Ứng dụng PC-COVID: Yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20% thành công

Thế Phương| 02/10/2021 13:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia, để ứng dụng PC-COVID hoạt động tốt thì phải có sự hoạt động thông suốt của nhiều nền tảng, sự tuân thủ ứng dụng công nghệ của tất cả các cấp chính quyền cơ sở, cơ sở y tế, cơ sở tiêm, điểm xét nghiệm và người dân. Bởi vì, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20%, còn sự đồng thuận, quyết định, phối hợp khi triển khai chiếm đến 80%.

Dư luận xung quanh việc triển khai ứng dụng PC-COVID

Báo cáo dư luận về ứng dụng PC-COVID từ ngày 25/9 đến ngày 1/10 do Hệ thống lắng nghe và hỗ trợ danh tiếng Reputa thực hiện cho thấy, có đến 20,12% dư luận tiêu cực về ứng dụng, trong đó xoay quanh phản ánh, bức xúc của người dùng chủ yếu về các tình trạng lỗi như: ứng dụng bị giật lag (App lag), đăng nhập không được, không đồng bộ được dữ liệu, đồng bộ dữ liệu lâu, app chưa được hoàn thiện.

Thậm chí, người dùng sau khi tải về cũng lập tức so sánh ứng dụng "PC-COVID" với các app khác như Bluezone, VNEID, Sổ sức khoẻ điện tử. Đặc biệt, một số thảo luận khác còn bày tỏ thái độ tiêu cực về các đơn vị phát triển ứng dụng như BKAV, Viettel… Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm và bày tỏ sự bức xúc về tính bảo mật của ứng dụng, khi yêu cầu cấp quyền để đọc được thông báo, thông tin cá nhân, danh bạ, các cuộc gọi, tin nhắn…

Ứng dụng PC-COVID: Yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20% thành công - Ảnh 1.

Diễn biến thảo luận từ ngày 25/9 đến ngày 1/10 của Reputa cho thấy, PC-COVID được quan tâm nhất vào ngày 30/9, gấp 4 lần so với ngày trước đó (29/9),

"Tuy nhiên, cũng có đến 13, 69% dư luận tích cực xoay quanh việc ủng hộ việc thống nhất duy nhất một ứng dụng và kêu gọi cộng đồng tải app", báo cáo của Reputa khẳng định.

Ứng dụng PC-COVID: Yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20% thành công - Ảnh 2.

Diễn biến thảo luận từ ngày 25/9 đến ngày 1/10 cũng cho thấy, PC-COVID được quan tâm nhất vào ngày 30/9, gấp 4 lần so với ngày trước đó (29/9), và gấp gần 10 lần so với ngày đầu tiên (25/9) và ngày ngay sau đó (12 giờ ngày 1/10). Đây là điều dễ hiểu, khi mà trong ngày 30/9, khi ứng dụng lên kho tải Google Play và Apple Store, báo chí đã liên tục đăng tải thông tin và người dùng đã có sự quan tâm rất lớn. Số liệu từ Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia (Trung tâm) cũng cho thấy, trong ngày đầu tiên (30/9) đã có 1,7 triệu lượt truy vấn hệ thống.

Cụ thể, dư luận tiêu cực về "ứng dụng PC-COVID" cao gấp 1,47 lần dư luận tích cực, trong đó 23% than phiền ứng dụng chậm, cập nhật thông tin lâu mất thời gian, hao pin vì bật Bluetooth; 16% kêu ca chuyện đồng bộ dữ liệu chưa chính xác, lâu hay lỗi đồng bộ; ...

Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến đóng góp hữu ích như việc bảo mật mã QR Code, khi chỉ cần chụp ảnh QR trên mạng xã hội là có thể lộ toàn bộ thông tin người dùng. Đối với vấn đề này, đại diện Trung tâm cho biết đã ghi nhận và sẽ có biện pháp để hạn chế việc lộ, lọt thông tin khi người dùng đăng tải mã QR trong phiên bản sắp tới.

Còn trong số dư luận tích cực, phần lớn (90%) ủng hộ vì hưởng ứng việc ra mắt PC-COVID thống nhất một ứng dụng, chỉ có một phần nhỏ (7%) hưởng ứng tải app để có thể đi ra ngoài đường dễ dàng hơn, hay khen ứng dụng tích hợp nhiều tính năng (3%).

Sẽ mất một tuần để dữ liệu giữa các nền tảng được đồng bộ

Chia sẻ tại buổi Toạ đàm trực tuyến "Giới thiệu giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống COVID-19" được tổ chức mới đây, đại diện Trung tâm cho biết, ứng dụng PC-COVID cần liên thông 4 dữ liệu bao gồm: dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu xét nghiệm, dữ liệu Bảo hiểm xã hội và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an). Đến nay, các dữ liệu này đều đã được kết nối, liên thông với ứng dụng và đảm bảo về mặt kỹ thuật.

Về lý do tại sao dù đã kết nối, liên thông dữ liệu nhưng thông tin cá nhân, thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm của người dân còn có chưa hiển thị hoặc hiển thị không đúng. Thông tin về vấn đề này, đại diện Trung tâm cho rằng, giống như việc chuyển đổi văn phòng làm việc, thời gian đầu cũng sẽ có những xáo trộn nhất định, tương tự, khi chuyển đổi một ứng dụng có đến 45 triệu lượt tải với hơn 10 triệu người dùng hàng ngày thì việc xảy ra những sự cố nhất định trong những ngày đầu tiên là hoàn toàn có thể hiểu được về mặt kỹ thuật và điều này sẽ khiến dữ liệu chưa kịp đồng bộ. Vấn đề đồng bộ dữ liệu sẽ được khắc phục trong khoảng 1 tuần sắp tới.

Còn về việc thông tin cá nhân, thông tin tiêm chủng, xét nghiệm của không ít người dân vẫn không chuẩn. Đại diện Trung tâm cho rằng, đó là do có một giai đoạn hay thậm chí cho đến nay, vẫn còn tình trạng những cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm không dùng nền tảng công nghệ, vẫn thao tác thủ công với dữ liệu lưu trên bản giấy, hay file Excel. Sau đó, từ những dữ liệu này, các cơ sở mới tiến hành "nhập đuổi" vào các nền tảng. 

Nếu các cơ sở y tế dùng nền tảng công nghệ ngay từ đầu, dữ liệu chắc chắn chuẩn xác. Tuy nhiên do thực trạng cần triển khai nhanh trong xét nghiệm hay tiêm chủng nên dữ liệu của người dân được ghi trên giấy, sau đó dữ liệu này mới được nhập vào nền tảng nên có thể có sai sót, thiếu chính xác - đại diện Trung tâm giải thích.

Ứng dụng PC-COVID: Yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20% thành công - Ảnh 3.

Với những lỗi của ứng dụng PC-COVID, Trung tâm sẽ ra mắt hệ thống đóng góp, tiếp nhận ý kiến của người dùng, hoàn thiện ứng dụng.

Ngay như nền tảng quản lý tiêm chủng dù đã được 63/63 địa phương dùng ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trong các địa phương, hiện vẫn còn tỷ lệ không nhỏ là "nhập đuổi" dữ liệu, số hóa dữ liệu từ bản cứng. Hay nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết qua xét nghiệm trực tuyến, cũng mới chỉ có 18 tỉnh, thành triển khai ở các mức độ khác nhau, 28 địa phương có kế hoạch dùng. Như vậy, vẫn còn nhiều tỉnh, thành chưa sử dụng nền tảng, đang quản lý công tác xét nghiệm theo cách thủ công với dữ liệu bản giấy, file Excel.

Ngoài ra, trong bối cảnh các cơ sở y tế ưu tiên tiêm nhanh, xét nghiệm nhanh, thực tế đã có nhiều trường hợp người dân không khai đúng thông tin cá nhân, nên khi cập nhật lên, dữ liệu tiêm, xét nghiệm cũng không hiển thị đúng. Hiện đang xử lý bằng cách để cơ sở y tế liên lạc lại với người tiêm để cập nhật lại dữ liệu. 

"Đội ngũ kỹ thuật đang liên thông dữ liệu giữa Sổ sức khoẻ điện tử và PC-COVID và sẽ tiếp tục điều chỉnh để thông tin chính xác nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân", đại diện Trung tâm cho biết.

Chưa kể đến, bên cạnh kênh phản ánh dữ liệu tiêm chủng, trong tuần tới, Trung tâm cũng sẽ có kênh phản ánh về ứng dụng PC-COVID, nếu người dân thấy sai thông tin thì có thể phản ánh, để có thể kịp thời sửa chữa.

Ngoài ra, để ứng dụng PC-COVID hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân thì phải có sự hoạt động thông suốt của nhiều nền tảng, sự tuân thủ ứng dụng công nghệ của tất cả các cấp chính quyền cơ sở, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm, điểm xét nghiệm và của chính người dân.

Để thành công, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20%, còn sự đồng thuận, quyết định, phối hợp khi triển khai chiếm đến 80%. Bởi vì, những yếu tố như dữ liệu, không đến từ nền tảng công nghệ mà được "sinh ra" từ người dùng, từ các địa phương cũng như tất cả các Bộ, ngành. Vì vậy, nếu chỉ một mình công nghệ đứng ra xử lý thì dù có nỗ lực như thế nào đi nữa thì cũng sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

Vì vậy, với những lỗi của ứng dụng PC-COVID, Trung tâm sẽ ra mắt hệ thống đóng góp, tiếp nhận ý kiến của người dùng, hoàn thiện ứng dụng. PC-COVID chỉ là điểm hội tụ của các nền tàng để người dùng sử dụng nên Trung tâm luôn ghi nhận điểm còn hạn chế và tiếp tục hoàn thiện ứng dụng hơn nữa. Hệ thống này sẽ cho phép đánh giá trong một thời điểm, có bao nhiều phản ánh không hài lòng về ứng dụng PC-COVID, bao nhiêu ý kiến đã được góp ý… Thậm chí, sẽ vinh danh cho những góp ý quan trọng được tiếp thu, còn những ý kiến chưa phù hợp cũng sẽ được công khai trực tiếp.

Một số chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, với những hệ thống lớn có hàng chục triệu người dùng, có nhiều nguồn dữ liệu đổ về như PC-COVID, thì việc chuyển đổi gặp những sự cố trong ngày đầu tiên, khi sự quan tâm của người dùng dồn hết vào những ngày đầu tiên là điều dễ hiểu, thường gặp ở ngay cả những nền tảng lớn. Nhất là khi với một hệ thống phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", nếu hoàn thiện, kiểm tra từng bước thật kĩ càng trước khi ra mắt thì sẽ mất rất nhiều thời gian, không thể xong sản phẩm trong "một sớm một chiều" được. Vì vậy, điều cần làm bây giờ là Trung tâm cần phải ghi nhận ý kiến và hoàn thiện, từng bước chỉnh sửa cho phù hợp./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng PC-COVID: Yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20% thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO