Ứng dụng akaBot vào hoạt động ngân hàng thiết thực và hiệu quả

Lan Phương| 09/09/2021 09:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng, các tổ chức tài chính trên toàn thế giới đang chịu áp lực rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và tăng năng suất.

Lĩnh vực ngân hàng - tài chính đang đứng trước đòi hỏi phát triển mô hình tài chính toàn diện từ mô hình kinh doanh truyền thống. Theo đó, tự động hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, đặc biệt là tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), để thực thi nhiều tác vụ trong các tổ chức tài chính trong vài năm tới.

Ứng dụng RPA để tự động hóa các hoạt động ngân hàng

RPA (Robotic Process Automation) là tự động hóa quy trình bằng robot, chỉ một phần mềm được tích hợp vào máy tính, robot, có khả năng bắt chước thực hiện các hoạt động của con người. Thông qua việc thu thập các dữ liệu, RPA sẽ mô phỏng thao tác lặp đi lặp lại thường xuyên và thay thế con người xử lý các tác vụ kỹ thuật số như diễn giải, kích hoạt hay giao tiếp với ứng dụng và hệ thống. Việc dùng RPA trong một số công đoạn giúp giảm chi phí cho nguồn nhân lực, cũng như hạn chế những rủi ro về sai sót trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Theo Accenture, "RPA là công nghệ tiên phong trong giao tiếp máy tính - con người, theo đó, đáp ứng nhu cầu nhân lực và hỗ trợ kết nối hệ thống cho ngành dịch vụ tài chính. Với robot, tổ chức tài chính có thể tự động hóa cho các tác vụ bên ngoài, bên trong và đáp ứng hỗ trợ khách hàng".

Và với một số nghiệp vụ ngân hàng lặp đi lặp lại, RPA rõ ràng có ý nghĩa sâu sắc trong việc chuyển đổi bản chất công việc của ngành này, nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như giảm chi phí và phân bổ các nguồn lực sản xuất khan hiếm hiệu quả hơn. Có thể nói, RPA giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giúp nhân viên làm những công việc phức tạp hơn, giảm hoặc thậm chí có thể loại bỏ lỗi của nhân viên và khả năng mở rộng khi đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ với tốc độ mà nhân viên không thể đáp ứng kịp.

Mở một tài khoản ngân hàng là một trong những ví dụ về quy trình thường lặp đi lặp lại, tẻ nhạt và tốn thời gian không cần thiết cho nhân viên. Nhưng nhờ tự động hóa, những tác vụ này có thể được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn. Và về lâu dài, RPA có thể cải thiện đáng kể tính toàn vẹn và chất lượng của dữ liệu tài khoản trong hệ thống ngân hàng.

Ứng dụng akaBot vào hoạt động ngân hàng thiết thực và hiệu quả - Ảnh 1.

Một lĩnh vực ngân hàng quan trọng khác mà RPA hiện đang tạo ra một sự chuyển đổi mạnh mẽ là trong các khoản thế chấp và cho vay. Với số lượng các quy trình thông thường liên quan đến việc mua nhà - xác minh việc làm, kiểm tra tín dụng, lệnh cấp quyền sở hữu và báo cáo kiểm tra - RPA đã trở thành ứng cử viên hàng đầu để đảm nhận những nghiệp vụ này mà không cần sự can thiệp của con người, do đó thúc đẩy đáng kể hiệu quả, giảm thời gian xử lý khoản vay và giảm đáng kể tổng thời gian quay vòng. Ví dụ, ngân hàng OCBC (Oversea-Chinese Banking Corporation), tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Singapore ứng dụng RPA rộng rãi trong lĩnh vực này, cho phép ngân hàng này giảm thời gian định giá lại các khoản vay mua nhà từ 45 phút xuống chỉ còn một phút.

Ứng dụng akaBot vào hoạt động ngân hàng thiết thực và hiệu quả - Ảnh 2.

RPA cũng sẽ có tác động đáng kể đến các hoạt động tuân thủ quy định của các ngân hàng. Đặc biệt, RPA có thể loại bỏ nhu cầu về các quy trình thủ công liên quan đến việc nhận biết khách hàng (KYC) và chống rửa tiền (AML).

RPA được dự báo là một trong những mảng công nghệ chuyển đổi số (CĐS) có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Grand View Research, quy mô thị trường tự động hóa quy trình robot toàn cầu dự kiến sẽ đạt 25,56 tỷ USD vào năm 2027, mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng kép (CAGR) là 40,6% trong giai đoạn dự báo. Nền tảng công nghệ có khả năng CĐS toàn bộ tổ chức như RPA sẽ tập hợp và hình thành nên hệ sinh thái toàn diện, tích hợp đầy đủ từ giai đoạn triển khai, quản lý cho đến đo lường hiệu quả sử dụng.

akaBot: Nền tảng ứng dụng RPA của Việt Nam

Nền tảng akaBot của FPT là giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện cho doanh nghiệp (DN) với các "trợ lý robot ảo" có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn.

Với công nghệ lõi là RPA, akaBot có khả năng tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo) và OCR (công nghệ nhận dạng ký tự quang học) để xây dựng giải pháp tự động hóa thông minh toàn diện, đảm bảo không xâm lấn hệ thống CNTT hiện tại và có thể tương tác với tất cả các phần mềm DN như word, excel, SAP, web,…

Các giải pháp của akaBot có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, logistics,... giúp DN cắt giảm chi phí đến 60%, tăng năng suất đến 80% và giảm thời gian xử lý đến 90% trong khi được cam kết mức độ bảo mật cao nhất.

Ứng dụng akaBot vào hoạt động ngân hàng thiết thực và hiệu quả - Ảnh 3.

Ông Bùi Đình Giáp- Giám đốc nền tảng akaBot

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc nền tảng akaBot, cho biết triển khai tự động hóa sẽ giúp ngân hàng tối ưu hóa vận hành. FPT đã triển khai việc tối ưu hóa vận hành với akaBot cho nhiều ngân hàng như TPBank với hơn 2000 quy trình, tiếp theo là Vietcombank, HDBank, BIDV… Triển khai tối ưu hóa vận hành cho tổ chức, DN, FPT tuân thủ triết lý là Kaizen với 3 thành tố chính là: Nghĩ lớn, bắt đầu một cách thông minh và mở rộng nhanh. Phương pháp này được FPT đánh giá là phù hợp với đặc thù của các ngân hàng Việt Nam.

Để đưa công nghệ tự động hóa robot như akaBot vào ứng dụng trong ngân hàng, ông Giáp nhận định thách thức lớn nhất khi triển khai, những người làm các công việc nghiệp vụ ngân hàng hàng ngày sẽ lo lắng nhất. Tiếp theo, lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ ngân hàng thường kỳ vọng lớn vào bot có thể làm được hầu hết mọi việc của ngân hàng và có thể nhận được các kết quả ngay lập tức.

Theo đó, ông Giáp cho rằng triển khai akaBot phải đi từ hành động. Có những bot được FPT thực hiện chỉ trong 1 - 2 tuần cho việc đối soát dữ liệu. Các bot này làm rất nhanh và mang lại nhiều tiện ích. Sau khi triển khai 3-4 tuần thành công, ngân hàng có thể tổ chức các hội thảo, mời các nhân viên đang thụ hưởng thành quả từ con bot chia sẻ về vận hành, từ đó thuyết phục các cán bộ khác trong ngân hàng, xóa tan lo ngại ảnh hưởng đến công việc.

"Triển khai bot diễn ra nhanh chóng, hạn chế thay đổi tối đa hiện trạng của ngân hàng", ông Giáp đánh giá.

Chia sẻ về hiệu quả triển khai akaBot cho TPBank tại sự kiện "Better For Business" năm 2021, ông Tống Văn Tiến, Giám đốc đổi mới số Khối CNTT, TPBank cho biết năm 2020, TPBank đã rất thành công trong câu chuyện ứng dụng robotics. Hết năm 2020 đã triển khai 75 trợ lý robot ảo do akaBot, các giải pháp tự động hóa của FPT cung cấp. "Với một mức đầu tư không lớn, chúng tôi đạt được kết quả thành công gấp 2 lần so với giá trị đầu tư, tiết kiệm đáng kể về nguồn lực".

"Robot thường xử lý những công việc thường rất nhàm chán, như tạo báo cáo, nhập liệu và tự động xử lý. Chúng ta cứ hình dung các nhân viên ngày ngày làm những công việc ấy sẽ rất nhàm chán, hiệu quả không cao. Khi áp dụng robotics vào, nhân viên thoải mái hơn, hệ thống máy móc đảm bảo không sai. Nhiều khi chúng ta tuyển nhân viên vào chỉ để làm đâu đó vài ba tiếng/ngày, nhưng không thể không tuyển. Với 1 con robot, chúng tôi hoàn toàn có thể tận dụng, tối ưu, và robot có thể làm việc 24/24".

akaBot xuất ngoại

akaBot là 1 trong 6 nền tảng RPAphổ biến nhất toàn cầu do Software Reviews xếp hạng, top 10 Sản phẩm Công nghệ Việt Nam Sao Khuê 2020, Giải vàng Stevie Awards 2020 (hạng mục Sản phẩm B2B sáng Tạo), cũng như đạt nhiều chứng chỉ chất lượng uy tín khác. akaBot đã và đang cung cấp giải pháp RPA cho hơn 20 khách hàng và đối tác chiến lược thuộc các quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, tiêu biểu là Thinkpower, HSBC, Panasonic, Mizuho.

akaBot là nền tảng số của FPT được Bộ TT&TT ra mắt trong chuỗi giới thiệu các sản phẩm Make in Viet Nam.

Tháng 7/2021, nền tảng akaBot do FPT Software phát triển cho TPBank là giải pháp duy nhất được trao giải ở hạng mục Công nghệ sáng tạo ngành Tài chính trong Lễ trao giải của The Asian Banker Vietnam Country Awards. Đây là hạng mục giải thưởng ghi nhận các sáng kiến công nghệ nổi trội, được ứng dụng vào thực tế hoạt động của tổ chức, DN ngành tài chính ngân hàng, mang lại những hiệu quả vượt trội.

Ứng dụng akaBot vào hoạt động ngân hàng thiết thực và hiệu quả - Ảnh 4.

Đại diện Ban giám khảo của The Asian Banker đánh giá cao giải pháp akaBot nhờ các ưu điểm nổi bật về tính năng ứng dụng toàn diện trên quy mô lớn, công nghệ lõi RPA là công nghệ mới tối ưu, từ đó hạn chế tối đa sai sót nhờ khả năng tính toán, cân bằng các rủi ro và lựa chọn phương án giải quyết phù hợp. Nhờ vậy, hoạt động ngân hàng tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể. Những tiêu chí trên cũng được kiểm nghiệm thực tế qua hoạt động của akaBot tại TPBank, bắt đầu từ giữa năm 2020.

akaBot hiện được triển khai cho 50 khách hàng, có mặt tại 13 quốc gia trên toàn thế giới. Giải pháp nằm trong hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ Made by FPT giúp DN, tổ chức đẩy nhanh quá trình CĐS, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực để vượt qua thách thức.

Trước đó, năm 2020, FPT Software cho biết, công ty có hợp đồng bán bản quyền sử dụng akaBot trị giá lớn cho một DN Hàn Quốc. Việc akaBot chinh phục thành công thị trường Hàn Quốc tạo tiền đề cho FPT Software đưa công nghệ Việt tham gia sâu hơn vào sân chơi sôi động tại nước này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng akaBot vào hoạt động ngân hàng thiết thực và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO