Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam

Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Ngọc Tuấn Anh, Viettel Network| 07/12/2022 09:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 1997 đã đánh dấu khởi đầu cho 25 năm Internet Việt Nam khi Chính phủ ban hành Nghị định số 21-CP (05/3/1997) cho phép người dân được kết nối với bạn bè 5 châu 4 bể qua đường Internet.

Tóm tắt nội dung

- Ngày 05/3/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 21-CP cho phép người dân được kết nối Internet. Công nghệ kết nối: Dial-up (quay số) qua đường dây thoại cố định.

- 2003, VIETTEL tham gia cung cấp dịch vụ Internet bằng công nghệ ADSL, GPRS, EDGE- 2009, VIETTEL cũng như các nhà mạng viễn thông khác đã đưa vào triển khai mạng thông tin di động 3G.

- 2011 đến nay, VIETTEL đã trở thành nhà mạng có hạ tầng di động và cố định lớn nhất, số lượng thuê bao nhiều nhất.

- 2019, VIETTEL cũng là nhà mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm mạng 5G đầu tiên.

- 10/2022, VIETTEL đã ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây (VIETTEL CLOUD)

Bằng công nghệ dial-up (quay số) qua đường dây thoại cố định, tốc độ chỉ đạt vài chục kbps, Internet - một từ đang còn lạ lẫm với đại đa số người Việt tại thời điểm này – đã từng bước, từng bước trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Năm 2003, Internet băng rộng ADSL (Asymmetric Digital Subscriber Line - Đường dây thuê bao số bất đối xứng) chính thức có mặt trên thị trường. Đây là dịch vụ truy nhập Internet cố định trên đường dây thuê bao thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép người dùng truy nhập Internet tốc độ cao (chuyển từ thời kỳ tốc độ Internet được tính toán bằng kbps sang thời kỳ Mbps), vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời.

Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam - Ảnh 2.

Bỏ qua giai đoạn sử dụng công nghệ dial-up, song hành với các trạm thông tin di động mặt đất có mặt trên mọi miền tổ quốc, Viettel đã đánh dấu việc cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam bằng công nghệ ADSL. Việc tham gia vào thị trường Internet của Viettel đã làm giá thành cung cấp dịch vụ giảm mạnh tạo điều kiện cho các gói cước trọn gói ra đời, thay thế cho các gói cước tính toán dựa trên lưu lượng. Người dân được tiếp xúc, kết nối nhiều hơn với thông tin với thế giới thông qua Internet. Các ứng dụng trên mạng Internet bắt đầu phát triển mạnh tạo đà cho việc bùng bổ số lượng người dùng tại Việt Nam. Từ năm 2006 đến năm 2009: Chỉ trong vòng 3 năm, số lượng người dùng Internet Việt Nam đã nhảy từ mức 4 triệu lên gần 23 triệu.

Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam - Ảnh 3.

Cũng trong giai đoạn này, Internet di động ở Việt Nam được các nhà mạng viễn thông (trong đó có Viettel) cung cấp cho khách hàng bằng công nghệ GPRS (General Packet Radio Service - Dịch vụ dữ liệu di động dạng gói) và EDGE (Enhanced Data Rates for GSM Evolution - Công nghệ di động được nâng cấp từ GPRS). Internet di động lúc này có tốc độ chậm (chỉ 114kbps, 384kbps), giá thành đắt đỏ, tính cước qua lưu lượng. Các thuê bao chỉ có thể truy cập các trang web thông qua Giao thức ứng dụng không dây WAP.

Năm 2009, nhận thấy rõ nhu cầu về khai thác, truy cập của người dân trên các phương tiện thông tin di động, VIETTEL cũng như các nhà mạng viễn thông khác đã đưa vào triển khai mạng thông tin di động 3G, mở ra kỷ nguyên Internet di động mới tại Việt Nam với tốc độ đạt gấp 30 ÷ 100 lần công nghệ GPRS/EDGE (3G: ~14Mbps; 3G+: 42Mbps).

Đối với mạng Internet cố định, cùng với các lợi thế cao hơn cáp đồng (giá thành sản xuất sợi quang, thiết bị truyền dẫn quang liên tục giảm, vận hành khai thác dễ hơn, truyền dẫn xa hơn, đạt tốc độ cao hơn,…) cũng đã tạo nên xu thế dịch chuyển từ công nghệ ADSL sang công nghệ quang AON (Active Optical Network - Mạng cáp quang chủ động, có kiến trúc mạng dạng điểm - điểm), PON/GPON (Passive Optical Network/ Gigabit Passive Optical Network - Mạng cáp quang thụ động/Mạng cáp quang thụ động tốc độ Gigabit, có kiến trúc mạng dạng điểm - đa điểm).

Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam - Ảnh 4.

Công nghệ truyền dẫn Internet di động và cố định đến lớp người dùng thay đổi, sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng Internet, sự bùng nổ của thị trường thiết bị di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng),... đã đưa Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới.

Năm 2011 đến nay, với thế mạnh luôn đi đầu trong việc phát triển hạ tầng, sứ mệnh là doanh nghiệp chủ đạo kiến tạo xã hội số, Viettel đã quyết liệt tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, đẩy mạnh mục tiêu phổ cập kết nối Internet. Theo đó, Viettel đã trở thành nhà mạng có hạ tầng di động và cố định lớn nhất, số lượng thuê bao nhiều nhất, mạng truyền dẫn hiện đại nhất Việt Nam, sẵn sàng mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam - Ảnh 5.

Với hạ tầng cung cấp dịch vụ Internet cố định GPON, VIETTEL đã phủ 100% số xã trên cả nước và gần 70% thôn/xóm có hạ tầng kết nối sẵn sàng, thuê bao đạt 7,6 triệu, tăng 11 lần so với phát triển của 11 năm trước đó.

Với hạ tầng cung cấp dịch vụ Internet di động, để cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt hơn nữa, ngày 18/4/2017, Viettel đã chính thức khai trương mạng 4G đầu tiên ở Việt Nam (triển khai 36.000 trạm 4G trong vòng 6 tháng, vùng phủ đạt 95% dân số, liền mạch giúp người dân có cơ hội dùng Internet 4G tốc độ cao, nhanh hơn tốc độ 3G từ 7 đến 10 lần). 

Đến nay, Viettel đã liên tục cập nhật bổ sung các công nghệ mới (MIMO, CA,…), bổ sung thêm hàng chục nghìn trạm để mở rộng vùng phủ nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời dần tắt bỏ công nghệ di động cũ (3G) để dồn dịch tài nguyên tần số cho mạng 4G. Điều này đã góp phần làm tăng trưởng thuê bao Internet di động Viettel gấp 2 lần trong 5 năm (2017 - 2022), đạt 41,6 triệu thuê bao.

Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam - Ảnh 6.

Viettel cũng là nhà mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm mạng 5G đầu tiên, thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên (năm 2019) tại Việt Nam. Công nghệ 5G được thiết kế để mang lại cho người dùng các trải nghiệm dịch vụ tốc độ siêu nhanh, gấp hàng chục lần so với mạng 4G, có độ trễ cực thấp (khoảng 1mili-giây), cung cấp số lượng kết nối lớn tới 1 triệu thiết bị/km2.

Theo báo cáo của GSA (Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu), đến cuối tháng 6/2022, đã có 496 nhà mạng tại 150 quốc gia đầu tư (thử nghiệm hoặc triển khai thực tế) vào mạng 5G, 218 nhà mạng tại 87 quốc gia đã triển khai thương mại dịch vụ 5G.

Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam - Ảnh 7.

Mới đây, vào tháng 10/2022, Viettel đã ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây (Viettel Cloud). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số và góp phần vào phổ cập dịch vụ đám mây, đưa dữ liệu người dùng đang lưu trữ tại các cloud quốc tế về Việt Nam, chủ động trong việc cung cấp các dịch vụ số chất lượng cao cho khách hàng (thay vì phụ thuộc vào các kết nối quốc tế đến POP Singapore, Hongkong,... như hiện tại).

Viettel Cloud trở thành bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng số “Make in Viet Nam” của VIETTEL, đồng thời là bước tiến trong cuộc cạnh tranh với những “gã khổng lồ” công nghệ ngay trên sân nhà (hiện có tới 80% thị phần điện toán đám mây ở Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, đồng nghĩa dữ liệu của khách hàng, doanh nghiệp Việt được lưu trên các hạ tầng bên ngoài lãnh thổ) cũng như đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực.

Tiếp nối chặng đường 25 NĂM, VIETTEL, với trách nhiệm của một doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, đã, sẽ và mãi không ngừng nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho Internet Việt Nam phát triển, hội nhập và song hành với cả thế giới./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viettel với chặng đường 25 năm Internet Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO