Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển

Lan Phương| 30/12/2021 10:25
Theo dõi ICTVietnam trên

COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, khiến các quốc gia phải đóng cửa, kinh tế sụt giảm và mọi hoạt động xã hội bị đình trệ. Khi đại dịch diễn ra, Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ được đánh giá là giải pháp để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch, nhằm duy trì hoạt động, giữ an toàn cho người dân và phục hồi sau đại dịch.

Công nghệ đóng góp tích cực trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương và để người dân cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, Bộ TT&TT đã nhanh chóng ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng” giúp duy trì trạng thái bình thường mới. Bộ giải pháp là sự kết hợp của các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các giải pháp công nghệ và các biện pháp hành chính của chính quyền.

Trong suốt quá trình chống dịch từ năm 2020 đến nay, Bộ TT&TT đã luôn chủ động, tích cực chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai các giải pháp công nghệ để phòng chống dịch. Theo Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, đã có 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Cụ thể, các giải pháp công nghệ chống dịch, gồm: 03 nền tảng bắt buộc áp dụng thống nhất toàn quốc là nền tảng Khai báo Y tế điện tử và Quản lý QRCode, nền tảng Hỗ trợ lấy mẫu và Trả kết quả xét nghiệm và nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19; 05 nền tảng lựa chọn áp dụng là: Nền tảng Hỗ trợ truy vết, Nền tảng Hỗ trợ điều phối chuyển bệnh nhân, Nền tảng Hỗ trợ quản lý cách ly, Nền tảng Làn xanh vận tải, Nền tảng Hỗ trợ kết nối giúp đỡ; 06 công cụ lựa chọn áp dụng là: Công cụ hỗ trợ đánh giá mức độ thực hiện giãn cách, Công cụ hỗ trợ phát hiện người vượt biên trái phép, Công cụ hỗ trợ phát hiện người về từ vùng dịch, Công cụ hỗ trợ theo dõi và xử lý phản ánh của người dân, Công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu, Cẩm nang phòng, chống COVID-19.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ TT&TT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các hệ thống CNTT, nền tảng số của quốc gia

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/9/2021, Bộ TT&TT đã hoàn tất việc phát triển một ứng dụng duy nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Quốc gia lấy tên là PC-Covid. Ứng dụng PC-COVID đã được đưa lên kho ứng dụng Apple và Google vào ngày 30/9/2021 và chính thức được giới thiệu vào ngày 01/10/2021. Đến ngày 25/11/2021, toàn quốc có 30.557.359 điện thoại thông minh (smartphone) cài PC-COVID, chiếm 31,85% dân số, 45,82% số smartphone.

Trong khi đó, từ tháng 4/2020 đến hết tháng 7/2021, hệ thống họp trực tuyến hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đã được triển khai kết nối tới 1623 bệnh viện trên toàn quốc. Trong tháng 8/2021, Viettel và VNPT trong 3 ngày đã nhanh chóng kết nối thêm 328 cơ sở y tế tuyến huyện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bảm đảm phủ tới 100% tuyến huyện phục vụ công tác tư vấn phòng, chống dịch.

Tiếp theo là nền tảng Giúp tôi!: hỗ trợ kết nối trực tuyến người dân với các lực lượng cán bộ y tế để được giải đáp, tư vấn các vấn đề liên quan đến tâm lý, sức khỏe. Ra mắt từ ngày 08/8/2021 đến nay, Nền tảng Giúp tôi! đã sẵn sàng kết nối tới 1.000 - 2.000 bác sỹ chuyên nghiệp với khoảng 6.000 trường hợp nhiễm, nghi nhiễm.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 2.

Nền tảng Zalo Connect hỗ trợ kết nối người dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về lương thực, nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Người dân thông qua nền tảng, đăng lên các yêu cầu giúp đỡ về lương thực, nhu yếu phẩm, hỗ trợ y tế. Những người khác hoặc các cán bộ y tế có thể thông qua đó giúp đỡ trong khả năng của mình. Đến nay, trên nền tảng Zalo Connect đã có gần 500.000 yêu cầu giúp đỡ, trong đó hơn 90% là giúp đỡ về thực phẩm, nhu yếu phẩm, gần 10% nhu cầu giúp đỡ về y tế.

Nền tảng hỗ trợ truy vết và quản lý F0, kết hợp giữa dữ liệu quét mã QR và dữ liệu tiếp xúc gần để thần tốc tìm ra các ca F1, F2… giảm thiểu triệt để “khoảng thời gian chết” từ khi phát hiện ra F0 đến khi khoanh vùng được hết các F liên quan khác. Từ khi dịch bắt đầu bùng phát đến nay, Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết 7.802 ca nhiễm/ca nghi nhiễm, truy ra 71.670 ca có liên quan, truy vết 4070 trường hợp F0 đặc biệt, 36 trường hợp là F0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết.

Hiện nay, theo thống kê của Cục Tin học hoá, có hơn 30 triệu người đang sử dụng các nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch. Cụ thể, nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào ra sử dụng mã QR đến ngày 25/11/2021, toàn quốc đã có 2.991.165 địa điểm đăng ký kiểm soát thông qua mã QR, trong đó có 357.367 điểm ghi nhận hoạt động. Từ ngày 01/6/2021 đến nay có hơn 99 triệu lượt quét mã QR để ghi nhận vào ra tại các địa điểm đăng ký. Trong khi đó, nền tảng quản lý tiêm chủng, đến ngày 25/11/2021, toàn quốc đã có 113.572.970 mũi tiêm cập nhật trên nền tảng trong tổng số 116.430.866 mũi đã tiêm, đạt tỷ lệ 98%. Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, đến nay, 18/63 tỉnh, thành phố đã triển khai ở các mức độ khác nhau, 28/63 tỉnh, thành phố đang chuẩn bị để triển khai. Đến ngày 25/11/2021, nền tảng hỗ trợ 8.882.096 lượt người lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng PC-Covid cho 2.557.554 lượt người.

Trong quá trình hỗ trợ phòng chống COVID-19, các công nghệ AI và blockchain cũng đóng vai trò quan trọng. AI giúp giảm gánh nặng công việc của đội ngũ y tế bằng cách hỗ trợ chuẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa, robot AI giúp dọn dẹp khu cách ly, camera AI phát hiện người có thân nhiệt cao, không đeo khẩu trang, không giãn cách đúng quy định... Trong khi đó, công nghệ blockchain được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng y tế, giám sát việc triển khai hộ chiếu vắc-xin...

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Bkav từng chia sẻ AI phát huy sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam. Đầu tiên là việc ứng dụng camera AI vào việc xác định các đối tượng nhập cảnh trái phép. Camera có thể chạy 24/7 và phát đi cảnh báo cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện người nhập cảnh trái phép. Điều nay không chỉ giúp kiểm soát người nhập cảnh hiệu quả mà còn tối ưu về con người, giảm rủi ro cho đội ngũ canh gác. Tiếp theo là theo dõi hoạt động giãn cách ở những nơi công cộng hoặc trong các khu cách ly. Đội ngũ y tế không thể theo dõi sát sao từng nhóm người mọi lúc, mọi nơi, nhưng camera AI thì có thể phát hiện được ai đang không đeo khẩu trang, ở đâu đang có tụ tập đông người.

Ngoài AI, công nghệ blockchain cũng phát huy sức mạnh trong đại dịch COVID-19. Theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ (CTO) KardiaChain cho biết blockchain được một số bệnh viện ứng dụng để quản lý hồ sơ bệnh nhân, tạo ra các nền tảng kinh doanh mới trong bối cảnh thói quen mua sắm của người dùng có nhiều thay đổi. “Trong tương lai, blockchain sẽ càng trở nên quan trọng trong việc mở cửa lại đất nước. Công nghệ này đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng trong việc xác nhận một người đã tiêm vắc xin chưa, loại vắc xin đó là gì, do cơ quan nào chịu trách nhiệm...”.

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ là một mũi tiến công trong quá trình chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh: những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm: “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19

Tiếp đó, ngày 20/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với ban chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQCP và Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó, thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; ứng với cấp độ dịch nào thì có biện pháp hành chính, y tế, an sinh xã hội... phù hợp với cấp độ đó; thực hiện nghiêm công thức phòng, chống dịch “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Việt Nam chủ động nền tảng Make in Viet Nam phòng chống dịch

Trong suốt 2 năm chống dịch vừa qua, Bộ TT&TT đã luôn chủ động chủ trì xây dựng nhiều nền tảng Make in Viet Nam phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế. Ngày 11/9/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 1405/QĐ-BTTTT ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Tài liệu này quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Theo hướng dẫn, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19.

Việc Bộ TT&TT có hướng dẫn để hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian tới, các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước khi triển khai sẽ cần được Bộ TT&TT và Bộ Y tế đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đáp ứng yêu cầu kỹ thuật được công bố tại website https://covid19.tech.gov.vn. Đầu mối tổ chức việc tiếp nhận và đánh giá là Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 cho công nhân lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Trước đó, ngày 3/8/2021, Nền tảng Zalo Connect, một giải pháp của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia phối hợp cùng nền tảng Zalo xây dựng, đã chính thức ra mắt hỗ trợ kết nối người dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về lương thực, nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày, vượt qua đại dịch. Đến nay, trên nền tảng Zalo Connect đã có hơn 500.000 yêu cầu giúp đỡ, trong đó hơn 90% là giúp đỡ về thực phẩm, nhu yếu phẩm, gần 10% nhu cầu giúp đỡ về y tế.

Ngày 25/8/2021, nền tảng kết nối theo yêu cầu Giúp tôi!, thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, chính thức ra mắt tính năng tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý từ xa thông qua ứng dụng di động, tới người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên toàn quốc. Giúp tôi! là một dự án cộng đồng do Got It Vietnam, STEAM for Vietnam, Kompa Group và Filum AI khởi xướng với mục tiêu sử dụng công nghệ để trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Nền tảng Giúp tôi! không chỉ dễ sử dụng mà điều quan trọng tạo sự ổn định, tinh thần vững tâm để mọi người dân vượt qua khó khăn, thử thách của giai đoạn dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nền tảng tiêm chủng phòng COVID-19, ngày 16/10/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID Quốc gia ra đời với sự chung tay đóng góp của hơn 20 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một hệ thống phần cứng giá trị hàng ngàn tỷ đồng do các doanh nghiệp hỗ trợ, hàng trăm lập trình viên làm việc ngày đêm, hàng ngàn người triển khai và vận hành hệ thống, mọi người cũng đi vào tâm dịch và ở tại đó 4 tháng.

Với tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, Bộ trưởng đã khẳng định: “Có lẽ cũng chỉ có người Việt Nam chúng ta là có tinh thần này, nhất là những lúc nguy nan”.

Cũng theo Bộ trưởng, nền tảng tiêm chủng COVID với phần cứng hàng chục ngàn CPU, với phần mềm hàng trăm người phát triển trong nhiều tháng, với hàng ngàn người tham gia triển khai trên toàn quốc, với trên 10.000 cơ sở tiêm chủng toàn quốc sử dụng hàng ngày, có khả năng quản lý 5 triệu mũi tiêm mỗi ngày và dữ liệu liên quan đến hàng trăm triệu người dân thì có thể đây là nền tảng công nghệ số lớn nhất của ngành Y tế, và có lẽ cũng là của Việt Nam, đặc biệt nếu chúng ta nhìn thêm là hệ thống này vừa phát triển, vừa triển khai trong một thời gian rất ngắn để đáp ứng các yêu cầu phục vụ phòng chống dịch.

Bộ trưởng cho biết có rất nhiều thứ lộ ra và đã được điều chỉnh kịp thời, là vì nền tảng này được Make in Vietnam, do người Việt Nam phát triển và làm chủ. Để đến hôm nay, Bộ Y tế, Bộ TT&TT và Bộ Công an tổ chức quán triệt, hướng dẫn triển khai trên toàn quốc. “Sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện, giống như cuộc sống không bao giờ dừng lại, nhưng phần cơ bản đã sẵn sàng, các vấn đề phát sinh đã được xử lý. Dùng phần mềm là thay đổi một thói quen, mà thay đổi thói quen thì không dễ. Nó vẫn phải bắt đầu từ quy định của Bộ Y tế về việc bắt buộc phải dùng phần mềm để quản lý tiêm chủng. 200 triệu, rồi 300 triệu mũi tiêm, có thể còn hơn nữa thì không còn cách nào khác là quản lý bằng công nghệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người sử dụng là các cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, theo Bộ trưởng, chắc chắn sẽ bỡ ngỡ, sẽ muốn làm bằng giấy như cũ, nhưng chỉ sau một vài ngày là sẽ quen, sẽ thấy tiện lợi. Cái khó là vượt qua những ngày đầu này. Bởi vậy, hỗ trợ triển khai của Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an, các Sở Y tế, TT&TT, Công an và của công ty phát triển phần mềm là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

“Người dân sẽ là người thấy được tiện ích lớn nhất, từ đăng ký tiêm, đến trả kết quả, đến dùng kết quả tiêm để đi lại theo quy định của Bộ Y tế. Và đây mới là mục tiêu cuối cùng của chúng ta”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 14/10/2021, đã họp với lãnh đạo 3 Bộ: Y tế, TT&TT và Công an, đã giao nhiệm vụ cho 3 Bộ và Viettel là công ty phát triển phần mềm, phải hợp tác chặt chẽ, đúng vai, mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm: Bộ Y tế đặt bài toán tiêm chủng COVID, các quy trình nghiệp vụ, các quy định về dữ liệu; Bộ Công an đảm bảo xác thực thông tin người dân khai báo, hỗ trợ cùng Bộ Y tế xác thực thông tin về tiêm chủng cho những ai đã tiêm mà chưa được ghi nhận trên hệ thống giai đoạn trước đây khi chưa có phần mềm; Bộ TT&TT chỉ đạo Viettel phát triển nền tảng tiêm chủng COVID theo yêu cầu của Bộ Y tế, triển khai, vận hành khai thác, đảm bảo an toàn hệ thống cho đến khi chuyển giao Bộ Y tế, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các hệ thống CNTT, nền tảng số của quốc gia, chủ trì giải quyết các vấn đề phát sinh trong thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng khẳng định: “Thành công của một nền tảng số vẫn phải là ở cả hai, người phát triển và người sử dụng. Nhưng người sử dụng là 70-80%. Bởi vì, các công nghệ hiện nay đã sẵn sàng để đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người sử dụng”.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 5.

Người dân Huế quét mã QR khai báo y tế trên hệ thống Hue-S.

Một số mô hình, cách làm hay của địa phương trong ứng dụng công nghệ phòng chống dịch

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc chủ động, quyết liệt của các địa phương đóng vai trò quan trọng. Theo đánh giá của Cục Tin học hoá, Quảng Ninh là một trong những địa phương ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch bệnh tốt nhất cả nước. Quảng Ninh có lượng người dân di chuyển vào, ra rất lớn nhưng việc triển khai quét mã QR để kiểm soát rất tốt. Các lực lượng tại chốt ở Quảng Ninh phối hợp rất nhịp nhàng và thống nhất. Người dân chỉ cần cài PC-Covid, quét mã là thông qua, rất tiện lợi. Thực tế đã chứng minh, để phối hợp được như vậy là một điều rất khó. Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia, công nghệ chỉ chiếm 20% còn triển khai chiếm 80% giá trị để có thành công. Quảng Ninh làm rất tốt công tác triển khai thực tế.

Giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng, trên cả nước tập trung làm sao để đẩy nhanh nhất việc tiêm chủng cho người dân. Do đó, việc nhập liệu và kiểm soát thông tin người dân khi đi tiêm còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, dữ liệu về mũi tiêm có nhiều thiếu sót. Việc xử lý phản ánh về thông tin mũi tiêm là một nội dung quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Ở khía cạnh này, Quảng Ninh còn làm tốt hơn nữa. Luôn thuộc top 5 địa phương có tỷ lệ xử lý phản ánh về mũi tiêm cao nhất cả nước.

Quảng Ninh có lượng giao thương, đi lại lớn, nguy cơ dịch bệnh chắc chắn ở mức cao nhưng theo Cục Tin học hoá, Quảng Ninh lại ít phát sinh các ca lây nhiễm rộng. Có được kết quả này chính là bởi Quảng Ninh luôn làm rất tốt công tác truy vết thần tốc. “Truy vết nhanh, cách ly nhanh, dập dịch nhanh ngay khi nó chỉ là một đốm nhỏ. Có thể nói, truy vết cũng là một điểm sáng trong thành quả chống dịch bằng công nghệ của Quảng Ninh”.

Tiếp theo một mô hình triển khai ứng dụng công nghệ hiệu quả là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sở TT&TT Thừa thiên - Huế đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Quốc gia tích hợp mã QR quốc gia trên ứng dụng Hue-S theo chuẩn quốc gia. Mục tiêu là toàn dân trong tỉnh sẽ có Thẻ kiểm soát dịch bệnh gắn mã QR quốc gia trong vòng 1 tháng. Kể từ 14/9/2021 đến ngày 03/10, Thừa Thiên - Huế đã “thần tốc” tạo được 525.880 mã QR tương đương 48% dân của tỉnh, trung bình cứ mỗi ngày tạo được hơn 40.000 thẻ.

Theo Cục Tin học hoá, Thẻ kiểm soát dịch bệnh phát huy hiệu quả là ở chỗ toàn dân và toàn diện vì không phải ai cũng có smartphone, không phải ai có smartphone cũng có kỹ năng sử dụng, không phải lúc nào, chỗ nào truy cập Internet cũng ổn định. Trước đây người có smartphone mới dùng mã QR, giờ đây mỗi người dân Huế sẽ có một mã QR quốc gia dùng được mọi lúc, mọi nơi. Mỗi Thẻ nhựa giá thành khoảng 13.000 đồng, Thẻ giấy khoảng 5.000 đồng, nếu tạo thẻ trên Hue-S với smartphone thì giá là 0 đồng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân đều được cấp công cụ chủ động in thẻ để giảm áp lực kinh phí từngân sách.

Mọi người dân tới Huế đều phải khai báo qua Hue-S (Khai báo về Huế cho dân; Đăng ký xe vào cho xe). Thông tin người dân được Sở Y tế duyệt, thông tin xe được Sở Giao thông duyệt vì thế mà khi người dân về tới nhà, chỉ 5-10 phút sau sẽ có cơ sở y tế liên hệ hướng dẫn. Xe thì phân 3 nhóm thẻ Vàng: được vào thành phố nhưng không được đi đường chính, thẻ Xanh được đi vào thành phố, thẻ Đỏ phải vào khu cách ly. Nhờ hệ thống giám sát với hơn 200 camera AI bao phủ thành phố kết nối dữ liệu về IOC, các xe vi phạm đều được cơ quan chức năng dừng và dẫn đi đúng luồng xanh, đỏ, vàng. Việc kiểm soát người và xe cộ vào Huế chặt chẽ nhưng lại rất nhanh, chính xác. Nhanh chính bởi Hue-S, và chính xác cũng bởi Hue-S. Không có tình trạng ùn tắc xe vào Huế; Khai báo và giám sát đến tận thôn, tổ, diện hẹp nhất để khoanh vùng, cách ly khi cần thiết… Hue-S đã giúp toàn bộ hệ thống chính quyền của Tỉnh tạo thành một khối trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 6.

Đà Nẵng tầm soát người đến từ vùng dịch qua QR Code

Đà Nẵng cũng là địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo Bộ TT&TT, Đà Nẵng có một số ứng dụng tiêu biểu như: Hệ thống quản lý khai báo y tế điện tử và kiểm soát ra vào. Đến nay, hệ thống đã triển khai cho hơn 24.287 cơ quan, đơn vị sử dụng. Tính đến ngày 15/10/2021, số lượt khai báo y tế điện tử là 6.805.221 lượt. Số lượt kiểm soát qua quét QRCode là 8.408.605 lượt. Tại các chốt kiểm soát ra vào thành phố là 2.570.413 lượt quét. Ứng dụng này đã chia sẻ cho các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp sử dụng. Ứng dụng bản đồ dịch tễ CovidMaps covidmaps.danang.gov.vn đã chia sẻ cho trên 15 địa phương khác sử dụng.

Mặc dù là một trong số ít các tỉnh trên cả nước giữ an toàn vùng xanh cả tỉnh trong suốt mùa dịch, Thái Nguyên vẫn tự đánh giá mình ở mức nguy cơ cao. Ngay từ sớm, cùng với chiến dịch “Thái Nguyên hồng - đồng lòng chống dịch”, chương trình Tình nguyện xanh “Ứng dụng số - Chống dịch an toàn” đã được phát động khẩn trương. Các chương trình được kết nối trực tuyến đến 135 điểm cầu cấp huyện và cấp xã, bắt đầu triển khai chỉ ngay sau 1 tuần Hà Nội có quyết định giãn cách xã hội.

Tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng các phần mềm và giải pháp CNTT trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như trong các nền tảng tiêm chủng. 401 camera đã được lắp đặt tại các chốt kiểm dịch và các cơ sở cách ly tập trung, trong đó, có 393 camera được kết nối và truyền tải dữ liệu giám sát về Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19 của lãnh đạo tỉnh và hệ thống kết nối camera giám sát của trung ương.

Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển  - Ảnh 7.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên

Bản đồ dịch tễ COVID-19 được đưa vào triển khai tại địa chỉ https://covidmaps.thainguyen.gov.vn và Trang Thông tin điện tử về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ https://covid.thainguyen.gov.vn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện thuê dịch vụ CNTT đối với 3 hệ thống nền tảng là: Cổng Thông tin điện tử; Mạng truyền số liệu chuyên dùng; Hội nghị truyền hình đảm bảo liên thông 3 cấp từ tỉnh - huyện - xã và ngược lại. Tỉnh đã đầu tư, thiết lập hệ thống trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; 9/9 huyện thị; 178/178 xã, phường, thị trấn.

Ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh cho biết Thái Nguyên đặc biệt chú trọng việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone (sau này là PC-Covid) - quét mã QR Khai báo Y tế, phần mềm công dân số C-ThaiNguyen... “Chủ động triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ để phòng chống dịch là tinh thần chúng tôi xác định ngay từ sớm”.

Trong số các ứng dụng công nghệ phòng dịch, phải kể đến phần mềm kiểm soát các phương tiện ngoại tỉnh đến Thái Nguyên. Toàn tỉnh thiết lập 81 chốt kiểm soát dịch COVID-19 với gần 1.200 người luân phiên làm việc 24/24 giờ. Phần mềm kiểm soát được cài trên điện thoại thông minh của lực lượng làm nhiệm vụ kèm theo một tài khoản riêng, lực lượng CSGT tại các chốt có thể kiểm tra, phát hiện bất cứ phương tiện nào đi từ các tỉnh, thành khác đến Thái Nguyên qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Hệ thống máy quay video kiểm soát phương tiện ra, vào tỉnh qua đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được chỉ đạo triển khai khẩn trương. Trên nền tảng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đặt tại trụ sở UBND tỉnh, máy quay video đặt ở đường cao tốc sẽ ghi hình toàn bộ phương tiện đi đến Thái Nguyên từ địa phương khác qua cao tốc, lưu trữ trực tiếp với tốc độ cao, thời gian trễ thấp tại máy chủ của IOC.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành, địa phương, sự chủ động của Bộ TT&TT trong vai trò “nhạc trưởng” thúc đẩy ứng dụng CNTT phòng chống dịch đã khẳng định công nghệ là một “tấm khiên” hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 để đất nước phục hồi và phát triển kinh tế./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chủ động công nghệ phòng, chống COVID và phục hồi phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO