Viettel và hành trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam

Bùi Huyền| 26/06/2021 09:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Mỗi tỉnh thành phố ở Việt Nam đều có nét đặc trưng riêng về con người, ngôn ngữ, văn hóa. Chính vì vậy, khi thiết kế và triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh (ĐTTM), các kỹ sư của Viettel phải điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của từng cơ quan cấp tỉnh.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ 4.0, sự ra đời các công nghệ mới đã tác động mạnh mẽ đến phát triển đô thị của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các thành phố trên thế giới hiện nay có xu hướng phát triển thành thành phố thông minh bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích tốt hơn cho cư dân đô thị và tối ưu hóa sử dụng các tài nguyên, tiết kiệm năng lượng...

Việc triển khai ĐTTM đã giúp các thành phố giải quyết nhiều thách thức như: hạ tầng thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đường sá trở nên quá tải, hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả….

Tại Việt Nam, việc phát triển các dự án ĐTTM đang nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo chính quyền địa phương. Hiện tại cả nước có khoảng 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai triển khai đề án ĐTTM cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh. Nhiều địa phương đã đạt được các kết quả bước đầu, đem lại những tác động, hiệu quả tích cực như Huế, Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...

Mới đây nhất, ngày 17/5, UBND TP Vinh, Nghệ An đã khai trương Trung tâm điều hành ĐTTM (IOC) nhằm hiện thực hóa Đề án, lộ trình xây dựng Vinh trở thành ĐTTM. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Viettel.

Viettel và hành trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Trung tâm IOC tại thành phố Vinh, Nghệ An

Trung tâm IOC TP. Vinh đã triển khai đồng thời 9 dịch vụ giám sát ĐTTM, gồm: Nền tảng Trung tâm điều hành thông minh; Hệ thống Giám sát điều hành an ninh; Hệ thống Giám sát điều hành giao thông; Hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống Giám sát thông tin báo chí và truyền thông; Hệ thống Giám sát, bảo mật an toàn thông tin; Hệ thống phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin kinh tế, xã hội; Tích hợp hệ thống dữ liệu ngành Giáo dục và ngành Y tế.

Trung tâm IOC của Viettel đóng vai trò là bộ não tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ các hoạt động của thành phố thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu. Đồng thời Trung tâm sẽ phân tích, xử lý, đưa ra các báo cáo, quyết định và chỉ huy các hoạt động của thành phố, phục vụ đắc lực cho lãnh đạo và các cơ quan đơn vị.

Nghĩ khác, làm khác để tìm cách tiếp cận mới

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, đại diện Viettel cho biết sự quan tâm từ lãnh đạo chính quyền địa phương chính là điều kiện thuận lợi lớn nhất trong quá trình Viettel triển khai IOC tại các tỉnh/thành trên cả nước. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của Chính quyền, người dân và cả cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình xây dựng ĐTTM tại các địa phương".

Ngoài ra, Viettel cũng có thuận lợi khi là đơn vị đầu tiên có thành công bước đầu với ĐTTM cùng cách làm mới và chỉ với ngân sách không lớn. Nhờ vậy, Viettel có được những bài học kinh nghiệm về sự quyết tâm của chính quyền, về các quy trình thông minh và sự tham gia của người dân...

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi một vài tỉnh/thành chưa thực sự quyết tâm trong quá trình xây dựng ĐTTM. Khi công nghệ đã sẵn sàng nhưng thiếu đi tính thống nhất của các đơn vị trong tỉnh/thành thì các kết nối sẽ khó có thể mang lại giá trị, hiệu quả", đại diện Viettel chia sẻ.

Mặt khác, mỗi tỉnh thành phố ở Việt Nam đều có nét đặc trưng riêng về con người, ngôn ngữ, văn hóa. Vì vậy, khi thiết kế, các kỹ sư của Viettel phải điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của từng cơ quan cấp tỉnh.

Viettel không đi theo con đường cũ mà tạo ra giải pháp may đo cho từng khách hàng của mình, để phù hợp nhất với địa phương triển khai. Thành phố du lịch thì nóng nhất là quản lý được du lịch tốt cho khách quốc tế và trong nước, làm sao có mô hình du lịch xanh sạch đẹp; còn có những thành phố liên quan đến đại đô thị đang xây dựng như Hà Nội, TP. HCM thì vấn đề nóng nhất là giao thông, tương tác giữa người dân và chính quyền…

"Với cách làm như vậy, bản chất chúng tôi phải lắng nghe chính quyền và người dân mong muốn cái gì nhất để tìm giải pháp công nghệ cho vấn đề đó. Với cách tiếp cận này thì chi phí liên quan đến đầu tư, triển khai cũng trong khả năng của chính quyền", đại diện Viettel cho biết.

Viettel và hành trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Trung tâm IOC TP. Pleiku

Quyết tâm của người đứng đầu

Chia sẻ về những khó khăn, rào cản mấu chốt nhất cần vượt qua đối với các tỉnh/thành khi triển khai IOC, đại diện Viettel khẳng định: Thực tế không phải cứ có công nghệ, cách làm hay là đưa vào nơi nào cũng thành công. Vấn đề lớn nhất giai đoạn này là quyết tâm của người đứng đầu. Bây giờ, từ trung đến địa phương đâu đâu cũng nói về cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, ai ai cũng nói về ĐTTM. Thế nhưng, người đứng đầu quyết tâm là một chuyện nhưng phải là quyết tâm làm để tạo ra thay đổi cho địa phương, cho tổ chức của mình chứ không làm theo phong trào. Một số đơn vị làm phong trào thì rất khó khăn cho các nhà cung cấp giải pháp.

Bởi thực ra, công nghệ chỉ là hệ thống vô tri vô giác, nếu không có quy trình thông minh, không có các thành phần tham gia hoạt động tích cực thì đi vào cuộc sống sẽ không có hiệu quả.

Nhân tố then chốt để thành công

Để đẩy nhanh quá trình phát triển ĐTTM trên cả nước, đại diện Viettel khuyến nghị các thành phố nên ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích triển khai đồng bộ việc xây dựng ĐTTM đến 100% các sở ngành, các cấp chính quyền địa phương cả về nội dung, nhận thức và tính cấp bách....; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội về sự cần thiết và lợi ích của việc xây dựng ĐTTM trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, vai trò của người dân hết sức quan trọng, vì họ là những người sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình vận hành của một thành phố. Mỗi tỉnh/thành nên đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số của thành phố thông qua việc đưa ứng dụng CNTT để hiện đại hóa, số hóa các thủ tục hành chính công; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn quy trình, thủ tục các dịch vụ... mang lại lợi ích thiết thực cho người dân thành phố.

Đặc biệt, các tỉnh/thành nên có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp CNTT tham gia vào tiến trình xây dựng ĐTTM tại từng tỉnh/thành./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viettel và hành trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO