Ứng dụng AI trong quản lý giao thông thông minh

Trần Đình Hoạch| 09/12/2021 14:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những giải pháp mà Chính phủ khuyến khích áp dụng trong xây dựng Chính phủ số nói chung và kiểm soát, phân luồng cũng như giám sát giao thông nói riêng. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,… đã bước đầu triển khai các gói giải pháp ứng dụng AI trong lĩnh vực kiểm soát giao thông và thí điểm mô hình giao thông thông minh.

Dùng AI để di chuyển an toàn trong thời COVID

Thời gian gần đây, nhằm kiểm soát sự lan rộng của đại dịch COVID-19 trên các hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe bus, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh (BA GPS) tại TP.HCM đã ra mắt giải pháp "Di chuyển an toàn". Đây là giải pháp tổng thể nhằm ghi nhận lại hoạt động của hành khách, lái phụ xe có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 bao gồm: Khẩu trang, khoảng cách và mật độ hành khách. Cụ thể, phần mềm quản lý phương tiện của BA GPS sẽ tích hợp 3 chức năng thông báo: "Không đeo khẩu trang", "Khoảng cách gần" và "Quá số người trên xe". Với hai chức năng mới ("Khoảng cách gần" và "Quá số người trên xe"), doanh nghiệp vận tải chỉ cần cài đặt "khoảng cách an toàn", "số người an toàn" cho mỗi phương tiện trên phần mềm BA GPS. Trong ngưỡng an toàn, phần mềm hiển thị biểu tượng màu xanh. Nhưng nếu quá ngưỡng an toàn, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo kèm biểu tượng màu đỏ, để các doanh nghiệp vận tải có phương án sắp xếp, điều chỉnh.

Ứng dụng AI trong quản lý giao thông thông minh - Ảnh 1.

Phần mềm sẽ gửi thông báo đỏ nếu quá ngưỡng an toàn được cài đặt.

Trước đó, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ghi nhận các hoạt động của hành khách, lái phụ xe có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus, bao gồm khẩu trang, khoảng cách và mật độ hành khách. Giải pháp này cho phép phân tích dữ liệu hình ảnh của camera trên phương tiện giao thông. Thậm chí, ngay khi người dân đeo khẩu trang nhưng để hở mũi, hở cằm… thì AI vẫn xem đó là không đeo. Mỗi khi phát hiện hành khách hoặc lái phụ xe không đeo khẩu trang, hệ thống tự động gửi thông báo về doanh nghiệp vận tải và điện thoại của lái xe, phụ xe. Sau 2 tháng áp dụng, đã có 40 doanh nghiệp vận tải với 1.000 đầu xe sử dụng, tỷ lệ người không đeo khẩu trang giảm khoảng 3 lần (trước khi áp dụng tỷ lệ  23%, sau khi áp dụng tỷ lệ chỉ còn khoảng 6%-7%).

AI giúp chuyển đổi số trong giao thông công cộng

Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System – Giải pháp ITS) là công nghệ được sử dụng để giải quyết các vấn đề về giao thông đường bộ, trong đó bao gồm giám sát an ninh công cộng, cảnh báo tắc đường, phát hiện vi phạm giao thông, hệ thống đếm lưu lượng xe… Hệ thống này đã được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới và bước đầu đã áp dụng tại một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Quảng Ninh…

Ứng dụng AI trong quản lý giao thông thông minh - Ảnh 2.

Một kỹ sư tập trung cao độ giám sát điều hành giao thông TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc. Ảnh: Minh Quân

Là Trung tâm điều khiển giao thông thông minh đầu tiên của cả nước, Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM), bắt đầu hoạt động từ 2019 với 5 chức năng chính gồm: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giám sát, theo dõi tình hình giao thông; cung cấp thông tin giao thông trực tuyến; phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và mô phỏng dự báo giao thông. Tất cả những chức năng này đều được ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hy vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành giao thông của thành phố.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn từng bước xây dựng giải pháp BMS, ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả trong giám sát và quản lý hệ thống xe bus/tuyến/khách. Gói giải pháp này sử dụng công nghệ AI được xây dựng dựa trên nền tảng các giải pháp và thiết bị công nghệ như bảng LED hiển thị thông tin tại trạm xe (bSmartLED).

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS (Phenikaa MaaS) đã nghiên cứu, phát triển gói giải pháp quản lý xe công cộng với mong muốn nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý đội xe và thúc đẩy các DN này tiến hành chuyển đổi số. Gói giải pháp BMS của Phenikaa MaaS sử dụng công nghệ AI được xây dựng dựa trên nền tảng các giải pháp và thiết bị công nghệ như bảng LED hiển thị thông tin tại trạm xe (bSmartLed), tự động phân tích dữ liệu và tính toán chính xác thời gian xe đến điểm đón/trả khách (bSmartETA), bản đồ số (bMap), thiết bị định vị (bGPS), thiết bị AI Box giúp giám sát hành khách và lái xe (bHub) và và phần mềm bản đồ xe buýt dành cho hành khách.

Ứng dụng AI trong quản lý giao thông thông minh - Ảnh 3.

Bảng LED hiển thị thông tin tại trạm xe được lắp đặt trên xe và các điểm đón/trả khách, cung cấp cho hành khách các thông tin chính xác về chuyến xe

Với việc tích hợp này, thời gian xe di chuyển trên đường có thể dễ dàng được tính toán nhằm cung cấp thông tin chính xác về các chuyến xe trên bảng LED lắp đặt trên xe cũng như tại các điểm đón/trả khách, giám sát hành trình, từ đó đảm bảo các thông tin chính xác về điều kiện môi trường bên trong xe bus, tình trạng xe hay xung quanh trạm trung chuyển theo thời gian thực. Bên cạnh đó, BMS còn cho phép đơn vị vận hành xe bus công cộng trích xuất dữ liệu về phương tiện, lái xe, hỗ trợ lập báo cáo vận hành xe, quản lý số lượng xe, tuyến xe… cũng như thống kê, phân tích, nhận định nhu cầu đi lại của người dân. Từ các tính năng trên, đơn vị vận hành và quản lý phương tiện có thể theo dõi, quản lý mọi hoạt động trên xe, đảm bảo an toàn cho hành khách, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp.

Hiện tại, gói giải pháp BMS đã được VinBus, thương hiệu thuộc Tập đoàn Vingroup, hợp tác để xây dựng hệ thống vận hành xe bus điện nội thành. Trong tương lai gần, Hà Nội, Bình Dương và một số thành phố lớn khác trên cả nước sẽ phối hợp để triển khai gói giải pháp này.

Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới. Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển ba trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI trong quản lý giao thông thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO