TP. Hồ Chí Minh xem xét phương án xã hội hóa dịch vụ công

Trường Thanh| 21/09/2020 16:15
Theo dõi ICTVietnam trên

TP. Hồ Chí Minh có thể sẽ triển khai thí điểm xã hội hóa dịch vụ công (DVC), là một trong những phương án của Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) - Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã thông tin trong buổi làm việc với Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây.

Sáng tạo cách làm, đổi mới phương thức giải quyết DVC

Cục Kiểm soát TTHC đánh giá, TP. Hồ Chí Minh tiên phong đi đầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế của Thành phố có sự khác biệt, cả về quy mô diện tích và nếu thực hiện mô hình một cửa tập trung cấp tỉnh (mô hình trung tâm hành chính công) sẽ xảy ra ách tắc, do vậy Thành phố vẫn thực hiện phân tán ở các sở/ngành và thực hiện một cửa tập trung ở cấp quận, huyện và cấp xã, phường.

Về một số kết quả thực hiện Nghị định 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, có 1.474 thủ tục được giải quyết qua cơ chế một cửa cấp sở/ngành; 199 thủ tục cấp quận/huyện; 113 thủ tục cấp xã/phường. Trong đó, có 451 thủ tục được giải quyết theo cơ chế liên thông cùng cấp; có 371 thủ tục thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền; thực hiện 4 tại chỗ 83 thủ tục.

Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong tháng 6 là trên 6,621 triệu hồ sơ, đã giải quyết hơn 6,506 triệu hồ sơ. Tỉ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn đạt 99,19%.

Các cấp chính quyền trên địa bàn đang cung cấp 668 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 với trên 660.000 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 19,6% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2020.

Về xây dựng quy trình nội bộ theo Nghị định 61, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 47 quyết định, phê duyệt trên 800 quy trình nội bộ, trong đó có 73 quy trình liên thông giữa các sở ngành…

Cũng theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện, có nhiều đơn vị sáng tạo cách làm, đổi mới phương thức giải quyết DVC nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, giảm thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp (DN). Sở Công Thương và quận Tân Phú là 2 trong số những đơn vị điển hình thực hiện thí điểm cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

TP. Hồ Chí Minh xem xét phương án xã hội hóa dịch vụ công - Ảnh 1.

Đổi mới phương thức giải quyết DVC nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, giảm thời gian đi lại của người dân, DN. Ảnh: HT

Tại Sở Công Thương, hiện có 117 TTHC, trong đó có 68 thủ tục mức độ 4 (người dân thực hiện TTHC qua mạng và nhận kết quả qua bưu điện).

Sở Công Thương đã tăng cường chức năng kiểm soát quy trình giải quyết tại sở nhằm giám sát hiệu quả về thời gian, giảm thời gian thực hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ trong quá trình tiếp nhận. Sở cũng tiến hành thí điểm giải quyết hồ sơ TTHC tại chỗ với 14 TTHC; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn TTHC nhằm hỗ trợ người dân thực hiện đúng các quy định TTHC và tăng tỉ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4.

Đồng thời, Sở cũng áp dụng quy trình giải quyết TTHC theo Quy chuẩn ISO9001-2015 quy định cụ thể thời gian cho từng bộ phận, từng cá nhân xử lý công việc, áp dụng phần mềm nhắc việc và cảnh báo thời gian xử lý từng công đoạn…

Sau một năm triển khai (từ 1/7/2019 đến 31/8/2020), Sở Công Thương tiếp nhận 85.573 hồ sơ, đã giải quyết 85.382 hồ sơ và chỉ có 3 hồ sơ trễ hẹn do lỗi kỹ thuật và thao tác trên phần mềm.

Trong khi đó, thực hiện Nghị định 61, quận Tân Phú tổ chức sắp xếp lại cơ sở vật chất và con người tại bộ phận một cửa. Để khắc phục việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC, quận Tân Phú triển khai thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả). Khi nhận hồ sơ, quận tiến hành giải quyết, trả hồ sơ ngay. Tân Phú có 205 TTHC thì 53 TTHC được giải quyết 4 tại chỗ, giúp giải quyết nhanh TTHC cho người dân và DN.

Ba phương án giải quyết dịch vụ công

TP. Hồ Chí Minh có trên 320 xã/phường, 24 đơn vị cấp quận/huyện, trên 20 sở ban ngành, các ban quản lý các khu công nghiệp và sẽ tương ứng với từng ấy điểm giải quyết thủ tục. Nhưng hiện nay cơ chế một cửa gắn với thẩm quyền cơ quan hành chính một địa phương, với một cơ quan nhất định và người dân muốn làm thủ tục phải đến đúng nơi mình định cư. Như vậy, người dân vẫn phải qua nhiều cửa khi cần giải quyết TTHC.

Khắc phục những bất cập trên, VPCP xây dựng Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. TP. Hồ Chí Minh là một trong số những địa phương được chọn thí điểm đổi mới, sau khi sơ kết sẽ nhân rộng toàn quốc.

Về những điểm đổi mới của Đề án lần này, Cục Kiểm soát TTHC cho biết đang xây dựng 3 phương án thực hiện.

Thứ nhất, tổ chức bộ phận một cửa theo hướng phi địa giới hành chính. Như vậy bộ phận hành chính một cửa sẽ có quyền tiếp nhận tất cả hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết, xử lý hồ sơ vẫn tôn trọng vai trò của địa phương. Nghĩa là người dân có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ cấp hành chính nào và nơi đó có trách nhiệm chuyển hồ sơ về đúng nơi có thẩm quyền xử lý.

Thứ hai là xã hội hóa DVC ở một số quy trình nhất định. Theo đó, địa phương chủ động lựa chọn DN, tổ chức đủ năng lực chuyển giao và quyết định những bước nào thì xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ ba, song song với việc chuyển giao một số DVC, sẽ chuyển giao việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị đối với quá trình gián tiếp và thực hiện song song để người dân lựa chọn.

Sau khi nghiên cứu ưu/nhược điểm của 3 phương án, nhiều ý kiến đang nghiêng về việc xã hội hóa DVC.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh xem xét phương án xã hội hóa dịch vụ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO