Việt Nam nên sớm có lộ trình tắt sóng 2G

Minh Thiện| 02/08/2017 16:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Trao đổi bên lề Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017, đại diện Qualcomm cho rằng, với tầm nhìn 5G, nếu các nhà mạng phải vận hành 4 lớp: 2G, 3G, 4G, 5G thì đó là một gánh nặng rất lớn cả về kỹ thuật và chi phí vận hành.

5G sẽ thương mại hóa trong tương lai rất gần

Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức mới đây, trao đổi với báo chí, đại diện Qualcomm chia sẻ: Chủ đề đang được nhắc đến khắp nơi trên thế giới là 5G. Một số nơi đã bước vào triển khai 5G. Các quốc gia tiên phong trong khu vực như Hàn Quốc đã có kế hoạch rõ ràng trong việc triển khai 5G để phục vụ cho Thế vận hội mùa đông năm 2018. Mục tiêu triển khai 5G trên thế giới vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

 “Đối với Việt Nam, 5G cũng ở một tương lai không xa. Để chuẩn bị cho 5G, điều kiện tiên quyết là đảm bảo chất lượng trải nghiệm 4G. Chất lượng trải nghiệm 4G sẽ quyết định sự thành công của triển khai 5G trong tương lai. Công việc trước mắt, hệ thống nền tảng mạng lưới 4G phải được hoàn thiện. Nền tảng 4G mạnh mẽ, vững chắc đóng vai trò là nền tảng tốt đảm bảo cho việc triển khai 5G nhanh chóng và thuận lợi”, ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch phụ trách Qualcomm Đông Nam Á, nhận xét.

Ông Mantosh Malhotra chia sẻ về tầm nhìn 5G

Đối với Việt Nam, cũng như mọi hình thái công nghệ trước đây, 5G có thể sẽ triển khai ở các thành phố lớn trước, và khi đã phổ biến ở các thành phố lớn thì sẽ đến các khu vực còn lại.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hiện tại là làm thế nào đảm bảo được chất lượng 4G, thu hút rộng rãi người dùng sử dụng 4G vì đây là tiền đề cần thiết để triển khai 5G. Nếu không tạo được nền tảng 4G tốt, việc triển khai 5G tại Việt Nam có thể sẽ bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn.

Sớm tắt sóng 2G sẽ giảm gánh nặng cho nhà mạng

Theo số liệu thống kê của các diễn giả tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017, số lượng thuê bao 2G tại Việt Nam vẫn còn lớn và nhóm khách hàng này sử dụng các ứng dụng rất cơ bản, không tạo ra nhiều doanh thu và chiếm nhiều tài nguyên, do đó không hấp dẫn các nhà mạng viễn thông.

Ông Mantosh Malhotra cho rằng: “Hiện tại, Việt Nam vẫn còn 30-40% người dùng sử dụng 2G. Mục tiêu là nhanh chóng chuyển các thuê bao 2G lên 3G và 4G. Với tầm nhìn 5G, nếu các nhà mạng phải vận hành 4 lớp: 2G, 3G, 4G, 5G thì đó là một gánh nặng rất lớn cả về kỹ thuật và chi phí vận hành”.

Chúng ta nên xem đây là một điều quan ngại và xem xét cách chuyển đổi thuê bao 2G lên 3G/4G để tạo ra sự thu hút với các nhà mạng. Quan trọng hơn việc chuyển đổi nhanh sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển chung về kinh tế. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ 2G lên 4G, 5G còn góp phần giải phóng phổ tần. Do đó, việc chuyển đổi cũng có lợi về mặt tài nguyên.

Việc chuyển đổi 2G lên 3G, 4G, các nhà mạng sẽ có nhiều lợi ích như tăng doanh thu, giải phóng được băng tần. Với nhà sản xuất, khi người dùng chuyển từ công nghệ cũ sang không nghệ mới, đó là cơ hội bán thiết bị mới. Mọi người đều nhìn thấy những lợi ích này. Tuy nhiên, công nghệ 2G tuy cũ nhưng vẫn cần thiết trong nhiều lĩnh vực, thậm chí có những ứng dụng hay thiết bị IoT chạy trên 2G như sensor băng hẹp. Như vậy 2G vẫn cần thiết ngay cả trong thời đại IoT. Điểm mấu chốt ở đây là thu hẹp phạm vi ứng dụng (footprint) của công nghệ 2G để khuyến khích người dùng chuyển đổi. Đối với người dùng, cần phải cho họ thấy được những lợi ích của việc chuyển đổi từ 2G lên 4G. Khi thấy rõ những lợi ích này thì họ sẽ sẵn sàng chuyển đổi.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia - cho rằng: “Tại Việt Nam, trong một vài năm tới, việc tắt sóng 2G chưa thực hiện ngay được. Kể cả nhà mạng cũng chưa có kế hoạch cụ thể về mặt thời gian cho việc tắt sóng 2G. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào việc chuyển đổi thuê bao 2G lên 3G và 4G như thế nào. 2G chỉ có thể tắt khi lượng thuê bao không cần phải hỗ trợ nữa. Với số lượng thuê bao còn nhiều, việc tắt 2G là bất khả thi. Một khía cạnh khác, một số quốc gia vẫn giữ dịch vụ 2G cho việc roaming, và  cho một số ứng dụng không phải smartphone. Một số ứng dụng ở dạng “tiền IoT” sử dụng 2G cũng cần sự hỗ trợ của mạng này. Trong các xe tải thương mại tại Việt Nam hiện vẫn có kết nối 2G, khi nào có thể chuyển các kết nối này sang 3G, 4G, IoT thì việc tắt 2G mới có thể thực hiện. Mạng AT&T tại Mỹ đang dần tắt 2G. Tuy nhiên, AT&T phải đưa ra thông báo cho khách hàng trước 7 năm để họ chuẩn bị. Lộ trình này phải cần thời gian”.

Ông Thiều Phương Nam phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017

Để trả lời cụ thể thời điểm nào Việt Nam có thể tắt 2G, thì đây là câu hỏi chưa có câu trả lời cụ thể. Việc này cần lộ trình và kế hoạch dài hạn, do đó, Việt Nam nên có lộ trình càng sớm càng tốt, giúp nhà mạng và khách hàng có đủ thời gian chuẩn bị. Kế hoạch thương mại hóa 5G trên thế giới chỉ còn 3 năm. Việt Nam muốn triển khai 5G chậm hơn thế giới chỉ vài năm thì nên đưa ra lộ trình tắt sóng 2G ngay từ thời điểm này. Nếu không, tới lúc các nhà mạng Việt Nam triển khai 5G mà vẫn phải giữ 2G thì sẽ vô cùng khó khăn trong việc tối ưu hóa mạng lưới, làm chi phí tăng cao trong khi doanh thu trên mỗi thuê bao lại giảm.

Công nghệ hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G đã sẵn sàng

Từ trước đến nay, các nhà mạng thường tập trung vào phân khúc cao cấp, tuy nhiên, hiện nay, các nhà mạng cần mở rộng đến các phân khúc tầm trung và tầm thấp để khuyến khích người dùng tăng cường sử dụng dữ liệu, theo đó, chỉ số ARPU và doanh thu của nhà mạng sẽ tăng lên.

Qualcomm là công ty chuyên về chipset, đưa ra những sản phẩm đáp ứng cho tất cả các phân khúc. Hãng cũng có một con chip 4G dành cho điện thoại feature phone – và người dùng dòng điện thoại này có thể tận hưởng các dịch vụ dữ liệu trên nền tảng 4G. Như vậy, những người có thu nhập thấp và đang sử dụng điện thoại cơ bản hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ 4G.

Nền tảng Chip 4G cho Feature phone

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc, Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia – cho biết:Đây là lần đầu tiên Qualcomm thiết kế một chipset giúp dòng điện thoại GSM cơ bản (feature phone) có thể kết nối 4G. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia…, số lượng người dùng điện thoại cơ bản rất nhiều vì hai lý do: không có khả năng mua được điện thoại thông minh, và nhiều người dùng có thói quen dùng bàn phím vật lý. Trong khi đó, nhà mạng lại muốn chuyển hết thuê bao 2G lên 3G và 4G để giải phóng băng tần. Nếu nhà mạng vận hành ba lớp 2G, 3G, 4G đồng thời, thì chi phí rất cao. Một số nhà mạng trên thế giới đã ngừng cung cấp dịch vụ 2G. Nhưng để thực hiện việc này, thuê bảo phải chuyển sang dùng 4G. Nhằm phục vụ những người dùng có thói quen sử dụng điện thoại cơ bản và để nhà mạng có thể chuyển sang 4G và giải phóng băng tần, cần phải có một giải pháp. Mục tiêu là điện thoại cơ bản kết nối 4G phải có tầm giá dưới 30USD. Ngoài các dịch vụ truyền thống như thoại, nhắn tin, chiếc điện thoại truyền thống này phải chạy được một số ứng dụng cơ bản như Facebook, Zalo và một số ứng dụng dữ liệu đơn giản khác…”.

Theo đánh giá của Qualcomm, tăng trưởng 4G tại Việt Nam, dù mới ở giai đoạn ban đầu, cũng đã hết sức ấn tượng. Theo dự  báo, đến năm 2020, 67% số lượng thiết bị bán ra tại thị trường Việt Nam sẽ hỗ trợ kết nối 4G LTE và tổng số lượng thuê bao 3G và 4G có thể sẽ lên tới con số 120 triệu. Trong số đó, hy vọng phần nhiều sẽ là thuê bao 4G.

Ông Patrick Tsie - Giám đốc Tiếp thị Công nghệ, Tập đoàn Qualcomm – chia sẻ: “Nhằm hỗ trợ tốt nhất các nhà mạng chuyển đổi thuê bao của mình từ 2G lên 4G, Qualcomm đã đưa ra một nền tảng có giá cả hợp lý, hỗ trợ các dịch vụ truyền thống như thoại và nhắn tin, nhưng có chất lượng cao hơn nhiều; bên cạnh đó, có khả năng hỗ trợ những ứng dụng dữ liệu mới như Whatsapp, Facebook, và như vậy người dùng vẫn sử dụng thiết bị quen thuộc với màn hình nhỏ, bàn phím vật lý, kích thước nhỏ gọn, nhưng được trải nghiệm dịch vụ cơ bản như thoại và nhắn tin với chất lượng cao hơn và từng bước trải nghiệm các dịch vụ dữ liệu trên web. Sau đó, khi đã quen rồi, những người dùng này có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng smartphone”.

Đại diện Qualcomm trao đổi cùng các phóng viên Việt Nam

Với những người bảo thủ một chút và quen sử dụng điện thoại cơ bản, họ vẫn sẽ được tiếp tục dùng chiếc điện thoại quen thuộc, và sẽ có trải nghiệm rất khác trên chiếc điện thoại cơ bản của mình. Bên cạnh đó, khi người dùng được sử dụng nhiều tính năng hơn trên điện thoại cơ bản, họ sẽ gia tăng mức độ sử dụng, và qua đó ARPU tăng lên, mang lại lợi ích cho nhà mạng. Về tài nguyên, khi chuyển người dùng 2G lên 4G sẽ giải phóng được phổ tần cho các công nghệ cao hơn.

Để hỗ trợ tối đa cho việc chuyển đổi thuê bao lên mạng 4G tại Việt Nam, “Qualcomm đã tiến hành hợp tác với các công ty Việt Nam trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm cho 4G LTE và IoT. Có lẽ nhiều người đã biết đến việc BKAV sắp ra mắt BPhone 2 vào ngày 8/8 sắp tới, đây cũng là thành quả của sự hợp tác trong nhiều năm qua giữa Qualcomm và BKAV”, ông Thiều Phương Nam cho biết thêm.

Đầu năm 2017, Qualcomm cũng ký kết hợp tác chiến lược với VNPT trong mảng thiết kế và sản xuất thiết bị di động và IoT, với mục đích hỗ trợ VNPT thực hiện tầm nhìn làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất thiết bị cho mạng lưới và khách hàng của mình – không chỉ trong nước mà còn cho những thị trường khác trong tương lai mà VNPT sẽ mở rộng.

VNPT Technologyvừa ra mắt Smartphone Vivas Lotus S3 hỗ trợ 4G LTE

Với việc mở rộng hợp tác với các công ty Việt Nam, Qualcomm cũng mở rộng đầu tư mới tại Việt Nam. Lần đầu tiên, năm nay Qualcomm có kỹ sư thường trú tại Việt Nam để hỗ trợ cho các công ty trong nước như BKAV, VNPT, Viettel… trong việc thiết kế, sản xuất sản phẩm dựa trên công nghệ của Qualcomm. Trước đây, sự hỗ trợ từ các kỹ sư Qualcomm đến từ nước ngoài, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Qualcomm có kỹ sư người Việt Nam ở tại Việt Nam để hỗ trợ các công ty trong nước. Phần lớn nguồn lực các kỹ sư hỗ trợ vẫn đến từ nước ngoài, tuy nhiên, việc có các kỹ sư Qualcomm người Việt sẽ mang lại nhiều lợi ích, mang vai trò kết nối hiệu quả giữa nguồn lực từ Qualcomm và các doanh nghiệp trong nước.

Như vậy, các yếu tố về nền tảng công nghệ và thiết bị đầu cuối nhằm thúc đẩy phát triển 4G và chuyển đổi thuê bao từ 2G lên 4G tại thị trường Việt Nam đã sẵn sàng. Các nhà mạng trong nước nên thúc đẩy việc triển khai lộ trình tắt sóng 2G sớm nhất có thể vì điều này có lợi cho cả nhà mạng và người sử dụng

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nên sớm có lộ trình tắt sóng 2G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO