Triển vọng kinh tế ASEAN trong thời đại số

PV| 13/11/2020 21:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Tiếp tục phát triển mạnh mẽ về nguồn vốn, con người, đẩy mạnh số hóa, tạo nên bộ công cụ số hóa để kết nối về chính sách... nhằm tạo triển vọng và đẩy mạnh phát triển kinh tế ASEAN.

Sáng 13/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN (ASEAN - BIS 2020), tại phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN được điều phối bởi bà Lin Xueling, Giám đốc sản xuất, Chanel NewsAsia, các diễn giả đến từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng thế giới, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Pricewaterhouse Coopers International Limited và Tập đoàn BRG Việt Nam đã thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN trong thời đại số, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thiên tai và nhiều thách thức như hiện nay.

Triển vọng kinh tế ASEAN trong thời đại số - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN. Ảnh: asean2020.vn

Tạo nên bộ công cụ số hóa để kết nối về chính sách

Ông Anger Gurria - Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề nhất từ sau thế chiến toàn cầu và OECD dự báo GDP toàn cầu có sự sụt giảm 4,5% trong năm 2020. Những áp lực ngày càng tăng với nền kinh tế ASEAN phải gánh chịu, và dự báo sẽ suy giảm 4,23% trong năm 2020.

OECD đang làm nhiều việc chặt chẽ với ASEAN để giảm thiểu cuộc khủng hoảng này bằng việc có các cuộc hội thảo, các cuộc làm việc trực tuyến về logistics, chuỗi cung ứng… thực hiện các dự án chủ chốt và cơ sở hạ tầng bền vững, đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực để tăng cường hội nhập khu vực Nam Á.

OECD đã có 160 công trình tóm tắt chính sách, giúp cho các nhà hoạch định chính sách ASEAN và trên toàn cầu để xử lý những thách thức vừa là phức tạp vừa liên quan đến nhau trong đại dịch này.

OECD cũng đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách như: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; Cải thiện môi trường đầu tư; Những vấn đề hành vi kinh doanh có trách nhiệm, liêm chính; Giảm thiểu những méo mó của thị trường; Cuối cùng là chuyển đổi số nhằm tiếp cận các công cụ số, giúp cho DN nhỏ và vừa, rất nhỏ để có chuỗi cung ứng mang tính bao trùm cao. Tạo nên bộ công cụ số hóa để tạo nên sự kết nối về chính sách.

"Đây sẽ là những mấu chốt để chúng ta có thể đạt được tính mạnh mẽ, tính chống chịu bền bỉ và tính xanh và bao trùm", Tổng Thư ký OECD nhấn mạnh.

TS. Aladdin D. Rillo - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN cho biết, sau 9 tháng bùng phát Covid-19, khu vực ASEAN đã và đang phải đối mặt với nhiều điều bất trắc. Mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp kể từ khi bùng phát đại dịch, song chúng ta vẫn cần phải xử lý nhiều vấn đề để có thể vượt qua đại dịch.

Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN nêu những ưu tiên quan trọng để vượt qua đại dịch Covid-19, cụ thể: Tập trung vào vấn đề hợp tác trong khu vực; Phải mở cửa được nền kinh tế để đảm bảo những ngành quan trọng nhất sẽ khôi phục lại; Tiếp tục có những hoạt động mạnh mẽ trong khu vực hơn nữa bởi Covid-19 đã làm đứt đoạn, giảm đi năng suất và sự phát triển; Tiếp tục phát triển mạnh mẽ về nguồn vốn, con người, đẩy mạnh số hóa... để bù đắp lại những mất mát do Covid-19 đem lại...

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực ASEAN

Tại hội thảo, GS Hidetoshi Nishimura - Chủ tịch, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khẳng định, ông ấn tượng về khả năng phòng, chống dịch Covid-19 của ASEAN cũng như của Việt Nam.

Chủ tịch ERIA cũng cho biết, bên cạnh những thách thức, đại dịch Covid-19 cũng mang lại cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN những cơ hội nhất định. Theo đó, cơ hội đầu tiên chính là cơ hội để các nước bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số; tiếp đến là cơ hội để có thể dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng và cơ hội để tiếp tục chú trọng hơn nữa về con người, hướng về con người nhiều hơn.

Điều hành phiên thảo luận, bà Lin Xueling - Giám đốc sản xuất Channel NewsAsia đặt câu hỏi dịch bệnh đã có tác động nhiều tới các nền kinh tế ASEAN và mỗi nước có sự phục hồi kinh tế khác nhau. Vậy, kịch bản phát triển kinh tế của các nước ASEAN sẽ ra sao? Sẽ phục hồi cùng nhau theo hình chữ V hay sẽ là sự phục hồi trong sự đa dạng của các nước?

Trao đổi về nội dung này, TS. Aladdin D. Rillo cho biết các nước chịu tác động khác nhau nên khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ khác nhau. Những chính sách của ASEAN đưa ra là làm thế nào để các nước trong khu vực được ngồi lại với nhau để tạo ra nền tảng hợp tác và xác định đâu là nền tảng hợp tác quan trọng nhất cần phải tập trung vào như an ninh và con người.

Dịch bệnh khiến các thành viên cần sự kết nối với nhau, hài hòa, áp dụng kỹ thuật số vào ASEAN. Ông cho rằng vấn đề phát triển bền vững, cần nền tảng chung, đi cùng một hướng, sự hợp tác là rất quan trọng, hướng về một mục tiêu chung.

Trả lời câu hỏi, bên cạnh những cơ hội, đại dịch đặt các nước ASEAN cũng như Việt Nam, Giáo sư Nishimura đã nhấn mạnh tới hai thách thức cơ bản: Thứ nhất là thách thức trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa.

"Phần lớn các DN ở Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên ít nhiều sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi. Hơn nữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão nên DN nhỏ và vừa đôi khi không kịp bắt nhịp với những cơ hội đó", giáo sư Nishimura nhấn mạnh.

Thách thức thứ hai, theo giáo sư Nishimura chính là các yếu tố liên quan đến yếu tố con người, bởi trong đại dịch thì sẽ có rất nhiều người dân cần được chăm sóc.

Ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited cho biết, ASEAN là khu vực năng động với tốc độ tăng trưởng 5% trong nhiều năm qua, đây là con số đáng ngạc nhiên so với các khu vực khác trên thế giới. Đặc biệt, các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) đã khống chế dịch bệnh vô cùng hiệu quả.

Như chúng ta đã biết, nền kinh tế của ASEAN đã dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để vượt qua dịch bệnh sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết để vừa khống chế dịch bệnh và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. ASEAN cần tập trung 3 điều:

Thứ nhất, thương mại và đầu tư: Mặc dù có sự sụt giảm về nền kinh tế các nước Asean vẫn mang lại triển vọng đầu tư sáng lạng, khi chúng ta có thu nhập trung bình tăng, tỷ lệ tốt nghiệp đại học tăng, kim ngạch thương mại với Trung Quốc đạt 150 tỷ USD. IMF tiếp tục đưa ra các dự báo tăng trưởng rất mạnh mẽ so với các khu vực khác và nước khác trên thế giới.

Thứ hai, cơ hội có được có được quốc gia khác bên ngoài khu vực giúp đa dạng hóa chuỗi giá trị cho ASEAN.

Thứ ba, sự dịch chuyển thương mại của ASEAN, cân đối rủi ro, cán cân thương mại, cán cân tiền tệ có thể đạt được mức độ cạnh tranh.

Ông Robert E Moritz cũng cho biết, ASEAN không chỉ đẩy nhanh vào việc chuyển đổi số trong khu vực để đảm bảo phát triển bền vững cũng như mục tiêu tăng trưởng thiên niên kỷ. Đây là quá trình tăng trưởng nhanh.

ASEAN có thể đạt được 400 triệu người sử dụng Internet trong khu vực, và đây là cơ hội mang lại việc làm, đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, nhà cung cấp, nhà đầu tư, DN...

Bên cạnh đó, công nghệ có vai trò tiên phong không chỉ trong khu vực ASEAN trong quá trình tăng trưởng mà sẽ còn mang lại sự tăng trưởng bền vững. Hiện ASEAN cần có một cơ sở hạ tầng đúng, có sự kết nối, cung cấp công cụ, kỹ năng, tiếp cận dữ liệu, để đổi mới sáng tạo, mở rộng những hoạt động sáng tạo của họ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng kinh tế ASEAN trong thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO