Tuyên truyền an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống COVID-19

HM| 18/02/2021 17:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Tết Tân Sửu đã qua đi, các hoạt động lễ hội cũng bị tạm dừng do dịch COVID-19 bùng phát, nhưng không vì thế mà các địa phương lơ là việc giữ an toàn thực phẩm. Các hoạt động này còn được gắn liền với việc tuyên truyền phòng, chống COVID.

Lục Nam: Gắn an toàn thực phẩm với phòng chống COVID-19

Cho dù các lễ hội Xuân Tân Sửu tạm thời không tổ chức năm nay, nhưng Trung tâm Y tế huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục phối hợp với Phòng Y tế huyện tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được lồng ghép với công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện. Huy động Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện và các cơ quan ban ngành của huyện tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, phổ biến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng gắn với các biện pháp phòng chống COVID-19 thực hiện 5K, gồm: Khẩu trang-Khử khuẩn-khoảng cách-không tập trung-khai báo y tế.

Tuyên truyền an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống COVID-19 - Ảnh 1.

Chế biến thực phẩm phục vụ khu cách ly phòng chống COVID-19 tại cơ sở 2 thị trấn Đồi Ngô-Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: PV)

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Du lịch huyện cũng như các xã, thị trấn trong huyện tăng cường các hoạt động tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ sở. Thường xuyên tiến hành thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ huyện đến các xã, thị trấn.

Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Nêu gương các điển hình tiên tiến về mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Đối với người tiêu dùng thực phẩm: các cơ quan chức năng đặc biệt là ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân chọn mua thực phẩm, cách chế biến thực phẩm an toàn; Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn; Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi, thiu, mốc, hỏng.

Huy động đài phát thanh, truyền hình huyện cũng như hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Viết bài phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm Tết, Lễ hội. Tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp lồng ghép các hội nghị, truyền thanh về an toàn thực phẩm, phổ biến các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để nâng cao hiệu quả thực thi các nội dung của Luật.

Tăng cường truyền thông trực tiếp qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, nông nghiệp phát triển nông thôn, các ban ngành, đoàn thể với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, đưa vào thảo luận và có nghị quyết về đảm bảo an toàn thực phẩm trong các đợt sinh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền gắn với việc phòng chống COVID-19.

Đặc biệt, huyện đã huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với việc phòng chống COVID-19.

Cam Ranh: Tuyên truyền đến mọi đối tượng

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho dịp Tết nguyên đán trên địa bàn thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian qua, UBND thành phố đã cho triển khai hoạt động kiểm tra sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm dịp trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Trong suốt gần 1 tháng qua, UBND thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp huyện đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, Lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm; Tăng cường huy động các kênh thông tin truyền thông để phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như những kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Tuyên truyền an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống COVID-19 - Ảnh 2.

Hoạt động tập huấn công tác VSATTP đến các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tổ chức trước Tết nguyên đán trên địa bàn phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh.

Bên cạnh đó, thành phố Cam Ranh tổ chức các hoạt động cụ thể như: Phổ biến và triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu. Huy động các cơ quan truyền thông ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý ATTP tại nơi diễn ra lễ hội; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định ATTP, phổ biến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng, đặc biệt huy động hệ thống loa truyền thanh ở xã, phường tham gia tuyên truyền ATTP tại địa phương; Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau Tết.

Điều đặc biệt nhất trong đợt ra quân tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay là thành phố đã quan tâm công tác tuyên truyền đến những đối tượng có liên quan trực tiếp như người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; Người tiêu dùng thực phẩm; Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Chính quyền các cấp, các nhà quản lý.

Hải Phòng: Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với thực phẩm bẩn

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp này.

Từ ngày 1/1 đến ngày 20/3, thành phố đã, đang và sẽ tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống COVID-19 - Ảnh 3.

Đoàn Kiểm tra liên ngành Thành phố Hải Phòng phối hợp kiểm tra về công tác ATTP . (Ảnh: Haiphong.gov.vn)

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản; bia, rượu, nước giải khát; bánh, mứt, kẹo; rau, củ, quả nhập khẩu… Các đoàn liên ngành của thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất các mặt hàng trên thuộc diện tự công bố; cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn; các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở do Trung ương và thành phố cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Trong nhiều năm qua, thành phố Hải Phòng quyết liệt triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO