Trao 43 Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2022

Minh Thiện| 02/12/2022 08:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Những thành phố triển khai thành phố thông minh/đô thị thông minh (TPTM/ĐTTM) đạt hiệu quả cao và các giải pháp số cho đô thị xuất sắc vừa được vinh danh.

Hiệu quả triển khai chưa đồng đều giữa các địa phương

Tối ngày 01/12/2022 tại Hà Nôi, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam 2022. Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ (KHCN) và Môi trường Quốc hội đã tham dự và Trao Chứng nhận cùng cúp vinh danh các đơn vị, doanh nghiệp (DN) xuất sắc đạt Giải.

Giải thưởng TPTM Việt Nam được VINASA tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ làm thông minh hoá công tác công tác quản lý, điều hành đô thị, dịch vụ tiện ích cho người dân, DN giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng khuyến khích các DN sáng tạo các sản phẩm giải pháp công nghệ tiên tiến, là kênh kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển TPTM tại Việt Nam. Đến nay, đã có 99 giải thưởng đã được trao, trong đó có 12 giải dành cho các Đô thị, 2 giải dành cho các dự án Bất động sản, và 84 giải dành cho các giải pháp công nghệ.

Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cùng quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa.

Việt Nam hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương và 58 tỉnh với 705 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, 81 thành phố thuộc tỉnh (trong đó có 1 thành phố đảo), 50 thị xã, 46 quận và 527 huyện (trong đó có 11 huyện đảo) và 10.599 đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) trong đó có 614 thị trấn, 1.737 phường. 

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển ĐTTM; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh… Có thể thấy việc thực hiện và triển khai xây dựng, phát triển TPTM tại các tỉnh thành phố, khu đô thị còn đang ở các mức độ rất khác biệt.

Trao 43 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA: Chúng ta đang bắt đầu kiến tạo các thành thành phố thông minh

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng, chia sẻ: "Có thể thấy, các thành phố tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng, cùng với công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, chúng ta đang bắt đầu kiến tạo các thành "TPTM" - những thành phố mà trong tương lai gần có khả năng thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để tự động hóa quy trình, cải thiện chất lượng dịch vụ, tương tác tốt hơn với người dân". 

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, đây vừa là câu chuyện riêng của từng đô thị, vừa là câu chuyện lớn của quốc gia. Chính phủ đã có những chính sách lớn như Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ để tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho việc xây dựng TPTM. Ở cấp độ thực thi, việc phát triển các TPTM đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm cao để thực hiện. Cùng đó là vai trò của các DN công nghệ tham gia vào quá trình này. Đây cũng chính là ý nghĩa và mục tiêu lớn mà các sự kiện về TPTM do VINASA tổ chức thường niên hướng đến: cổ vũ phong trào phát triển thành phố thông minh, phát hiện, khuyến khích và vinh danh những đơn vị đóng góp tích cực vào công cuộc kiến tạo nên những thành phố thông minh cho đất nước".

Giải thưởng cho nhiều lĩnh vực

Giải thưởng TPTM Việt Nam 2022 được phát động từ ngày 08/08/2022. Sau gần 3 tháng triển khai, Giải thưởng đã nhận được 148 đề cử, sơ loại và chọn vào vòng thuyết trình 68 đề cử từ 44 đơn vị. Qua 03 vòng đánh giá Sơ tuyển, Thuyết trình và Chung tuyển, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước... do TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch được thành lập, đánh giá và đã lựa chọn trao 43 Giải thưởng TPTM Việt Nam 2022 bao gồm:

- 01 Giải thưởng xuất sắc nhất được trao cho TP. Đà Nẵng. Đây là lần thứ 3 Đà Nẵng được vinh danh TPTM xuất sắc Việt Nam

- 08 Giải thưởng dành cho 06 thành phố theo từng lĩnh vực:

+ Thành phố điều hành và quản lý thông minh dành cho TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; TP. Đồng Xoài tỉnh Bình Phước;

+ Thành phố Giao thông và Logistics thông minh dành cho TP. Đà Nẵng

+ Thành phố Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo dành cho Tỉnh Thừa Thiên Huế, và TP. Đà Nẵng

+ Thành phố Ứng dụng thông minh phục vụ công dân và DN dành cho TP. Đà Nẵng và tỉnh Thái Nguyên

Trao 43 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 - Ảnh 2.

Giải thưởng được trao cho đại diện các thành phố

- 34 Giải thưởng dành cho các giải pháp số cho đô thị, bất động sản và bất động sản công nghiệp thông minh, 09 giải pháp xuất sắc nhất trong số này được xếp hạng 5 sao

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết: "Xu hướng phát triển ĐTTM ngày nay cũng phần nào thúc đẩy lãnh đạo địa phương, DN xây dựng những dự án thông minh. Năm nay số lượng các tỉnh, thành phố tham dự giải thưởng nhiều hơn so với năm ngoái, điều này chứng tỏ sự quan tâm rất cao của lãnh đạo các địa phương. Có một số tỉnh, thành phố tuy mới lần đầu tham gia nhưng đã có nhiều sản phẩm, giải pháp tốt và được đánh giá cao như Thái Nguyên". 

"Việc xây dựng TPTM cũng như xã hội thông minh là một xu hướng không thể đảo ngược trong cuộc CMCN lần thứ 4. Việc tổ chức Giải thưởng Thành phố thông minh đáp ứng nhu cầu của xã hội và của đất nước trong giai đoạn đổi mới, CĐS. Bên cạnh việc lựa chọn được những địa phương làm tốt, những dự án tốt về ĐTTM để có thể vinh danh, nhân rộng điển hình cho các địa phương khác mà còn tạo động lực cho sự phát triển của xã hội, thúc đẩy và cạnh tranh các địa phương khác", ông Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Trao 43 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 - Ảnh 3.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia trong hội đồng Giải thưởng, mức độ triển khai xây dựng và phát triển TPTM của các tỉnh thành tại Việt Nam ngày càng tốt hơn. Tỉnh thành có sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo sẽ có mức độ triển khai xây dựng TPTM nhanh và hiệu quả hơn.

Về phía các DN, Giải thưởng TPTM Việt Nam 2022 cũng ghi nhận sự đa dạng các dịch vụ, giải pháp công nghệ phát triển giải quyết các vấn đề của các đô thị hiện đại ở hầu hết các lĩnh vực. 34 Giải thưởng dành cho các giải pháp công nghệ thuộc 17 hạng mục khác nhau từ chính quyền, giao thông, môi trường đến y tế, nông nghiệp, xây dựng, du lịch... Điều này cho thấy, các DN công nghệ Việt Nam không chỉ ngày càng hoàn thiện về trình độ công nghệ, trình độ lĩnh vực chuyên môn, mà còn đang rất nỗ lực đóng góp vào cuộc cùng các thành phố giải quyết tất cả các vấn đề tồn tại nhằm sớm đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển TPTM, bền vững tại Việt Nam và tiến trình CĐS quốc gia.

Trao 43 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 - Ảnh 4.

Các giải pháp cho TPTM xuất sắc được trao cho các doanh nghiệp

09 giải pháp xuất sắc được Hội đồng giám khảo bình chọn 5 sao bao gồm: (1) Nền tảng nhà thông minh Vconnex của Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Vconnex; (2) Giải pháp Eastern Sun Smart Factory của Công ty CP Eastern Sun Việt Nam; (3) Giải pháp điều khiển phòng thông minh - thế hệ mới (sRMS) của Công ty CP TNTech; (4) Giải pháp mFarm của Công ty CP công nghệ Mobifone toàn cầu; (5) Bộ giải pháp Cửa hàng xăng dầu thông minh EGAS của Công ty CP Tin học Viễn thông Petrolimex; (6) Siêu ứng dụng Momo của Công ty CP dịch vụ Di động trực tuyến; (7) Phần mềm quản lý GPP/GDP - Giải pháp thông minh trong Kinh Doanh Dược của Công ty CP SPHACY; (8) Giải pháp Công nghệ cho An ninh Công nghệ cho Tòa nhà và Khu dân cư Thông minh -Sức khỏe của Công ty TNHH Sáng Tạo TMA; (9) Giải pháp Phần mềm Dịch vụ công và Một cửa điện tử - VPS Cloud của Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel. 

Các giải pháp công nghệ số ghi nhận sự xu hướng tự động hóa, thông minh hóa với những công nghệ mới như: dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), 3D, thực tế ảo/thực tế mở rộng (VR/XR)… không chỉ giúp thuận lợi cho các thành phố trong điều hành quản lý mà còn đem đến những trải nghiệm đơn giản và hữu ích dành cho người dân và DN.

Theo thống kê, riêng 34 giải pháp số cho TPTM từ được trao Giải thưởng đã có tổng doanh thu trên 350 tỷ đồng. Các giải pháp đều được ứng dụng những công nghệ mới như AI, IoT, chuỗi khối (blockchain), AR, VR, 28 DN Công nghệ có giải pháp được trao Giải có tổng số nhân lực là 172.213 người.

Theo kế hoạch, danh sách các Giải thưởng TPTM Việt Nam 2022 sẽ được giới thiệu tới hơn 5000 cơ quan, đơn vị, DN tổ chức đối tác tiềm năng trên toàn quốc, thúc đẩy hợp tác giữa các bên, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TPTM, bền vững của chính phủ và các chính quyền địa phương trên toàn quốc./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trao 43 Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO