Trang bị cho thế hệ trẻ ASEAN sẵn sàng với tương lai

TH| 30/10/2018 16:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Thế hệ trẻ là nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế và xã hội trở nên phát triển và năng động hơn. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể đạt được nếu họ được hưởng một nền giáo dục có chất lượng từ nhỏ. Do đó, việc cung cấp một môi trường học tập sáng tạo và hiệu quả là một thách thức đang diễn ra ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Cần sớm đầu tư cho thanh thiếu niên

Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới việc phát triển công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những tiến bộ trong kỹ thuật di truyền, trí tuệ nhân tạo, robot học, công nghệ nano và sinh học có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi công việc, nhất là trong các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, nhất là lao động trẻ - nguồn lực mà ASEAN hiện đang nổi trội.

Theo các nhà phân tích, mỗi quốc gia ASEAN cần phải chuẩn bị kỹ hành trang cho lực lượng dân số trẻ của mình trong tương lai. ASEAN phải đào tạo người dân có sự chuẩn bị linh hoạt, thích nghi và sẵn sàng học hỏi suốt đời, sẵn sàng thay đổi khi bản chất của công việc thay đổi.

Điều kiện tiên quyết để phát triển nguồn nhân lực này là thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của lực lượng lao động này thông qua việc phát huy tinh thần doanh nhân trẻ và một chương trình giáo dục linh hoạt hơn. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) hiện có hơn 2 tỷ người sinh sống, khoảng 580 triệu người trong số đó ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của UNICEF, khu vực này có khoảng 277 triệu trẻ vị thanh niên (10-19 tuổi), chiếm hơn 13% số trẻ vị thành niên trên thế giới. Đây cũng chính là lực lượng lao động chính trong tương lai và cần được đào tạo tốt để cống hiến sức lao động nhằm thúc đẩy kinh tế. Bà Henrietta Fore, Tổng giám đốc UNICEF cho biết: “Đây là thời khắc trọng đại. Nếu chúng ta khéo léo và hành động nhanh chóng, chúng ta có thể trang bị kỹ năng cho người trẻ vì xã hội hòa bình và thịnh vượng”,.

Theo báo cáo “The Learning Generation: Investing in Education for a Changing World” của Ủy ban Giáo dục của UNICEF, đến năm 2030, chỉ 50% người trẻ tuổi ở các nước có thu nhập trung bình và chỉ 1 trong 10 người trẻ tuổi ở các nước có thu nhập thấp sẽ hoàn thành giáo dục trung học cơ sở. Trong khu vực EAP, hơn 27 triệu trẻ vị thành niên (gái và trai) không được đi học. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong việc mở rộng tiếp cận giáo dục trong những năm qua trên toàn khu vực nhưng hiện vẫn có 7,2 triệu (4%) trẻ ở cấp tiểu học, 8,5 triệu (10%) ở cấp trung học cơ sở và 18,5 triệu (23%) cấp trung học phổ thông không được đi học. Đây không những là sự lãng phí tiềm năng mà còn là lãng phí đầu tư. Trong đó, tỷ lệ các em gái không được tiếp cận với giáo dục không chỉ cao hơn ở bậc trung học cơ sở so với bậc tiểu học mà còn tăng dần từ bậc trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Nhiều trẻ em gái tuổi vị thành niên vẫn bị buộc thôi học để lấy chồng.

Chỉ có rất ít quốc gia đầu tư vào các chính sách và chương trình để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực giới tính, xâm hại trẻ em hay giáo dục tình dục toàn diện. Tại nhiều quốc gia, việc mang thai ở các em gái trong độ tuổi đi học đã khiến họ bỏ học hoàn toàn. Tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) tại Đông Nam Á hiện tại khá cao, với khoảng 47 trẻ trên 1.000 trẻ em gái. Thậm chí, nhiều trẻ vị thành niên đã thực hiện nạo phá thai không an toàn, dẫn tới mắc chứng rò sản khoa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống.

Việc mang thai và kết hôn ở các nước ASEAN như Thái Lan, Campuchia, Philippines và Lào cho thấy những rào cản về giới tính đã hạn chế các cô gái trẻ phát triển khả năng của mình thông qua giáo dục và học tập, ràng buộc họ vào các lựa chọn cuộc sống, dẫn tới khó thể tham gia trong thị trường lao động cạnh tranh hiện nay.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu toàn cầu về trẻ em còn cho thấy tại một số quốc gia, khu vực vùng sâu, vùng xa, chi phí cơ hội cho giáo dục và /hoặc các khoản thu nhập thấp đã hạn chế sự tiếp cận giáo dục chất lượng cao đối với các nhóm bị thiệt thòi trong xã hội. Các gia đình nghèo thường phải khó khăn trong việc lựa chọn cho con tham gia giáo dục trung học và đại học. Những xem xét khác như an toàn giao thông và thiếu tiếp cận với phương tiện giao thông công cộng an toàn cho trẻ em cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của gia đình về việc liệu có nên đầu tư vào giáo dục cho con hay không.

Trang bị các kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21

Để phát triển một nền kinh tế số, việc phát triển nguồn nhân lực được xem là một thách thức đối với hầu hết các thành viên ASEAN, ngoại trừ Singapore . Cải cách giáo dục là một thuật ngữ thông dụng ở tất cả các nước ASEAN, tuy nhiên mỗi nước đều thấy việc triển khai gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến việc thực hiện trên quy mô toàn khu vực. Với hơn một nửa dân số của khu vực này là thế hệ trẻ, ASEAN cần giáo dục và đào tạo lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy đổi mới.

Mặc dù, đầu tư vào giáo dục trong những năm qua đã được chú trọng thực hiện, tuy nhiên việc học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thế hệ trẻ cũng như những thay đổi và nhu cầu quan trọng của các nền kinh tế hiện đại. Các ngữ cảnh học tập không phải lúc nào cũng góp phần phát triển và cải thiện những kỹ năng cho thanh thiếu niên, đôi khi còn áp dụng phương pháp tiếp cận truyền thống, lạc hậu, hạn chế sự tham gia của trẻ . Các vấn đề chính liên quan đến việc tăng cường hệ thống giáo dục được giải quyết không triệt để, toàn diện, ví dụ như cải thiện dữ liệu và giám sát hiệu quả tiến độ; nâng cao năng lực của giáo viên về các phương pháp sư phạm khoa học, sáng tạo mới…

Việc chuyển đổi phương pháp học tập và kỹ năng cho thanh thiếu niên sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận sáng tạo và linh hoạt, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục, tiếp cận kiến ​​thức và kỹ năng thông qua công nghệ,… Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cũng nên chú trọng đến việc trang bị cho thế hệ trẻ các kỹ năng về công nghệ thông tin, cũng như các thành tựu của khoa học công nghệ để có thể làm chủ được máy móc, vận hành các công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu việc làm mới.

Đầu tư và đổi mới giáo dục

Sự sáng tạo và tự thể hiện của thanh thiếu niên là những yếu tố chính thúc đẩy sự đổi mới trong khu vực. Trong đó, hệ thống giáo dục và những ảnh hưởng tích cực của nó đối với sự phát triển kỹ năng và năng lực, mối quan hệ xã hội và sức khỏe (tinh thần và thể chất) có vai trò quan trọng đối với thế hệ trẻ. Cơ hội học tập tích cực và sự tham gia của trẻ vị thành niên sẽ trao quyền cho họ và xây dựng kỹ năng, tạo tiền đề cho những đổi mới và tinh thần kinh doanh để phát triển mạnh. Tiềm năng và thành công của những người trẻ tuổi có thể được thúc đẩy thông qua các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội, các công ty khởi nghiệp và vườn ươm.

Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, chính phủ cần triển khai các các chương trình bảo trợ xã hội mà tập trung vào việc giảm chi phí gián tiếp và các chi phí cơ hội cho gia đình, bao gồm cả việc cắt giảm học phí; các chương trình cung cấp học bổng và trợ cấp.

Có thể thấy, các kỹ năng của thế kỷ 21 sẽ rất quan trọng trong tương lai, do đó việc giáo dục cần phải tiếp tục khai thác và phát huy các kỹ năng học thuật và phi học thuật, nhằm mang đến các cơ hội phát triển cho thanh thiếu niên. Để làm được điều này, cần kết hợp giữa thống giáo dục với các lĩnh vực quản trị khác, bao gồm phúc lợi xã hội, y tế, quản lý địa phương và vận tải, và với khu vực tư nhân, để đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng tăng của thanh thiếu niên ASEAN và xã hội trong một thế giới thay đổi nhanh hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trang bị cho thế hệ trẻ ASEAN sẵn sàng với tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO