Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ vải thiều: Giải pháp hiệu quả không chỉ trong mùa dịch

Đỗ Thêu| 21/06/2021 17:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có vải thiều được coi là một trong những giải pháp quan trọng, hiện đại và hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ vải thiều: Giải pháp hiệu quả không chỉ trong mùa dịch - Ảnh 1.

Việc đưa nông sản lên chợ trực tuyến không chỉ là "phao cứu sinh" mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài so với cách tiêu thụ truyền thống

Tại Bắc Giang, theo báo cáo của UBND tỉnh, niên vụ vải năm 2021, toàn tỉnh có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7. Hàng năm có đến 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua.

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao là đơn vị đầu mối chủ trì, triển khai gấp rút Chương trình hỗ trợ bà con Bắc Giang tiêu thụ đặc sản vải thiều Lục Ngạn đến tay người dân cả nước thông qua thương mại điện tử. Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.

Theo đó, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp cùng 06 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost)… thống nhất triển khai những phương án thu mua, vận chuyển và được bảo quản tốt nhất nhằm đem tới người tiêu dùng chất lượng quả vải cao nhất theo các yêu cầu chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 28/05, sàn TMĐT Voso.vn của Viettel Post đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Song song với đó, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn.

Không chỉ vậy, các đơn hàng vải thiều khi đặt mua tại sàn Voso sẽ nhận ưu đãi vận chuyển toàn quốc cho tất cả các đơn hàng dưới 20 kg khi lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh. Tương tự, Tại sàn Sendo (thuộc tập đoàn FPT) cũng có thể thấy mặt hàng vải thiều đang được bán với mức ưu đãi, nhiều chủng loại từ mức giá 18.000 đồng/kg cùng với 1.000 mã miễn phí vận chuyển (tối đa 30.000 đồng/đơn hàng) …

Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ vải thiều: Giải pháp hiệu quả không chỉ trong mùa dịch - Ảnh 2.

Vải thiều Bắc Giang được bán trên gian hàng của sàn TMĐT Vỏ Sò.

Đối với các nước phát triển, việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh nông sản không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai đưa các mặt hàng nông sản lên các sàn giao dịch điện tử vẫn là điều mới mẻ. Do đó, để đạt hiệu quả, doanh nghiệp (DN) cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của DN. Bên cạnh đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh TMĐT là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử.

Theo ông Phú, cùng với việc hỗ trợ DN, hiện nay, Cục đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đào tạo tập huấn bà con nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng livestream, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay việc đưa nông sản lên chợ trực tuyến (online) không chỉ là "phao cứu sinh" mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản Việt./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ vải thiều: Giải pháp hiệu quả không chỉ trong mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO