Việt Nam - quốc gia điển hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc

PV| 23/03/2021 20:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người luôn được Việt Nam thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Trong các Văn kiện cũng như Nghị quyết, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh tại Đại hội XIII, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc";… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Luôn lấy người dân làm trung tâm

Khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: "Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật".

Và trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ gây ra những tổn thất to lớn đối với sức khỏe, tính mạng người dân, tạo thêm nhiều sức ép lên hệ thống y tế, an sinh xã hội, mà còn để lại những tác động trực tiếp, sâu rộng và lâu dài đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Việt Nam - quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc - Ảnh 1.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về quyền con người. (Ảnh: tuyengiao.vn)

Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt cũng có phần gay gắt hơn trong năm 2020 cũng đã tác động lớn đến việc thúc đẩy và bảo đảm việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của người dân, nhất là quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế, tiếp cận giáo dục, việc làm và nỗ lực giảm tình trạng bất bình đẳng.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, với chủ trương xuyên suốt là đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đảng và Nhà nước ta đã hành động hết sức nhanh chóng, quyết liệt, đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương.

Trên nền tảng quan điểm nhân văn đó, Đảng và Nhà nước không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi. Gói an sinh xã hội gần 62.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, 11.500 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để cứu trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả "lũ chồng lũ, bão chồng bão" là nỗ lực rất lớn, kịp thời, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tác động của đại dịch COVID-19 và bão lụt, giúp mọi người được hưởng quyền sống, quyền được chăm sóc y tế, quyền mưu sinh, và tiếp tục làm sáng tỏ tinh thần coi lợi ích nhân dân là mục tiêu hàng đầu.

Những kết quả đạt được đến nay là hết sức đáng khích lệ. Dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới; an sinh xã hội được bảo đảm; hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch, nhất là các nhóm yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đồng thời nước ta tổ chức gần 300 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Những kết quả trên là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Việt Nam - quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc - Ảnh 2.

Các công dân thể hiện sự biết ơn tới Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ trong lúc khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Việt Nam là điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là quan điểm đã được thể hiện xuyên suốt trong các chính sách pháp luật nói chung và về quyền con người nói riêng ở nước ta suốt hơn 70 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (LHQ), tiếp tục thực thi và đảm bảo hiệu quả quyền con người theo đúng tiêu chuẩn của các cam kết quốc tế.

Các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá Việt Nam là một điển hình trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm. Những kết quả này góp phần quan trọng vào thành tựu thực hiện quyền con người tại Việt Nam. Không dừng lại, Việt Nam vẫn đang nỗ lực không ngừng để ngày càng thực hiện hiệu quả hơn công tác này.

Từ một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn và trở ngại, tự lực phát triển để trở thành một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của LHQ. Người dân đều được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, được cải thiện về đời sống, văn hóa, truyền thống, tiếng nói, chữ viết, đến quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng xét xử trước pháp luật… Những thành tựu về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

+ Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế về quyền con người;

+ Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước Lao động Quốc tế, trong đó 6/8 Công ước cơ bản của ILO.

+ Việt Nam là thành viên trách nhiệm, tích cực, chủ động trong các cơ chế hợp tác của LHQ, đặc biệt là Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát quyền con người UPR của Hội đồng Nhân quyền… Có thể nói đây là cơ chế cao nhất về rà soát việc thực thi quyền con người đối với một quốc gia. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết.

+ Việt Nam là thành viên tích cực của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), đóng góp quan trọng trong soạn thảo Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến về bình đẳng giới và các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Xã hội - Văn hóa ASEAN.

+ Kể từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua, hơn 100 luật, bộ luật liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thực sự là một bộ phận gắn kết của khu vực và thế giới, cùng chia sẻ cả những cơ hội và thách thức mà thế giới đang đối mặt.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, vượt trên những khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, Việt Nam đã chủ động thích ứng với thời cuộc, thể hiện bản lĩnh và sự sáng tạo, qua đó phát huy được vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41, có những đóng góp tích cực, cụ thể vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Khép lại năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận với 112 nước đồng bảo trợ Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, qua đó đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, thể hiện rõ bản lĩnh, khả năng thích ứng nhanh chóng của Việt Nam trước những thử thách, khó khăn.

Hiện thực hóa quyền con người bằng những chính sách thiết thực, việc làm nhân văn

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết XIII của Đảng đề ra đó là: "thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam", đồng thời "hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh…".

Thế giới năm 2021 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực và khó có thể được kiểm soát hoàn toàn trong thời gian ngắn, kèm theo đó là sức ép và tác động tiêu cực đối với hệ thống y tế và an sinh xã hội, trì hoãn đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt có xu hướng khắc nghiệt hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tới hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước nói chung cũng như tác động mạnh đến nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói riêng.

Theo đó, nhằm thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng các chính sách hướng đến phục vụ người dân, nhất là các nhóm dễ tổn thương.

Đồng thời, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia đóng góp vào các công việc chung của thế giới và khu vực; Ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế và đối thoại về quyền con người; Phát huy vai trò tại các thể chế đa phương, trong đó hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025; Nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt và tham gia đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột và hợp tác trong ASEAN về quyền con người.

Ở cấp độ song phương, Việt Nam tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người và các chương trình, dự án hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như từng cán bộ trong phạm vi chức trách của mình phải luôn quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng ta về quyền con người, chủ động, tích cực trong phối hợp triển khai các chính sách, pháp luật của Nhà nước, sáng tạo, linh hoạt trên tinh thần vì nhân dân phục vụ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Với thế và lực mới của đất nước, sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức, chủ động thích ứng và nắm bắt được các cơ hội mà thời cuộc mang lại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, qua đó bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - quốc gia điển hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO