Triển khai đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế: Một số kết quả và đề xuất

Đỗ Minh| 21/04/2022 09:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu không có sự công khai, minh bạch, cụ thể việc hoạch định, xây dựng, vận hành các khu đô thị thông minh, thành phố thông minh (ĐTTM/TPTM) thì người dân sẽ khó đồng lòng, ủng hộ và cùng quyết tâm, chung tay thực hiện nhanh, thực chất, hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ quan trọng này.

Đồng thời, sẽ vô tình tạo ra các yếu kém, tồn tại, bất cập trong các cấp chính quyền tại các ĐTTM/TPTM và điều dễ nhận thấy chính là những mong muốn, phản ánh, kiến nghị chính đáng từ người dân sẽ không kịp thời được giải quyết… 

Đó là quan điểm nhận định của ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế khi nói về việc thực hiện nhiệm vụ trên và chia sẻ các quyết tâm, hướng triển khai nhằm nâng cao hiệu quả cho địa phương mình trong thời gian tới.

Cần tăng cường, khai thác lợi thế từ nguồn dữ liệu số

Theo ông Nguyễn Dương Anh, việc xây dựng ĐTTM/TPTM của Huế thời gian qua luôn được chú trọng, quan tâm, đầu tư. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần chuyển dịch từ mô hình chính quyền điện tử (CQĐT) sang chính quyền số (CQS).

"Để làm được điều này, Thừa Thiên Huế xác định lấy việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) là "chìa khoá" để thúc đẩy, tạo đà phát triển trọng tâm với 03 trụ cột quan trọng: Chính quyền số; xã hội số và kinh tế số.

Cả ở 03 trụ cột quan trọng này, Thừa Thiên Huế đều ứng dụng, sử dụng mạnh mẽ các công nghệ, nền tảng số mới, hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu lớn (big data); công nghệ chuỗi (blockchain); Internet vạn vật (IoT)...

Xây dựng ĐTTM/TPTM: Chính quyền cần lắng nghe, cầu thị và phát huy sức mạnh trong nhân dân - Ảnh 1.

Việc thống nhất, sử dụng trên một ứng dụng tích hợp sẽ tạo ra phương thức truyền thông mới trên nền tảng số.

Phân tích rõ hơn quan điểm này, theo ông Nguyễn Dương Anh, về trụ cột chính quyền số: Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tập trung khai thác hiệu quả nguồn năng lượng dữ liệu số nhằm phục vụ, đẩy mạnh các hoạt động: Làm việc không giấy tờ; dịch vụ công không gặp mặt; hội họp không tập trung; thanh toán không dùng tiền mặt.

Về trụ cột xã hội số, công dân số, đảm bảo người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh để truy cập ứng dụng Hue-S, qua đó, chính quyền cung cấp thông tin nhanh nhất cho người dân về các chính sách quản lý. Sử dụng ứng dụng sẽ giúp tạo lập các phương thức giao tiếp mới; doanh nghiệp (DN) luôn được cung cấp các dịch vụ số hiệu quả.

Về kinh tế số, thông qua ứng dụng Hue-S, người dân cũng có thể tích hợp, kết nối sàn thương mại điện tử (TMĐT); thúc đẩy kinh doanh, hộ nông dân, hợp tác xã cùng tham gia sàn TMĐT; kết nối ngân hàng số; DN, các tổ chức kết nối, sử dụng các dịch vụ số.

Cũng theo ông Nguyễn Dương Anh, việc xây dựng, vận hành hiệu quả các ĐTTM/TPTM chính là chúng ta đang tạo ra chất lượng, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước. Làm tốt điều này là góp phần phục vụ xã hội, cuộc sống người dân, DN ngày một tốt, văn minh hơn.

Khi cung cấp được các dịch vụ ĐTTM/TPTM, nghĩa là các cấp chính quyền đang gặt hái một phần "thành quả" của việc thực hiện CĐS - mà điều này cũng do các năng lực công nghệ số mang lại.

Hơn nữa, việc xây dựng, vận hành hiệu quả ĐTTM nhất thiết cần phải: Khai thác, sử dụng được nguồn dữ liệu; đánh giá được năng lực hệ thống; năng lực cán bộ và cần nhìn vào vị trí của người dân, DN, các đối tượng thụ hưởng làm trọng tâm để triển khai.

Đặc biệt, trong hành trình thực hiện nhiệm vụ CĐS trong xây dựng ĐTTM/TPTM cần thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), dữ liệu…"Các giải pháp ATTT, bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng, người dân chính là niềm tin đối với cấp chính quyền, sự hài lòng, ủng hộ từ người dân đối với các dịch vụ thông minh do chính quyền quản lý, thực hiện", ông Anh phân tích.

Cùng với đó, nếu chúng ta muốn giải quyết, đáp ứng nhanh các nhu cầu, mong muốn để người dân, DN thì nhất thiết phải có các dịch vụ thông minh ưu việt, tối ưu phù hợp với xu hướng cuộc sống mới.

Cũng theo ông Nguyễn Dương Anh, tỉnh giao cho Sở TT&TT là đầu mối xâu chuỗi, kết nối các vấn đề công nghệ, giải quyết các khó khăn, bài toán liên quan đến các dịch vụ các ngành cung cấp.

Với trọng trách trọng được giao, Sở TT&TT quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh các dịch vụ từ các ngành cung cấp, theo Phó Giám đốc Nguyễn Dương Anh, các ngành cần đẩy mạnh, bổ sung, sử dụng, khai thác lợi thế từ nguồn dữ liệu số.

"Dữ liệu số sẽ trở thành luồng thông tin thay thế cho mô hình xử lý thông tin truyền thống (bản giấy), do đó nếu chúng ta làm chủ sẽ tạo ra thế mạnh nguồn thông tin từ dữ liệu mở góp phần tăng sức mạnh chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong các ĐTTM/TPTM ngày một hiệu quả, thực chất", ông Nguyễn Dương Anh nhấn mạnh thêm.

Cần tăng cường hợp nhất, kết nối thông tin giữa nhà nước, người dân, DN

Khi trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương, Phó Giám đốc Nguyễn Dương Anh cho biết, hiện nay các dịch vụ ĐTTM/TPTM của Thừa Thiên - Huế đang được vận hành dựa trên: Kiến trúc ICT ĐTTM 1.0; nền hạ tầng dùng chung; hệ thống cảm biến phủ toàn bộ thành phố Huế; xây dựng kho dữ liệu số, hình thành hệ thống dữ liệu mở; mô hình Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM, mô hình Giám sát, điều hành ngành/lĩnh vực; triển khai các dịch vụ thông minh ở các lĩnh vực (giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, du lịch, hành chính công, an toàn an ninh mạng...); nền tảng hệ thống kết nối giữa cơ quan nhà nước và DN.

Đáng mừng, việc vận hành các khu ĐTTM/TPTM của Thừa Thiên Huế đã gặt hái được những kết quả tích cực ở các lĩnh vực: Phản ánh hiện trường; phòng chống thiên tai; giám sát môi trường; quảng cáo điện tử; thông tin cảnh báo; phạt nguội giao thông; y tế thông minh; du lịch thông…

Xây dựng ĐTTM/TPTM: Chính quyền cần lắng nghe, cầu thị và phát huy sức mạnh trong nhân dân - Ảnh 2.

Xây dựng ĐTTM/TPTM cần đẩy mạnh việc xác thực định danh và tính căn cứ của dữ liệu số.

Các mô hình tích hợp cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thiết yếu trên nền tảng số đã bước đầu dần được hình thành; một số dịch vụ tích hợp đã được thống nhất trên một ứng dụng dần được hình thành - điều này đang tạo ra phương thức truyền thông mới trên nền tảng số…

Tuy nhiên, những kết quả tích cực trên chưa phải là mục tiêu mong đợi. Do đó, trong thời gian tới Thừa Thiên - Huế quyết tâm thay đổi mạnh mẽ, nhất là tháo gỡ các "rào cản" về vấn đề kết nối thông tin và các ứng dụng số sẽ được thống nhất, tối ưu hơn nữa.

Không né tránh, thẳng thắn nhìn vào hạn chế, ông Nguyễn Dương Anh cho biết, hiện nay kênh thông tin kết nối, hợp nhất giữa nhà nước, người dân, DN của địa phương vẫn còn những hạn chế gắn kết, đôi khi còn lúng túng. 

"Hạn chế này là do còn tồn tại việc người dân, DN phải cài đặt nhiều app để sử dụng các dịch vụ cung cấp, thụ hưởng thông tin", ông Nguyễn Dương Anh cho hay.

Hơn nữa, việc hình thành các quy trình số trong giải quyết các vấn đề kiểm soát, giám sát, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến DN, giúp DN có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ số vẫn chưa thực sự hiệu quả, kỳ vọng, mong muốn.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời, vì mục tiêu tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng, vận hành các ĐTTM/TPTM của Thừa Thiên - Huế trong hiện tại và tương lai, Phó Giám đốc Nguyễn Dương Anh đề xuất với tỉnh, ngoài những nỗ lực từ các cấp chính quyền cần hơn nữa sự vào cuộc, huy động, chung tay từ mọi nguồn lực xã hội, người dân, DN.

Cùng với đó, tỉnh cần tích cực chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nhất quán nhiệm vụ này theo kiến trúc tổng quan khi xây dựng, đặc biệt giao trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

"Đặc biệt, tỉnh cần: Xác định đơn vị phù hợp làm đầu mối xâu chuỗi thực hiện; áp dụng và vận dụng linh hoạt các vấn đề pháp lý; xây dựng và cải tiến quy trình dựa trên thực tiễn; thống nhất quan điểm về đầu tư giải pháp kỹ thuật; phát huy nguồn xã hội hóa trong giải pháp về tài chính; phát huy nhận thức cả cả hệ thống chính trị; tôn trọng, lắng nghe, cầu thị và phát huy sức mạnh trong nhân dân; xác thực định danh và tính căn cứ của dữ liệu số…", Phó Giám đốc Nguyễn Dương Anh đề xuất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế: Một số kết quả và đề xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO