Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở

Ngọc Diệp| 23/06/2022 14:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội thảo Tổng kết dự án "Triển khai giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2 và đề xuất kế hoạch triển khai giai đoạn 3" nhằm đánh giá tính hiệu quả, tìm hiểu những bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai và khả năng mở rộng của Dự án trong những giai đoạn tiếp theo, từ đó đề xuất khuyến nghị và giải pháp.

Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở

Ngày 23/6 đã diễn ra Hội thảo Tổng kết dự án "Triển khai giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2 và đề xuất kế hoạch triển khai giai đoạn 3" do Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức.

Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho người dân, bảo đảm cho mọi người dân được CSSK cơ bản với chi phí thấp và hiệu quả nhất. Để mọi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, CSSK có chất lượng ngay tại cơ sở, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước cải thiện chất lượng hoạt động của y tế cơ sở tại các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, UNDP đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Y tế triển khai Dự án tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng ứng dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà". Giải pháp này bổ sung cho chương trình y tế từ xa kết nối bệnh viện quốc gia với bệnh viện tuyến tỉnh và một số tuyến huyện do Bộ Y tế chủ trì.

Dự án được thực hiện trong hai giai đoạn, từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2021 (giai đoạn 1) là giai đoạn thí điểm tại 03 trạm y tế xã của 03 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn và từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 (giai đoạn 2) là giai đoạn mở rộng triển khai tại tất cả các đơn vị y tế cơ sở của 03 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết dự án, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế cho biết: "Qua đánh giá của các chuyên gia và các địa phương, việc triển khai phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở có kết quả bước đầu rất tốt, y tế địa phương đón nhận tích cực, người dân ủng hộ, tham gia có hiệu quả, nhiều bà con dân tộc thiểu số được các bác sĩ tuyến cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ tuyến trung ương nên rất tin tưởng và lan truyền nhiều người cùng sử dụng dịch vụ này".

Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế

Theo ông Nguyễn Trường Nam, việc triển khai phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở do UNDP tài trợ là hoàn toàn phù hợp với định hướng của Bộ Y tế, nhất là trong thời gian hiện nay chúng ta đang phải tăng cường ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn bình thường mới thì việc triển khai, nhân rộng dịch vụ y tế từ xa (telemedicine) là rất đúng hướng, không chỉ giúp người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương thông qua tư vấn của thầy thuốc tuyến trên mà còn giúp người dân phòng ngừa bệnh tật.

Tại Hội thảo, Phó Đại diện thường trú UNDP ông Patrick Haverman cảm ơn Sở Y tế các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn đã cam kết mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với UNDP và Cục CNTT - Bộ Y tế trong việc triển khai giải pháp "Bác sĩ cho mọi nhà" ở tất cả các huyện và xã của ba tỉnh.

Dựa trên thành công bước đầu này, UNDP đã huy động thêm nguồn lực tài chính thông qua hai dự án khác để hỗ trợ Bộ Y tế và các tỉnh mở rộng quy mô giải pháp y tế từ xa tuyến cơ sở, từ đó tiếp tục đóng góp vào quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh COVID-19 và cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là các dự án "Tăng cường ứng phó COVID-19 thông qua tăng cường năng lực tiếp cận vaccine và hệ thống y tế", do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, và dự án Làng Hòa bình Hàn Quốc - Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ từ năm 2022 đến năm 2026 .

"Thông qua các dự án này, UNDP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế hỗ trợ nhân rộng giải pháp" Bác sĩ cho mọi nhà "tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắk, và Cà Mau nhằm phát triển rộng khắp cả nước", Ông Haverman cho biết. Ông cũng khẳng định UNDP cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác với Bộ Y tế, đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt tập trung vào hệ thống y tế tuyến cơ sở.

Bác sĩ cho mọi nhà: Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, không để ai bị bỏ lại phía sau

Tại hội thảo, UNDP đã bàn giao bản quyền và mã nguồn phát triển ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà" cho Cục CNTT - Bộ Y tế.

Ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà" là một hệ thống hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa được phát triển dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh để tăng cường chất lượng công tác tư vấn, khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở và tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là người dân ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại tuyến cơ sở.

Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở - Ảnh 3.

Mô hình tổng quan giải pháp "Bác sĩ cho mọi nhà"

Ứng dụng cung cấp kết nối giữa cán bộ y tế tại trạm y tế xã với người dân nhằm phổ biến các thông tin y tế, lên lịch hẹn khám tại trạm y tế xã và cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa, đồng thời cho phép cán bộ y tế tại trạm y tế có thể nhận sự trợ giúp về chuyên môn từ các cán bộ y tế tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện hoặc tuyến cao hơn thông qua các cuộc gọi có hình.

Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở - Ảnh 4.

Phần mềm được thiết kế dành cho nhiều nhóm đối tượng với các tính năng sử dụng khác nhau. Đối với người bệnh, họ có thể đặt lịch khám, tái khám; hỏi, trao đổi thông tin sức khỏe với nhân viên y tế qua tin nhắn; nhận tin nhắn tư vấn theo dõi, đơn và cách sử dụng thuốc, tái khám và nhận thông tin truyền thông sức khỏe, tình hình dịch bệnh. 

Đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở (trạm y tế xã), các tính năng hỗ trợ là: nhận, xếp lịch khám bệnh; nhắn tin theo dõi, tư vấn dùng thuốc, tái khám với bệnh nhân; kê đơn thuốc trực tuyến; gọi trực tuyến để xin ý kiến chuyên môn tuyến trên; tham gia các phòng họp trực tuyến và nhận tin tức, thông báo về y tế. Trong khi nhân viên bệnh viện/trung tâm y tế huyện có thể gọi trực tuyến để tư vấn chuyên môn; xem và góp ý hồ sơ, đơn thuốc của đơn vị tuyến dưới; tham gia các phòng họp trực tuyến và nhận tin tức, thông báo về y tế.

Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tuyến y tế cơ sở này đã giúp giải quyết khoảng cách địa lý, tạo điều kiện cho cán bộ y tế xã miền núi có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp từ tuyến huyện trở lên, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận khám, chữa bệnh có chất lượng cho người dân ngay tại trạm y tế xã và giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến huyện trở lên.

Sau khi triển khai giai đoạn 1 và 2 tại 3 tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn, đến nay, đã có 483 (89,5%) đơn vị y tế tuyến cơ sở được đào tạo, kết nối cung cấp dịch vụ y tế từ xa cho người dân trên địa bàn 3 tỉnh. Đây là những khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, việc đi lại gặp nhiều khó khăn và kết nối Internet còn hạn chế. Việc triển khai giải pháp đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK cho người dân. 

Theo khảo sát của cán bộ y tế và các chuyên gia, kết quả triển khai ban đầu, ba tác động tích cực nhất đối với cán bộ y tế khi tham gia Dự án là được hỗ trợ chuyên môn kịp thời bất cứ lúc nào, tiết kiệm thời gian đi lại để tập trung vào chuyên môn, và tăng cường sự gắn kết, trao đổi thông tin giữa các cơ sở y tế trên địa bàn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO