Xây dựng luật chính phủ số: Đâu là những vấn đề trọng tâm của luật

03/11/2021 08:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong xu thế chuyển đổi số (CĐS) bùng nổ trên toàn cầu trong vòng hơn một thập niên qua, không chỉ khu vực tư nhân đang nỗ lực “chuyển mình” mà chính các chính phủ và các cơ quan khu vực công cũng đẩy nhanh tiến trình “số hóa”, chuyển các hoạt động quản lý, vận hành lên môi trường mạng.

Nhằm tạo thuận lợi và đẩy mạnh quá trình này, nhiều quốc gia đã ban hành các khung chính sách, pháp luật, trong đó có đạo luật chính phủ số. Đây là một đạo luật mới ở hầu hết các nước, và có điểm chung là tập trung điều chỉnh những vấn đề mới mà bản thân các cơ quan thuộc khu vực công cũng phải đối mặt trong môi trường kỹ thuật số như đảm bảo an toàn - an ninh mạng, quyền riêng tư, quản trị dữ liệu,... Từ việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và ban hành đạo luật, cũng như thực tiễn Việt Nam, bài viết đã đề xuất cách thức tiếp cận và những vấn đề chính mà Luật Chính phủ số ở Việt Nam cần ưu tiên điều chỉnh. 

Từ khái niệm "chính phủ số" đến luật "chính phủ số"

Theo cách tiếp cận của Gartner, Chính phủ số là chính phủ được thiết kế và vận hành để tận dụng lợi thế của dữ liệu số trong việc tối ưu hóa, chuyển đổi và cung cấp các dịch vụ của chính phủ. [1]

Tương tự cách tiếp cận của Gartner, trước đó, OECD cũng đưa ra định nghĩa về chính phủ số, theo đó, chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, như một phần tích hợp trong chiến lược hiện đại hóa của chính phủ, để tạo ra giá trị công cộng. Nó dựa trên một hệ sinh thái chính phủ số bao gồm các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp (DN), hiệp hội, và người dân; họ đều có vai trò trong việc hỗ trợ tạo ra và truy cập vào dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ. [2]

Tại Thái Lan [3], năm 2019, quốc gia này đã ban hành đạo luật số hóa hành chính công và cung cấp dịch vụ. Trong đó có định nghĩa, Chính phủ số là “sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một công cụ trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ bằng cách sửa đổi việc quản lý và tích hợp dữ liệu của chính phủ và chức năng [chính phủ] theo cách đảm bảo khả năng tương thích và kết nối lẫn nhau một cách an toàn, theo nguyên tắc quản trị tốt, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả và thuận tiện liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho người dân, công bố thông tin của chính phủ cho công chúng và tạo ra sự hợp tác từ tất cả các bên”.

Như vậy, khái niệm “chính phủ số” thiên về định nghĩa cách thức vận hành của chính phủ khi tận dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính phủ và người dân.

Về Luật chính phủ số, theo cách tiếp cận của Michael Silverman [4], đại học Columbia - Hoa Kỳ, các quy định điều chỉnh chính phủ số được sử dụng để kiểm soát và điều chỉnh dữ liệu, xác định quyền truy cập thông tin, quyết định thông tin nào sẽ được công khai hoặc giữ bí mật và nơi thông tin sẽ được lưu trữ. Nó cũng đóng một vai trò có giá trị trong việc tăng cường tính minh bạch, khả năng dự đoán và bảo vệ công dân.

Tại Hà Lan, đạo luật Chính phủ số được đề xuất đặt nền tảng pháp lý cho cơ sở hạ tầng cơ bản; các quy tắc và quy định về bảo mật thông tin và quyền riêng tư là một phần của đạo luật này. [5]

Nói cách khác, đạo luật được đề xuất cung cấp cơ sở pháp lý cho việc sử dụng các tiêu chuẩn mở của các tổ chức chính phủ. Mục đích của Đạo luật Chính phủ số là giúp công dân và DN có thể đăng nhập vào các dịch vụ của chính phủ một cách an toàn và đáng tin cậy. Việc đăng nhập an toàn và đáng tin cậy có nghĩa là công dân có thể tận dụng các phương tiện nhận dạng điện tử (electronic identification - eID) đáng tin cậy hơn Hệ thống chính phủ điện tử (DigiD) hiện tại. Những phương tiện nhận dạng này cung cấp sự an toàn về danh tính cá nhân. Theo đạo luật, các tiêu chuẩn mở là bắt buộc. Bằng cách ban hành một đạo luật, Hà Lan đang thực hiện chỉ thị của EU về khả năng tiếp cận của các trang web chính phủ. 

Kinh nghiệm quốc tế trong việc ban hành đạo luật chính phủ số

Theo cách tiếp cận của tổ chức OECD, Khung chính sách về chính phủ số bao gồm 6 khía cạnh [6]:

(1) Kỹ thuật số theo thiết kế, theo đó, “kỹ thuật số” không chỉ được coi là một chủ đề kỹ thuật mà còn là một yếu tố chuyển đổi bắt buộc phải được đưa vào trong suốt các quy trình chính sách;

(2) Hoạt động của khu vực công dựa vào dữ liệu, khía cạnh này công nhận và thực hiện các bước để quản lý dữ liệu như một tài sản chiến lược quan trọng tạo ra giá trị công thông qua việc áp dụng chúng trong việc lập kế hoạch, cung cấp và giám sát các chính sách công, đồng thời áp dụng các quy tắc và nguyên tắc đạo đức để chúng được tái sử dụng một cách đáng tin cậy và an toàn;

(3) Chính phủ như một nền tảng đáp ứng nhu cầu của người dân khi cung cấp các hướng dẫn, công cụ, dữ liệu và phần mềm rõ ràng và minh bạch nhằm trang bị cho các nhóm để cung cấp dịch vụ phù hợp, nhất quán, liền mạch, tích hợp, chủ động và liên ngành;

(4) Mở theo mặc định, theo đó, dữ liệu của chính phủ và các quy trình hoạch định chính sách được mở để công chúng tham gia đóng góp, đảm bảo tuân thủ pháp luật và cân bằng với lợi ích quốc gia và công cộng;

(5) Hoạt động hướng tới người dân, khía cạnh này của chính phủ số được thể hiện bằng cách đặt nhu cầu và sự thuận tiện của người dân là trung tâm trong việc định hình các quy trình, dịch vụ và chính sách;

(6) Tính chủ động, điều này thể hiện khả năng của các chính phủ và công chức trong việc dự đoán nhu cầu của người dân và đáp ứng nhu cầu đó một cách chính xác, để hạn chế sự khó khăn, phức tạp của người dân khi tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ và dữ liệu.

Trong khi đó, theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới (World Bank), các đặc điểm chính của Chính phủ số được chia thành 4 nhóm chính bao gồm các nguyên tắc xây dựng chính phủ số, các cấu phần để xây dựng chính phủ số, nguồn nhân lực và hệ thống đo lường chính phủ số. [7]

Thứ nhất, nghiên cứu của WB đưa ra 05 nguyên tắc của dịch vụ chính phủ số bao gồm: (1) số hóa các dịch vụ công (DVC) theo mặc định; (2) thiết kế các DVC có thể được sử dụng trên bất kỳ phương tiện di động nào, đặc biệt là điện thoại di động; (3) thiết kế dịch vụ lấy người dùng làm trung tâm; (4) quy trình làm việc được kỹ thuật số từ đầu đến cuối; (5) mô hình tương tác giữa người dân với chính phủ thông qua trang web hoặc ứng dụng di động của chính phủ - cách tiếp cận này còn được gọi là “Chính phủ như một nền tảng” (Government as a Platform).

Xây dựng luật chính phủ số: Đâu là những vấn đề trọng tâm của luật - Ảnh 1.

Thứ hai, các cấu phần chính để xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) bao gồm: (1) một cổng thông tin duy nhất; (2) dữ liệu thống nhất được chia sẻ trong khu vực công; (3) các dịch vụ chia sẻ liên cơ quan chính phủ; (4) cơ sở hạ tầng chính phủ chia sẻ, ví dụ như việc sử dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) bởi đây được coi là một công cụ chiến lược để đạt được khả năng triển khai linh hoạt, nhanh chóng và khả năng mở rộng quy mô cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ số; (5) cải thiện mạng cảm biến và phân tích dữ liệu, điều này sẽ cho phép tính sẵn có và chất lượng của các DVC được tối ưu hóa và các dịch vụ dành cho cá nhân được điều chỉnh chặt chẽ hơn cho phù hợp với hoàn cảnh của cá nhân tại từng thời điểm; (6) đảm bảo an ninh mạng và quyền riêng tư, bảo vệ thông tin của người dân trước các mối đe dọa bên ngoài chính phủ và việc sử dụng sai mục đích trong chính phủ.

Thứ ba, để xây dựng chính phủ số cần có khả năng lãnh đạo, quản trị và phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, theo đó, ở các quốc gia thường có cơ quan thống nhất được giao nhiệm vụ này. Ngoài ra, sự đổi mới, văn hóa và kỹ năng cũng là những yếu tố liên quan đến nguồn nhân lực ảnh hưởng đến sự hoạt động hiệu quả của chính phủ số.

Thứ tư, cần có hệ thống đo lường cho chính phủ số, dựa vào hệ thống này, các chính phủ có thể đo lường được hiệu quả của hoạt động cung ứng DVC. Một số tiêu chí đo lường có thể xem xét đến như đo lường thời gian đáp ứng các nhu cầu bởi các dịch vụ kỹ thuật số, mức độ mà người dân và DN đã sử dụng các kênh kỹ thuật số để tương tác với chính phủ, mức độ tiết kiệm tài chính cho chính phủ, mức độ tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp,...

Tại Hoa Kỳ, quốc gia này đã công bố Luật CPĐT (E-government Act) [8] từ năm 2002, các quy định của đạo luật này được đặt phần lớn trong tiêu đề 44, phần 35 về phối hợp chính sách thông tin liên bang và phần 36 về quản lý và thúc đẩy dịch vụ CPĐT. Nói cách khác, đạo luật về CPĐT của Hoa Kỳ là sự kết hợp giữa các quy định về quản lý và thúc đẩy dịch vụ CPĐT và quy định về an toàn thông tin.

Theo đó, Đạo luật này là cơ sở thành lập Văn phòng CPĐT (Office of Electronic Government) thuộc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget) và Hội đồng Giám đốc thông tin (Chief Information Officers Council) nhằm cung cấp sự lãnh đạo thống nhất, hiệu quả cho các nỗ lực của Chính phủ Liên bang để phát triển và thúc đẩy các dịch vụ và quy trình của CPĐT. Ngoài ra, thông qua các quy định của đạo luật này, mục tiêu của đạo luật hướng đến là: 

- Thúc đẩy việc sử dụng Internet và các CNTT khác để tăng cơ hội tham gia của người dân với Chính phủ.

- Thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan trong việc cung cấp các dịch vụ CPĐT, sự hợp tác này sẽ cải thiện sự hiệu quả khi cung cấp dịch vụ cho công dân bằng cách tích hợp các chức năng liên quan và trong việc sử dụng các quy trình CPĐT nội bộ.

- Nâng cao khả năng, năng lực của Chính phủ để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu của các cơ quan.

- Thúc đẩy việc sử dụng Internet và các công nghệ mới nổi trong và trên các cơ quan chính phủ để cung cấp thông tin và dịch vụ của Chính phủ lấy công dân làm trung tâm.

- Giảm chi phí và gánh nặng cho các DN và các tổ chức chính phủ khác.

- Thúc đẩy việc ra quyết định sáng suốt hơn của các nhà hoạch định chính sách.

- Thúc đẩy quyền truy cập vào thông tin và dịch vụ chất lượng cao của Chính phủ trên nhiều kênh.

- Làm cho chính phủ Liên bang trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn. 

- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan bằng cách sử dụng các thực tiễn tốt nhất từ các tổ chức khu vực công và tư nhân.

- Cung cấp quyền truy cập nâng cao vào thông tin và dịch vụ của Chính phủ theo cách phù hợp với luật pháp liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, an ninh quốc gia, lưu giữ hồ sơ, quyền truy cập cho người khuyết tật và các luật khác có liên quan.

Nhìn chung, cách tiếp cận của các tổ chức quốc tế cũng như các đạo luật chính phủ số của một số quốc gia trên thế giới thường nêu ra các nguyên tắc trong việc xây dựng chính phủ số, theo đó, các nguyên tắc này hướng đến việc nâng cao khả năng quản trị dữ liệu trong khu vực công, tăng cường tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua các trang web, ứng dụng di động an toàn với việc định danh và xác thực điện tử, đảm bảo quyền riêng tư, an toàn - an ninh mạng. 

Ngoài ra, các đạo luật chính phủ số còn hướng tới quy định việc sử dụng cơ sở hạ tầng, hệ thống CNTT an toàn trong các cơ quan chính phủ, đảm bảo nền tảng phù hợp để cung cấp các DVC trực tuyến đến người dân.

Hiện trạng phát triển CPĐT tiến tới chính phủ số và sự cần thiết xây dựng luật chính phủ số của Việt Nam

Hiện nay, Chiến lược CĐS được coi là một trong những chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam với mục tiêu đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng , tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống , làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.” [9] 

Để hiện thực hóa 03 trụ cột được nêu ra trong chiến lược CĐS, gồm chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Việt Nam đã từng bước ban hành các chiến lược cụ thể. Trong đó, Chiến lược Chính phủ số là chiến lược đầu tiên, được ban hành vào ngày 15/6/2021 kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Có thể thấy, Việt Nam đã có những chiến lược thể hiện quan điểm, tầm nhìn, định hướng và các mục tiêu cụ thể trong quá trình CĐS cũng như xây dựng và hoàn thiện chính phủ số tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, bởi những chiến lược trên đều mới được ban hành nên quá trình chuyển đổi từ CPĐT lên chính phủ số tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu. Xét về hoạt động số hóa cũng như việc tương tác của chính quyền với người dân, mặc dù một số dịch vụ công đã dần dần được thực hiện qua mạng nhưng toàn bộ quy trình vẫn chưa được số hóa hoàn toàn; một vài công đoạn vẫn cần sự tương tác và thực hiện trực tiếp.

Việc phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia và thực hiện các DVC trực tuyến vẫn cần được phổ biến rộng rãi bởi kỹ năng số của đại đa số người dân và giữa các khu vực là khác nhau. Về hạ tầng CNTT vẫn chưa được hiện đại hóa và có sự thống nhất giữa các cơ quan và các cấp chính quyền. Một ví dụ là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong giai đoạn đầu, trước khi có ứng dụng PC-COVID thì hàng loạt các ứng dụng được ra đời với những nhiệm vụ khác nhau, khiến người dân gặp khó khăn trong việc sử dụng. Về vấn đề dữ liệu, mặc dù có những nỗ lực trong việc hệ thống hóa dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia, nhưng những dữ liệu đang được cung cấp lại không đem đến nhiều giá trị và phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như DN.

Như vậy, Luật chính phủ số sẽ trở thành cơ sở pháp lý thống nhất các nguyên tắc vận hành của chính phủ khi được số hóa, đảm bảo các cơ quan nhà nước (CQNN) có phương hướng tổ chức và hoạt động trong việc cung ứng DVC, tương tác với người dân hiệu quả thông qua môi trường trực tuyến. Đồng thời, văn bản luật này cũng có thể đặt ra các cơ chế, hệ thống đảm bảo danh tính số của người dân trong quá trình tương tác với chính quyền, từ đó, người dân sẽ được hưởng lợi và bảo vệ an toàn. 

Các vấn đề cốt lõi cần quan tâm khi xây dựng Luật Chính phủ số

Với thực trạng CĐS và quá trình từ CPĐT tiến tới chính phủ số ở Việt Nam hiện nay, năm vấn đề cốt lõi cần quan tâm khi xây dựng luật chính phủ số bao gồm:

Thứ nhất, cần xác định đối tượng và chủ thể mà luật dự kiến điều chỉnh. Về đối tượng, luật chính phủ số sẽ là văn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa các CQNN với nhau trong việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhằm làm dữ liệu được liên thông, “chảy” giữa các cơ quan một cách nhanh chóng, hiệu quả, an toàn. 

Bên cạnh đó, luật này cũng cần điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân, tổ chức, DN nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân. Như vậy, chủ thể mà văn bản này điều chỉnh không chỉ là các CQNN, mà còn có thể là các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Thứ hai, cần hướng tới xây dựng chính phủ số theo nguyên tắc “Chính phủ như một nền tảng” (Government as platform); theo đó, người dân có thể tương tác với chính quyền thông qua các kênh Internet hay ứng dụng di động một cách thuận tiện, dễ dàng, an toàn và hiệu quả. Tính an toàn có thể được hiện thực hóa thông qua hệ thống xác thực danh tính số (eID).

Thứ ba, về cơ cấu tổ chức và thiết chế, theo kinh nghiệm của các quốc gia, luật chính phủ số hay một đạo luật tương tự là cơ sở để từ đó thành lập một cơ quan có chức năng, nhiệm vụ gồm cải thiện các hoạt động CNTT trong các cơ quan chính phủ, xây dựng các chính sách công nghệ quan trọng liên quan đến đầu tư cho hạ tầng CNTT, bảo mật thông tin, quyền riêng tư, quản trị dữ liệu khu vực công,...

Thứ tư, về vấn đề quản trị và công bố dữ liệu, luật chính phủ số cần hướng đến 2 vấn đề: thứ nhất, tạo lập một hệ thống - "một ngôi nhà chung" về dữ liệu cho toàn quốc để đạt được tính thống nhất trong kết nối, tạo lập CSDL chung, phân quyền tiếp cận và khai thác dữ liệu trong nội bộ khu vực công. Thứ 2 chú trọng nguyên tắc lấy người dân và DN làm trung tâm trong việc cung cấp các dịch vụ và dữ liệu, từ đó gia tăng giá trị của khai thác dữ liệu. Khi quan hệ cung cầu tương xứng với nhau, trong đó khu vực công là một nguồn cung dữ liệu trọng yếu, thì giá trị của dữ liệu trong thời đại số mới đem lại lợi ích tối đa cho cả chính phủ, người dân và DN.

Xây dựng luật chính phủ số: Đâu là những vấn đề trọng tâm của luật - Ảnh 2.

Thứ năm, về vấn đề cơ sở hạ tầng cho chính phủ số, trọng tâm nên tập tập trung vào sử dụng điện toán đám mây. Đây là hạ tầng quan trọng nhất, bởi hiệu quả bởi điện toán đám mây không chỉ hoạt động như một trung tâm lưu trữ dữ liệu hay một máy chủ hiệu quả mà giá trị của nó còn đem lại từ tính an toàn, bảo mật, khả năng triển khai linh hoạt, nhanh chóng và khả năng mở rộng quy mô khi cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp các chính phủ tiết kiệm các khoản ngân sách đầu tư vào các công nghệ lưu trữ tại chỗ. 

Tuy nhiên, vấn đề cần nghiên cứu thêm là cơ chế để sử dụng hạ tầng đám mây trong khu vực công tại Việt Nam trên thực tiễn. Thông thường, các chính phủ có thể tự xây dựng hạ tầng đám mây với nguồn nhân lực nội tại hoặc mua sắm dịch vụ điện toán đám mây từ các công ty đám mây bên ngoài chính phủ. Như vậy, trong quá trình xây dựng Luật Chính phủ số, việc tự xây dựng hạ tầng đám mây hay “thuê” dịch vụ sẽ là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính an toàn, phù hợp chi phí và nguồn nhân lực.

[1]. World Bank, Institute of the Information Society (2016), Digital Government 2020 - Prospects for Russia.

[2]. OECD (2014), Recommendation of the Council on Digital Government Strategies.

[3].https://data.opendevelopmentmekong.net/vi/laws_record/digital-government-administration- and-services-act-b-e-2562-2019/resource/1b5e9985-8cc2-452a-9ac0-0402a13592b8

[4]. Svenja Falk, Andrea Römmele, Michael Silverman (2017), Digital Government - Leveraging Innovation to Improve Public Sector Performance and Outcomes for Citizens.

[5]. https://www.nldigitalgovernment.nl/dossiers/legislation/

[6]. OECD Public Governance Policy Papers (2020), The OECD Digital Government Policy Framework - Six dimensions of a Digital Government.

[7]. World Bank, Institute of the Information Society (2016), Digital government 2020: Prospects for Russia.

[8]. https://www.govinfo.gov/content/pkg/PLAW-107publ347/pdf/PLAW-107publ347.pdf

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 10 - Tháng 10/2021)

Bài liên quan
  • 8/10 DN Singapore gặp phải sự cố an ninh mạng mỗi năm
    Một nghiên cứu mới đây do Cơ quan An ninh mạng Singapore (CSA) công bố cho thấy phần lớn các doanh nghiệp (DN) Singapore thiếu triển khai các biện pháp an ninh mạng thiết yếu theo khuyến nghị của CSA, thậm chí 8/10 DN gặp phải sự cố an ninh mạng mỗi năm.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng luật chính phủ số: Đâu là những vấn đề trọng tâm của luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO