đều nên tự lập một rào chắn để làm chậm quá trình lây nhiễm. Những rào chắn đơn lẻ thì có vẻ như quá nhỏ nhoi, nhưng tất cả mọi thành viên trong cộng đồng cùng có ý thức dựng rào chắn thì hiệu quả lại vô cùng to lớn.

Đưa tin thời đại dịch thế nào?

Có thể nói đợt thông tin về dịch COVID-19 kéo dài suốt gần 2 tháng qua là một đợt thông tin chưa từng thấy trên báo chí toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện bất ngờ trên thế giới trong những năm qua – từ những vụ bê bối chính trị, những vụ tấn công quân sự, các vụ đảo chính, các cuộc khủng hoảng tài chính hay những thảm họa thiên nhiên, môi trường… vô cùng kinh khủng – nhưng có lẽ chẳng có sự kiện nào mà mỗi thông tin đều có thể liên quan đến cộng đồng như thông tin về con virus corona hiện nay.

Trong nhiều diễn đàn, nhiều nhóm trao đổi về báo chí, chúng ta thấy rõ không khí chống dịch như chống giặc của xã hội và sự nỗ lực to lớn của giới báo chí. Nhưng đâu đó vẫn có những bài viết, những tiêu đề khiến người làm báo chúng ta phải chau mày, phải nghĩ suy; đâu đó vẫn có những đồng nghiệp mà mối quan tâm chính của họ đối với một bài viết vẫn là việc có bao nhiêu pageview, vẫn có những tranh luận rằng một thông tin có thực mà tại sao lại không nên đăng tải, một bài dịch kết quả nghiên cứu khoa học của nước ngoài tưởng chừng cung cấp thêm kiến thức cho độc giả thì lại gây nên một nỗi lo sợ rộng khắp.

Cần khẳng định rằng đưa tin về dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm, là việc không hề đơn giản, nó khác với lối làm báo thông thường. Và hơn bao giờ hết, các tòa soạn cần phải thể hiện trách nhiệm với xã hội qua từng bài viết, từng bức ảnh hay đoạn video, chứ không phải là chuyện tăng được lượng truy cập. Bây giờ mới chính là lúc mà đứng trước một thông tin, phóng viên và tòa soạn phải quyết định có đăng tải hay không và đăng như thế nào để vừa cung cấp được thông tin cần thiết giúp mọi người không chủ quan với dịch bệnh, lại không làm cho xã hội hoảng loạn.

Tin ai trong thời INFODEMIC  - Ảnh 2.

David Gillmor là một nhà văn đồng thời là cây viết kỳ cựu về lĩnh vực công nghệ, giám đốc của News Co/Lab – một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức và nhận thức về tin tức, tại trường Báo chí và Truyền thông đại chúng Walter Cronkite thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ). Chuyên gia nghiên cứu về tương lai báo chí này cho rằng việc đưa tin về dịch COVID-19 đòi hỏi một sự tập trung đặc biệt, một lối tư duy khác, và phải cởi mở hơn để hợp tác với giới khoa học và chuyên môn. Ông khẳng định bất kỳ hoạt động đưa tin nào về dịch bệnh này cũng phải bình tĩnh, chính xác, minh bạch và hữu ích, và báo chí phải hợp tác với nhiều đơn vị khác.

Dưới đây là một số gợi ý của ông dành cho các tòa soạn khi đưa tin về dịch COVID-19: • Bình tĩnh nhưng quyết đoán, vì sự hoang mang có thể gây thêm nhiều thiệt hại hơn chính bản thân con virus, nếu sự hoang mang đó biến thành cơn hoảng loạn của xã hội. Cần phải bác bỏ những lời dối trả bằng sự thực, thúc đẩy những bản năng tốt đẹp bẩm sinh của cộng đồng, và ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử. Những nhà báo kích thích sự hoảng loạn chính là tự làm đôi tay họ vấy máu.

Rộng, nhưng phải sâu, vì đa phần những thông tin nông choèn mà chúng ta thấy trên báo chí thì chỉ có giá trị câu view chứ chẳng tốt đẹp gì cho công chúng. Cố gắng càng có nhiều góc nhìn càng tốt – với những bài viết đạt tiêu chuẩn cao – nhưng đừng quên nhiệm vụ tổng thể.

Chính xác, bởi mỗi lỗi lầm mà phóng viên mắc phải vào thời điểm như thế này thì sẽ tạo ra một vết thương nữa đối với niềm tin của độc giả, chưa nói đến nguy cơ gây hại cho các cộng đồng mà chúng ta đang phụng sự.

Minh bạch, vì ai cũng thể mắc sai lầm dù chúng ta đã rất cố gắng để làm cho đúng. Hãy cố gắng hơn nữa, nhưng khi mắc sai lầm thì hãy khắc phục ngay và thông báo cho những người đã chứng kiến sai lầm đó, nếu có thể. Minh bạch là cách để tạo niềm tin, chớ có che giấu hoặc lừa dối độc giả.

Tăng cường tương tác, nhất là ở cấp độ địa phương, hay nói cách khác là kết nối với mọi người và cộng đồng thông qua việc trao đổi sâu và hợp tác, chẳng hạn như các thư viện hoặc các hiệp hội.

Kiên quyết chỉ làm những việc hữu ích. Mặc kệ những người khác làm những chuyện lặt vặt, cho dù chúng giúp họ tăng lượng truy cập. Hãy hành động có trách nhiệm để có thể giúp đỡ mọi người được nhiều nhất.

Hãy thiết lập "phòng chỉ huy chiến dịch" với thành phần là các biên tập viên kinh nghiệm, các chuyên gia về đồ họa, các phóng viên (nhất là các phóng viên chuyển theo dõi mảng khoa học, chứ không phải là phóng viên nội chính), các chuyên gia xử lý dữ liệu, cũng như những người có chuyên môn cao và tư duy phụng sự công chúng, nhằm tạo ra sự phối hợp hiệu quả nhất. Đứng đầu chiến dịch này phải là người hiểu rõ về báo chí đồng thời là chuyên gia điều phối các dự án phức tạp trong bối cảnh có khủng hoảng.

Sau đó thành lập một trang kiểu như Wikipedia, cung cấp từ những thông tin cơ bản, trong đó có các bài viết và video (ví dụ cách rửa tay đúng cách) với nhiều đường liên kết (link) được tổ chức gọn gàng, gắn với những thông tin chất lượng cao nhất từ các nguồn tin cậy, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ, các nhà khoa học, các tạp chí y khoa, v.v...

Hãy lập một danh sách chi tiết những gì chúng ta đã biết và những gì chưa biết: không phải là phỏng đoán mà phải là những điều chắc chắn. Chẳng hạn sau đây là những điều chúng ta không biết: tỷ lệ tử vong – chúng ta không biết vì không hề nắm được có bao nhiêu người nhiễm, bao nhiêu người không có triệu chứng, v.v… Mỗi con số xuất hiện đều phải được đặt trong ngữ cảnh và giải thích, và nếu lời giải thích mới dừng ở phỏng đoán thì chớ có đăng tải. Đừng tạo thêm những nỗi sợ hãi không cần thiết.

Hãy lập một trang "Những câu hỏi thường gặp" (FAQ) và sắp xếp theo chủ đề.

Nếu các chuyên gia không nhất trí về điều gì đó thì hãy giải thích lý do tại sao họ không nhất trí, chứ đừng chỉ dẫn lời hai phía, bởi như vậy không phải là báo chí.

Đưa thông tin về virus corona và sự lây lan của nó thì đúng rồi, nhưng không chỉ có vậy mà nên gắn với những thông tin có thể giúp công chúng hiểu về tình hình chung và những gì sẽ xảy đến trong vài tháng hoặc vài năm nữa. Hãy mời các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đưa ra những ý kiến đóng góp về các chủ đề khác nữa ngoài những mối quan tâm về y tế. Mọi người đều muốn góp sức, và hãy tạo điều kiện cho họ.

Khi thông tin thay đổi, hãy cập nhật vào các bài viết. Những người lần đầu đọc các nội dung đó cần được cung cấp những thông tin đầy đủ nhất. Cũng cần có nút "Theo dõi" đề những người đã đọc cũng được bổ sung các chi tiết mới.

(Bài đăng trên tạp chí TT&TT  Số 1 tháng 4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tin ai trong thời INFODEMIC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO