Vạn nẻo đường lừa đảo trên không gian mạng

Hoàng Hà| 20/12/2021 08:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Mỗi người dân cần phải chủ động bảo vệ bản thân khi giao tiếp với người lạ qua mạng.

Lừa đảo từ trên mạng xã hội…

Facebook hiện là trang MXH phổ biến nhất hiện nay với khoảng 1,55 tỷ người dùng. Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook. Mạng xã hội Facebook đang là vùng đất béo bở cho các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của người sử dụng mạng xã hội này.

Vạn nẻo đường lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh 1.

Bộ Công an cảnh báo đến người dùng Facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên Facebook.

Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng Công an nhận thấy các đối tượng thường sử dụng hai phương thức để hack tài khoản Facebook của người dùng. Hoặc hack Facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo, có giao diện giống hệt website chính thức của Facebook, rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản bằng website giả mạo này để đánh cắp thông tin mật khẩu...

Sau khi hack được một tài khoản Facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ tài khoản Facebook bị hack. Sau đó dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản Facebook bị hack gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ Facebook, để thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; Giả mạo thông báo mình mới mua nhà, bất động sản, xe hơi ở nước ngoài nên thiếu tiền và cần vay tiền gấp để đặt cọc...

Các tài khoản Facebook mà các đối tượng lựa chọn để hack thường là tài khoản của những người lớn tuổi, vì những người này thường đặt mật khẩu tài khoản một cách dễ nhớ, giản đơn. Hoặc các chủ tài khoản Facebook đang sinh sống tại nước ngoài, để khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... các bị hại sẽ khó liên hệ ngay được với chủ Facebook để kiểm chứng thông tin.

Để dẫn dụ người dùng Facebook thiếu cảnh giác đăng nhập vào các đường link giả mạo, các đối tượng thường dùng 03 thủ đoạn lừa đảo sau:

+ Gửi tin nhắn thông báo chủ các tài khoản Facebook bị báo chí xuyên tạc với nhiều nội dung khác nhau và yêu cầu kích vào đường link, đăng nhập tài khoản Facebook của mình để tiếp tục xem nội dung mà báo chí viết. 

+ Gửi tin nhắn thông báo chủ tài khoản đã có gia đình là có vợ, chồng đi ngoại tình và bị các đối tượng chụp ảnh, ghi hình lại; Chủ tài khoản Facebook muốn lấy hình ảnh và biết cụ thể thì đăng nhập vào tài khoản Facebook để xem hình ảnh, video được tải lên Internet.

+ Gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản là con, bạn bè thân thiết... đang tham dự một cuộc thi, hiện đã lọt vào các vòng trong, top 10 nên cần lượt chia sẻ để tăng like, lượt xem, bình chọn nên nhờ chủ tài khoản đăng nhập Facebook và làm theo hướng dẫn của website... 

Thực chất, các đường link này đều là đường link giả mạo được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của Facebook để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng. Bộ Công an cảnh báo đến người dùng Facebook cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên Facebook... Người dùng cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản Facebook để xác minh thông tin và nội dung trao đổi. Chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của Facebook; Tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường.

Người dùng mạng xã hội Facebook cần cài đặt mật khẩu Facebook có yếu tố bảo mật cao; Hạn chế sử dụng các thông tin như họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu; Luôn cài đặt mã xác thực 2 yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; Luôn cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường... Từ đó, không để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng Facebook trong thời gian tới.

…. Đến gửi tiền, quà từ nước ngoài qua mạng

Dấu hiệu đặc trưng trong hình thức lừa đảo này thường: Đối tượng gửi quà là người nước ngoài hoặc giả danh là người nước ngoài, mới quen, quen qua mạng xã hội, chưa từng gặp mặt và chỉ liên hệ qua mạng xã hội. Sau một khoảng thời gian quen biết, lợi dụng sự cả tin của người dân để nhờ họ làm trung gian nhận món quà, tài sản với giá trị lớn.

Kẻ lừa đảo thông qua thủ đoạn tiết lộ cho nạn nhân biết trong gói quà gửi về Việt Nam có nhiều tài sản giá trị lớn như tiền, vàng, trang sức đắt tiền… mặc dù các tài sản này bị cấm gửi qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh. Sau khi nạn nhân chấp nhận làm trung gian, đối tượng lấy danh nghĩa giả nhân viên công ty giao hàng, hải quan, ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân yêu cầu nộp tiền vận chuyển, thuế hải quan và tiền phạt vì soi thấy có tiền, vàng, trang sức trong gói hàng gửi về.

Kẻ xấu thường yêu cầu chuyển khoản trong mọi trường hợp đều chuyển vào số tài khoản cá nhân tại Việt Nam. Khi nạn nhân sập bẫy và chuyển khoản, đối tượng lừa đảo sẽ khóa tài khoản mạng xã hội, nhanh chóng chuyển tiền chiếm đoạt qua nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Cuối cùng, tiền sẽ được rút ở một ngân hàng nước ngoài.

Do những đặc tính của không gian mạng như xuyên quốc gia, ẩn danh,  thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác truy tìm, điều tra của cơ quan chức năng. Thực tế đòi hỏi chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng qua không gia mạng như các mạng xã hội, Internet; Khuyến cáo người dân không nên công khai các hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội; Khi sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là các ngân hàng có giao dịch chuyển tiền quốc tế thì cẩn thận bảo mật dữ liệu tài khoản nhằm tránh bị lộ thông tin cá nhân; Tuyệt đối không tiết lộ mã xác thực tài khoản ngân hàng OTP cho bất kỳ ai vì bất kỳ lý do gì.

Xác định đây là loại tội phạm mới gây nguy hiểm cho xã hội, Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan đã xây dựng kế hoạch đi từ hoạt động tuyên truyền phòng ngừa đến hoạt động tổ chức điều tra. Thực tế điều tra thấy phát sinh một số khó khăn vướng mắc. Các đối tượng chủ mưu và đối tượng thừa hưởng số tiền chiếm đoạt được sau cùng thường ở nước ngoài, do đó vừa khó khăn trong công tác điều tra bắt giữ đối tượng, vừa khó thu hồi tài sản đã bị thiệt hại. Chính vì vậy, mỗi người cần phải chủ động bảo vệ bản thân khi giao tiếp với người lạ qua mạng. Các giấy tờ chứng minh, thậm chí là cuộc gọi video đều có thể làm giả, đặc biệt liên quan đến việc chuyển tiền hay đầu tư thì đều có thể là dấu hiệu của việc lừa đảo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vạn nẻo đường lừa đảo trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO