Vì sao một thành phố thông minh lại có thể không hấp dẫn cư dân?

Bảo Bình| 14/06/2021 08:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) chỉ thành công khi các công dân sống trong thành phố đó cảm nhận được sự tiện ích, và đặc biệt là, họ hạnh phúc!

Làm thế nào để xây dựng một TPTM từ con số không? Hay nói cách khác là hội đồng thành phố cần gì để xây dựng một TPTM từ con số không và thành công? Câu chuyện không chỉ là áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất vào thành phố, và thành phố đó sẽ trở nên “thông minh”. Xây dựng TPTM chỉ thành công khi các công dân sống trong thành phố đó cảm nhận được sự tiện ích, và đặc biệt là, họ hạnh phúc. Câu chuyện về Songdo ở Hàn Quốc mang đến cho chúng ta một cách nhìn khác về TPTM.

Câu chuyện về một Songdo hiện đại, công nghệ cao ở Hàn Quốc

Trong hơn một thập kỷ, các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch đô thị đã cùng chung tay làm việc, để tạo ra Songdo, một quận thương mại hoàn toàn mới đại diện cho những tiến bộ của Hàn Quốc trong phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng. Songdo đã từng là một hình mẫu cho thấy cách chúng ta sẽ sống ở các thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, những thực tế hiện tại ở Songdo đang nhanh chóng khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về sự kết nối giữa công nghệ và cộng đồng trong một TPTM.

Là khu ngoại ô ở cách xa thủ đô Seoul quá đông đúc, Songdo được xây dựng từ một cơ sở hạ tầng hoàn toàn không có gì, trên gần 1.500 mẫu đất được khai hoang. Về mặt kỹ thuật, Songdo được coi là phần mở rộng của Incheon, một trung tâm giao thông quốc tế lớn cho phép du khách nước ngoài và trong nước đến thành phố một cách dễ dàng.

Songdo được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 21 như một thành phố hoàn toàn bền vững, công nghệ cao, quy hoạch cho một tương lai không có ô tô, không ô nhiễm và không có những không gian sống quá đông đúc. Về cơ bản, đó là một điều không tưởng trước những gì thủ đô Seoul đang có, nhưng Songdo được định vị như một trung tâm kinh tế toàn cầu mới, với tài năng nhân lực và những mô hình doanh nghiệp phù hợp, cho phép nó cạnh tranh với các thị trường châu Á khác.

Để thực hiện những mục tiêu khá cao cả này, một số công nghệ đô thị tiên tiến nhất trên thế giới đã được sử dụng tại Songdo. Các đường phố trong nội đô quận được trang bị các cảm biến đo lường việc sử dụng năng lượng và lưu lượng giao thông. Các cảm biến trở thành một phương tiện định lượng tính bền vững, hỗ trợ mức độ tập trung cao nhất của các dự án được chứng nhận LEED trên thế giới. Chứng nhận LEED là một biểu tượng được công nhận trên toàn cầu về thành tựu bền vững và năng lực lãnh đạo. Chứng nhận LEED áp dụng cho tất cả các loại tòa nhà và tất cả các giai đoạn xây dựng bao gồm xây dựng mới, trang bị nội thất, vận hành và bảo trì.

Songdo cũng có một công viên lớn bên bờ biển được trang bị hệ thống tưới tiêu tự duy trì. Ở cấp độ cư dân riêng lẻ, các ống rác sẽ tự động mang rác cư dân đến một nhà máy trung tâm, nơi đó rác được tự động phân loại thành rác tái chế và rác thải không tái chế sẽ được đốt. Ngay cả các ngôi nhà cũng được vận hành thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động, kiểm soát mọi thứ, từ hệ thống sưởi và điều hòa không khí, đến mức độ ánh sáng nhân tạo.

Không nghi ngờ gì khi nói Songdo là một cuộc cách mạng và cho đến nay là thành phố tích hợp công nghệ nhất trên thế giới. Nhưng có một điều dường như bị quên lãng trong tầm nhìn về thành phố của tương lai, đó là các thành phố được thiết kế cho con người, chứ không phải được thiết kế cho các tính năng và cảm biến AI. Nhiều nhà phê bình và cư dân đều nói rằng sống ở Songdo “lạnh lẽo” và “hoang vắng”, một số còn so sánh với thị trấn ma Chernobyl. Với dân số chỉ hơn 80.000 người và giai đoạn phát triển quan trọng đầu tiên sắp kết thúc, thật khó để nói Songdo sẽ thành công và đáng mơ ước đến mức nào.

Điều mà các nhà thiết kế và quy hoạch của Songdo nên làm là thiết kế phải dựa trên quan điểm và nhu cầu của con người trước tiên, công nghệ chỉ đóng vai trò bổ sung, thay vì thiết kế một thành phố vì công nghệ, và con người chỉ là thiết bị ngoại vi. Thật dễ dàng để tự động hóa nhiều quy trình và thu thập lượng dữ liệu vô hạn - nhưng điều đó có cần thiết để đảm bảo thành phố hoạt động không? Tất cả các khía cạnh của hiệu suất đô thị có thể mô tả mức độ hạnh phúc tổng thể của cư dân? Songdo là bằng chứng cho thấy các thành phố công nghệ cao không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với sự tương tác của cộng đồng.

Vì sao một thành phố thông minh lại có thể không hấp dẫn cư dân? - Ảnh 1.

Các tòa tháp của Songdo, đôi khi có cảm giác giống như một vùng ngoại ô của nước Mỹ đang ngủ yên. Ảnh: CityLab

Thất bại của Songdo là gì?

Đến năm 2050, Liên Hợp Quốc ước tính 68% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực thành thị. Vì lý do này, Thỏa thuận xanh châu Âu kêu gọi chuyển đổi các thành phố sang thành phố thông minh - đó là những thành phố, bằng cách tận dụng các chiến lược công nghệ, quản lý để làm cho các dịch vụ công hiệu quả hơn và do đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trên khắp thế giới, nhiều dự án đô thị đã tuyên bố là hình mẫu của thành phố thông minh xanh, nhưng chúng có thực sự “thông minh” dưới mọi góc nhìn? Một trong những đổi mới lớn nhất và táo bạo được biết đến là Khu kinh doanh quốc tế Songdo. Đây là dự án thành phố thông minh trị giá 40 tỷ USD do Gale International và POSCO E&C phối hợp với Cisco và các công ty công nghệ quốc tế khác phát triển. 

Songdo thường xuyên được quảng cáo là một TPTM, xanh, ít carbon, hiệu quả về mặt kỹ thuật và tiết kiệm năng lượng. Songdo IBD được xây dựng theo một giấc mơ không tưởng về công nghệ cao, nhưng tiếc là kết quả thu được chưa chính xác như mong đợi. Trên thực tế, Songdo không chỉ vẫn chưa hoàn thiện một phần mà còn rất thưa thớt dân cư. Điều này không chỉ do số lượng công dân thấp, mà còn do có quá ít “yếu tố con người” trong TPTM này.

Nếu các TPTM được triển khai với trọng tâm duy nhất là ứng dụng công nghệ tiên tiến để có các dịch vụ hiệu quả hơn, thì thành phố đó có nguy cơ tạo ra một môi trường dễ bị công dân xa lánh. Một con đường hợp lý là ưu tiên thiết kế lấy con người làm trung tâm trong các dự án TPTM. Trên thực tế, bằng cách nhấn mạnh đến yếu tố con người, thành phố sẽ tránh được những tình huống công nghệ xâm nhập quá đáng vào đời sống, giám sát đời sống và đạo đức con người một cách lạnh lùng.

“TPTM” là gì? Đối với một số người, nó được định nghĩa là một thành phố, bằng cách kết hợp các chiến lược kiến trúc và công nghệ, quản lý để tạo ra các giải pháp sáng tạo và tối ưu cho các dịch vụ công cộng. Đối với những người khác, đó là tham vọng hướng tới các cộng đồng dân chủ và bền vững hơn. Một nghiên cứu do McKinsey Global Institute thực hiện cho thấy công nghệ TPTM có thể nâng cao chất lượng cuộc sống từ 10% - 30%.

Trở lại với câu chuyện về Khu kinh doanh quốc tế Songdo. Đây là dự án TPTM trị giá 40 tỷ USD nhằm tạo ra một thành phố hoàn toàn thông minh, xanh và ít các-bon. Điều thú vị là, chỉ 10 năm trước, nó chỉ là một đống cát và việc lựa chọn vị trí chủ yếu dựa trên khoảng cách với các khu vực kinh doanh quan trọng trong thành phố lớn hơn, mà không quan tâm nhiều đến nhu cầu của cộng đồng địa phương. 

Như trên đã nói, dự án Songdo được công ty Gale International có trụ sở tại Manhattan và POSCO E&C của Hàn Quốc, phát triển, với sự tham gia của các chuyên gia đẳng cấp thế giới về kiến trúc, kỹ thuật, thiết kế và công nghệ quốc tế như Kohn Pedersen Fox, Arup và lãnh đạo thành phố thông minh Cisco.

Tuy nhiên, thành phố Songdo được xây dựng theo một giấc mơ công nghệ cao không tưởng. Môi trường đô thị, được trang bị các cảm biến cực kỳ tinh vi giúp ghi lại mức độ ô nhiễm và thậm chí cả chuyển động của người dân, giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng. Trên thực tế, thành phố đón ít công dân đến sống hơn so với dự kiến ban đầu. 

Dự án Songdo là một dự án mang tính cách mạng trong kịch bản TPTM, nỗ lực đặc biệt hiện thực hóa “thành phố của tương lai”. Trên thực tế, cùng với những cải tiến đáng kể trong cơ sở hạ tầng công nghệ đô thị, như trang bị cảm biến, IoT, thiết bị AI, theo các nhà nghiên cứu, chúng ta nên đồng thời xem xét vai trò tinh túy của cộng đồng công dân trong môi trường đô thị. Nếu các TPTM được đưa ra về mặt ý tưởng với trọng tâm duy nhất là triển khai công nghệ tiên tiến để có các dịch vụ hiệu quả hơn, thì sẽ có nguy cơ tạo ra một môi trường dễ bị công dân xa lánh, bởi vì công nghệ kiểm soát quá nhiều mà thiếu sự tương tác của con người. 

Vì sao Songdo không thu hút cư dân đến sinh sống?

Vì sao một thành phố thông minh lại có thể không hấp dẫn cư dân? - Ảnh 2.

Những con đường ở Songdo rộng quá rộng. Ảnh: CityLab

Theo một bài viết trên Bloomberg về dự án Songdo, điều khó khăn nhất khi sống trong một thành phố thông minh không tưởng, được quy hoạch tổng thể thân thiện với môi trường là gì? Đó là gặp gỡ hàng xóm của bạn!

Bloomberg đã kể câu chuyện về Lee Mi-Jung, theo chồng từ thành phố nhỏ ven biển Pohang, nơi nổi tiếng với ngành công nghiệp thép và chợ cá, qua bán đảo Hàn Quốc để đến Songdo. Được quảng cáo là “TPTM nhất thế giới”, Songdo hứa hẹn đủ loại tiện ích: hệ thống thùng rác hiệu quả, nhiều công viên, cộng đồng quốc tế sôi động - tất cả được gói gọn trong một khu trưng bày có thể đi bộ, đầy cảm biến của thiết kế đô thị thế kỷ 21.

“Tôi tưởng tượng đây sẽ là một thành phố được thiết kế tốt, hiện đại hóa - không giống như những thành phố khác. Vì vậy, kỳ vọng của tôi rất cao", Lee, người từng là giáo viên tiếng Anh cho hay.

Quả thật, Songdo mang đến những tiện ích tuyệt vời. Các ống khí nén đưa rác thẳng từ nhà của cô đến một cơ sở xử lý rác thải dưới lòng đất, nơi nó được phân loại, tái chế hoặc đốt để tạo năng lượng; rác - và xe chở rác- hầu như không tồn tại. Mọi thứ từ đèn đến nhiệt độ trong căn hộ đều có thể được điều chỉnh thông qua bảng điều khiển trung tâm hoặc từ điện thoại của cô. Vào mùa đông, cô có thể làm ấm căn hộ trước khi về nhà.

Nhưng còn lời hứa về một cộng đồng sôi động hơn? Điều đó thật khó tìm.

“Lần đầu tiên tôi đến đây vào mùa đông. Tôi cảm thấy có gì đó lạnh lẽo”. Cô ấy không chỉ nói về thời tiết, hay sự lạnh lẽo của những tòa nhà cao tầng bằng bê tông đã mọc lên khắp thị trấn trong thập kỷ qua. Cô cảm thấy thiếu vắng hơi ấm tình người từ sự tương tác giữa những người hàng xóm. “Có một quán cà phê Internet (diễn đàn trực tuyến), nơi chúng tôi chia sẻ những tâm sự cuộc sống của mình nhưng chỉ là trên Internet - không gặp mặt trực tiếp”, Lee nói.

Điều Songdo còn thiếu: đó là con người, là các cư dân sống trong thành phố

Các ưu đãi về thuế và các đặc quyền khác được cho là sẽ thu hút một cộng đồng thịnh vượng gồm các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài đến Songdo, nhưng cuối cùng mới chỉ một số ít các công ty, tổ chức phi lợi nhuận và trường đại học mở văn phòng tại Songdo.

Songdo đã sai ở đâu? Thành phố phấn đấu trở thành một không gian không có ô tô. Trong khi đó, những con đường ở Songdo rộng đến điên cuồng, kéo dài tới 10 làn xe. Điều này một phần là để tuân thủ các quy tắc xây dựng quốc gia quy định chiều rộng đường phố và lối vào phòng cháy, và một phần là do muốn tạo ra những đại lộ rộng rãi rợp bóng cây như Paris. Cư dân nhận định đường phố ở Songdo quá rộng.

Trên lý thuyết, Songdo tự hào có một hệ thống giao thông công cộng ấn tượng, được xây dựng để đón đầu tương lai không có ô tô. Tàu điện ngầm ở đây kết nối với cả hệ thống hiện có của Incheon và mạng lưới đường sắt phức tạp của Seoul. Xe buýt liên kết các trung tâm đến các khu vực lân cận và khuôn viên trường đại học. Các tuyến xe buýt đưa hành khách đi thẳng từ Songdo đến các khu phố thời thượng của Seoul như Hongdae và Gangnam. Để thúc đẩy khả năng đi bộ, các nhà phát triển đã đặt các địa điểm như trung tâm mua sắm và trung tâm hội nghị trong vòng 15 phút đi bộ từ Công viên Trung tâm và xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp rộng rãi; họ cũng hứa sẽ có một trạm dừng xe buýt hoặc tàu điện ngầm trong vòng 12 phút đối với mọi khu vực lân cận.

Tuy nhiên, trên thực tế, ô tô vẫn là một hình ảnh phổ biến ở Songdo, và đối với nhiều cư dân ô tô là một công cụ thiết yếu, bởi vì họ sẽ không còn phải đi bộ 20 phút đến cửa hàng tạp hóa gần nhất trong thời tiết lạnh giá của Songdo.

Những tiện nghi công nghệ cao không giúp các cư dân kết nối với những người khác!

Đối với một thành phố công nghệ cao của tương lai, Songdo giống như một vùng ngoại ô của Mỹ những năm 1970 thưa thớt dân cư - đặc biệt là khi rời khỏi khu thương mại. Những con đường quá rộng và quy mô trải dài đồng nghĩa với việc các hoạt động của con người nằm cách xa nhau. 

Ngoài ra, sự yên tĩnh một cách kỳ lạ khi lái xe trên những con đường rộng thênh thang, xung quanh chỉ là những tòa nhà bê tông cao tầng, tất cả đều giống hệt nhau, mang lại cảm giác lạnh lẽo và trống vắng cho người dân nơi đây. Nhiều người cho rằng Songdo như một “khu rừng bê tông”. Người ta nói, cũng có nhiều người sống ở đây, nhưng bạn không thực sự thấy họ. Vì vậy, thành phố vẫn sống, nhưng như là vô hình./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vì sao một thành phố thông minh lại có thể không hấp dẫn cư dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO