TP. Hồ Chí Minh: Ứng dụng sâu rộng thành tựu của cách mạng 4.0 là chiến lược hàng đầu

Hồng Vinh| 10/05/2021 18:13
Theo dõi ICTVietnam trên

TP. HCM coi phát triển khoa học công nghệ (KHCNN), ứng dụng sâu rộng thành tựu của cách mạng 4.0 là chiến lược hàng đầu cần thực hiện để tạo sự đột phá trong phát triển.

Phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ số

Tại hội thảo "Định hướng phát triển TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045" do UBND TP. HCM vừa tổ chức, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong hơn 45 năm qua Thành phố là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp nặng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trợ giúp cho TP.HCM phát triển - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong: Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp nặng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, cho rằng: Trong 10 năm tới, phải phát triển kinh tế thành phố trên nền tảng công nghệ số với thế mạnh về 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực. Cùng với đó là có chính sách và giải pháp mang tính đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng, cần có một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của thành phố.

GS. TS. Võ Thanh Thu, Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: Năm 2020, TP. HCM đứng trước thách thức chưa từng có kể từ khi mở cửa kinh tế 1986 đến nay. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP.HCM chỉ đạt 1,39% chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cả nước. Thu ngân sách cũng giảm 14,2%. Sự khó khăn trong phát triển của thành phố trong năm qua chủ yếu đến từ tác động của Covid-19 đến mọi ngành kinh tế.

Tuy nhiên, theo TS. Thu nếu trong thời gian nhiều năm qua thành phố đầu tư mạnh hơn nữa vào phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt hỗ trợ phát triển mạnh công nghệ số trong hoạt động kinh tế và đời sống thì khi dịch bệnh, khủng hoảng toàn cầu diễn ra TP. HCM tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng không cao như trước nhưng vẫn dẫn đầu.

Từ năm 2021, ngoài các giải pháp về phát triển giao thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch phát triển... thì phát triển khoa học công nghệ là chiến lược quan trọng góp phần giúp thành phố nắm bắt các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để ứng dụng chúng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Những điểm sáng khoa học công nghệ tại TP.HCM

Cũng theo thông tin từ hội thảo, trong nhưng năm qua, ngành khoa học công nghệ (KHCNN) TP. HCM đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, với những điểm sáng như sau:

Thứ nhất, TP. HCM đi đầu trong cả nước trong xây dựng và phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC). Sau 20 năm thành lập (2001 - 2021), giá trị xuất khẩu trực tiếp của doanh nghiệp (DN) CNTT năm 2020 tại đây đã đạt đến mức 38.500 tỷ đồng, cao gấp 4 lần 5 năm trước đó.

Trong 20 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư vào QTSC khoảng 200 tỷ đồng, thì tổng vốn thu hút của nhà đầu tư và doanh nghiệp CNTT hơn 6.700 tỷ đồng. Như vậy, ước tính cứ 1 USD đầu tư của Nhà nước QTSC thu hút 33,7 USD đầu tư tư nhân. Theo kết quả đánh giá của KPMG, QTSC xếp thứ 3/8 khu công nghệ tại châu Á; Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc.

TP. HCM: Ứng dụng sâu rộng thành tựu của cách mạng 4.0 là chiến lược hàng đầu - Ảnh 2.

Ảnh: QTSC

Thứ hai, một trong những điểm sáng trong phát triển KHCN tại TP. HCM là thành phố đầu tư hàng vạn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu Công nghệ cao Quận 9 (SHTP). Đến tháng 10/2020 SHTP có 85 dự án đang hoạt động chiếm 53,1% và 75 dự án đang triển khai hoạt động chiếm 46,9%. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao 10 tháng năm 2020 đạt 16,223 tỷ USD tăng 19,82% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 15,403 tỷ USD tăng 23,59% và giá trị nhập khẩu đạt 14,808 tỷ USD tăng 26,78%. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của SHTP ước đạt 80,951 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 76,743 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 70,103 tỷ USD.

Thứ 3, TP. HCM đã phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP. HCM giai đoạn 2013 - 2020" vào tháng 12/2012 với các mục tiêu chung, nhiệm vụ gắn với 7 chương trình, đề án cụ thể như: dự án có liên quan như Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Ươm tạo DN công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch.

Chỉ cách đây trên 5 năm TP. HCM đã có một số sản phẩm như chip vi xử lý 8 bit VN801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105 hay chip SG8V1… Trong đó có không ít dòng chip đã thương mại hóa sản phẩm như thiết bị định vị - hộp đen xe gắn máy, ô tô; khóa container điện tử và sắp đến là điện kế điện tử, nhiều chip thương hiệu Việt đã được thương mại hóa, góp phần nâng cao vị thế ngành vi mạch của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thứ 4, năm 2020 TP. HCM đứng thứ 19/100 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì thành phố trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam. Đến hết năm 2020 TP. HCM đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 lĩnh vực trọng yếu của thành phố (gồm CNTT, cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm và nhựa - cao su - hóa chất)…

TP. HCM đã có gần 2.000 start-up, 350 dự án được ươm tạo, 250 chuyên gia/cố vấn khởi nghiệp (mentors), 109 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo. Có gần 650 DN được ươm tạo, số DN tốt nghiệp hơn 400 (đạt khoảng 62%), trong đó 65 DN gọi vốn thành công. Thông qua các trung tâm ươm tạo của thành phố đã hỗ trợ và phát triển nhiều DN khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo.

Thứ 5, phong trào Internet của vạn vật (IoT - Internet of Things) được phát triển rộng rãi, sâu rộng trong đời sống kinh tế-xã hội của người dân thành phố: Trong dịch vụ hành chính công; trong thương mại điện tử; trong dịch vụ tài chính ngân hàng: thanh toán, gởi tiết kiệm…; trong điều hành vận tải Uber, Grab; trong quản lý thuế; trong giảng dạy và học tập trực tuyến; trong y tế… Việc triển khai thí điểm mạng hạ tầng mạng 5G trên địa bàn thành phố sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa sự ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất dịch vụ và đời sống cá nhân của người dân thành phố.

Thứ 6, Thành phố đã mạnh dạn xây dựng nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá như chính sách thu hút chuyên gia KHCN giỏi trong và ngoài nước đến làm việc. Ngày 3/7/2020, UBND đã công bố quyết định 2393 "Phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP. HCM", TP. HCM là địa phương đầu tiên công bố đề án xây dựng đô thị thông minh, đồng thời cũng là địa phương đầu tiên công bố đề án chuyển đổi số.

Ngày 1/3/2021, UBND TP. HCM đã Ban hành quyết định 672 về việc "Phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. HCM giai đoạn 2021 - 2025", đây là những cơ chế chính sách góp phần tạo hệ sinh thái hấp dẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển KHCN của thành phố trong những năm tới.

Thứ 7, bằng nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, cộng với sự ủng hộ của Trung ương, TP. Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111/2020/UBTVQH14 ngày 9/1/2020. Đây là mô hình mới "Thành phố trong thành phố" đầu tiên ở Việt Nam. Kỳ vọng TP. Thủ Đức trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trung tâm AI, trung tâm phát triển y tế công nghệ cao không chỉ là hạt nhân cho sự tăng trưởng kinh tế thành phố mà cho cả khu vực phía Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Ứng dụng sâu rộng thành tựu của cách mạng 4.0 là chiến lược hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO