TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm

Tâm An| 07/02/2021 18:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 5/7/2017 của HĐND Thành phố.

Theo đó, Thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP; Tăng cường quản lý bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng và chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

Mặt khác, UBND Thành phố yêu cầu tiếp tục phát triển hệ thống thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng mã, tem, nâng cao tỷ lệ ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bảo đảm ATTP; tiếp tục triển khai mô hình chợ bảo đảm ATTP trên địa bàn các quận - huyện, TP. Thủ Đức đạt các tiêu chí về ATTP; mỗi quận - huyện và TP. Thủ Đức triển khai một mô hình chợ truyền thống đảm bảo ATTP.

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Điểm bán thịt có truy xuất nguồn gốc tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV)

Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Ban Quản lý ATTP tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, biểu dương các điển hình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, bảo đảm về chất lượng thực phẩm, việc chấp hành các quy định về ATTP, quảng cáo sản phẩm, ghi nhãn, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Thành phố cần tiếp tục duy trì và phát triển các Đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn", "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm" và dự án "Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP" nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch và đảm bảo chất lượng ATTP cho người dân trên địa bàn Thành phố, cũng như phối hợp với UBND quận - huyện, TP. Thủ Đức tiếp tục duy trì và phát triển mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố.

UBND Thành phố giao Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý ATTP chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; quản lý chợ ATTP. Đồng thời, chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện ATTP tại chợ, siêu thị, chợ đầu mối. Đặc biệt, tham mưu quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trong đó sớm trình UBND Thành phố Quy chế quản lý chợ đầu mối, góp phần tăng cường hành lang pháp lý trong công tác đảm bảo ATTP tại các chợ cửa ngõ cung cấp khối lượng thực phẩm lớn trên địa bàn.

Cùng với đó, UBND Thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu.

UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; triển khai áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp đối với các hộ sản xuất nông sản thực phẩm; phối hợp với Ban Quản lý ATTP trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có xảy ra ngộ độc thực phẩm, quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Giám sát ATTP tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Trước đó, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra quân tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Theo Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, để đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Ban Quản lý ATTP Thành phố đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm Tết, rượu bia, bánh mứt, rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, các kho lạnh tích trữ thực phẩm để phục vụ Tết...

Trưởng Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 về TP. Hồ Chí Minh đang rất dồi dào. Các lực lượng chức năng đang làm hết công suất để thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo ATTP. Trước Tết 2 tháng, Ban đã thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất đặc biệt là ở các kho nguyên liệu. Hiện chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra nhiều ở các kênh phân phối như các chợ truyền thống, cửa hàng;…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO