Việt Nam nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia: Cần một... khái niệm

Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số| 02/07/2021 10:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Nghiên cứu, phát triển và thí điểm tiền tiền thuật số quốc gia là một chiến dịch dài hơi và cần có khung pháp lý cũng như quy định khái niệm tiền ảo trước khi đi vào thực tiễn.

Sự ra đời của tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ mang đến một phương tiện thanh toán mới cho người dùng trong tương lai

Mới đây, tại Quyết định số 942/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain. Thời gian để Ngân hàng Nhà nước thực hiện là từ 2021-2023.

Đây là lần đầu Chính phủ đưa ra nội hàm khái niệm Chính phủ số. Theo đó, Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản số, tiền số theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản số, tiền số.

Vài năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo, ngoại hối (forex) là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người chú ý. Tuy nhiên, các hoạt động này hoàn toàn tự phát và chưa được Nhà nước cho phép.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý đã có động thái nghiên cứu về lĩnh vực này từ nhiều năm, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết sách cuối cùng. Trong khi, các quốc gia khác đã đi tương đối nhanh, điển hình là nước láng giềng Trung Quốc khi họ đã đạt đến bước tiến là người dân có thể rút tiền kỹ thuật số quốc gia tại cây ATM. Nếu chiến dịch nghiên cứu này của Việt Nam thực hiện được và ra được quyết sách cuối cùng, để có thể ứng dụng tiền kỹ thuật số quốc gia thì sẽ đem lại rất nhiều lợi thế như: Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ nhanh chóng được áp dụng, nhờ môi trường thanh toán số dễ dàng, cắt giảm nhiều thủ tục và các khâu trung gian. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ kiểm soát được lưu lượng tiền đã phát hành ra, minh bạch hoá các giao dịch, trao đổi.

Vốn dĩ, tiền ảo ứng dụng trên công nghệ blockchain cũng tương tự tiền điện tử trên hệ thống ngân hàng, khi cho mọi người giao dịch bằng mobile banking, internet banking, hay thông qua máy POS ở các điểm bán hàng. Như vậy, sự ra đời của tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ cung cấp thêm một phương tiện thanh toán số nữa đến người dùng, mà giá trị tiền này tỷ lệ 1:1 với tiền pháp định được Chính phủ kiểm soát.

Mặt khác, khi sử dụng tiền giấy, người dùng phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ như Mobile money, ví điện tử, hay có tài khoản liên quan đến nó, nhưng với tiền ảo thì sẽ đơn giản hơn nhiều, dễ dàng tích hợp hơn với các nhà cung cấp dịch vụ trong thanh toán. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là một bức tranh chúng ta vẽ ra trong tương lai, còn để triển khai thực sự sẽ không đơn giản như vậy.

Thực tế, rất nhiều nước đã công nhận đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được, đặc biệt là liên quan đến công nghệ blockchain khi phát triển ra các ứng dụng. Để triển khai kế hoạch này, cần một số lưu ý như:

Thứ nhất, về tính pháp lý, hiện tại Chính phủ vẫn chưa công nhận tiền ảo là tài sản, hàng hóa hay là một phương tiện thanh toán. Chỉ đến khi nào loại tiền này được công nhận, sau đó mới có thể thay đổi thói quen của người dùng, chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt, sang thanh toán số và chuyển sang tiền ảo. Vì trên thị trường tiền ảo hiện nay có hàng trăm nghìn đồng tiền khác nhau, với mục đích đầu cơ, gây ra rủi ro cho người nắm giữ.

Thứ hai, về nền tảng blockchain, tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ không phải dưới dạng blockchain công khai, có thể sử dụng máy đào hay hoặc một phương thức nào đó để sinh ra đồng tiền. Đây sẽ là công nghệ “private blockchain” (mạng chuỗi khối riêng) do Nhà nước xây dựng cơ chế riêng và phải mất một lượng thời gian nghiên cứu. Tương tự như Trung Quốc, họ đã mất nhiều năm chứ không phải trong ngày một ngày hai để hoàn thành.

Thứ ba, xây dựng tiền ảo thì cần có hệ sinh thái xung quanh để đưa vào đời sống, cần có ứng dụng trung gian như ví điện tử để lưu trữ tài sản. Thông thường, thanh toán số qua các hình thức ví điện tử như Momo, Moca hay ứng dụng banking của các ngân hàng đã có sự phức tạp nhất định, thì hệ sinh thái tiền ảo trên nền tảng blockchain sẽ còn phức tạp hơn.

Nếu tiền ảo thực sự được công nhận thì các vấn đề liên quan đến truyền thông, thay đổi thói quen người dùng và công nghệ cũng không phải là quá khó để vượt qua. Vì truyền thông tại Việt Nam tương đối tốt, bên cạnh công nghệ blockchain ở Việt Nam được coi là top đầu trên thị trường công nghệ. Việt Nam có thể còn yếu hơn về một số mặt so với các nước trên thế giới, nhưng trong lĩnh vực blockchain, đã có rất nhiều đội nhóm mạnh, học hỏi nhanh để theo kịp xu hướng.

Đặc biệt, Việt Nam có một lượng lớn người dân quan tâm, tham gia vào lĩnh vực tiền ảo, đồng nghĩa với việc chúng ta đã có một thị trường tương đối lớn, nhưng trước hết, vẫn phải có quy định về khung pháp lý, thể hiện rõ khái niệm tiền ảo là gì;  và có quy định chặt chẽ hơn liên quan đến việc chống rửa tiền, cũng như các dự án lợi dụng tiền ảo làm phương thức lừa đảo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia: Cần một... khái niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO