“Trợ lực” cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế

Bình Minh| 07/09/2020 11:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia

Theo Quyết định 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, đặt ra nhiệm vụ với các bộ, ban, ngành chức năng phải hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.

Trong đó, nghiên cứu đề xuất, cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương, và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng.

Đi cùng với chương trình, kế hoạch trên, giải pháp tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất, chất lượng cần được thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh vào doanh nghiệp. Tổ chức triển khai các hình thức thông tin truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng.

Cũng trong giải pháp về truyền thông, cần xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu chuẩn đối sánh và thực hành tốt về năng suất để phục vụ cho doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan khác. Đồng thời, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia.

“Trợ lực” cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm quế, hồi xuất khẩu thường xuyên ra thị trường nước ngoài. Ảnh: Bình Minh

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ thông minh

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh và dịch vụ thông minh.

Cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh…; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Tiếp đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Cũng theo Quyết định, giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, doanh nghiệp sẽ được đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng. Trong đó, tăng cường hợp tác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á, phối hợp với tổ chức này triển khai hoạt động của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng suất tại Việt Nam. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất, so sánh năng suất với khu vực và trên thế giới.

Những mục tiêu để doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%. Đào tạo chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%. Đào tạo chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1000 chuyên gia năng suất chất lượng. Trong đó, có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Tính trong cả giai đoạn từ 2016-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng hàng năm từ 10-15%. Trong đó, số Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020. Có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, trở thành mô hình điểm chia sẻ, nhân rộng toàn quốc.

“Trợ lực” cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế - Ảnh 2.

Đầu tư máy móc, cơ giới hóa là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Ảnh: Bình Minh

Đồng thời, tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Mục tiêu chung của cả giai đoạn từ 2021-2030, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất xuất khẩu gạo hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Xây dựng, Thông tin & Truyền thông, Tài chính và các địa phương liên quan có trách nhiệm thực hiện Chương trình.

Như vậy, Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành sẽ có nhiều hỗ trợ mới cho doanh nghiệp Việt từng bước nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, đưa sản phẩm chất lượng hàng hóa của Việt Nam đạt các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Góp phần quan trọng hình thành thương hiệu mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế.

Những năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn.

Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.

Theo đánh giá của các chuyên gia, niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Trợ lực” cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO