Trẻ em tử vong vì thử thách Momo: Đừng chỉ đổ lỗi cho mạng xã hội

T.H| 03/12/2020 15:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Đã đến lúc phải xem lại chúng ta đã trang bị cho con cái những kỹ năng, kiến thức gì để có thể sống sót trong một xã hội phát triển nhanh như hiện nay.

Trẻ em tử vong vì thử thách Momo: Đừng chỉ đổ lỗi cho mạng xã hội - Ảnh 1.

Mạng xã hội đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ em khi tiếp cận. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Chỉ trong vòng một tháng gần đây đã xảy ra hai vụ trẻ em, 8 tuổi (ở Đồng Nai) và 5 tuổi (Thành phố Hồ Chí Minh) tử vong thương tâm mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do làm theo các thử thách Momo trên Youtube... Liên tiếp vụ việc xảy ra đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của việc để trẻ em tự do tham gia mạng Internet.

Nguy hiểm luôn rình rập

Trung tá Khổng Ngọc Oanh, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp các vụ việc đau lòng khi trẻ em học theo các trò chơi, thử thách trên mạng và tử vong. Nguyên nhân là do trên mạng xã hội có nhiều video bạo lực và không quá khó để tìm thấy các video thử thách tự tử... Nhiều video tiêu đề tưởng rất văn hóa nhưng lại chứa đựng những nội dung, thông tin xâm hại trẻ em.

“Theo Bộ Công an thống kê, có rất nhiều video dạy cách tự tử của người Nhật, người Hàn, dạy trẻ nếu bí bách, bất đồng thì nên tìm cái chết cho thanh thản... Đây là nhũng nội dung rất nguy hiểm trực chờ xâm hại trẻ em,” Trung tá Khổng Ngọc Oanh nói.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng nói đến môi trường mạng Internet luôn luôn có 2 mặt, một mặt Internet chứa đựng những thông tin tốt, mang tín lan toả nhưng cũng có ứng dụng xấu, thông tin xấu dẫn đến xâm hại, nguy hiểm cho trẻ em. Gần đây nhất là phong trào thử thách cá voi xanh (Blue Whale Challenge), thử thách Momo (quái vật Momo), thử thách muối (The Salt Challenge)... đều là những thông tin độc hại với trẻ em.

Thực trạng trên cho thấy mạng Internet đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận. Mạng Internet cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức thủ đoạn để xâm hại trẻ em, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em…

Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho hay qua các vụ án đã phát hiện và đấu tranh cho thấy, thủ đoạn chính của các đối tượng là lập phòng chat ảo, game online, lập diễn đàn trên mạng… để tiếp cận, làm quen, lừa gạt dụ dỗ trẻ em, nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em.

Ngoài ra, đối tượng xấu tạo những thông tin ảo trên mạng như tên, tuổi, hình ảnh, địa chỉ nghề nghiệp, cuộc sống khá giả của mình rồi lợi dụng sự non nớt, sự tò mò cũng như ham chơi của trẻ em để dụ dỗ, lừa phỉnh nhằm xâm hại tình dục hoặc thực hiện hành vi mua bán trẻ em, cưỡng dâm, ép mại dâm trẻ em... Trong nhiều vụ việc, các đối tượng đã dụ dỗ các em chụp, quay hình ảnh nhạy cảm cơ thể mình để phát tán, mua bán và cưỡng bức chính các em.

“Đặc biệt, có trường hợp đối tượng giả là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ, sau một thời gian trò chuyện về sở thích, học hành... chúng chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau, đề nghị trẻ chụp hình ảnh nhạy cảm của mình gửi cho chúng. Sau khi có được một số hình ảnh của trẻ, chúng lộ nguyên hình là đối tượng phạm tội, ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục, cưỡng đoạt tài sản, nếu không sẽ phát tán những hình ảnh đó lên mạng”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh cảnh báo.

Thiếu kỹ năng sử dụng mạng an toàn

Hiện nay, tham gia vào bảo vệ trẻ em trên mạng đã thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam như Vinaphone; Mobiphone cũng đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật để sàng lọc thông tin; tìm kiếm những thông tin xấu... Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã làm việc phá được nhiều vụ án liên quan tới xâm hại trẻ em; mua bán trẻ em trên môi trường mạng.

Trẻ em tử vong vì thử thách Momo: Đừng chỉ đổ lỗi cho mạng xã hội - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Ông Hoàng Minh Tiến cho biết Cục An toàn thông tin đã phối hợp với Cục Trẻ em, Cục Phát thanh và Truyền hình và thông tin điện tử xử lý rất nhiều đường link, hình ảnh không chỉ trong trang mạng trong nước mà còn trên một số trang mạng nước. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được một phần của yêu cầu thực tế.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là những nhà cung cấp dịch vụ đưa ra nội dung không phù hợp hướng tới trẻ em như Youtube, Tiktok. "Chúng tôi cũng đã có những đấu tranh với họ để bảo vệ quyền trẻ em, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn bởi nó liên quan tới các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây là vấn đề không chỉ của một đất nước, một khu vực nói riêng mà mang tính toàn cầu,” ông Nam nhấn mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng song song với đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 cùng với phát triển hệ sinh thái về sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo lành mạnh trên không gian mạng.

“Để trẻ em bớt dành thời gian vào các ứng dụng xấu thì cách tốt nhất là tạo ra ứng dụng tốt, thông tin tốt, tích cực, lan tỏa, mang tính giáo dục cao cho trẻ em,” ông Hoàng Minh Tiến nói.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội thì nhấn mạnh: “Không nên đổ lỗi cho mạng xã hội. Mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển và chúng ta phải trang bị cho con em mình những kiến thức, kỹ năng để biết mình cần làm gì, hành xử thế nào cho đúng."

Theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, ở ngoài đời, nếu như chúng ta không dạy trẻ biết bơi, dạy trẻ sang đường đúng luật giao thông... thì trẻ cũng sẽ gặp phải những rủi ro, nguy hiểm. "Mạng xã hội cũng như cuộc sống vậy, nếu chúng ta đổ lỗi cho mạng xã hội thì phải chăng chúng ta đang thụ động. Mạng xã hội, công nghệ đang ngày càng phát triển, vậy thì phải xem lại chúng ta đang trang bị cho con cái những kỹ năng, kiến thức gì để có thể sống sót trong một xã hội phát triển nhanh như thế này?" bà Hồng nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, theo bà Hồng, ngành giáo dục cần có những sự thay đổi, cả gia đình và nhà trường cần phải có những nguyên tắc để dạy con mình kỹ năng sử dụng mạng an toàn, tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng cũng phải chú ý đến giảm thiểu những mặt trái của nó. Điều này thực hiện tốt nhất chính là ở giáo dục trong trường học, thay vì chỉ dạy những kiến thức hãy dạy trẻ những kỹ năng sống sót.

Mặt khác, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng cần phát triển dịch vụ về tâm lý, những dịch vụ hỗ trợ cho cha mẹ... mà chúng ta còn thiếu và yếu. "Đây là một chiến lược phát triển con người tổng thể mà chúng ta cần phải xem xét lại. Nếu chúng ta có ý thức trang bị cho con em mình những kỹ năng, kiến thức sống sót thì số lượng những vụ việc đáng tiếc sẽ giảm đi,” bà Hồng nói.

Đồng tình với quan điểm chú trọng đào tạo cho trẻ, ông Đặng Hoa Nam nhận định một trong những biện pháp hiệu quả, trước mắt và cũng là lâu dài chính là truyền thông về kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em. Đó như “một liều vắcxin” để phòng ngừa cho trẻ em, tránh khỏi những thông tin độc hại trên môi trường mạng.

"Lớp trẻ hiện tại rất giỏi và nhạy bén với công nghệ thông tin, bởi vậy giải pháp cấm đoán chỉ càng khiến con cái thêm xa cách cha mẹ. Tôi nghĩ phụ huynh cần chỉ dạy cho con kiến thức, kỹ năng để các con nhận biết được đâu là vấn đề tốt, vấn đề xấu, khi nào có thể bị xâm hại, bị bóc lột...mà phòng tránh,” ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em tử vong vì thử thách Momo: Đừng chỉ đổ lỗi cho mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO