Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc CMCN 4.0

Minh Thiện| 03/10/2019 13:17
Theo dõi ICTVietnam trên

“Việt Nam chúng ta đã có được những chỉ số phát triển kinh tế xã hội rất tốt, cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.

Chúng ta đã hành động và đã có hiệu quả

“Mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được triển khai. Nhìn lại từ năm ngoái đến năm nay, chúng ta có tiến được bước nào nhiều hơn không, chúng ta điểm lại để có thêm niềm tin rằng chúng ta đã có hành động và đi đúng hướng”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) vừa diễn ra sáng nay 03/10, tại Hà Nội.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc CMCN 4.0 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên toàn thể Industry 4.0 Summit 2019

Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4”, Phiên toàn thể được đồng chủ trì bởi: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và Lãnh đạo các Bộ, Ngành liên quan.

Phát biểu trong Phiên toàn thể, Phó Thủ tướng nhắc lại: “Còn nhớ, năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trực tiếp chủ trì Diễn đàn lần thứ nhất. Tại đó, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu rất rõ 4 vấn đề, đó là: Tập trung đồng bộ bằng nhiều giải pháp từ thể chế, đến hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ để phát triển một nền kinh tế số, nền sản xuất thông minh; Tinh thần chung là tầm nhìn chiến lược nhưng hành động phải rất cụ thể, khẩn trương, đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành một loạt các dự án, đề án trong đó có Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, về Chuyển đổi số; Nhấn mạnh vai trò chủ đạo, tiên phong của các doanh nghiệp (DN); Cần chủ động ứng phó với những tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trong đó lưu ý cơ chế quản lý rủi ro. Đánh giá các báo cáo, ý kiến trao đổi của các đại biểu tại diễn đàn cấp cao năm nay đã bao quát được hầu như tất cả các lĩnh vực”.

Tại phiên họp ngày 13/9/2019, Bộ Chính trị đã cho ý kiến đối với Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thư tư” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư” nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nói đến CMCN 4.0 suy cho cùng thì cũng nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, bền vững nhưng luôn luôn phải đi với khái niệm duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao để tránh tụt hậu. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,08%, cao hơn nhiều năm gần đây. Năm nay, 3 quý tăng 6,98%. Bằng sự điều hành quyết liệt, có lòng tin rằng năm nay cũng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 7%, trong điều kiện hiện nay. Trong sự tăng trưởng này, xu thế gia công và xuất khẩu khoáng sản thô sẽ giảm. Các sản phẩm chế tác, chế tạo và hàm lượng công nghệ tăng lên. “Tôi cho rằng đó là chỉ số rất quan trọng. Các lĩnh vực xã hội khác cũng đều đạt được những bước tiến rất toàn diện”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc CMCN 4.0 - Ảnh 2.

Toàn cảnh Diễn đàn

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, năm vừa qua Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Một đất nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, lại có chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 42 thế giới cũng là một bước tiến đáng phấn khởi. Ngay chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử, trong đó chỉ số trực tiếp nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm vừa qua công bố, Việt Nam tăng 15 bậc, lên thứ 59 thế giới.

Chỉ số thanh toán điện tử, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có số liệu thống kê qua 3 quý đầu năm nay, so với năm ngoái đã tăng xấp xỉ 19,6% về số lượng giao dịch và 26,6% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua di động, nhờ có những hành động quyết liệt và phối hợp tốt, so với năm ngoái, năm nay đã tăng 104% về số lượng giao dịch và 155% về giá trị. Vừa qua, Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo giáo dục, y tế phải thanh toán điện tử, thanh toán di động, chắc rằng tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Một chỉ số về CNTT khác mà từ trước chúng ta rất bi quan, đó là chỉ số An toàn, an ninh mạng của Việt Nam, bằng những hành động quyết liệt và động,  năm 2019 chỉ số này đã tăng 50 bậc, vươn lên vị trí thứ 50 trên thế giới.

Nhận xét về giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết: Năm ngoái Việt Nam có 2 trường và năm nay đã có 4 trường đại học trong Top 1000 trường hàng đầu thế giới. Các nghiên cứu khoa học của trường đại học tăng rất tốt. Giáo dục phổ thông chúng ta cũng được đánh giá rất cao. Trong báo cáo về Nguồn vốn con người gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), giáo dục phổ thông của Việt Nam được xếp hạng 38 thế giới, đứng thứ 2 ASEAN.

Đặc biệt, từ năm ngoái đến năm nay, Việt Nam đã có hàng loạt các công trình mới về xây dựng các trường đại học quy mô lớn của tư nhân đầu tư, phi lợi nhuận, đã hình thành được một loạt viện nghiên cứu cua tư nhân. Ngoài các DN trước đây đã làm khoa học công nghệ, giờ có thêm một loạt DN mới tham gia.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc CMCN 4.0 - Ảnh 3.

“Điều đó cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của tất cả các cơ quan trong hệ thống, sự điều hành của Chính phủ,chính quyền các cấp, Việt Nam chúng ta đã có được những chỉ số phát triển kinh tế xã hội rất tốt, cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phải hành động quyết liệt hơn.

Một điều quan trọng mà Chính phủ rất mong muốn là làm quyết liệt hơn nhưng đúng vào những thứ đang cần thiết, thiết thực nhất. Không cần “đao to búa lớn”, không cần tranh luận nhiều về các khái niệm mà làm nhiều từ những hành động rất cụ thể như đã làm trong 1 năm vừa qua.

“Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 giao nhiệm vụ cho Chính phủ, rất nhiều việc.Tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt. Chắc chắn rằng ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đề cập đến những việc cần làm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Kể cả không có cuộc CMCN 4.0, có 2 việc quan trọng chúng ta vẫn phải quyết tâm làm cho tốt.

Trước hết, cần phải quyết tâm tiếp tục làm tốt hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo như Chính phủ đã nêu rõ trong các Nghị quyết 01, 02 ban hành hồi đầu năm nay. Nghị quyết 02 của Chính phủ rất cụ thể, trong đó tích hợp các tiêu chí đánh giá theo các xếp hạng của các tổ chức quốc tế, từ chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số chính phủ điện tử, chỉ số năng lực cạnh tranh… Đã có khoảng 200 tiêu chí hết sức cụ thể, chúng ta phải tiếp tục làm và làm cái này chắc chắn phải phù hợp với nhu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Việc thứ hai Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần đặc biệt chú ý là vấn đề con người. “Cuộc CMCN 4.0 có nhiều đặc trưng, nhưng trong đó có điểm chắc chắn là nó sẽ diễn ra hết sức khó đo đếm trước, khó lường. Hôm nay, chúng ta dự kiến CMCN 4.0 sẽ đưa đến những mô hình kinh doanh mới, ngành nghề mới nhưng ngày mai những dự báo của chúng ta hôm nay chưa chắc đã đúng. Vậy cuối cùng phải có được những con người sẵn sàng tận dụng được các thời cơ, tránh những rủi ro và đặc biệt là để sẵn sàng thích ứng, có những giải pháp linh hoạt với những thay đổi mà hôm nay chúng ta không lường được”.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Một lần nữa đặt ra yêu cầu giáo dục phải được làm tốt hơn nữa, Phó Thủ tướng chỉ rõ, không chỉ là giáo dục STEM, không chỉ là việc đưa các ngành liên quan đến công nghệ 4.0 mà phải từ căn bản nhất, trong đó có những yếu tố chúng ta thường hay quên, không nhắc tới ở những diễn đàn khi nói về công nghệ mới, đấy là giáo dục khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc CMCN 4.0 - Ảnh 4.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Diễn đàn

Hiện nay, giáo dục phổ thông của Việt Nam đứng 38 thế giới, rất tốt, nhưng giáo dục khu vực miền núi nếu chúng ta không quyết liệt thì tỉ lệ tái mù chữ, tỉ lệ trẻ em bỏ học, tỉ lệ người lớn không được đào tạo căn bản về nghề nghiệp sẽ có xu hướng ngày càng tăng. Điều đó phải được nhận diện và phải làm, dù rằng tưởng chừng nó không liên quan gì đến CMCN 4.0 nhưng thực ra nó liên quan rất sâu sắc. Bản chất của cuộc cách mạng này là phải tính đến yếu tố xã hội “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bên cạnh đó, nói đến giáo dục, ngoài cái chung đã làm, thời gian vừa qua đã thực hiện được một bước tự chủ Đại học. Tới đây phải thực hiện quyết liệt hơn nữa. Tự chủ Đại học chỉ hoàn thành khi tự chủ đó không chỉ từ cơ quan Bộ đến trường mà từ trường đến các bộ môn, từng giảng viên đại học, Giáo sư, từng sinh viên phải được tự chủ, phải được tự do trong việc phát kiến, sáng tạo khoa học công nghệ để đại học thực sự là nơi không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải là nơi phát hiện, làm ra những giá trị tri thức mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả những điều này cần phải có một cơ chế kinh tế rất phù hợp. Chúng ta phải thay đổi. Tôi cho rằng 2 điểm này là vô cùng quan trọng".

Phó Thủ tướng khẳng định: Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là tính kết nối, tính hợp tác, do đó chúng ta phải tăng cường hợp tác giữa Chính phủ, các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với doanh nghiệp, giữa Chính phủ với người dân, giữa người dân với nhau, giữa trong nước với nước ngoài. “Mong rằng tất cả chúng ta sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để tận dụng thành công cơ hội cuộc CMCN 4.0 đem lại, giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng ứng phó linh hoạt với những biến động trong tương lai mà ngày hôm nay chúng ta chưa thể lường một cách chính xác được”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đang đi đúng hướng trong cuộc CMCN 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO