Phát triển kinh tế thông minh - nhìn từ Đà Nẵng

04/04/2022 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Nền kinh tế thông minh (KTTM) của quốc gia, hay của một đô thị cụ thể là nền kinh tế nói chung là thông minh trong tất cả các khâu: chiến lược, kế hoạch, quản lý, sản xuất, sản phẩm, tiêu thụ, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học kỹ thuật mới. Có thể nói mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, bền vững, thân thiện môi trường cũng là một dạng thuộc KTTM.

Trong bài viết này, đánh giá nền KTTM gắn với số hóa; gắn với hạ tầng thông tin và khoa học công nghệ (KHCN), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT),... dựa trên nền tảng tri thức hiện đại.

Trước xu thế toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước, TP. Đà Nẵng đã và đang là một điển hình về phát triển mô hình nền KTTM. Ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo. Được chuẩn bị khá tốt, thể nghiệm thực tiễn từ giai đoạn trước, nên Đà Nẵng đã tiếp tục có những triển khai bước đầu khả quan, dù chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, Đà Nẵng vẫn được coi là một điểm điển hình về mô hình thành phố thông minh/đô thị thông minh (TPTM/ĐTTM), có nền KTTM.

Từ mô hình phát triển kinh tế thông minh của Đà Nẵng, khuyến nghị giải pháp nhân rộng mô hình, áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam - Ảnh 1.

1. Nền KTTM

Trong lời mở đầu cuốn sách "Kinh tế thông minh trong Thành phố thông minh" của mình, GS. Kuma viết: "Nền kinh tế đô thị thông minh phần lớn là kết quả của ảnh hưởng các ứng dụng ICT đến tất cả các khía cạnh của kinh tế đô thị, từ đó làm thay đổi hệ thống sử dụng đất theo hướng bền vững" [1]. Hoặc "TPTM (smart city) là thành phố được xây dựng trên nền tảng ICT nhằm tăng tính tương tác và hiệu quả của cơ sở hạ tầng đô thị với các bộ phận cấu thành nên nó và nâng cao nhận thức cho người dân" [2]. Những bộ phận cơ bản của thành phố thông minh là: nền KTTM, giao thông thông minh, môi trường thông minh, con người thông minh, quản trị thông minh và cuộc sống thông minh...

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), tính đến 2015, có hơn 100 định nghĩa về nền KTTM. Báo cáo TPTM năm 2007 của Viện Khoa học Khu vực, Vienna UT đã định nghĩa nền KTTM là nền kinh tế "kết hợp các yếu tố xung quanh khả năng cạnh tranh kinh tế, chẳng hạn như đổi mới, tinh thần kinh doanh, nhãn hiệu, năng suất và tính linh hoạt của thị trường lao động, vừa hội nhập thị trường quốc tế" [3]. Nhìn chung, tuy có nhiều khái niệm, "nền KTTM" vẫn gắn với KHCN tiên tiến, phát triển bền vững, thân thiện môi trường, chất lượng cuộc sống cao và có thể được đánh giá thông qua 6 nội dung sau [4]:

- Mô hình quản lý nền KTTM: Các chính sách, bộ máy quản lý kinh tế, cơ sở dữ liệu (CSDL) và quá trình triển khai, điều hành nhằm đánh giá nền kinh tế và đưa ra các quyết sách trong thời gian tối ưu nhất với hiệu quả kinh tế cao nhất.

-Tinh thần đổi mới, sáng tạo và các doanh nghiệp (DN).

- Hình ảnh và thương hiệu kinh tế.

- Năng suất lao động của cư dân.

- Tính linh hoạt của thị trường lao động.

- Khả năng hội nhập quốc tế.

2. Bức tranh về xây dựng KTTM của một số nước

Singapore

Tại Singapore, nhân tố quyết định đến sự thành công trong công cuộc xây dựng nền KTTM chính là các dự án, chiến lược đồng bộ mang tầm quốc gia, được sự hỗ trợ mạnh mẽ và điều hành, quản lý từ Chính phủ. Nổi bật trong số các dự án xây dựng đô thị thông minh cấp quốc gia tại Singapore phải kể đến Smart Nation.

Hơn một thập kỷ qua, Quốc đảo sư tử đã tập trung các đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ - kỹ thuật với hơn 22 triệu USD cho các dự án nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm những công nghệ hoặc sản phẩm mới; 13,8 tỷ USD cho kế hoạch 5 năm nhằm phát triển công nghệ, hỗ trợ các công ty kỹ thuật và hỗ trợ đưa những sản phẩm đang nghiên cứu ra ngoài thực tế [5].

Với việc phát triển và ứng dụng rộng rãi KHCN vào các lĩnh vực cùng sự hỗ trợ của chính phủ, Singpore đã nâng tầm vị thế của mình từ một đất nước hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, trở thành một cường quốc kinh tế với chỉ số phát triển TPTM - Smart City Index 2021 đứng đầu thế giới [6].

Từ mô hình phát triển kinh tế thông minh của Đà Nẵng, khuyến nghị giải pháp nhân rộng mô hình, áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam - Ảnh 2.

Hàn Quốc

Từ một thị trấn công nghiệp nhỏ của tỉnh Gyeonggi cách đây 60 năm, Seoul hiện là thành phố lớn nhất của Hàn Quốc và là một trong những đại đô thị hàng đầu thế giới. Để đạt được những thành tựu trên, Seoul đã tạo bước ngoặt mang tính quyết định chứng kiến sự phát triển bùng nổ đối với các ngành công nghệ và công nghiệp theo hướng KTTM. Tháng 6/2011, Seoul đã đưa ra Kế hoạch "Seoul thông minh năm 2015" sử dụng hệ thống cảm biến không dây để thúc đẩy việc số hóa các tài nguyên, kết nối mạng thông minh, có vai trò làm thay đổi đáng kể xã hội và sự phát triển kinh tế của thành phố.

Chính phủ còn lập chiến lược xây dựng và phát triển KHCN mới và phát huy những thế mạnh vốn có của đất nước. Để kiến tạo cho KTTM, Seoul tập trung đào tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, và triển khai hệ thống CSDL mở phục vụ người dân và DN như miễn thuế, hỗ trợ vốn vay và cho vay không lãi, giảm thuế thu nhập cho các DN [7] .

3. Thực tiễn KTTM Đà Nẵng

Lý luận và thực tiễn đã cho thấy xu hướng hiện nay và sắp tới có nhiều thành phố trên thế giới đang thực hiện chiến lược xây dựng nền KTTM cho đất nước. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng quốc tế. Ở Việt Nam, TP. Đà Nẵng là một điển hình về phát triển nền KTTM.

Năm 2012, TP. Đà Nẵng là đô thị đầu tiên định hướng xây dựng ĐTTM, ký hợp tác với tập đoàn công nghệ IBM, sau này đơn vị thực hiện là tập đoàn Viettel. Chiến lược phát triển nền KTTM Đà Nẵng được thực hiện theo hướng xây dựng một chính quyền thông minh kết nối được với những công dân thông minh, DN thông minh, hạ tầng thông tin viễn thông thông minh, giao thông thông minh và các Dự án thành phần của KTTM như Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng (DCEH), Vườn ươm DN Đà Nẵng (DNES)...

Về quản lý nền KTTM

Mô hình quản lý nền KTTM của Đà Nẵng vừa mang tính tập trung và phân chia hợp lý, gồm hai khâu là hệ thống thông tin và xây dựng, vận hành đô thị.

Về hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP. Đà Nẵng triển khai theo mô hình tập trung; các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã tham gia sử dụng chung để tiết kiệm tài nguyên, nhân lực, thuận lợi tạo lập và chia sẻ sử dụng, đầu tư nhanh và chi phí thấp. Năm 2014, với sự tư vấn, hỗ trợ của của Ngân hàng Thế giới (WB), UBND TP, Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và được cập nhật, sử dụng thường xuyên đến nay [8].

Về hạ tầng CNTT, Đà Nẵng xây dựng trung tâm dữ liệu với khả năng tính toán, bảo đảm dịch vụ dữ liệu lớn, kết nối đồng bộ. Trên cơ sở đó, thành phố hình thành các CSDL nền như công dân, DN, hộ khẩu...; triển khai phần mềm CSDL và quản lý Nhà nước chuyên ngành ở các sở, ngành, quận, huyện; thí điểm Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố; sử dụng Cổng dữ liệu mở trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu như API, web, tin nhắn, Zalo…; sử dụng một số dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ công.

Đặc biệt, khác với các địa phương khác, hệ thống ICT Đà Nẵng lấy ứng dụng làm nền tảng để phát triển hướng đến một xã hội thông minh. Với định hướng đó, thành phố đã xây dựng siêu ứng dụng Danang Smart City tích hợp nhiều tính năng, với hơn 300.000 lượt tải và nhận được 98% kết quả khảo sát hài lòng từ người dân, DN trên môi trường số ở Đà Nẵng.

Về xây dựng, vận hành ĐTTM, Đà Nẵng nhất quán chính sách xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM theo hướng "một Nền tảng - một Chính sách - đa ứng dụng - đa đối tác". Trong đó: "Một nền tảng" là triển khai tất cả ứng dụng và CSDL trên một nền tảng; "Một chính sách" bao gồm bộ tài liệu kiến trúc xây dựng và các quy chế vận hành TPTM; "Đa ứng dụng" là bảo đảm cung cấp nhiều dịch vụ, tiện tích; "Đa đối tác" là tạo môi trường mở cho nhiều đối tác tham gia xây dựng KTTM.

Trong công tác triển khai, TP. Đà Nẵng linh hoạt với mô hình phân tán gồm 5 bước; trong đó bước 1 (Tạo và thu thập dữ liệu), bước 5 (Ra quyết định và điều hành) do các sở chuyên ngành và quận, huyện thực hiện; các bước từ 2 đến 4 (Kết nối dữ liệu; Lưu trữ dữ liệu; Xử lý dữ liệu) do bộ phận CNTT triển khai, hỗ trợ các sở ngành, quận, huyện sử dụng chung [9].

Với những nỗ lực đó, việc xây dựng KTTM TP. Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Năm 2020, Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất về chỉ số đánh giả CĐS (DTI) cấp tỉnh và giữ vị trí dẫn đầu ở cả 3 trụ cột chính, phản ánh năng lực và quyết tâm của thành phố. Hiện nay, gần 100% thủ tục hành chính Đà Nẵng đang triển khai trực tuyến ở mức 3, 4, tỷ lệ hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến gần 60%. Trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành CNTT và truyền thông Đà Nẵng vẫn là một trong số ít ngành tăng trưởng dương; DN công nghệ số đạt 2,1 DN/1.000 dân (chỉ số này trên toàn quốc là 0,5) [10].

Những kết quả trên là sự ghi nhận rất đáng khích lệ đối với nỗ lực xây dựng mô hình KTTM TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm, triển khai, mô hình KTTM cũng đã nhận diện được một số khó khăn nổi bật cần phải giải quyết như: 

(i) Đà Nẵng có thu nhập bình quân đầu người chưa cao nên việc lựa chọn giải pháp, đối tượng và thời điểm đầu tư cho hạ tầng dữ liệu xây dựng KTTM một cách hiệu quả, sớm có kết quả rõ là vấn đề khó, do mô hình này bắt nguồn từ các nước phát triển, đòi hỏi kinh phí lớn, mức độ tham gia của người dân cao; 

(ii) Khó có độ đo tiêu chuẩn dữ liệu chung giữa TP. Đà Nẵng với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khác nhằm đảm bảo tính liên vùng, thông suốt của dữ liệu, trong khi đây là yếu cầu then chốt để phát triển mô hình KTTM;

(iii) Nguồn nhân lực tham gia bộ máy công vận hành hệ thống thông tin chính quyền điện tử và KTTM thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Tinh thần đổi mới, sáng tạo và các DN - làn gió mới của KTTM

Chính quyền Đà Nẵng xác định xây dựng TPTM cũng là dựa trên nền tảng các vấn đề kinh tế - xã hội hiện có, do đó các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn xây dựng KTTM cũng cần bám sát vào định hướng thành phố. Trên cơ sở đó, các yếu tố về kết nối, hệ thống, dữ liệu lớn, tự động hoá cần được áp dụng trong khởi nghiệp vào các lĩnh vực quản lý đô thị, giao thông, dịch vụ y tế, du lịch và phát triển các dự án cộng đồng…

Thành phố đã có nhiều bước đi tích cực trong thúc đẩy khởi nghiệp thông minh. Năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước thành lập và duy trì Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, xây dựng Vườn ươm khởi nghiệp với mô hình hợp tác công tư, nhờ đó triển khai được nhiều bước đi tiên phong như cho ra đời chương trình ươm tạo DP công nghệ FINC; tiên phong trong xây dựng không gian làm việc chung quy mô lớn (Danang Coworking Space)…

Từ mô hình phát triển kinh tế thông minh của Đà Nẵng, khuyến nghị giải pháp nhân rộng mô hình, áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam - Ảnh 3.

Danang Coworking Space (Nguồn: coworkingspaces.me)

Năm 2021, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin KHCN Đà Nẵng nhằm tạo bước tiến mới trong thúc đẩy, quản lý, đào tạo khởi nghiệp ĐMST và thống kê thông tin [11], làm tiền đề thúc đẩy đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp như một thành tố của nền KTTM đặc trưng Đà Nẵng.

Hình ảnh và thương hiệu của nền kinh tế mới - KTTM

Với định hướng, chiến lược, lộ trình xây dựng TPTM phù hp, trong những năm gần đây, Đà Nẵng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "Thành phố đáng sống nhất Việt Nam".

Các chương trình "Thành phố 5 Không" (năm 2000), "Thành phố 3 Có" (năm 2005), "Thành phố 4 An" (năm 2016) của Đà Nẵng đã giải quyết căn bản tình trạng nghèo đói, mù chữ, tệ nạn xã hội. Thành phố đã tạo nên điểm nhấn, thương hiệu riêng của mình, mang đến sự yên tâm và tình cảm của khách du lịch đối với điểm đến Đà Nẵng. Với những nền tảng thuận lợi đó, trong những năm qua, Đà Nẵng đã đi tiên phong cả nước trong phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ - thông tin như một phần của mô hình ĐTTM tại đây.

Từ mô hình phát triển kinh tế thông minh của Đà Nẵng, khuyến nghị giải pháp nhân rộng mô hình, áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam - Ảnh 4.

Ảnh: doanhnghiep.vn

Từ năm 2016, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity); Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) bằng 5 ngôn ngữ và phát triển các trang mạng xã hội; xây dựng Chatbot và ứng dụng Danang FantastiCity;… Hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã xác định du lịch trực tuyến (E-Tourism) là xu hướng tất yếu đòi hỏi các DN du lịch buộc phải thay đổi, thích nghi, tạo ra các mô hình kinh doanh thông minh để đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Gần đây Đà Nẵng đã ứng dụng các công nghệ thực tế ảo VR360 giúp du khách dễ dàng tham quan, trải nghiệm các điểm đến của Đà Nẵng khi chưa thể đi du lịch do tác động của đại dịch COVID-19 [12].

Nỗ lực bước đầu của Đà Nẵng rất đáng ghi nhận để phát huy và nhân rộng điển hình tốt cho thành phố cũng như cả nước. Tuy nhiên, TP. Đà Nẵng hiện nay cũng vấp phải nhiều khó khăn cần khắc phục để phát triển du lịch thông minh như nguồn nhân lực ngành du lịch, dịch vụ còn thiếu; nguồn lực tài chính còn hạn hẹp; vấn đề ô nhiễm môi trường biển, du lịch bền vững, nhận thức của người dân đôi khi còn bất cập...

Năng suất lao động của cư dân tương thích với tính linh hoạt thị trường lao động và sự thay đổi thành của TPTM

Thành phố Đà Nẵng xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cần được ưu tiên đầu tư phát triển nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển KTTM. Thành phố tiến hành rà soát, hoàn thiện các chính sách nhập cư bảo đảm hài hòa, nhân văn, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế và thực hiện minh bạch, liên thông về thị trường lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Đà Nẵng cao hàng đầu cả nước. Cơ cấu lao động đang biến đổi để hợp với loại hình kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ và chuyển dịch theo hướng tăng số lượng lao động trong các ngành dịch vụ, công nghệ; giảm lao động trong các ngành lao động phổ thông.

Thị trường lao động Đà Nẵng vẫn có sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu. Với mục tiêu xây dựng TPTM, hệ thống dịch vụ việc làm của Đà Nẵng đã được xây dựng và cơ bản đáp ứng một phần trong công tác kết nối, giao dịch việc làm. Toàn thành phố có 7 cơ sở dịch vụ việc làm, trong đó 4 cơ sở công lập, 3 cơ sở ngoài công lập, nổi bật là Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng.

Do ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, chính quyền Đà Nẵng đã linh hoạt nhiều phương thức giải quyết việc làm thông qua ứng dụng công nghệ số. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tổ chức được 16 phiên giao dịch việc làm và nhiều phiên giao dịch thông qua kênh online, Facebook… với hơn 2.600 lượt đơn vị đăng ký tham gia tuyển dụng, giới thiệu được việc làm cho hơn 1.750 lao động [13].

Năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 4018/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động" trên địa bàn thành phố nhằm xây dựng hệ thống CSDL thị trường lao động, làm tiền đề ứng dụng công nghệ trong phát triển mô hình KTTM. Tuy vậy, hệ thống dịch vụ việc làm của Đà Nẵng nhìn chung phát triển vẫn còn chậm, chưa có một cấu trúc tổ chức rõ ràng. Hệ thống thông tin về thị trường lao động còn mang tính góp nhặt, chưa cập nhật và dự báo đầy đủ các biến động cung - cầu sức lao động [14]. Vai trò đào tạo nhân lực của giáo dục phổ thông, đại học, nên được nhiều học giả hiện đại đề cập: "Với việc triển khai ICT đúng cách thức, các thành phố có thể cách mạng hóa kết nối giữa người học và người dạy, giữa cơ sở đào tạo môi trường học tập" [15].

Từ mô hình phát triển kinh tế thông minh của Đà Nẵng, khuyến nghị giải pháp nhân rộng mô hình, áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam - Ảnh 5.

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng (Ảnh: TTXVN)

Về khả năng thích ứng với biến đổi, trong bối cảnh dịch COVID-19, TP. Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ và dữ liệu số phục vụ phòng chống dịch và chủ động trong thích ứng, chuyển trạng thái. Có thể kể đến một số ứng dụng như: Tiêm chủng, xét nghiệm; giấy đi đường QRCode; thẻ đi chợ QRCode, phân tích dữ liệu khai báo y tế sàng lọc và kịp thời xử lý các ca nghi ngờ; Truy vết nhanh qua tổng đài tự động; giám sát cách ly F1 tại nhà,... Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong sáng tạo trong triển các sáng kiến như lấy mẫu gộp 5 trong xét nghiệm COVID-19, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm chi phí 20 lần so với các cách xét nghiệm truyền thống [16].

Khả năng hội nhập quốc tế theo hướng phát triển KTTM

Năng lực hội nhập quốc tế của Đà Nẵng ngày càng được thừa nhận, khẳng định vị thế của một ĐTTM thời đại mới trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ khi Chỉ thị 41- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế được ban hành, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Đề án tổng thể về công tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016-2020.

Vị thế của thành phố được nâng cao với việc tham gia hiệu quả nhiều diễn đàn quốc tế như Mạng lưới các chính quyền địa phương quản lý định cư con người (CityNet), Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN)... [17]. Năng lực hội nhập quốc tế đặc biệt được bộc lộ khi thành phố được tham gia tổ chức các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước, ví dụ như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, thành phố đã tham gia tổ chức và bảo đảm an ninh tuyệt đối cho các đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia của các nền kinh tế lớn thế giới, qua đó tạo được hình ảnh một TPTM phát triển năng động, điểm đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư; thành phố của các sự kiện tầm cỡ có sức lan tỏa lớn.

4. Đề xuất, khuyến nghị nhân rộng mô hình KTTM Đà Nẵng trên Việt Nam

Đối với đô thị đặc biệt như thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chi Minh

Thứ nhất, cần có đề án phát triển KTTM hợp lý cho các đô thị lớn. Cần chủ động, nghiêm túc quán triệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/8/2018, đồng thời hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực DN và khu vực kinh tế khởi nghiệp, kinh tế số...

Đồng thời cần mãnh mẽ ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN đi ngược lại những nguyên tắc của nền KTTM. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong đề ra những nhiệm vụ chiến lược đặc biệt cấp bách, đòi hỏi thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần chủ động và có những đề án, quyết sách hợp lý trong công cuộc xây dựng phát triển nền KTTM. Đồng thời, cần có những phương thức khen thưởng kịp thời, đảm bảo công bằng, đúng người, đúng lúc cho các sở ngành, địa phương có những thành tích nổi bật trong xây dựng, phát triển mô hình nền KTTM.

Thứ hai, đối với đô thị lớn đóng vai trò là trung tâm kinh tế - hành chính của cả nước như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội là vô cùng cần thiết. Cần thực hiện mô hình quản lý nền KTTM hợp lý, nhất quán trong chiến lược đô thị hóa hiện đại, lâu dài, nhưng linh hoạt trong triển khai, điều hành nhằm tạo hiệu quả cao nhất; chú trọng xây dựng hệ thống thông tin làm cơ sở để triển khai chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ hành chính công.

Từ mô hình phát triển kinh tế thông minh của Đà Nẵng, khuyến nghị giải pháp nhân rộng mô hình, áp dụng cho các thành phố khác của Việt Nam - Ảnh 6.

Nghiên cứu và xây dựng nền tảng dịch vụ công dân và những ứng dụng thông minh, ưu tiên trong các lĩnh vực trọng điểm như du lịch, an ninh trật tự, trường học thông minh (cả giáo dục phổ thông và đại học), đô thị xanh, quy hoạch đô thị chuẩn, khởi nghiệp sáng tạo,... Đồng thời, đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ DN và người dân, du khách, người nước ngoài sinh sống làm việc tại địa phương.

Thứ ba, với vai trò là trung tâm văn hóa - giáo dục - công nghệ của cả nước, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần đóng vai trò đầu tàu trong phát triển giáo dục, tạo động lực và là "bà đỡ" cho những công dân thông minh ra đời trong môi trường tốt; tiên phong phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững trong dài hạn. 

Cần nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT cũng như hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, dạy và học kết hợp trực tiếp, trực tuyến, công bố các bài giảng điện tử, bài báo khoa học lên môi trường Internet nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác giảng dạy các cấp học trên địa bàn và hội nhập với xu hướng hoạt động, phát triển của trường học thông minh quốc tế.

Đối với các loại địa phương như Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Dương...

Thứ nhất, đối với các địa phương tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, cần lên kế hoạch hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển và chuyển đổi số (CĐS) trong mô hình kinh doanh, tập trung vào sản xuất thông minh. Có cơ chế cung cấp thông tin, số hóa dữ liệu, khuyến khích, hỗ trợ để các DN bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do COVID-19; có thể chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế và tìm kiếm thị trường mới kết hợp linh hoạt các hình thức trực tiếp và trực tuyến tùy điều kiện cụ thể. Hoàn thiện thể chế, đơn giản và số hóa các thủ tục, giảm chi phí dịch vụ logistics để hỗ trợ các DN.

Thứ hai, xây dựng chính sách hợp lý khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp công nghệ cao cũng như một số ngành có thế mạnh. Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo của địa phương, chú trọng hợp tác công - tư, ưu tiên thu hút và phát triển các công ty đầu tàu của nền kinh tế, xây dựng con người năng động, hội nhập, đáp ứng yêu cầu trong xã hội thông minh. Đồng thời, hình thành chiến lược CĐS trong chính quyền, xây dựng mô hình quản trị điện tử, cải cách hành chính số hóa.

Thứ ba, phát triển và thu hút nguồn nhân lực, có chương trình chính sách cụ thể, có định hướng chủ điểm. Cần chú trọng liên kết với các tỉnh, thành phố khác, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước để thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển của mình.

 Đối với các tỉnh, địa phương có đô thị nhiều tiềm năng cho KTTM như Vinh, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc...

Thứ nhất, đối với các tỉnh, địa phương có điểm mạnh là du lịch, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền và DN để tăng cường quảng bá, hỗ trợ thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh. Cần kết nối du khách trong tất cả các khâu trước, trong và sau chuyến đi, với trọng tâm là các ứng dụng và CĐS. Áp dụng công nghệ 4.0 để du khách tìm hiểu và có các trải nghiệm, khám phá điểm đến, không ngừng cải thiện dịch vụ, nâng cao thương hiệu cho ĐTTM. Cùng với đó, tập trung bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hoá, tiến tới tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc tế, khẳng định thương hiệu ĐTTM thời đại mới.

Thứ hai, chú trọng quản lý hành chính, môi trường đầu tư, quy hoạch đô thị, quản lý tài nguyên, đất đai phù hợp với những đặc điểm của mô hình nền KTTM. Tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội. Thực hiện các khâu đột phá về cải cách hành chính, CĐS trong chính quyền và DN, quản lý đô thị, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng, ứng dụng KHCN cao trong quản trị và vận hành các hoạt động kinh tế.

Tóm lại, xây dựng KTTM cho quốc gia, trước hết đột phá tại các đô thị, thành phố lớn, có điều kiện phù hợp để tiếp đó triển khai rộng sâu cả quy mô toàn quốc là một chiến lược lâu dài. Trong thời gian tới, Trung ương và các ngành chức năng cần tiếp tục mở các Hội thảo, Tọa đàm, nghiên cứu khoa học... để làm rõ thêm lý luận, con đường, cách thức triển khai công cuộc này một cách bài bản, khoa học, hiệu quả, bảo đảm thành công sau một thời gian xác định.

Mặt khác, do kinh tế tuần hoàn như đã nêu là một dạng thể hiện KTTM, vì đó là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người, cho nên trong tổng thể chiến lược KTTM cần chú ý đúng mức đối với nền kinh tế tuần hoàn ở Đà Nẵng./.

Tài liệu tham khảo

[1]. T.M. Vinod Kuma (2017), Smart Economy in Smart Cities, Published by Springer

[2]. Dewalska–Opitek, A. (2014). Smart City Concept – The Citizens' Perspective. Communications in Computer and Information Science, 331–340. doi:10.1007/978-3-662-45317-9_35

[3]. Rudolf Giffinger et al (2007), Smart cities Ranking of European medium-sized cities, Viện Khoa học Khu vực, Vienna UT. http://www.smart-cities.eu/download/smart_cities_final_report.pdf

[4]. ndrawati Indrawati et al (2018), Indicators to Measure Smart Economy: An Indonesian Perspective, Conference: the 2nd International Conference. [5]. https://www.researchgate.net/publication/329099198_Indicators_to_Measure_Smart_Economy_An_Indonesian_Perspective

[5]. Trần Quang Phú (2019), Quản lý nền kinh tế thông minh ở các nước và hàm ý chính sách cho TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/quan-ly-nen-kinh-te-thong-minh-o-cac-nuoc-va-ham-y-chinh-sach-cho-tp-ho-chi-minh-312057.html

[6]. SmartCitiesWorld news team (2021), Singapore ranked top of smart city index for third year, SmartCitiesWorld. https://www.smartcitiesworld.net/news/news/ singapore-ranked-top-of-smart-city-index-for-third-year-7086

[7]. Trần Đắc Hiến (2021), Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, bài học cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Tổng luận Khoa học công nghệ kinh tế, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Số 5-2021. https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-luan/2021_06/tl5_2021.pdf

[8]. Vân Anh (2020), 5 bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng trong xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh , Báo điện tử Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/5-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-da-nang-trong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-do-thi-thong-minh-607385.html

[9]. Vân Anh (2020), 5 bài học kinh nghiệm của Đà Nẵng trong xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh , Báo điện tử Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/5-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-da-nang-trong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-do-thi-thong-minh-607385.html

[10]. Viettimes.vn (2022), CĐS giúp TP thích ứng an toàn với dịch COVID-19, Tổng đài 1022 Đà Nẵng. https://rd.zapps.vn/detail/1191640289962321181?id=d630624c2709ce579718&pageId=1191640289962321181&fbclid=IwAR3Gs2wdPRBEAqqC_aWVn2wdtVCAIzsLExi4AYh2NKqxN2vfVLfDq7vzyG8

[11]. Phượng Trần (2021), Đà Nẵng thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Báo điện tử Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/da-nang-thanh-lap-trung-tam-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-764746.html

[12]. Thu Hà, Xuân Sơn, Huỳnh Nhung (2021), Đà Nẵng tiên phong trong chuyển đổi số, Báo Đà Nẵng. https://baodanang.vn/Multimedia/202111/da-nang-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-3893721/

[13]. Nhật Dương (2021), Đà Nẵng linh hoạt phương thức giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Tạp chí Kinh tế Việt Nam. https://vneconomy.vn/da-nang-linh-hoat-phuong-thuc-giai-quyet-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep.htm

[14]. Nguyễn Văn An (2020), Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường lao động ở Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng. https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=6731&_c=3

[15]. Tom Vander Ark (2014), Smart Cities that Work for Everyone: 7 Keys to Education & Employment,

[16]. Lương Quốc Huy (2021), Đà Nẵng - Thành phố đáng sống nhất tại Việt Nam, Tạp chí Văn hóa và Phát triển. https://vanhoavaphattrien.vn/da-nang-thanh-pho-dang-song-nhat-tai-viet-nam-a3428.html

[17]. Lê Trung Chinh (2021), Đà Nẵng phát huy vai trò công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Báo Thế giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/da-nang-phat-huy-vai-tro-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-167905.html

[18] T.M. Vinod Kuma (2017), Smart Economy in Smart Cities, Published by Springer

[19]. Tom Vander Ark (2014), Smart Cities that Work for Everyone: 7 Keys to Education & Employment, Published by Getting Smart.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế thông minh - nhìn từ Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO