Ứng dụng công nghệ, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh

Quỳnh Chi| 08/09/2021 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Vượt qua nghịch cảnh, gỡ bỏ định kiến xã hội, nỗ lực vươn lên với khát khao khẳng định bản thân, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng tự tin, khẳng định vị thế của mình trong xã hội, đặc biệt, bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất kinh doanh.

Những rào cản trong tiếp cận cơ hội phát triển của phụ nữ DTTS

Theo thống kê, phụ nữ DTTS chiếm 49,8% trong tổng số hơn 14,2 triệu người DTTS trên toàn quốc hiện nay. Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhóm đối tượng quan trong này, tong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chương trình, chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ DTTS được cải thiện.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một thực tế, là việc phát triển diễn ra chưa đồng đều, việc tiếp cận và tham gia vào hoạt động kinh tế, các dịch vụ an sinh xã hội đối với phụ nữ DTTS còn hạn chế bởi các rào cản.Sinh ra và lớn lên tại những vùng đất còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, phụ nữ DTTS thường có xu hướng lao động sớm. Để tồn tại, sinh nhau, họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, chủ yếu là làm nông nghiệp, thêu thùa, dệt vải theo tính chất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún.

Bên cạnh đó, do rào cản về tri thức, phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Nhìn chung, họ không chỉ có rất ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống, chứ chưa nói đến việc nâng cao vị thế của mình trong gia đình, xã hội bằng việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, phụ nữ DTTS cũng có có ý tưởng kinh doanh hay, độc đáo nhưng không có nền tảng về khoa học - kỹ thuật; chưa có phương pháp quản trị doanh nghiệp khoa học đã khiến cho họ gặp khó khăn trong việc khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hội nhập toàn cầu.

Tiếp cận công nghệ 4.0 để giảm nghèo

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, khởi nghiệp của đồng bào DTTS, trong đó có phụ nữ DTTS góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là rất quan trọng.

Ý thức được điều này, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh nhạy đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ về công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS có thể tận dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp. Trong đó, Đắk Nông là một trong các địa phương chú trọng vào hoạt động này và bước đầu đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp.

Từ năm 2018, chương trình Hợp tác phát triển kinh tế tập thể giữa Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông và Viettel Đắk Nông đã phối hợp tuyên truyền cho các thành viên HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân trên địa bàn các huyện, thị xã sử dụng các ứng dụng 4G Plus, Onme, MyViettel, đổi sim 4G để cập nhật thông tin, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm miễn phí, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động huyên môn và sản xuất, kinh doanh.

Năm 2019, dự án "Hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" với sự hỗ trợ của UNDP tiếp tục hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Nông. Dự án hỗ trợ và tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tự mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, sáng kiến này nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại.

Dự án bao gồm: Nền tảng thương mại điện tử tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ có thể tiếp cận thị trường và hệ thống chuỗi giá trị. Các giải pháp tài chính hiện đại như ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, bảo hiểm vi mô. Truyền thông đa phương tiện và các nền tảng số khác để giúp bà con tiếp cận với hình thức học trực tuyến, đào tạo kỹ năng, đào tạo khởi nghiệp và nắm bắt được các thông tin về cách phòng ngừa và giảm thiểu tác động của thiên tai. Các công nghệ sản xuất mới như nông nghiệp thông minh hay nền tảng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các dữ liệu và công cụ được sử dụng để cung cấp thông tin theo thời gian thực về phản hồi của người dân và hỗ trợ hoạch định chính sách.

Chị H'Bình, tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, trung bình 1 tháng dệt được 5 bộ, bán ra thị trường với giá 1,7 triệu/bộ. Hiện nay, hơn 60% HTX ở Đắc Nông đã tham gia các sàn thương mại điện tử để có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, chủ động hơn. 

Tại tỉnh Đắc Nông, đến nay đã có nhiều HTX do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ có thu nhập ổn định, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… với doanh thu duy trì từ 1 triệu đến 5 triệu đồng/ngày. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Đắc Nông có khoảng 10,5% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 24%.

Sử dụng tối đa công nghệ thông tin cũng đã giúp cô gái trẻ Lưu Thị Hòa, dân tộc Cờ Lao, Chủ nhiệm HTX Po Mỷ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang quảng bá, kết nối thông tin, tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương. Đặc biệt, với cách quản lý kinh doanh khoa học bằng công nghệ, Hòa đã thành công trong việc phát triển chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch tại Thủ đô Hà Nội.

"Công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có thể tận dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, giúp điều phối linh hoạt; không phải mất quá nhiều chi phí trung gian. Vì vậy, nắm bắt cơ hội khai thác sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rất lớn trong khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh", Hòa chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh - Ảnh 2.

Sản xuất tinh dầu quýt ở HTX Hương Ngàn (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn). Ảnh: Văn Kiên.

Còn tại HTX Hương Ngàn (xã Nguyên Phúc, Bạch Thông, Bắc Kạn) - một HTX sản xuất tinh dầu gồm 9 thành viên và 7 thành viên là đồng bào DTTS, có công suất được 1 tấn nguyên liệu thô mỗi ngày. Các thành viên của HTX đã học rất nhanh để biết sử dụng những hình ảnh bắt mắt về sản phẩm, video về vùng nguyên liệu sau khi tinh chế, cùng với nguồn gốc chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp, xuất sứ rõ ràng đã được chị đưa lên mạng xã hội để quảng bá đăng lên Facebook, đăng lên Zalo quảng cáo đến người tiêu dùng trong cả nước, và mạnh dạn đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, như Sendo, Lazada. Nhờ đó rút ngắn được thông tin đơn hàng đến khi phân phối sản phẩm, từ đó doanh thu của HTX năm 2019 đạt 400 triệu đồng, tăng lên so với năm 2018, tăng thêm thu nhập cho các thành viên HTX.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào kinh doanh sẽ mở ra cơ hội phát triển cho hoạt động sản xuất kinh doanh của phụ nữ DTTS.

Vị thế mới của phụ nữ dân tộc thiểu số

Có thể thấy rằng, việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo và có khả năng áp dụng các công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường và huy động sự tham gia của các đối tác và các nguồn lực bên ngoài, tại chỗ và đem lại thu nhập cho các hộ nghèo.

Từ việc ngày ngày cặm cụi lao động, thêu thùa, chăm con, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí có người không thể nói được tiếng phổ thông, đến nay, phụ nữ DTTS đã có nhiều bước đổi thay mạnh mẽ. Vị thế và đóng góp của phụ nữ DTTS cho gia đình và xã hội được ghi nhận và ngày càng trở nên quan trọng, không thể thay thế. 

Nhận thức của đồng bào vùng cao, đặc biệt là chị em phụ nữ về quyền làm chủ, về bình đẳng giới đang thực sự có nhiều đổi thay tích cực. Trong những mái ấm gia đình vùng cao, đàn ông không còn đơn phương quyết định những việc lớn, nhất là những việc liên quan đến phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, mà đều có sự bàn bạc, thống nhất với người phụ nữ. Phụ nữ DTTS còn tham gia công tác tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, ngày càng nhiều cán bộ nữ đảm nhiệm các vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp thôn, bản đến cấp Trung ương. Tiếng nói, thành tựu của phụ nữ DTTS ngày càng được cộng đồng ghi nhận.

Với sự hỗ trợ từ thành tựu của cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, giờ đây, phụ nữ DTTS đã xác lập được vị thế mới: trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao, có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO