Xây dựng bộ máy hành chính đủ năng lực vận hành chính phủ số

PV| 18/03/2021 22:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử; thực hiện chuyển đội số (CĐS) quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

CCHC đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta có 4 cuộc cải cách lớn, đó là cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, CCHC và cải cách tư pháp. Bốn việc khó này chúng ta đã cố gắng triển khai trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này. Trong đó, CCHC liên quan nhiều đến bộ máy, thể chế, đội ngũ, sự nghiệp công, tài chính công với nhiều nội dung liên quan đến con người và bộ máy, do đó, càng phức tạp.

Xây dựng bộ máy hành chính đủ năng lực vận hành chính phủ số - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu rõ, công tác CCHC đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và "chính các FTA này đã thúc đẩy chúng ta phải cải cách, nhất là CCHC".

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng so với năm 2011. Ví dụ, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam duy trì xếp hạng cao, năm 2020 xếp thứ 42/131. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới. Chỉ số Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với 2018, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC). Cải cách TTHC được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính.

"Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện chiến lược số hóa với CSDL dân cư

Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư tốt hơn. Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn.

"Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại nhưng vẫn hướng về người dân và DN, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước".

Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Yêu cầu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung: "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo".

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Xây dựng bộ máy hành chính đủ năng lực vận hành chính phủ số - Ảnh 2.

Ảnh: VGP

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, 1 luật cố gắng có 2 nghị định là nhiều nhất, 1 nghị định có không quá 1 thông tư và ban hành 1 văn bản thì phải hủy văn bản cũ; không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.

Những thể chế này tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và DN thuộc các thành phần kinh tế - xã hội (KT-XH) cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC liên quan đến người dân, DN. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho DN, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện CĐS quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Ba kết quả nổi bật của VPCP trong công tác cải cách TTHC

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, sau 10 năm thực hiện công tác CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, VPCP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, đáng chú ý là cải cách TTHC, xây dựng CPĐT, hiện đại hóa nền hành chính…

Xây dựng bộ máy hành chính đủ năng lực vận hành chính phủ số - Ảnh 3.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Với vai trò của cơ quan tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm soát TTHC, xây dựng CPĐT, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại 3 kết quả nổi bật VPCP đã đạt được trong công tác cải cách TTHC thời gian qua.

Thứ nhất, về cải cách TTHC, thể chế cho hoạt động cải cách, kiểm soát TTHC cơ bản được hoàn thiện, ngày càng thống nhất, đồng bộ. Việc ban hành và giải quyết TTHC ngày càng thống nhất, đơn giản, minh bạch và thuận lợi hơn. Việc giải quyết TTHC ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn. Hàng nghìn TTHC, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa. 59/63 trung tâm phục vụ hành chính công đã được thành lập cùng với bộ phận một cửa các cấp đã từng bước nâng cao chất phượng phục vụ nhân dân.

Việc cắt giảm quy định không còn phù hợp và tổ chức triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, về xây dựng CPĐT, hiện đại hóa nền hành chính, VPCP đã phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của chính phủ điện tử như: Trục Liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12/3/2019, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được vận hành từ ngày 24/6/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia vận hành chính thức từ ngày 9/12/2019, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020. 

Qua đó, đã tạo sự lan tỏa tích cực tới các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng CPĐT, góp phần thay đổi lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, dựa trên dữ liệu số. 

Tại VPCP, toàn bộ hồ sơ công việc (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường điện tử có ký số.

Thứ ba, là về Tổ công tác và Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sáng kiến của người đứng đầu Chính phủ và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng. 

Tổ công tác đã tham mưu có hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, nhất là đối với công tác hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng CPĐT, tạo đột phá trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, qua đó, đã tạo được những dấu ấn nổi bật cả về phương pháp, cách thức cũng như kết quả đạt được trong hoạt động của Tổ công tác.

Hội đồng tư vấn cải cách TTHC là một tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Chủ tịch Hội đồng với sự tham gia của các hiệp hội trong nước, nước ngoài. Trong giai đoạn 2017-2020, Hội đồng đã trực tiếp tham vấn các đối tượng có liên quan và tổ chức 33 phiên đối thoại, qua đó đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý 442 vấn đề vướng mắc của cộng đồng DN.

Gắn với triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh KT-XH giai đoạn 2011-2020, công tác CCHC tại VPCP nói riêng và tại các cơ quan, bộ ngành địa phương nói chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, giúp đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bộ máy hành chính đủ năng lực vận hành chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO