Trợ lý bác sĩ DrAid: Ra đời từ khát vọng xây dựng hệ thống AI y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt

Nguyễn Khiêm| 28/06/2021 09:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc VinBrain, khát vọng xây dựng một hệ thống AI cho y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt là động lực để ông quyết định rời Microsoft USA sau hơn 12 năm để trở về nước và xây dựng nền tảng trợ lý bác sĩ “Make in Vietnam” DrAid. Sở dĩ VinBrain chọn một bài toán khó là y tế bởi đây chính là cốt lõi cho cuộc sống của con người và sẽ giúp được nhiều người nhất.

Phát triển AI trong y tế sẽ giúp được nhiều người nhất

Cái tên Trương Quốc Hùng lần đầu xuất hiện cùng Vingroup tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hồi đầu tháng 5/2019. Khi ấy, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã đề cập tới một dự án mới được tập đoàn đang triển khai mà bà “rất tâm đắc” do ông Hùng - nguyên là lãnh đạo cao cấp của Mircrosoft đang đảm nhiệm - dự án “trợ lý bác sỹ".Tại thời điểm đó,dự án này là bài toán chưa ai trên thế giới giải được, khi 4,7 tỷ người trên thế giới chưa có bác sỹ khám chữa bệnh và khoảng 10% người bệnh chết vì chẩn đoán sai.

Mô hình phát triển công nghệ cao của Vingroup dựa vào hệ sinh thái của Tập đoàn. Theo đó, đầu vào cho các viện, trường và công ty công nghệ là các bài toán phát sinh từ các công ty thuộc khối thương mại, dịch vụ và công nghiệp, đầu ra là các nghiên cứu và sản phẩm giải các bài toán đó.

Các sản phẩm sau đó sẽ được thử nghiệm và đánh giá bởi các công ty đã đặt đề bài. Điều này mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho các viện, trường và công ty công nghệ trong việc nhanh chóng hiện thực hóa đầu vào thành đầu ra với các nghiên cứu có tính ứng dụng và mang lại giá trị thật cho cộng đồng. Đây là sự khác biệt giữa mô hình của Vingroup và các mô hình viện, trường nghiên cứu bên ngoài. VinBrain là một trong những công ty con của Tập đoàn Vingroup nên được thừa hưởng những thuận lợi khác biệt này.

Đây cũng chính là lý do tại sao ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc VinBrain trăn trở và quyết tâm phải giải được bài toán này. Theo ông Hùng, việc lựa chọn phát triển AI trong lĩnh vực Y tế được ấp ủ từ những ngày trở về nước chăm sóc mẹ sau cơn đột quỵ và được chứng kiến hàng trăm lượt bệnh nhân đến bệnh viện từ sáng sớm tinh mơ, lúc 3-4 giờ sáng mỗi ngày, nằm ngồi la liệt trên sàn nhà và chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để tới lượt được khám bệnh. Hình ảnh đó thôi thúc ông suy ngẫm về sứ mệnh tiếp theo của cuộc đời mình và khát vọng xây dựng một hệ thống AI cho y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt.

“Đó cũng chính là khát vọng và động lực để tôi rời Microsoft USA sau hơn 12 năm nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao của Microsoft AI, sau 36 năm sống và làm việc ở nước ngoài và mang 3 quốc tịch, để trở về Việt Nam theo lời mời của Vingroup và thành lập VinBrain”, ông Hùng bày tỏ. 

Ngoài ra, là một người yêu thích học hỏi nên sau khi lãnh đạo đội ngũ ở Microsoft giải các bài toán về hiệu quả cho người dùng như trả lời thông minh cho email, sắp xếp ưu tiên các email quan trọng, ... đã được sử dụng bởi hơn 350 triệu người dùng trên toàn thế giới, ông Hùng mong muốn được làm bài toán mới AI cho Y tế, đồng thời được góp phần thực tiễn hơn vào việc nâng cao chất lượng sống của người dân.

Trợ lý bác sĩ DrAid: Ra đời từ khát vọng xây dựng hệ thống AI y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt - Ảnh 2.

Trợ lý bác sĩ DrAid: Ra đời từ khát vọng xây dựng hệ thống AI y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt - Ảnh 3.

Để rồi ngày 14/06/2020, công ty chính thức ra mắt sản phẩm DrAid. Sở dĩ chọn một bài toán khó là Y tế bởi VinBrain tin đây chính là cốt lõi cho cuộc sống của con người. Vì vậy, phát triển AI trong y tế chính là giúp được nhiều người nhất. Không chỉ giúp người dân ở mọi vùng miền, mọi điều kiện kinh tế tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng tốt, nhanh, giảm quá tải cho bác sĩ và hệ thống y tế tuyến trung ương, AI còn giúp tăng độ chính xác và năng suất khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí y tế, chi phí đi lại và giảm thải ra môi trường.

AI trong y tế được triển khai trên hệ thống đám mây và điện thoại thông minh tạo điều kiện cho người dân ở mọi tầng lớp bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. “Thêm vào đó, càng nhiều người dùng thì AI càng thông minh và chi phí càng rẻ. Bởi vậy, AI cho y tế chính là giải pháp sáng tạo, nhân văn và đột phá, và là khát vọng của chúng tôi”, ông Hùng nói.

Song song với sự hỗ trợ từ Vinmec, VinBrain cũng nhận được ủng hộ mạnh mẽ của các Sở Y tế và nhiều bệnh viện lớn nhỏ khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. VinBrain không gặp nhiều trở ngại trong việc thuyết phục các bệnh viện khác ứng dụng AI. Thậm chí, có Sở Y tế và một số bệnh viện còn chủ động liên lạc với VinBrain để đề nghị được ứng dụng DrAid vào hỗ trợ các hoạt động y tế.

“Có thể chính những giá trị thiết thực mà DrAid mang lại cho các bệnh viện và bác sĩ như giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tránh bỏ sót bệnh, giảm tải cho bác sĩ, loại bỏ phim cứng và rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân... đã thuyết phục các bệnh viện ứng dụng DrAid”, ông Hùng nói.

Hiện tại, VinBrain đã phối hợp với 5 Sở Y tế là Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai tổ chức các hội thảo về DrAid, và bắt tay với 84 bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai DrAid vào hỗ trợ công tác khám chữa bệnh Trong đó có các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Đại học Y-Dược Hồ Chí Minh, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện TW Thái Nguyên, Bệnh viện Đại học Y-Dược Huế. “DrAid đang được cung cấp miễn phí cho các bệnh viện tại Việt Nam và định hướng thương mại hóa ra quốc tế. Quyết định này thể hiện tâm nguyện đóng góp cho đất nước của Tập đoàn Vingroup mà VinBrain là một thành viên”, ông Hùng khẳng định.

Khó khăn lớn nhất là việc thu thập dữ liệu về y tế

Cũng theo ông Hùng, việc phát triển AI cho y tế là chặng đường gian nan và nhiều thử thách mà đội ngũ VinBrain đã kiên trì lựa chọn. Khó khăn lớn nhất có thể kể tới là việc thu thập dữ liệu. Để xây dựng được một mô hình AI chẩn đoán và điều trị chính xác cần rất nhiều dữ liệu, từ dữ liệu lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, các xét nghiệm tới hồ sơ bệnh lý của người bệnh. Nói một cách ngắn gọn thì AI cần dữ liệu lớn – sạch – tập trung - nhất quán. 

Trong khi đó, các dữ liệu y tế của Việt Nam đang được lưu trữ rời rạc, cục bộ theo từng bệnh viện, vùng, miền. Ngoài ra, việc làm sạch dữ liệu, xây dựng quy trình gán nhãn cho từng bệnh hay bất thường rất quan trọng. Trong khi trong y tế nói chung và chẩn đoán hình ảnh nói riêng, sự đồng thuận giữa các bác sĩ chỉ chiếm 60-70% quyết định chẩn đoán, và có hai phương pháp đọc ảnh theo chuẩn Hoa Kỳ hoặc chuẩn châu Âu.

Để giải quyết khó khăn này, VinBrain đã phải kết hợp làm việc với các trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Stanford, Đại học California tại San Diego (Hoa Kỳ) hay Đại học Toronto (Canada) cùng các bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam để chuẩn hóa mô tả các bất thường và quy trình gán nhãn. Thêm vào đó, kiến thức của các bác sĩ thiếu đồng bộ do phụ thuộc nhiều vào môi trường học tập và thực hành cũng là một rào cản cho sự phát triển và ứng dụng AI.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát triển và vận hành sản phẩm AI tại Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là việc Việt Nam đã hội tụ đủ 4 yếu tố trụ cột: Nhiều bác sĩ giỏi và môi trường làm việc nhiều thách thức; Dân số gần 100 triệu đủ lớn để làm tốt các bài toán AI; số lượng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ và khoa học sự sống đang gia tăng, đồng thời VinBrain tận dụng được hạ tầng nền tảng công nghệ cao như là hệ thống đám mây, 5G, điện thoại thông minh, IoT.... 

“Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn sâu rộng, hỗ trợ mạnh mẽ đối với công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đây chính là lực đẩy mạnh mẽ để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển nhanh công nghệ cao như AI và IoT”, ông Hùng chia sẻ thêm. 

Trên cơ sở đó, ông Hùng cho rằng, Việt Nam rất có tiềm năng sẽ thành công trong phát triển các sản phẩm AI ở tương lai gần, nhất là trí tuệ nhân tạo cho SmartCity, SmartHome, công nghiệp (manufacturing) và thương mại dịchvụ.“Mặc dù AI cho y tế là cơ hội lớn và đột phá nhưng cũng mang nhiều thách thức vì đây là lĩnh vực mang tính đặc thù chuyên sâu, dữ liệu lưu trữ rời rạc, cục bộ cùng kiến thức của các bác sĩ thiếu đồng bộ do phụ thuộc nhiều vào môi trường học tập. Ngoài ra, chất lượng AI cho Y tế cần đạt tiêu chuẩn cao vì kết quả đưa ra có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”, ông Hùng chia sẻ.

Đánh giá về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, ông Hùng cho rằng, y tế là một trong những lĩnh vực chuyển đổi số rất mạnh mẽ là chính xác, và việc này không chỉ dừng lại ở hội chẩn online và khám chữa bệnh online mà còn rất nhiều khía cạnh khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh viện, từng vùng miền. Khi tiếp tiếp cận với các bệnh viện, thỉnh thoảng, VinBrain cũng gặp phải những câu hỏi e ngại về việc có hay chăng AI sẽ thay thế các bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi được đội ngũ VinBrain giải thích rõ rằng AI chỉ đóng vai trò là trợ lý bác sĩ - đúng như mong muốn của VinBrain khi đặt tên cho sản phẩm là DrAid, đưa ra các khuyến nghị cho chẩn đoán để các bác sĩ tham khảo từ đó có các quyết định chính xác hơn, hiệu quả hơn, cũng như giải phóng các bác sĩ khỏi các công việc giấy tờ thì các bác sĩ đều nhiệt tình ủng hộ việc triển khai DrAid.

Mặc dù vậy, rào cản của quá trình chuyển đổi số trong y tế nằm ở hệ thống quản lý, các chính sách và cơ chế chưa được cập nhật cho phù hợp với môi trường công nghệ dựa trên nền tảng Internet, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các bệnh viện, nguồn lực tài chính cũng như mức độ sẵn sàng của cả lãnh đạo và các nhân sự làm việc trong ngành y. “Việc dỡ bỏ các rào cản này đòi hỏi quyết tâm cao và hành động quyết liệt trong việc đưa ra những chính sách và cơ chế thiết thực, lãnh đạo ngành Y tế và lãnh đạo các bệnh viện, cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ như VinBrain”, ông Hùng nhấn mạnh.

Sẽ xuất khẩu sản phẩm AI “Make in Vietnam” sang thị trường Mỹ

Đánh giá về việc phát triển AI hiện nay, CEO VinBrain cho rằng, đây vẫn là một công nghệ mới đối với thế giới, đặc biệt AI trong y tế còn trong giai đoạn đầu của sự phát triển và chưa định vị người dẫn đầu. Chính vì thế, các công ty Việt Nam hoàn toàn có khả năng rút ngắn khoảng cách và bắt kịp với các nước tiên tiến trong việc nghiên cứu và phát triển AI.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam càng ngày càng phát triển, hoàn toàn có khả năng bắt kịp bạn bè quốc tế khi được tôi luyện với các bài toán khó với chuẩn mực đẳng cấp, được hướng dẫn và đầu tư đúng mức”, ông Hùng khẳng định.

Minh chứng cho sự tin tưởng này, theo ông Hùng là việc đội ngũ R&D của VinBrain đã ghi dấu ấn ở các giải thưởng tầm cỡ thế giới như giải thưởng ACM SIGAI kỹ nghệ AI xuất sắc năm 2021, lọt vòng chung kết giải thưởng SII CODiE Awards được ví như giải Oscar cho ngành công nghiệp máy tính thế giới, ... Ngoài ra, đội ngũ VinBrain đã hoàn thành ba bằng sáng chế tại Hoa Kỳ và Việt Nam, và có kế hoạch nộp thêm 10 bằng sáng chế trong 12 tháng tới.

Từ đó, ông Hùng cho rằng, tiềm năng thương mại hóa và xuất khẩu các sản phẩm AI của Việt Nam là hoàn toàn khả thi, mặc dù Việt Nam vẫn còn là một các tên rất mới so với các cường quốc AI như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ, Israel. Đổi lại, Việt Nam có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm AI trong y tế với tốc độ nhanh và có tính ứng dụng cao như: sự quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ; sự đa dạng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của gần 100 triệu dân; hạ tầng thông tin Internet, hệ thống đám mây ổn định và chi dùng cho y tế đang tăng lên nhanh chóng. Việc giải quyết “bài toán” cho thị trường Việt Nam cũng sẽ là tiền đề để doanh nghiệp có thể mở rộng ra giải những bài toán chung của y tế thế giới.

Tuy nhiên, một trong những rào cản đưa các sản phẩm AI ra thị trường quốc tế là các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng. “Hiện VinBrain đã bắt đầu quá trình xin chứng nhận tiêu chuẩn FDA của Mỹ và kỳ vọng sẽ triển khai DrAid cho các bệnh viện và phòng khám tại Mỹ sau khi có chứng nhận FDA”, ông Hùng tiết lộ.

Cần thúc đẩy cơ chế và quy trình chuẩn hóa AI

CEO VinBrain Trương Quốc Hùng cho rằng, Chính phủ đã thay đổi khá nhiều chính sách nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong thời gian 10 năm qua. Tuy nhiên, ông cũng mong Chính phủ tiếp tục ủng hộ việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển sản phẩm “Make in Vietnam” như các vấn đề về hành lang pháp lý và các giấy phép, tiêu chuẩn ngành có liên quan để giúp doanh nghiệp có cơ sở chinh phục thị trường Việt Nam và Quốc tế. Ví dụ, sản phẩm DrAid là một sản phẩm mới, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số AI cho y tế, đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và sẵn sàng triển khai rộng rãi ở Việt Nam nhưng do chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên khó khăn trong việc thuyết phục các bác sĩ sử dụng rộng rãi.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần hỗ trợ ban hành và thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong AI cho Y tế để các doanh nghiệp có thể thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo.

Trợ lý bác sĩ DrAid: Ra đời từ khát vọng xây dựng hệ thống AI y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt - Ảnh 4.

DrAidTM là phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ cho bác sĩ trong việc chẩn đoán các bất thường trên ảnh X-quang. Hiện tại có thể chẩn đoán 20 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về phổi, trong đó sẽ giúp sàng lọc các bệnh lao phổi, viêm phổi và COVID-19, từ đó hỗ trợ các bác sĩ tiếp cận và cảnh báo những ca bệnh nhanh hơn. Giải pháp đã được trao giải nhì hạng mục “Giải pháp số xuất sắc nhất” tại giải thưởng Make in Vietnam năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức.

Theo ông Hùng, thời gian tới có thể có thêm các hoạt động tạo bệ phóng cho các doanh nghiệp ở tầm quốc gia. Ví dụ như đưa ra Website chính thức để quảng bá các công ty công nghệ khởi nghiệp để các quỹ đầu tư nước ngoài, các tài năng trẻ trong và ngoài nước dễ tiếp cận để hợp tác phát triển; đưa các doanh nghiệp có sản phẩm được giải thưởng vào Danh sách các đối tượng ưu tiên đầu tư và hợp tác...

Một khó khăn nữa là việc Việt Nam chưa có sơ sở hạ tầng đám mây toàn cầu. Thế giới có 37 nước phát triển trên tổng số 195 nước và sau hơn 10 năm trải nghiệm, cuối cùng hầu như tất cả đều kết luận rằng sử dụng hạ tầng đám mây toàn cầu là điều kiện cần tiên quyết cho việc phát triển công nghệ cao. “Các doanh nghiệp lớn như Viettel hoặc VNG có thể kết hợp với Microsoft hoặc Amazon nhằm thúc đẩy nền tảng chính yếu đám mây toàn cầu theo tinh thần đứng trên vai người khổng lồ”, ông Hùng nhận định.

Cuối cùng, theo ông Hùng, Việt Nam cần thúc đẩy cơ chế và quy trình chuẩn hóa AI từ khâu thu thập và làm sạch dữ liệu, tới dạy máy và đánh giá độ chính xác cao theo đúng tiêu chí thế giới. Ở Việt Nam, trong bài toán y tế, các bác sĩ được đào tạo và làm việc trong môi trường khác nhau lại có định nghĩa về bệnh khác nhau nên khi gán nhãn, sự đồng thuận chỉ đạt 60-70% - đây là thực tế khi VinBrain thực hiện gán nhãn gần 300.000 ảnh y tế.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trợ lý bác sĩ DrAid: Ra đời từ khát vọng xây dựng hệ thống AI y tế hàng đầu thế giới mang trí tuệ của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO