Ứng dụng công nghệ số: Giảm áp lực trong phòng chống dịch Covid-19

Kim Anh - Hàn Giang| 20/06/2021 08:23
Theo dõi ICTVietnam trên

“Chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vắc-xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế”, đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19

Và thực tế, thời gian qua nhờ ứng dụng công nghệ mà công tác phòng chống dịch ở nước ta đạt được hiệu quả tích cực…

Phát hin chui lây nhim nh… khai báo y tế

Tại TP.HCM, trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong luôn nhấn mạnh đến việc  thực hiện khai báo y tế. Riêng những trường hợp phải khai báo y tế bắt buộc, nếu không thực hiện phải xử phạt nghiêm.

Trong thời gian toàn TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) thực hiện theo Chỉ thị 16 thì hoạt động khai báo y tế càng được thực hiện nghiêm hơn. Không chỉ là người lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; những người tham gia vận tải hàng hóa, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch; người dân ra vào Q.Gò Vấp… mà ngay tại các chung cư, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị hoạt động khai báo y tế cũng được thực hiện nghiêm. Qua đó giúp phát hiện những trường hợp có nguy cơ…

Riêng tại các cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động khai báo y tế đã kích hoạt trở lại ngay khi nước ta bùng phát đợt dịch thứ 4. Theo đó, những người đến bệnh viện (BV) đều phải thực hiện khai báo y tế điện tử. Và qua hoạt động “check-in” này, BV kịp thời phát hiện người bệnh có yếu tố nguy cơ để phân luồng, khám sàng lọc, cách ly tạm trong thời gian làm xét nghiệm. Lãnh đạo các BV đều thừa nhận, hoạt động này mang ý nghĩa quyết định cho sự “phòng thủ vững chắc” của cơ sở y tế, ngăn chặn sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 vào bên trong BV. Bởi khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào BV chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.

Một số BV của TP còn triển khai “buồng cấp cứu sàng lọc”. Qua đó kịp thời phát hiện, cách ly người bệnh vào cấp cứu với Covid-19 (+).

Thời gian qua, các BV trên địa bàn TP đã trở thành nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tính đến nay đã hơn 20 BV có người mắc Covid-19 (+) từng đến để khám chữa bệnh, trong đó có 13 BV chủ động phát hiện, kịp thời cách ly, xét nghiệm và chuyển người bệnh về các BV được phân công tiếp nhận điều trị. Đơn cử như BV Nhân dân Gia Định, qua sàng lọc đã phát hiện 3 trường hợp dương tính trong cùng một ngày; từ đó hệ thống dự phòng đã nhanh chóng truy vết và phát hiện ra chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục hưng tại Q.Gò Vấp.

Không chỉ dừng lại ở đẩy mạnh khai báo y tế, TP.HCM còn có một sản phẩm riêng - đó là “Bản đồ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19”. Chỉ với một chiếc điện thoại di động thông minh hoặc máy vi tính có kết nối mạng internet, người dân có thể tìm kiếm, phát hiện các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 xung quanh mình hoặc tại một vị trí bất kỳ trên địa bàn TP. Sắp tới, bản đồ sẽ được nâng cấp, bổ sung một số chức năng mới như: Thông tin các điểm dịch tễ, điểm phong tỏa, ca dương tính đã công bố trong vòng bán kính do người dùng xác định trên bản đồ; Cập nhật thông tin bản đồ các quận - huyện, phường - xã đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; Xác định vị trí, tìm đường đi để xây dựng lộ trình di chuyển phù hợp, hạn chế tiếp xúc các điểm có nguy cơ lây nhiễm. Bản đồ này được cung cấp tại địa chỉ: https://1022.tphcm.gov.vn/ hoặc https://bando.tphcm.gov.vn/covid19.

Ngăn dch xâm nhp qua mã QR Code

Đà Nẵng không còn phát hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Theo đó TP đã triển khai 15 chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ ra vào. Việc kiểm tra khai báo y tế qua mã QR Code tại các chốt này mang lại hiệu quả tích cực, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh từ các tỉnh, thành khác.

Theo đó, các tuyến xe khách đến Đà Nẵng, khi ngang qua các chốt kiểm dịch, tài xế đều phải đưa khách vào chốt khai báo y tế. Để tiết kiệm thời gian của đôi bên, trước khi đến địa phận Đà Nẵng, tài xế nhắc nhở hành khách trên xe dùng điện thoại thông minh khai báo y tế trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Hoài - một hành khách tuyến xe Bình Định - Đà Nẵng - chia sẻ: “Tôi thấy việc khai báo y tế này rất tốt, thuận tiện cho mọi người và đảm bảo an toàn, phòng chống Covid-19. Nếu trên xe có một người mắc Covid-19 thì không thể đi tới những vùng khác được. Bây giờ dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên người dân ai cũng lo ngại”.

Người dân thực hiện khai báo y tế trực tuyến đều được cấp một QR Code. Khi đi qua các chốt kiểm dịch Covid-19, chỉ cần mở điện thoại, dùng hình ảnh QR Code đưa vào máy quét mã. Hệ thống tự động phân tích dữ liệu thông tin. Đối với trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến người nghi nhiễm Covid-19, đến từ vùng dịch… thì lực lượng chức năng thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Với 15 chốt kiểm soát tình hình dịch tại các điểm trọng yếu ra vào TP, Đà Nẵng đã trang bị 15 máy quét QR Code. Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cũng sử dụng máy tính, máy tính bảng triển khai ứng dụng quét QR Code để kiểm soát người vào, ra tại các chốt. Thông tin, dữ liệu khai báo y tế và check-in, được đưa về Trung tâm dữ liệu TP để phục vụ người dân, du khách tiếp tục sử dụng khi đến các địa điểm khác hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Người dân, du khách khi đi ra khỏi TP, bộ phận kiểm soát thực hiện check-out, ghi nhận và đưa vào dữ liệu không còn lưu trú tại Đà Nẵng để phục vụ quản lý.

Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Đà Nẵng - cho biết, đơn vị làm nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tầm soát các xe từ những vùng dịch đi qua địa bàn TP để có thông tin nhanh chóng, kịp thời và có hướng xử lý, nhất là những người đến từ những vùng dịch được Bộ Y tế thông báo. Từ đó, tạo ra hiệu ứng tốt trong công tác phòng chống dịch.

Ứng dụng công nghệ số: Giảm áp lực trong phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Sử dụng quét mã QR Code kiểm soát dịch tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại Đà Nẵng

Không chỉ triển khai kiểm soát bằng mã QR Code tại các chốt cửa ngõ vào TP. Tại nhiều chợ trên địa bàn, người dân cũng sử dụng quét mã QR Code trước khi vào chợ.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP - nhìn nhận, ứng dụng khai báo y tế điện tử, quét QR Code được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả tích cực trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã triển khai triệt để việc khai báo y tế điện tử kết hợp với kiểm soát ra, vào qua QR Code.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh tại TP. Ông Quảng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để việc khai báo y tế giúp các lực lượng làm nhiệm vụ đỡ vất vả hơn. Mục tiêu của ứng dụng số hóa vào phòng dịch là nhằm tăng cường kiểm soát người ra, vào để hạn chế thấp nhất việc xâm nhập nguy cơ lây nhiễm vào TP…


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ số: Giảm áp lực trong phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO