Trao sức mạnh của công nghệ phân tích cho ngành tài chính

13/02/2020 19:00
Theo dõi ICTVietnam trên

59% các tổ chức lớn nhận định “sự khó khăn trong việc trích xuất dữ liệu từ các nền tảng cũ” là thử thách chính đối với việc đạt được các mục tiêu phân tích của họ.

Tài chính là bộ phận hỗ trợ đặc biệt quan trọng trong bất cứ doanh nghiệp nào trên toàn cầu. Từ việc đảm bảo sự tuân thủ các quy định pháp lí, tới việc giúp đưa ra những quyết định quan trọng mang tính định hướng cho doanh nghiệp, dữ liệu tài chính trên hết cần phải đặc biệt chính xác và mang lại thông tin giá trị nhằm vạch ra các cơ hội phát triển và đóng góp cho sự thành công của người dùng cũng như của khách hàng.

Dẫu vậy, theo một khảo sát toàn cầu, hơn một phần ba trong số 700 lãnh đạo tài chính cao cấp tại các thành phố của Mỹ, Anh, Singapore… cho biết họ đang dành nhiều thời gian vào việc thu thập dữ liệu hơn là phân tích chúng. Đồng thời, 59% các tổ chức lớn cũng nhận định “sự khó khăn trong việc trích xuất dữ liệu từ các nền tảng cũ” là thử thách chính đối với việc đạt được các mục tiêu phân tích của họ.

Điều này cho thấy các lãnh đạo tài chính đang cảm thấy ngày càng khó để bắt kịp với tốc độ thay đổi nhanh chóng của việc kinh doanh và yêu cầu cập nhật thông tin theo thời gian thực. Kết quả là, theo thời gian, khả năng cao sự chính xác của dữ liệu sẽ bị đánh đổi vì những áp lực này. 

Có người cho rằng lí do là trước đây các chuyên gia tài chính đã phó mặc việc nâng cấp khả năng phân tích trong tổ chức cho các phòng ban khác. Tuy nhiên, những vụ bê bối cấp cao liên quan tới báo cáo tài chính sai lệch gần đây và áp lực yêu cầu các phòng ban hỗ trợ đảm nhận thêm các vai trò chiến lược đã buộc họ phải suy nghĩ về việc làm thế nào để dùng công nghệ nâng cao khả năng quản lí và minh bạch dữ liệu trong toàn bộ doanh nghiệp. 

Mở ra các cơ hội chiến lược cho ngành tài chính 

Từ việc định hướng dài hạn tới các báo cáo ngắn hạn, phòng tài chính luôn cần đưa ra những đánh giá rủi ro đầu tư và hoạt động kinh doanh hoàn toàn chính xác. Nhưng thực tế là không ai háo hức trước viễn cảnh chạy theo các con số. Họ đơn giản chỉ muốn có được câu trả lời cho các câu hỏi của mình. Vậy làm thế nào các chuyên gia tài chính có thể khiến dữ liệu “làm việc” tích cực hơn và nhanh hơn cho mình? Có một vài yếu tố quyết định. 

Để có thể quản lý chính xác và xử lý nhanh chóng dữ liệu, phần mềm Hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP - Một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào vào quản lý hoạt động kinh doanh, thu thập dữ liệu, lưu trữ, phân tích diễn giải. Bộ tích hợp bao gồm nhiều công cụ: kế hoạch sản phẩm, chi phí sản xuất hay dịch vụ giao hàng, tiếp thị và bán hàng, quản lý kho quỹ, kế toán phù hợp với tập đoàn công ty lớn. Một số thương hiệu phần mềm ERP nổi tiếng có thể kể tới như: OpenERP, OpenBravo, WebERP, ERP5…) đáng tin cậy với khả năng phân tích, giúp tự động hóa các công việc cơ bản cũng như đưa ra các hiểu biết có giá trị chính là nền tảng cho mỗi phòng tài chính hiện đại. Việc ứng dụng ERP cho phép các chuyên gia tài chính chuyển từ mô hình doanh nghiệp phụ thuộc vào bảng tính và phương pháp thu thập-báo cáo sang doanh nghiệp có thể tận dụng dữ liệu nhằm đưa ra các quyết định chiến lược cho toàn bộ các phòng ban. Một ví dụ tiêu biểu là đưa ra dự báo về nguồn cung và cầu giúp điều hướng chiến lược tiếp thị và bán hàng trong một khu vực. Đây là quy trình phức tạp, tạo ra những thay đổi lớn trong toàn bộ quy trình kinh doanh, quản lý và truy cập dữ liệu, cũng như văn hóa ra quyết định trong tổ chức.

Một khía cạnh quan trọng khác là việc đem lại hướng tiếp cận mới cho nhiệm vụ phân tích của các chuyên gia tài chính, mang đến công cụ thông báo về những chỉ số đo lường tài chính quan trọng. Ví dụ, họ có thể đặt cảnh báo trên các Chỉ số đo lường Hiệu suất (KPI) có liên quan nhất, xem xét dữ liệu thông qua hình ảnh và tường thuật, từ đó chia sẻ các phát hiện với đồng nghiệp thông qua các nền tảng truyền thông xã hội trên điện thoại di động hoặc máy tính xách tay của họ.

Tiến thêm một bước nữa trên hành trình tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng trong doanh nghiệp, khả năng phân tích dữ liệu cần được tích hợp vào công việc hàng ngày của nhân viên. Thay vì bắt người dùng phải đi tìm dữ liệu, dữ liệu cần phải tự tới được với người dùng. Phần mềm Hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) hiện đại nhất hiện nay được xây dựng trên nền tảng Đám mây cung cấp Phần mềm dạng một Dịch vụ (SaaS) nhúng các thuật toán học máy, liên tục tiếp nhận cách mỗi người dùng tương tác với hệ thống, từ đó có thể cá nhân hóa dữ liệu và hợp lý hóa các quy trình. Điều này cho phép việc trực quan hóa KPI được cá nhân hóa cao theo nhu cầu người dùng và xác định ngưỡng của từng chỉ số đo lường, đồng thời chạy các kịch bản giả định và theo dõi tiến trình hướng tới mục tiêu.

Các Giám đốc Tài chính (CFO) và đội ngũ của họ đóng vai trò ngày càng chiến lược trong việc thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới, giúp gia tăng hiểu biết và tính linh hoạt, đồng thời kích hoạt các mô hình kinh doanh mới. Để hỗ trợ quản lý các quy trình kinh doanh và đưa ra các quyết định quan trọng trong doanh nghiệp, phần mềm Hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp ERP phải được thiết kế để triển khai nhanh chóng với các Chỉ số đo lường Hiệu suất (KPI) thực tiễn được cung cấp bởi công nghệ học máy, đưa ra thông tin chi tiết dự đoán và cho phép người dùng theo dõi hiệu suất kinh doanh theo các số liệu họ đặt ra, phân tích sâu chi tiết, xem xét xu hướng, và cuối cùng đưa ra quyết định sáng suốt và nhanh chóng.

Thúc đẩy sự bùng nổ kỹ thuật số tại Việt Nam

Tại Việt Nam, chuyển đổi kỹ thuật số hiện là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp ở tất cả các ngành công nghiệp. Nhiều Giám đốc Tài chính (CFO - Chief Financial Officer) và Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO - Chief Information Officer) đã nhanh chóng bắt kịp làn sóng này, với việc chuyển các phần mềm Hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) lên đám mây để hợp lý hóa quy trình công việc và nâng cao kết quả kinh doanh.

Dẫn đầu chuyển đổi kỹ thuật số là Ngân hàng Thương mại Châu Á (ACB), một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất và đồng thời thuộc nhóm các tổ chức tài chính ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất tại Việt Nam. Với 346 chi nhánh cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại và bán lẻ, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, thẻ tín dụng, cho vay và các dịch vụ tài chính khác cho hơn bốn triệu khách hàng trên toàn quốc, Ngân hàng Thương mại Châu Á (ACB) là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chuyển sang hệ thống Phần mềm Hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) dựa trên công nghệ điện toán đám mây và được cung cấp dưới dạng SaaS (SaaS ERP). SaaS (Software-as-a-Service) - một trong những dạng điện toán đám mây phổ biến nhất - được định nghĩa là mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm; trong đó nhà cung cấp không bán sản phẩm phần mềm mà bán dịch vụ dựa trên phần mềm đó. Nói đơn giản hơn, nhà cung cấp tạo ra và duy trì một phần mềm chạy trên nền web, và khách hàng có thể truy cập từ xa thông qua internet sau khi trả một khoản phí đăng ký định kỳ (hàng tháng, quý, năm).

Việc chuyển đổi này cho phép Ngân hàng Thương mại Châu Á ACB xử lý các hoạt động chốt phiên hàng ngày nhanh hơn tới bốn lần, tăng dung lượng lưu trữ lên gấp ba lần và giảm 30% tổng chi phí đầu tư phần cứng trong giai đoạn ba năm. Không chỉ đem lại nền tảng mạnh mẽ cần thiết cho việc phát triển, tinh chỉnh cũng như cung cấp dịch vụ nhanh hơn và minh bạch hơn, sử dụng giải pháp đám mây SaaS ERP cho phép ACB truy cập dữ liệu và có được các hiểu biết giá trị, từ đó cải thiện tốc độ, sự nhanh nhẹn và chính xác cho tương lai ngân hàng Việt Nam hiện đại.

Dẫn lối cho sự phát triển của toàn doanh nghiệp

Trong tương lai, khi ngày càng nhiều hoạt động tạo ra và sử dụng các hiểu biết sâu từ dữ liệu được hỗ trợ với công nghệ tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể hy vọng rằng việc tìm kiếm các hiểu biết giá trị, cũng như truy cập nhiều hơn vào các dữ liệu và phân tích phục vụ cho khách hàng doanh nghiệp sẽ tiêu tốn ít sức lực của con người hơn một cách đáng kể. Khi các phòng ban tài chính bắt đầu chủ động quản lí hoạt động số của mình và sử dụng dữ liệu để tạo ra các thay đổi, con đường phát triển của toàn doanh nghiệp đã được khai mở.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trao sức mạnh của công nghệ phân tích cho ngành tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO