Vẫn còn ít doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dựa trên dữ liệu

HL| 22/09/2021 17:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Dữ liệu của Dell Technologies tại 45 quốc gia cho thấy một "nghịch lý về dữ liệu": các doanh nghiệp (DN) cho biết cần thêm dữ liệu nhưng bản thân DN cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc trích xuất giá trị từ dữ liệu đang có.

Mới đây, một nghiên cứu của Dell Technologies ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện, cho thấy hầu hết các DN tại Việt Nam đang gặp khó khăn khi khối lượng dữ liệu ngày càng tăng.

Thay vì mang đến lợi thế cạnh tranh, dữ liệu trở thành gánh nặng bởi một loạt rào cản như khoảng cách về kỹ năng dữ liệu, kho chứa dữ liệu, các quy trình thủ công, kho lưu trữ nghiệp vụ cũng như các vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư về dữ liệu. "Nghịch lý về dữ liệu" này phát sinh do khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu vượt trội so với khả năng của các DN, công nghệ, nhân lực và quy trình.

Những phát hiện này dựa trên khảo sát với sự tham gia của 4.000 người có quyền ra quyết định tại 45 quốc gia và nghiên cứu đo lường tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trên toàn thế giới (Measuring digital transformation progress around the world) (hay còn gọi là Bảng chỉ số CĐS) của Dell Technologies.

Bảng Chỉ số CĐS cho thấy vấn đề "Không thể trích xuất các thông tin chi tiết từ dữ liệu và/hoặc quá tải thông tin" đứng vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng toàn cầu về rào cản CĐS, tăng 11 bậc so với năm 2016.

73% người tham gia khảo sát từ Việt Nam cho biết DN của họ hoạt động dựa trên dữ liệu và "dữ liệu chính là mạch máu của công ty". Nhưng chỉ có 18% cho biết xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi và sử dụng chúng xuyên suốt hoạt động của DN.

Vẫn còn ít doanh nghiệp Việt Nam xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi - Ảnh 1.

Các DN cần thêm dữ liệu nhưng bản thân họ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc chiết xuất giá trị từ dữ liệu đang có.

Những kết quả cho thấy 91% các DN vẫn chưa phát triển đủ công nghệ và quy trình về dữ liệu, cũng như/hoặc văn hóa và kỹ năng về dữ liệu. Chỉ 9% DN được xếp hạng Data Champion: Những công ty thỏa mãn cả hai điều kiện trên (về công nghệ/quy trình và văn hóa/kỹ năng).

Vẫn còn ít doanh nghiệp Việt Nam xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi - Ảnh 2.

Cũng theo nghiên cứu cho thấy, 76% DN cho biết thu thập thông tin nhanh hơn khả năng phân tích và sử dụng, tuy vậy, 67% DN cho rằng họ cần nhiều dữ liệu hơn khả năng hiện tại. 54% DN bảo vệ một lượng lớn dữ liệu ở các trung tâm dữ liệu mà DN sở hữu hoặc kiểm soát, cho dù có nhiều minh chứng về lợi ích của việc xử lý dữ liệu tại vùng biên (nơi dữ liệu được thu thập).

Khảo sát cũng cho thấy lãnh đạo chưa chú trọng vào dữ liệu với 74% DN cho rằng ban giám đốc vẫn chưa có những động thái hỗ trợ cụ thể để phục vụ cho chiến lược dữ liệu và phân tích của DN. Đồng thời chiến lược CNTT chưa phù hợp, 49% DN đang tập trung vào các hồ dữ liệu (data lake) mà chưa xem xét đến việc chuẩn hóa những gì đang có

Do vậy, sự bùng nổ của dữ liệu đang khiến công việc của nhiều DN trở nên khó khăn thay vì ngược lại: 71% DN than phiền họ sở hữu nhiều dữ liệu đến mức không thể đáp ứng các yêu cầu về bảo mật và quy định, trong khi đó 70% cho rằng các đội nhóm làm việc đang quá tải bởi lượng dữ liệu đang có.

Bảo vệ dữ liệu ngày càng phức tạp

Còn theo bảng Chỉ số bảo vệ dữ liệu toàn cầu (Global Data Protection Index - GDPI) 2021 từ Dell Technologies, các DN đang gặp phải nhiều thử thách trong việc bảo vệ dữ liệu trước những mối đe dọa thường trực từ mã độc tống tiền (ransomware) và nhu cầu sử dụng những công nghệ mới như ứng dụng đám mây, bộ khung phần mềm Kubernetes và trí tuệ nhân tạo (AI).

Khảo sát GDPI 2021 của Dell Technologies được thực hiện với sự tham gia từ 1.000 người có quyền quyết định về CNTT trên toàn cầu. 250 trong số này đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc) cho biết các DN đang gặp khó khăn trước việc dữ liệu không ngừng gia tăng, đồng thời việc bảo vệ dữ liệu đang ngày càng phức tạp hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các DN toàn cầu đang quản lý lượng dữ liệu nhiều gấp 10 lần so với 5 năm trước, từ 1,45 petabyte trong năm 2016, tăng lên 14,6 petabyte vào năm 2021. Hơn nữa, 72% người tham gia khảo sát đang lo lắng các giải pháp bảo vệ dữ liệu hiện có không thể đáp ứng tất cả các thử thách kinh doanh trong tương lai.

68% DN băn khoăn các biện pháp bảo vệ dữ liệu hiện nay có đủ hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa từ malware và ransomware không, trong khi 72% đồng ý rằng nguy cơ mất dữ liệu của họ tăng lên đáng kể từ những mối đe dọa an ninh mạng do số lượng nhân viên làm việc tại nhà tăng lên.

Còn theo một khảo sát gần đây của IDC, hơn 1/3 các DN trên thế giới đã từng gặp phải một cuộc tấn công từ mã độc tống tiền (ransomware) hay một lỗ hỏng khóa quyền truy xuất vào các hệ thống hoặc dữ liệu trong 12 tháng qua.

Chuyển đổi gánh nặng dữ liệu thành lợi thế

Mặc dù hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng rất nhiều DN đã có kế hoạch khai thác dữ liệu để mang lại một tương lai tươi sáng hơn: 53% dự định triển khai máy học (machine learning - ML) để tự động hóa quá trình phát hiện dữ liệu bất thường, 54% mong muốn chuyển sang mô hình dữ liệu như một dịch vụ (data-as-a-service) và 38% dự định xem xét sâu hơn về hiệu suất của các tủ đĩa để tái cấu trúc cách họ xử lý và sử dụng dữ liệu trong vòng 1 - 3 năm tới.

Theo đó, Dell khuyến nghị cách các DN có thể chuyển đổi gánh nặng dữ liệu thành lợi thế, đó là: Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT để đáp ứng được yêu cầu của dữ liệu tại vùng biên. Sự kết hợp này mang hạ tầng và ứng dụng của DN đến gần hơn nơi dữ liệu cần được thu thập, phân tích và đưa ra quyết định hành động - đồng thời tránh tràn dữ liệu bằng cách duy trì mô hình hoạt động đa đám mây đồng nhất. Đồng thời tối ưu hóa "ống" dẫn dữ liệu để dữ liệu có thể "chảy" tự do và an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ AI/ML.

Qua những sáng tạo đổi mới liên tục, bên cạnh giải pháp khôi phục dữ liệu như Dell EMC PowerProtect Cyber Recovery và Dell EMC PowerScale với Superna Eyeglass Ransomware Defender, Dell Technologies cũng ra mắt phần mềm và các dịch vụ mới giúp tăng tốc khả năng sao lưu dữ liệu trên máy ảo (virtual machine - VM), đơn giản hóa việc quản lý các bộ dữ liệu lớn và duy trì tính liên tục của hoạt động kinh doanh trong khi giảm bớt sự lệ thuộc vào các hoạt động khôi phục dữ liệu hằng ngày.

Ông Vũ Trần, Giám đốc Điều hành, Dell Technologies Việt Nam cho hay: "Trong thời điểm các DN đang phải chịu áp lực lớn trong việc CĐS để tăng tốc dịch vụ khách hàng, DN cần phải kết hợp hài hòa giữa việc thu thập thêm dữ liệu, đồng thời khai thác những dữ liệu hiện hữu. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, 39% DN cho rằng dịch bệnh đang gia tăng lượng dữ liệu họ cần thu thập, lưu trữ và phân tích. Trở thành một DN hoạt động dựa trên dữ liệu là một chặng đường dài và DN sẽ cần đến những chỉ dẫn trong suốt cuộc hành trình này"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn ít doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dựa trên dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO