Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phục hồi và trồng rừng

TH| 21/04/2021 11:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, việc bảo tồn, phục hồi và trồng rừng toàn cầu ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 sẽ giúp tạo ra các giải pháp sáng tạo để đẩy mạnh phục hồi cảnh quan rừng.

Bảo tồn, phục hồi và trồng 1.000 tỷ cây xanh vào năm 2030 có thể giúp phục hồi hệ sinh thái và chống lại biến đổi khí hậu. Đây là tầm nhìn của 1t.org, sáng kiến trồng rừng toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, được đưa ra tại Davos 2020.

UpLink là một nền tảng kỹ thuật số do Diễn đàn Kinh tế thế giới và các đối tác phát triển để đóng góp cho cộng đồng các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế giới. Tầm nhìn là đẩy nhanh việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm chấm dứt nghèo đói, bất bình đẳng, nạn đói và chống lại biến đổi khí hậu.

Cùng với UpLink, chiến dịch đã phát động "Thử thách nghìn tỷ cây", một lời kêu gọi các giải pháp sáng tạo để chấm dứt tình trạng phá rừng, vốn đang rất nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sự sống của hành tinh.

Mặc dù có những nỗ lực đáng kể, nhưng theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới vẫn tiếp tục mất khoảng 15 tỷ cây - hay khoảng 10 triệu ha rừng.

Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phục hồi và trồng rừng - Ảnh 2.

Các nghiên cứu thực tế cho thấy trồng 1 tỷ cây xanh tương đương với khoảng 300 - 500.000 ha rừng tập trung (tùy theo mật độ trồng: 1.600 - 4.000 cây/ha); tỷ lệ che phủ không tăng nhiều, khoảng 2%, nhưng quan trọng là giá trị về môi trường sẽ lớn hơn (1 ha rừng trồng tùy tuổi, mật độ và trạng thái có thể hấp thụ hàng trăm tấn CO2, một trong những chất gây hiệu ứng nhà kính).

Tại Hội nghị thượng đỉnh về quản trị công nghệ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới mới đây, ba công ty khởi nghiệp trong danh sách tham gia dự án UpLink nghìn tỷ cây đã đưa ra những giải pháp công nghệ sáng tạo mà họ đang triển khai để đóng góp vào nỗ lực trồng rừng.

GainForest: Ứng dụng AI để ngăn chặn nạn phá rừng

Rừng bao phủ 31% hành tinh, là nơi sinh sống của 80% các loài động vật và thực vật trên cạn trên thế giới và cung cấp sinh kế cho 1,6 tỷ người. Tuy nhiên, rừng đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng, nạn chặt phá rừng hiện nay đang ở mức báo động. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém,...

Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phục hồi và trồng rừng - Ảnh 3.

Là một hiệp hội phi lợi nhuận có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ, GainForest đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cố gắng ngăn chặn nạn phá rừng. Các thuật toán của GainForest phân tích dữ liệu từ vệ tinh, máy bay không người lái và giám sát thực địa để đo lường và trao thưởng việc sử dụng đất bền vững.

Cụ thể, các thành viên hiệp hội, như nông dân địa phương, có thể trở thành các bên liên quan/nhà đầu tư vào các khu đất có nguy cơ phá rừng tại Amazon. Họ chỉ cần chọn một khu đất có nguy cơ mất rừng và số tiền họ muốn đầu tư. Sau đó, nếu khu đất vẫn được duy trì và ở trong tình trạng tốt sau một khoảng thời gian đã thỏa thuận, các bên liên quan/nhà đầu tư sẽ nhận được phần thưởng tài chính cho khoản đầu tư của họ - rủi ro càng lớn thì lợi tức càng cao.

Chương trình khuyến khích như thế này có tác động rất lớn đến rừng nhiệt đới, vì hơn 80% số vụ phá rừng xảy ra do nông dân địa phương thực hiện để lấy đất cho cây trồng và gia súc. Quá trình này được thực hiện công khai và minh bạch bởi một hệ thống hợp đồng thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain, giúp giám sát tất cả các nhà đầu tư và đất đai của họ trong toàn bộ khu vực.

"Các bên liên quan có thể thực hiện các cam kết bằng tiền cho các cộng đồng bản địa và các dự án phục hồi rừng thông qua các hợp đồng thông minh của GainForest," công ty cho biết.

Thay vì chặt cây để nhường chỗ cho cây trồng và gia súc, giải pháp khuyến khích nông dân địa phương bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.

Cultivo: Ứng dụng công nghệ và các giải pháp tự nhiên để giải quyết vấn đề suy thoái đất

Công ty khởi nghiệp fintech có trụ sở tại California này muốn thu hút khoản đầu tư lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho các dự án khôi phục ít nhất 3,5 triệu ha, bao gồm rừng, đồng cỏ, đất ngập nước và nông nghiệp tái sinh.

"Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc trồng lại rừng hay trồng cây. Thế giới chắc chắn cần nhiều hơn thế", đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Cultivo, Manuel Pinuela, cho biết.

Sau khi gặp gỡ và trò chuyện với những người nông dân ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và Australia, Pinuela nhận ra rằng việc họ là một chủ đất giàu có hay một nông dân nhỏ không quan trọng. Anh cho biết: "Mọi người đều biết đất bị thoái hóa. Những gì họ không biết là liệu nó có bao giờ khôi phục lại hay không hoặc làm thế nào nó sẽ đưa nó trở lại trạng thái tự nhiên ban đầu".

Các tổ chức và tập đoàn trên thế giới đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào vấn đề này, nhưng đều chưa đạt được kết quả, do một số không có quyền truy cập vào dữ liệu phù hợp và một số không có công cụ để phân tích và hiểu dữ liệu. Giải pháp của Pinuela là cố gắng sử dụng dữ liệu để giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu - thay vì chỉ "mở" dữ liệu trên bảng điều khiển. Cultivo tập trung vào giải quyết vấn đề suy thoái đất, bởi việc này có ý nghĩa rất lớn đối với mất đa dạng sinh học, khủng hoảng khí hậu và các tác động khác đối với cộng đồng.

Pinuela cho biết: "Các giải pháp dựa trên tự nhiên có thể đáp ứng ít nhất 30% mục tiêu giảm thiểu CO2 vào năm 2030, nhưng chỉ tiêu tốn khoảng 3% kinh phí dành cho việc thu giữ carbon".

Giải pháp Trillion Trees của công ty là một cơ chế tài trợ cho phép các tổ chức đầu tư vào các dự án bền vững dựa vào thiên nhiên như chăn thả gia súc hoặc trồng cây tái sinh. Nó được thực hiện bằng các thuật toán độc quyền của Cultivo và công nghệ cảm biến từ xa, đồng thời được tổng hợp thành các sản phẩm đầu tư được gọi là "máy tạo thiên nhiên". Những khoản này mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư dưới dạng tín chỉ carbon và các kinh phí bù đắp khác.

Farm-Trace: Minh bạch hóa quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc

"66% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững nhưng hầu hết các tổ chức không biết rõ nguồn gốc sản phẩm mà những người nông dân cung cấp, chưa nói đến tác động của chúng", Kahlil Baker, Giám đốc điều hành và người sáng lập Farm-Trace cho biết.

Người mua sắm muốn có bằng chứng, vì vậy, nền tảng của Farm-Trace giúp thực hiện điều đó. Nhưng để có được bằng chứng xác thực, Farm-Trace cần các đối tác hoạt động trong lĩnh vực thu thập dữ liệu và thông tin trong các chuỗi cung ứng.

Để đưa ra quyết định mua hàng tốt hơn, bạn không chỉ cần thông tin mà còn cần biết tính toàn vẹn của thông tin đó và tính minh bạch về cách thức và nơi tạo ra thông tin đó. "Vì vậy, chúng tôi luôn tìm kiếm những đối tác có thể mang đến cho chúng tôi dữ liệu chất lượng", Kahlil Baker cho biết.

Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phục hồi và trồng rừng - Ảnh 4.

Sử dụng ứng dụng Farm-Trace trên cánh đồng

Nền tảng phần mềm công nghệ nông nghiệp của Farm-Trace giúp thu thập và xử lý dữ liệu đồng ruộng từ nông dân thông qua hình ảnh vệ tinh, phân tích dữ liệu và máy học. Nền tảng này hiện đang giúp các tổ chức lương thực làm sáng tỏ các sáng kiến bền vững của họ, từ việc giám sát không phá rừng đến lượng carbon lưu trữ theo thời gian hay các hoạt động như trồng cây và thậm chí trả tiền cho nông dân khi họ cung cấp thông tin minh bạch về nguồn gốc  hàng hóa họ và tác động tới môi trường.

Farm-Trace kết hợp dữ liệu di động, vệ tinh và máy học, nền tảng này đã được sử dụng bởi nông dân trong lĩnh vực rừng, cà phê, ca cao, gia súc và gia vị ở 7 quốc gia trên thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phục hồi và trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO