Truyền thông minh bạch, tận dụng tốt công nghệ đóng góp cho chống Covid-19 của Việt Nam

Mai Phùng (Theo ASEAN Post, DPA)| 17/04/2020 16:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau những thành công bước đầu trong việc đối phó và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, truyền thông quốc tế tiếp tục có những bình luận khen ngợi cũng như đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Truyền thông minh bạch, tận dụng tốt công nghệ đóng góp cho chống Covid-19 của VN  - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang khi xếp hàng nhận gạo miễn phí trong thời gian thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của -19, tại Hà Nội vào ngày 11/4/2020. (Ảnh AFP)

Hiệu quả từ mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam 

"Khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, các quốc gia trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ mô hình phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Truyền thông minh bạch, rõ ràng cùng với sự phối hợp đồng bộ của chính phủ và nhân dân, tận dụng tốt công nghệ là những lý do Việt Nam thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh". Đây chính là nhận định của bài viết trên trang ASEAN Post ca ngợi về mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Theo đó, bài viết chia sẻ, nhận thức rõ ràng về mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Việt Nam đã siết chặt kiểm soát biên giới, yêu cầu các bệnh viện và sở y tế địa phương cảnh giác cao đối với các trường hợp nghi nhiễm từ đầu tháng 1, trước khi có ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc.

Ca nhiễm đầu tiên của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 23/1. Tình hình vẫn được kiểm soát tốt cho đến khi xuất hiện một loạt các ca nhiễm mới là khách du lịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và các du học sinh, người lao động từ nước ngoài trở về.

Tuy nhiên, Việt Nam đã xử lý và kiểm soát tốt khủng hoảng để không trở thành điểm nóng của dịch bệnh. Cách tiếp cận và những biện pháp ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và đã được chứng minh là rất hiệu quả.

Truyền thông quốc tế đề cao mô hình phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam thực hiện xét nghiệm sâu rộng trong cộng đồng. (Ảnh: Reuters)

Tập trung vào truyền thông và giáo dục cộng đồng 

Bất chấp khả năng lây nhiễm cao do có đường biên giới chung với Trung Quốc và khối lượng thương mại song phương lớn, Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 260 ca nhiễm (tính đến sáng 17/4) và cho đến nay không có trường hợp nào tử vong.

The ASEAN Post cũng cho biết, một nghiên cứu gần đây về chính sách phản ứng đối với Covid-19 đã cho thấy thành công ban đầu của Việt Nam trong việc làm chậm tốc độ lây lan là do chính phủ đã tập trung vào truyền thông mạnh mẽ và giáo dục cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ và hệ thống truy tìm dấu vết các mầm bệnh.

Với 65% người Việt Nam sử dụng mạng trực tuyến, các kênh tin tức chính thống và các kênh truyền thông xã hội (60% trên Facebook) đã thực hiện tuyên truyền thành công các thông tin về dịch bệnh này.

Ngay từ những ngày đầu tháng 1, truyền thông Việt Nam đã mô tả căn bệnh xuất hiện ở Vũ Hán là một căn bệnh viêm phổi bí ẩn và kỳ lạ. Từ ngày 9/1 đến ngày 15/3, trung bình có khoảng 127 bài viết về chủ đề này đã được xuất bản hàng ngày trên các kênh tin tức trực tuyến phổ biến nhất.

Do đó, người Việt Nam không xem Covid-19 chỉ là một bệnh cúm theo mùa khác, mà là một bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng khi bùng phát giống với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003.

Tại Việt Nam, công dân đã tự nguyện chia sẻ thông tin sức khỏe cá nhân thông qua một ứng dụng do chính phủ ra mắt vào ngày 10/3 có tên NCOVI. Ứng dụng này cung cấp thông tin cập nhật về sự bùng phát và các cách phòng ngừa dịch bệnh cũng như nhanh chóng đính chính các thông tin sai lệch, thông tin không đúng về dịch bệnh. Ứng dụng thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các nhóm trường hợp có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Truyền thông quốc tế đề cao mô hình phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, công dân tự nguyện khai báo y tế cá nhân thông qua ứng dụng NCOVI.

Cùng với đó, công nghệ cũng đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Trong 3 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện địa phương, viện nghiên cứu và trường đại học đã tạo ra những nền tảng đáng tin cậy để theo dõi các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, tăng cường sản xuất thuốc khử trùng tay, công bố những phát hiện lâm sàng quan trọng về bệnh và phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm virus với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn rất nhiều hình thức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tuy đơn giản nhưng lại có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ. Như bài hát "Ghen Co Vy" đã được lan truyền mạnh mẽ trên thế giới sau khi xuất hiện trên chương trình Last Week Tonight với John Oliver, đã xây dựng nhận thức cho cộng đồng về virus SARS-CoV-2 và tầm quan trọng của việc rửa tay.

Đặc biệt, vấn đề kiểm dịch cũng được siết chặt với việc bắt buộc cách ly tập trung đối với khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam và công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài vào cuối tháng 3.

Hình ảnh về các khu ký túc xá cách ly với những hoạt động bổ ích, những hình ảnh về công tác kiểm dịch trong khu cách ly tập trung hay các bữa ăn được đóng gói cẩn thận được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội đã giúp công tác tuyên truyền hiệu quả hơn. Chính điều này cũng đã khuyến khích người dân tuân thủ nghiêm những chính sách mà chính phủ Việt Nam đưa ra.

Truyền thông quốc tế đề cao mô hình phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam - Ảnh 3.

Tiêu đề bài viết trên trang Deutsche Presse-Agentur (DPA) của Đức.

Trước đó, ngày 13/4, tờ báo của Đức Deutsche Presse-Agentur (DPA) cũng đã có bài viết ca ngợi hoạt động chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Bài viết nhấn mạnh dù có biên giới với Trung Quốc, Việt Nam nhờ sự kết hợp của hành động quyết đoán, xét nghiệm sâu rộng, kiểm dịch triệt để và đoàn kết xã hội đã giảm thiểu được những thiệt hại và giữ số ca mắc Covid-19 ở mức vài trăm, không có trường hợp nào tử vong. Cách Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 đã nhận được sự ca ngợi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể là bài học cho các quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

DPA đã dẫn lời ông Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam sớm ứng phó với dịch bệnh là rất quan trọng. Việt Nam đã nhanh chóng lập ra Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, nhờ vậy có thể triển khai kế hoạch ứng phó "ngay lập tức" trên toàn quốc.

Dù có số ca nhiễm thấp, Việt Nam vẫn ban hành chính sách cách ly xã hội từ ngày 1/4, bước đi sớm hơn và quyết đoán hơn các nước như Anh và Italy, những nước mà số ca nhiễm lên tới hàng nghìn trước khi ra lệnh phong tỏa.

Đặc biệt, hãng truyền thông Đức cho rằng "phần lớn thành công của Việt Nam" trong ứng phó với dịch Covid-19 là do "tinh thần đoàn kết xã hội".

Khi đại dịch toàn cầu trở nên tồi tệ, kinh nghiệm của Việt Nam đã cho thấy bằng cách tập trung vào đánh giá rủi ro sớm, truyền thông hiệu quả và sự đồng lòng giữa chính phủ và nhân dân, một quốc gia có nguồn lực và hệ thống y tế còn hạn chế vẫn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, trang The ASEAN Post cho hay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông minh bạch, tận dụng tốt công nghệ đóng góp cho chống Covid-19 của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO