VNNIC chú trọng đảm bảo ATTT cho hai hệ thống trọng yếu của Internet Việt Nam

HH| 23/11/2017 14:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chính thức công bố “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017” trong khuôn khổ ngày Hội thảo Internet Day và Kỷ niệm 20 năm Internet ở Việt Nam ngày 22/11 tại Hà Nội.

Được xuất bản lần đầu vào năm 2012, đến nay “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam” đã trở thành ấn phẩm thường niên, cung cấp bức tranh tổng thể về kết quả tăng trưởng, phát triển tài nguyên Internet Việt Nam.

Ấn phẩm năm nay cũng đặc biệt gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam, thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của Internet quốc gia qua các chỉ số đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia “.VN”, địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN và các chỉ số truy vấn, lưu lượng của hệ thống Trạm trung chuyển Internet quốc gia Việt Nam.

Báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam 2017

Những con số về phát triển tài nguyên Internet đáng chú ý

Điểm nhấn của năm 2017 là sự thông suốt và đồng bộ hệ thống văn bản pháp lý cho phép triển khai nghiệp vụ chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền “.VN” đi vào thực tế. Theo đó, chủ thể dễ dàng thực hiện các hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền một các công khai, hợp pháp và được đảm bảo quyền lợi tối đa trong quá trình chuyển nhượng.

Tính đến tháng 10/2017, tổng số tên miền đã yêu cầu chuyển nhượng là 581 tên miền. Bên cạnh đó, việc áp dụng biểu phí mới theo Thông tư số 208/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài Chính đã làm giảm chi phí sử dụng và giảm giá thành tên miền “.VN”. Các yếu tố này đã góp phần tăng giá trị thương mại cho tên miền quốc gia “.VN”.

Nhìn lại khởi điểm từ khi tên miền quốc gia Việt Nam đầu tiên “vista.gov.vn” được cấp phát vào ngày 01/12/1997, đến khi Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được thành lập tiếp quản công tác quản lý tên miền quốc gia việt Nam “.VN”, số lượng tên miền được duy trì từ 543 tên (năm 2000) đã có bước tiến nhảy vọt, giữ tốc độ tăng trưởng tốt ngay cả trong những giai đoạn chịu sự tác động khó khăn của nền kinh tế nước nhà và thế giới. Liên tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á từ năm 2011, tính đến tháng 10/2017, “.VN” đã đạt 422.601, vươn lên vị trí thứ 7 trong danh sách 10 ccTLDs có số lượng tên miền đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á.

Bên cạnh tên miền không dấu “.VN”, tên miền tiếng Việt cũng có sự thay đổi lớn trong biểu phí và mô hình quản lý. Trong năm 2017, VNNIC đã hoàn thiện và vận hành hệ thống tiếp nhận đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt áp dụng chuẩn giao thức EPP theo mô hình cơ quan quản lý – Nhà đăng ký, tạo môi trường cạnh tranh trong quá trình cung cấp dịch vụ giữa các Nhà đăng ký và đòi hỏi các Nhà đăng ký phải hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.

Đối với tài nguyên số, địa chỉ Internet IP cũng tăng trưởng vượt bậc trong 20 năm. Dấu mốc quan trọng chính là công tác triển khai, thúc đẩy phát triển ứng dụng địa chỉ Internet phiên bản mới IPv6, thay thế cho nguồn IPv4 đã cạn kiệt. Kể từ khi thành lập Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia năm 2009, tính đến 31/10/2017, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10% với 4,3 triệu người sử dụng IPv6, đứng thứ 3 khu vực ASEAN (sau Malaysia, Thái Lan) và thứ 5 khu vực châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan). IPv6 không chỉ tiếp nối các hoạt động trong thế giới mạng mà còn quyết định tương lai phát triển của Internet Việt Nam.

Một số sự kiện và con số nổi bật trong Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017

Theo VNNIC, “Báo cái tài nguyên Internet Việt Nam 2017” sẽ tiếp tục giúp ích cho các cơ quan quản lý trong quá tình tham khảo thông tin, thực thi chính sách; giúp cho các DN, tổ chức, cá nhân nắm bắt được tình hình, xu hướng phát triển tài nguyên Internet Việt Nam để phục vụ cho hoạt động và công tác nghiên cứu.

Đảm bảo hai hệ thống trọng yếu của Internet Việt Nam hoạt động thông suốt

Để có được sự phát triển Internet như ngày này, có thể nói đến sự đóng góp của Trung tâm Internet Việt Nam trong việc thiết lập, quản lý, vận hành hai hệ thống trọng yếu của Internet Việt Nam là hệ thống máy chủ tên miền (DNS) quốc gia “.vn” và Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc  Trung tâm Internet Việt Nam hệ thống máy chủ tên miền quốc gia “.vn” nằm trong Danh mục lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên đảm bảo an toàn thông tin mạng và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 632 ngày 10/5/2017 và thuộc mức ưu tiên bảo vệ cấp độ cao nhất - cấp độ 5. Trong khi đó, trạm trung chuyển VNIX thuộc mức ưu tiên bảo vệ cấp độ 4.

“Trong 17 năm, VNNIC đã đảm bảo hai hệ thống được vận hành liên tục, không bị gián đoạn. Người sử dụng và các ISP kết nối vào hệ thống đều thông suốt. Đây là nỗ lực rất lớn của VNNIC”, ông Thắng nhấn mạnh.

Để làm được như vậy, ông Thắng cho biết có rất nhiều yếu tố đóng góp. Ngay từ đầu, VNNIC đã xây dựng kế hoạch sự phát triển hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 5 năm, được Bộ TTTT phê duyệt. Kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật 5 năm thể hiện tầm nhìn, kế hoạch thực hiện rõ ràng để từng bước phát triển hệ thống phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính kế thừa, tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh việc hệ thống được thiết kế tốt, Trung tâm đã thực hiện vận hành hai hệ thống ổn định nhờ đội ngũ được đào tạo, có ý thức, đạo đức tốt tuân thủ các quy định vận hành chặt chẽ, kết hợp với các giải pháp ATTT. VNNIC cũng đã đạt chứng chỉ hệ thống quản lý an toàn bảo mật thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 trong hoạt động quản lý vận hành trung tâm dữ liệu IDC và hệ thống DNS quốc gia ”.vn”.

Để đảm bảo ATTT cho hệ thống, VNNIC đã xây dựng nhóm ứng cứu CSIRT và tích cực, chủ động tham gia vào mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia. VNNIC luôn coi trọng đảm bảo ATTT bằng các yếu tố con người, công nghệ, kỷ luật, cộng đồng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VNNIC chú trọng đảm bảo ATTT cho hai hệ thống trọng yếu của Internet Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO