Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế

Tiến Minh| 23/12/2021 08:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đối phó, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực đủ mạnh để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về cung và cầu của nền kinh tế.

Đây là những vấn đề đặt ra tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững". Diễn đàn quy tụ ý kiến của nhà quản lý, hoạch định, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước xung quanh các vấn đề thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch COVID-19, phục hội và phát triển kinh tế bền vững. Đây là những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm góp phần làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới. Từ đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và cho cả nhiệm kỳ 5 năm cũng như những năm tiếp theo.

Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Toàn cảnh "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững".

Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số

Tại Diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu tóm tắt tình hình kinh tế thế giới, chỉ ra hàng loạt thách thức mà kinh tế thế giới hiện đang đối mặt. Đồng thời, cũng nêu rõ thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2021 cùng các vấn đề đặt ra hiện nay như vấn đề nguy cơ lạm phát kép, nguy cơ nợ xấu…

Trước thực tế đó, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, Việt Nam cần phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững theo hướng số hóa. Lợi ích của phát triển kinh tế số đối với quốc gia là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công. Lợi ích đối với DN là tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, thay đổi linh hoạt hơn, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định.

Kinh tế số cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Chất lượng sản phẩm/tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến; Mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet; Giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với mua qua kênh truyền thống do chi phí sản xuất và phân phối được cắt giảm; Thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt…

Từ những vấn đề đã nêu, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cũng chỉ ra một số định hướng và giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế từ góc độ của chuyển đổi số và kinh tế số.

Về ngắn hạn, cần rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các DN, chú ý đến DN khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số; Thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ ngành, trung ương, địa phương.

Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai, phát huy vai trò của các quỹ tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh; Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và khẩn trương ứng dụng đại trà các công cụ thanh toán điện tử, tiền số và các hình thức kinh doanh, dịch vụ kinh tế số không dùng tiền mặt; Khuyến khích phát triển các định chế tài chính mới như Fintech; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục.

Về dài hạn, cần phải có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống hơn. Chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái đầy đủ của chuyển đổi số. Đồng thời, cần phải chú ý tới xu hướng phục hồi xanh đang trở thành một xu hướng nổi trội trên thế giới.  

Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 2.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn phát biểu.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, tận dụng phục hồi nền kinh tế để tái cấu trúc theo hướng xanh hóa nền kinh tế là một thời cơ lớn. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng xác định 4 nội dung quan trọng là giảm thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng, và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Do đó, các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cần phải được lồng ghép tốt với thực hiện các giải pháp của chiến lược tăng trưởng xanh đã được đưa ra ở Quyết định 1685 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Phát triển kinh tế số là một trong những lựa chọn đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay để nền kinh tế có thể phục hồi và phát triển bền vững.

Kinh tế số trong giai đoạn hiện nay bình quân trên thế giới chiếm khoảng 15% GDP, còn ở Việt Nam chiếm khoảng 10% GDP. Điều này cho thấy, chúng ta còn dư địa rất lớn cho phát triển kinh tế số. Đây cũng là nền tảng tương đồng xuất phát điểm như nhiều quốc gia khác, từ đó có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số và tăng cường cạnh tranh quốc gia. Kinh tế số có rất nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất chính là giúp nước ta tái cơ cấu và có ngành nghề mới. Ngoài ra, chúng ta có thể chọn được một số khâu đột phá để bứt phá lên so với các quốc gia khác có mức độ cạnh tranh tương đương với Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, vấn đề đầu tư và tăng cường về công nghệ thông tin không hẳn là vấn đề khó khăn nhất. Vấn đề khó nhất là những đột phá, thay đổi lớn về thể chế. Đây là điểm nhấn cần được quan tâm trong bối cảnh phát triển mới khi đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Bởi kinh tế số chưa phải là giải pháp hoàn hảo nếu không có những thay đổi về thể chế, chính sách, những quy định cho phù hợp.

"Do vậy, đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta tập trung vừa phát triển kinh tế số, vừa đẩy mạnh cải cách thể chế. Đây cũng là căn cứ giúp tăng năng lực cạnh trạnh, tạo hiệu quả cho các ngành nghề phát triển mới nhằm đạt mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững", PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyển đổi số là lĩnh vực rất quan trọng trong phục hồi sau đại dịch. Do đó, cần cơ sở hạ tầng để phục vụ cho chuyển đổi số; có giải pháp quan trọng để thu hút được đầu tư trong lĩnh vực này; bổ trợ về đầu tư, đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật cho người lao động trong DN nhỏ, DN cấp địa phương. Tất cả những nỗ lực này trong thời gian dài sẽ đóng vai trò tiếp tục nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế truyền thống

Nền kinh tế số

Nhà máy

Trung tâm dữ liệu/Điện toán đám mây

Cửa hàng

Trang mạng

Quảng cáo trên báo/quảng cáo bằng lời nói

Đánh giá trên mạng xã hội

Vận tải

Bán hàng qua mạng/Tải dữ liệu

Ngân hàng và các điểm giao dịch

Ngân hàng điện tử

Trường học/sách giáo khoa

Học qua mạng/Sách điện tử

Làm việc tại cơ quan

Làm việc tại nhà

Tài sản vật chất

Bảng xếp hạng trên Google/Hình ảnh thương hiệu

Xây dựng

Phát triển trang mạng

Bất động sản

Quyền sở hữu tên miền

Tiền mặt - Séc thanh toán

Thanh toán điện tử, xã hội không sử dụng tiền mặt

Lao động và vốn

Tự động hóa và AI

Bảng so sánh một số ngành/lĩnh vực giữa kinh tế số và kinh tế truyền thống (Nguồn: Pettinger, 2020).

Đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế

Phát biểu, thảo luận trực tuyến tại Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Đức Khương, PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho biết: Đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy tăng năng suất, tăng hiệu quả và từ đó sản xuất được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn. Giải pháp cơ cấu thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển, gồm: Tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện cho các doanh nhân khởi nghiệp một cách dễ dàng hơn; tạo dựng vườn ươm công nghệ.

"Điều chúng ta phải chú ý là việc đổi mới sáng tạo chỉ tốt khi nằm trong một hệ sinh thái sáng nghiệp và văn hóa sáng nghiệp. Cần nhận thức rõ vai trò phải đào tạo văn hóa đào tạo kiến thức về sáng lập DN cho lớp doanh nhân. Bên cạnh đó, phải tập trung vào đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến khoa học công nghệ mà còn liên quan trực tiếp đến thể chế về kinh tế - chính trị, xã hội… có sự đan xen, tương tác lẫn nhau từ đó tác động ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo".

GS.TS. Nguyễn Đức Khương cho biết, khi nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế, thấy rằng tồn tại tam giác thành công cho chiến lược xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm 3 mũi nhọn: Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, tăng tốc trong chuyển đổi số; có thái độ với rủi ro rõ ràng hơn; Chính sách và môi trường đổi mới sáng tạo; Khung pháp lý về thuế và thương mại nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển dựa trên việc tạo khung pháp lý về số hóa, đơn giản thủ tục hành chính cho khởi nghiệp, sáng lập DN.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có các tầng khác nhau và tầng cao nhất là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, khu vực, tỉnh/thành phố, cấp tổ chức… Có 4 loại hình đổi mới sáng tạo chủ đạo: Đổi mới sản xuất; Đổi mới quy trình, công nghệ, quản trị; Đổi mới tiếp thị, thị trường, mô hình kinh doanh; Đổi mới tổ chức, sắp xếp con người, bộ máy.

"Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở đây sẽ là một không gian bao gồm tất cả những con người, quy trình và quy tắc của trò chơi cần thiết để thực hiện đổi mới tăng năng suất, hiệu quả. Tức là sử dụng ít đầu vào nhưng tạo được nhiều của cải, sản phẩm hơn", GS.TS. Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, COVID-19 tạo ra nhiều thách thức cho đổi mới và sáng tạo. Trong đó có thách thức dành riêng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đó là sự suy giảm về nhu cầu dẫn đến việc hạn chế đầu tư vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (Research and Development - R&D), đổi mới sáng tạo. Những đổi mới sáng tạo buộc phải tập trung vào vấn đề đổi mới mang tính chất dự báo thị trường tương lai, đổi mới có tính thích ứng gắn chặt chẽ với yêu cầu, bài toán từ nền kinh tế, yêu cầu phải có hành lang về mặt chính sách tạo không gian cho thử nghiệm các phương thức chưa tồn tại có điều kiện phát triển; phải có thích ứng với giảm tính di động, sự sẵn sàng và năng lực của nhân viên và đối tác. Cuối cùng là giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội mới: Biến đổi khí hậu, bảo mật thông tin, đảm bảo niềm tin trong môi trường số, ưu tiên những người nghèo nhất và không bỏ lại ai phía sau.

Kiến nghị về chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho phục hồi kinh tế, GS.TS. Nguyễn Đức Khương đề nghị, kiến tạo môi trường vĩ mô như: Mở rộng đầu tư vào R&D, khuyến khích đầu tư mạo hiểm; Nền tảng trực tuyến để người dân có thể góp ý các dự án, chính sách đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới do các đại học, tổ chức nghiên cứu và các DN phối hợp; Đảm bảo tính toàn diện hệ thống khoa học - công nghệ - đổi mới sang tạo và hỗ trợ nghiên cứu liên nghành; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện có để tạo ra các DN và việc làm mới… Đồng thời, hỗ trợ DN thực thi đổi mới. Trong đó, chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh (đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng, kinh doanh theo hướng bền vững, có khả năng kháng cự với các cú sốc, tạo sự khác biệt được người tiêu dùng quan tâm đánh giá cao), thu hút nhân tài, đầu tư công nghệ và dữ liệu lớn, chuyển đổi số, thúc đẩy dịch vụ lưu động.

"Chỉ có sự gắn kết chặt chẽ con người - quy trình - luật chơi mới tạo ra được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giải quyết hiệu quả các thách thức hiện tại và tương lai", GS.TS. Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.

Mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam có thể đạt được

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho biết, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi bất chấp các đợt dịch COVID bùng phát, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trong bối cảnh giá đầu vào ngày càng tăng và chuỗi cung ứng gián đoạn. Tiến trình hồi phục này có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, mức độ phục hồi của các nước phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng. Tăng trưởng sụt giảm mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp để lại những "vết sẹo" trong trung hạn tại các nước mới nổi và đang phát triển với không gian chính sách hạn chế...

Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam phát biểu.

Về phản ứng chính sách tài khóa, ông Francois Painchaud cho rằng, quy mô các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia đang phát triển bao gồm Việt Nam, các hỗ trợ chính sách cần được tinh chỉnh dựa trên tình hình phát triển kinh tế cũng như diễn tiến dịch bệnh ở từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần đi kèm với các hỗ trợ về mặt chính sách cần thiết, kịp thời cho các hộ gia đình và DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta hướng tới việc mở cửa trở lại. Đặc biệt ở Việt Nam, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, cần tập trung vào tăng trưởng bền vững, tạo sức chống chịu cao.

"Mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam là có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, cần phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, quyết liệt cải cách cơ cấu và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Các chương trình hồi phục đã được Chính phủ Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất. Nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa", ông Francois Painchaud nhấn mạnh.

Ông Francois Painchaud cho biết thêm: Để có thể tận dụng các cơ hội phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cần phải đảm bảo ổn định vĩ mô về cả tài khóa cũng như tiền tệ. Đó là điều quan trọng nhất trong thời điểm này. Từ kinh nghiệm ứng phó dịch COVID-19, Việt Nam đã rút ra bài học đẩy mạnh đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, tiến hành các chương trình hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức. Các chương trình này cần được đẩy mạnh nhân rộng, tiến hành kịp thời hơn, quyết liệt hơn và làm cho dễ tiếp cận hơn nữa. Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ còn gặp những thách thức mới, vậy nên cần có cơ chế để ứng phó với những khó khăn này.

Việt Nam có cơ hội lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần đầu tư dài hạn vào chuyển đổi nền kinh tế, cải thiện kỹ năng, nâng cao kết nối, số hóa, xây dựng Chính phủ điện tử để Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn. Có sự thay đổi rất lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra nhiều thách thức cũng như các cơ hội, lợi ích cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức ngang tầm với các nước trong khu vực, cần phải tham gia các công đoạn thêm giá trị gia tăng, đẩy mạnh hiệu quả thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cải thiện hiệu suất lao động ở cả khối DN nhà nước và DN tư nhân. Việt Nam đã có nền tảng để cải cách cơ cấu, hiện này là thời điểm phù hợp để triển khai một cách khẩn trương hơn nữa.

Nói về những cơ hội và thách thức chính của Việt Nam trong quá trình triển khai những biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, ông Andrew Jeffries, Giám đốc ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng: Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách tài khóa và tiền tệ của thế giới và Việt Nam. Giải pháp về y tế và sức khỏe được coi là giải pháp quan trọng nhất.

Ở Việt Nam, chiến lược vắc-xin đã được thực hiện rất tốt. Việc tiêm chủng vắc-xin được triển khai rất nhanh. Tuy nhiên, khi thế giới xuất hiện biến chủng mới omicron thì Việt Nam phải cần thêm vắc-xin và cần có động lực cho việc tiêm vắc-xin. Việt Nam cũng đẩy mạnh sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ vắc-xin mới, đảm bảo về y tế và sức khỏe cho người dân. Tư duy này là cơ hội tốt cho Việt Nam trong các giải pháp phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt nam cũng quản lý nợ công cẩn trọng và chặt chẽ, mở rộng về tài khóa. Có nhiều dư địa cho việc thuyết phục vay vốn và phục hồi. Để phục hồi cần có nhiều gói kích cầu và kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, cùng với đó là việc cải cách thuế, chi tiêu ngân sách, huy động nguồn lực. Đồng thời, các ngân hàng tham gia rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của khu vực, trong khi đó nhu cầu của Việt Nam rất lớn. Đầu tư công và cơ sở hạ tầng là xương sống của nền kinh tế.

Trong hợp tác khu vực, cần tiếp tục có những nguồn cung vắc-xin và gia tăng kết nối du lịch. Điều này sẽ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước ASEAN.

Ngoài ra, chuyển đổi số là lĩnh vực rất quan trọng trong phục hồi sau đại dịch. Do đó, cần cơ sở hạ tầng để vụ cho chuyển đổi số; có giải pháp quan trọng để thu hút được đầu tư trong lĩnh vực này; bổ trợ về đầu tư, đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp cấp địa phương. Tất cả những nỗ lực này trong thời gian dài sẽ đóng vai trò tiếp tục nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.

Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam đã đưa ra 5 nhóm giải pháp thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19.

5 nhóm giải pháp thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19

Nhìn lại kinh nghiệm của các nước châu Á trong việc thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, qua đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh COVID-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, do vậy, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn đối với y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, DN. Bởi biện pháp ngắn hạn sẽ tác động đến tiềm năng, sự phát triển của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Thứ tư, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào phát triển hạ tầng xanh, chuyển đổi số...

Thứ năm, Việt Nam nên tăng cường vào hợp tác quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế.


(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Bài liên quan
  • Để báo chí luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội
    Mấy năm gần đây, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kính tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động báo chí truyền thông. Báo chí thực sự đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Bắc Giang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO