TP. Hồ Chí Minh: Chính quyền điện tử phát huy thế mạnh chống dịch Covid-19

Xuân Tuấn| 09/04/2020 14:22
Theo dõi ICTVietnam trên

TP. Hồ Chí Minh chủ trương ứng dụng triệt để các nền tảng CNTT để triển khai các công việc nhằm góp phần phòng chống dịch Covid-19.

Ứng dụng triệt để các nền tảng CNTT

Từ giữa tháng 2/2020, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương ứng dụng triệt để các nền tảng CNTT vào công tác giám sát dịch tễ, thống kê và thực hiện khai báo y tế nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Phát huy hệ thống mạng dữ liệu liên thông, văn phòng điện tử, truyền hình - hội nghị trực tuyến giữa trung tâm chỉ huy là Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh kịp thời họp bàn, thảo luận nhằm đưa ra những quyết định nhanh, đúng đắn góp phần khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Các buổi họp giao ban định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP. Hồ Chí Minh với các điểm cầu tại trụ sở Thành ủy và UBND Thành phố cũng đã cho thấy sự quan tâm sâu sát, lãnh đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong công tác tuyên truyền, cùng với các cơ quan, báo đài trung ương và địa phương, Thành phố đã triển khai nhiều kênh tương tác trên mạng xã hội để kịp thời chuyển tải đến hơn 10 triệu người dân Thành phố những thông tin mới và chính thống về tình hình dịch bệnh.

TP Hồ Chí Minh: Chính quyền điện tử phát huy thế mạnh chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các DVC đem lại thuận lợi cho người dân (Ảnh:Kinhtedothi)

Đơn cử, bên cạnh trang fanpage Hoạt động Thông tin đối ngoại Thành phố với gần 80.000 lượt theo dõi thường xuyên, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Thành phố còn vận hành tài khoản Zalo để liên tục cung cấp thông tin về Covid-19 cho người dân. Cũng trên kênh thông tin Zalo này, người dùng có thể thực hiện khai báo y tế, qua đó giúp ngành y tế và các đơn vị liên quan của Thành phố giám sát có hiệu quả hơn các thông tin về dịch tễ, nguồn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng (nếu có).

Theo số liệu báo cáo hàng ngày của Sở TTTT gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố: 2 kênh thông tin nói trên là sự hiện thực hóa nhiệm vụ phát huy thế mạnh Internet và các giải pháp CNTT tạo ra các phương tiện truyền thông mới, có hiệu quả hơn, lan tỏa sâu rộng hơn đến mọi tầng lớp nhân dân.

Đây cũng chính là giải pháp thể hiện cam kết của Sở TTTT Thành phố trong nhiệm vụ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, phương thức giao tiếp hiện đại để tăng cường sự tương tác với tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân trên địa bàn.

Sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4 và bưu chính công ích

Trong nhiều năm trở lại đây, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các nền tảng hạ tầng (phần cứng, phần mềm) thiết yếu phục vụ triển khai hàng loạt giải pháp chính quyền điện tử trong tổng thể khung kiến trúc đề án xây dựng Thành phố trở thành Đô thị thông minh.

TP Hồ Chí Minh: Chính quyền điện tử phát huy thế mạnh chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: hochiminhcity.gov.vn

Theo đó,  các giai đoạn cung cấp DVC được chia theo giai đoạn như sau:

TP Hồ Chí Minh: Chính quyền điện tử phát huy thế mạnh chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: hochiminhcity.gov.vn

Chất lượng và số lượng dịch vụ hành chính công (HCC) trực tuyến tăng đều và liên tục được cải thiện, từng bước tạo thói quen cho người dân, tổ chức trong việc sử dụng các DVC liên quan.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về "thực hiện cách ly toàn xã hội", UBND Thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) sử dụng CNTT làm việc tại nhà; khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường cho cá nhân, tổ chức sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và bưu chính công ích.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công, giao việc cho CB, CC, VC, NLĐ qua hệ thống văn phòng điện tử quản lý hồ sơ công việc, qua môi trường mạng; giải quyết, xử lý công việc bằng chữ ký số và quản lý CB, CC, VC, NLĐ thông qua kết quả công việc.

Theo đó, mọi cá nhân, tổ chức có thể thực hiện DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia (DVCQG) (https://dichvucong.gov.vn, Cổng dịch vụ công thành phố https://dvc.hochiminhcity.gov.vn; https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn cũng như các trang DVC trực tuyến của sở, ban, ngành, quận, huyện. 

Khi truy cập các trang này, người dân sẽ đọc thấy hướng dẫn chi tiết 4 bước: đăng ký, đăng nhập, thực hiện và nhận kết quả trực tuyến. Tại đây, người dân cũng có thể tra cứu những loại thủ tục nào được thực hiện trực tuyến tại từng sở, ngành, quận, huyện, phường, xã.

Đại diện UBND Thành phố cũng đề nghị các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với bưu điện giới thiệu rộng rãi đến cá nhân, tổ chức về chính sách ưu đãi cước dịch vụ bưu chính công ích trong mùa dịch Covid-19.

Theo đó, từ ngày 1/4/2020, Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng DVC của Thành phố. Trước đó, từ ngày 30/3, Sở Y tế ra thông báo ngừng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ dịch vụ hành chính công nộp tại đơn vị này để phòng ngừa dịch Covid-19 lây lan.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các cá nhân, tổ chức sử dụng DVC trực tuyến tại nhà đối với các thủ tục hành chính đã được Sở Y tế triển khai thực hiện DVC trực tuyến trên Cổng DVC trực tuyến ngành y tế Thành phố tại địa chỉ https://dichvucong.medinet.org.vn.

Đối với hồ sơ giấy, sau khi hoàn thiện thì cá nhân, tổ chức đến các điểm bưu điện gần nhất để nộp hồ sơ. Sở Y tế cũng phối hợp với ngành bưu điện để hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà.

18 DVC trực tuyến của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh bao gồm 15 dịch vụ mức độ 3 trong lĩnh vực dược - mỹ phẩm và khám, chữa bệnh; 3 dịch vụ cấp độ 4 trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Các Sở TTTT, Khoa học và Công nghệ, Y tế... hiện cũng đã triển khai nhiều DVC trực tuyến cấp độ 3 và 4. DVC trực tuyến cấp độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, DVC trực tuyến cấp độ 4 giống với dịch vụ cấp độ 3 nhưng cho phép người sử dụng nộp hồ sơ thanh toán lệ phí trực tuyến.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Chính quyền điện tử phát huy thế mạnh chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO