Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo

Lan Phương| 25/03/2021 15:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong vòng 10 năm tới, thế giới tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi to lớn của xã hội loài người. Đó là sự chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội của loài người sang môi trường số: kinh tế số, xã hội số, cuộc sống số.

Cơ hội trong nền kinh tế ảo

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, hơn 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kì năm ngoái. Hơn nữa, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%. Điều này đưa Việt Nam thành quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á có mức tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD (Singapore đạt 337,5 tỷ USD và Malaysia đạt 336,3 tỷ USD). Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định.

Thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển. Tính đến hết tháng 2/2021, theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tại Việt Nam tổng số thuê bao băng rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao, tổng số thuê bao băng rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phan Tâm: Trong vòng 10 năm tới, thế giới tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi to lớn của xã hội loài người, trước tiên đó là sự chuyển dịch lớn lao từ thế giới thực sang thế giới ảỏ

Tại Hội thảo Băng thông rộng di động & cố định (World Mobile Broadband & ICT) năm 2021 ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, xã hội số. Trong vòng 10 năm tới, thế giới tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi to lớn của xã hội loài người, trước tiên đó là sự chuyển dịch lớn lao từ thế giới thực sang thế giới ảo; Sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội của loài người sang môi trường số: kinh tế số, xã hội số, cuộc sống số.

Quá trình lớn lao, sâu sắc này, theo Thứ trưởng nhận định sẽ làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh và đời sống văn hóa xã hội. Dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên, nguồn lực ngày càng quan trọng của các quốc gia. Nguồn lực này chỉ có một đặc tính là càng nhiều người dùng thì càng hiệu quả. Kết nối toàn cầu không chỉ có kết nối truyền thống người - người mà có sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vật - vật, kết nối người - vật.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo - Ảnh 2.

Các chuyên gia ICT nhận định phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển

Hạ tầng di động băng rộng 5G và cố định sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước

Trước xu thế này, theo các chuyên gia, phát triển 5G và hạ tầng băng thông sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nambởi lẽ tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số mà đặc thù là các giao dịch điện tử trên nền tảng Internet đã phát triển và trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia.

Tuy nhiên, để góp phần hiện thực hóa đề án CĐS quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số thì các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhảy vọt. 

Theo góc nhìn của Bộ TT&TT, Thứ trưởng cho biết cần đầu tư hạ tầng số. Hạ tầng số sẽ bao gồm: hạ tầng viễn thông băng rộng, nghĩa là mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang và có khả năng kết nối di động 5G; hạ tầng điện toán đám mây; các nền tảng giải pháp công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain) và an toàn, ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ và sẽ có hạ tầng định danh số, bao gồm thanh toán điện tử. 

Như vậy, Thứ trưởng khẳng định: "Hạ tầng di động băng rộng 5G và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển sắp tới của đất nước".

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT), tỷ lệ đóng góp của 5G vào vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025.Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng cứ tăng thêm 10% thuê bao băng rộng thì GDP sẽ tăng tương ứng 0,1%.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Phan Tâm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 – 2025 đã nhiều lần khẳng định rất rõ vai trò của dịch vụ ICT trong phát triển KT-XH giai đoạn tới. Văn kiện Đại hội 13 của Đảng cũng đã xác định: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS đã được coi là một trong các quan điểm phát triển cũng như nằm trong đột phá chiến lược của giai đoạn 10 năm tới, nhằm đưa Việt Nam bứt phá nằm trong các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045.

"Bộ TT&TT cũng xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong triển khai thương mại 5G tại Việt Nam", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo - Ảnh 3.

Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong triển khai thương mại 5G tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ: factory.com.vn)

Chúng ta đang sống trong kỳ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Hoàn cảnh này đã làm nổi bật hơn bao giờ hết vai trò quan trọng của kết nối trong việc giữ cho các nền KT-XH hoạt động tốt. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đều cho thấy rằng, những cơ hội lớn từ kinh tế số, CĐS được mang lại từ công nghệ 5G, hạ tầng băng rộng nói riêng và hạ tầng số nói chung.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo - Ảnh 4.

Chủ tịch REV: 5G và đã đạt được một số kết quả tích cực

Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử (REV) Trần Đức Lai cho biết, năm 2020, sau khi được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn tại Việt Nam đã triển khai thử nghiệm phát sóng mạng di động thế hệ mới - 5G và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo kế hoạch, từ năm 2021, Việt Nam sẽ triển khai mạng 5G trên diện rộng. Đây chính là một trong những bước đi tiên phong, kiên quyết nhằm đạt được mục tiêu trở thành một trong những nước thử nghiệm thành công công nghệ 5G trên diện rộng.

Theo đánh đánh giá của Chủ tịch REV: "Đây chính là một trong những bước đi tiên phong, kiên quyết nhằm đạt được mục tiêu trở thành một trong những nước thử nghiệm thành công công nghệ 5G trên thế giới, đồng thời quyết tâm có được thiết bị 5G "make in Vietnam" với chất lượng tốt và tiết kiệm chi phí.

Song song với việc phát triển hạ tầng và mở rộng vùng phủ sóng, Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm việc áp dụng 5G trong việc thúc đẩy sản xuất công, nông nghiệp công nghệ cao và coi việc phát triển hạ tầng viễn thông là yếu tố quyết định tạo bước nhảy vọt nắm bắt cơ hội hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng nhận định tương tự, bà An Chen, Phó Chủ tịch mảng Công nghệ của Qualcomm cho rằng dù các hệ thống mạng vẫn đang còn trong giai đoạn phát triển nhưng việc triển khai đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên toàn thế giới. 5G là nền tảng có thể đem đến nhiều sự đổi mới vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng ta và sẽ dẫn đầu quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trên nhiều ngành công nghiệp.

Nhà mạng Việt Nam có thể tiết kiệm 133 triệu USD/năm chi phí vận hành mạng 5G

Theo số liệu thống kê, hiện đã có hơn 140 nhà mạng ở 61 nước trên thế giới triển khai mạng 5G. Mạng di động thế hệ thứ 5 đã có khoảng 260 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Theo Giám đốc Công nghệ (CTO) của Huawei Việt Nam Michael Jiang, cũng như các nước trên thế giới, các nhà mạng Việt Nam sẽ phải đối mặt với 4 thách thức chính trong việc triển khai 5G: Cơ sở hạ tầng, thời gian triển khai cung cấp dịch vụ, tối ưu hóa chi phí và trải nghiệm người dùng.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo - Ảnh 5.

CTO Huawei Việt Nam: với một mạng lưới gồm 30.000 trạm, giải pháp outdoor có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm được chi phí vận hành (OPEX) 133 triệu USD/năm

Dựa trên kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu, ông Michael Jiang đề xuất một số giải pháp để giúp các nhà mạng vượt qua các thách thức khi triển khai 5G.

"Các nhà mạng Việt Nam hiện nay đang sử dụng hầu hết là mạng trong nhà (indoor). Điều đó làm phát sinh ra nhiều chi phí, như xây dựng, mua sắm thiết bị nhà trạm, chi phí thuê địa điểm, chi phí điện cho hệ thống điều hòa làm mát của nhà trạm… Biện pháp tối ưu cho các nhà mạng Việt Nam là chuyển sang giải pháp ngoài trời (outdoor). Đó là những thiết bị treo trực tiếp trên cột nên sẽ không cần phải xây dựng nhà trạm, giảm chi phí điều hòa".

Theo ước tính của Huawei, với một mạng lưới gồm 30.000 trạm, giải pháp outdoor có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm được chi phí vận hành (OPEX) là 133 triệu USD/năm.

Giám đốc công nghệ của Huawei Việt Nam cũng cho rằng, các nhà mạng Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí khi triển khai 5G bằng cách tối ưu lượng điện tiêu thụ. Giải pháp của Huawei có thể tiết kiệm được 20% lượng điện so với mức trung bình của các sản phẩm khác trên thị trường. Theo ước tính, giải pháp này có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm 19,5 triệu USD/năm.

Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo - Ảnh 6.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã: Các nhà mạng cần nghiên cứu các dịch vụ viễn thông mới cho 5G

Về phía cơ quản lý nhà nước về viễn thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khuyến nghị, các nhà mạng Việt Nam cần nghiên cứu các dịch vụ viễn thông mới cho 5G để khai thác các cơ hội mới như dịch vụ viễn thông 3 chiều; Truyền thông bằng hình ảnh 3 chiều (HTC) yêu cầu tính năng trong tương lai; Vận hành có cảm nhận từ xa thông qua Internet (TIRO) tạo vô số cơ hội mở ra vô vàn ứng dụng, y tế từ xa; Hệ thống hiện diện thời gian thực (digital twin); Công nghiệp IoT với điện toán đám mây.

Mạng viễn thông năm 2030 cần phải là các mạng lưới vận hành thông minh (ION), hội tụ giữa mạng và máy tính (NCC) và mạng tích hợp không gian mặt đất (STIN), ông Nhã chia sẻ thêm.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO