Xây dựng mô hình MOOC cho giáo dục đại học Việt Nam

TS Tô Hồng Nam| 06/10/2022 14:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục đào tạo (GDĐT), mô hình học tập trực tuyến mở (Massive Open Online Courses - MOOC) đã bùng nổ từ hơn 10 năm nay, một mô hình dạy - học mới làm thay đổi tư duy truyền thống về hoạt động dạy - học, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Thời gian qua, mô hình này tiếp tục được thảo luận sôi nổi cả ở khía cạnh tích cực cũng như hạn chế. Vấn đề là phát huy được các lợi ích tích cực mà MOOC mang lại, phát hiện và tìm ra các giải pháp giảm thiểu những hạn chế của mô hình này, ứng dụng trước tiên cho GDĐH, nơi người học đã có khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Vậy mô hình MOOC có điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức gì và mô hình MOOC nào có thể áp dụng cho GDĐH ở Việt Nam thời gian tới?

Mô hình MOOC và các đặc trưng

Đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về MOOC. OpenupEd cho rằng “MOOC là các khóa học được thiết kế cho một số lượng lớn người tham dự, các khóa học này có thể được truy cập ở bất cứ nơi nào và cho bất kỳ ai nếu như họ có thể kết nối với Internet. Là nguồn mở cho tất cả mọi người, không đòi hỏi phải chứng thực trình độ mới có thể tham gia, cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn chỉnh và hoàn toàn miễn phí”. Việc mở rộng ứng dụng của MOOC vào lĩnh vực GD là hiện thực hóa mục tiêu giảng dạy nhờ sức mạnh của công nghệ Internet. Từ góc độ một phương thức giảng dạy tiên tiến, MOOC có các đặc trưng sau [2]:

Một là, sự đa dạng phong phú các khóa học là đặc trưng nổi bật nhất của MOOC. Về góc độ ngôn ngữ giảng dạy, đa số các khóa học có chất lượng chủ yếu bằng tiếng Anh, Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn...

Về góc độ môn học, MOOC không chỉ có các môn học lí thuyết trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học công nghệ, y học, nghệ thuật ... mà còn có các khóa học thực hành như kỹ thuật nhiếp ảnh, công cụ thống kê SPSS.

Ở khía cạnh người học, người học của MOOC bao gồm sinh viên (SV) các trường ĐH, nhân viên trong các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền, giảng viên, giáo viên, những người mong muốn được trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp của mình.

Từ góc độ các đơn vị cung cấp khóa học, có các nền tảng dạy học tiêu biểu như Coursera, edX, OpenLearning và các khóa học chất lượng cao của các ĐH hàng đầu thế giới.

Hai là tự chủ, đây là một đặc trưng xuyên suốt của MOOC trong giảng dạy. Khi ghi danh vào MOOC, SV lựa chọn các khóa học online tùy theo sở thích riêng của mình, khác hẳn chương trình học truyền thống.

Trong quá trình học, SV không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, có thể học mọi lúc mọi nơi. Điều này vừa bảo đảm đủ về thời gian học tập vừa cải thiện hiệu quả học tập của SV. Cuối khóa học, SV có thể đăng kí thi kết thúc khóa học và nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học.

Ở một số quốc gia, các trường ĐH đã xây dựng hệ thống công nhận tín chỉ, nghĩa là điểm thi trên MOOC có thể được quy đổi thành các tín chỉ trong các trường ĐH. Sau khi kết thúc các khóa học cần thiết, SV có thể nhận chứng chỉ tốt nghiệp.

Ba là đặc trưng về chia sẻ hay còn gọi là tính mở của MOOC, điều này được thể hiện ở sự đa dạng của các khóa học.

Các khóa học của MOOC được tải lên trên các nền tảng Internet và người học tự chọn theo sở thích riêng của mỗi người. Phần lớn các khóa học là miễn phí, người học trên toàn thế giới truy cập thông qua Internet.

Tác động tích cực của việc chia sẻ các khóa học là SV và các học giả khắp nơi trên thế giới có thể “gặp nhau” trên Internet và thảo luận về một chủ đề cụ thể. Họ có thể đặt các câu hỏi và trao đổi quan điểm thông qua các công cụ giao tiếp trực tuyến như Facebook, Twitter, MSN, WeChat...

Đặc trưng cuối cùng của MOOC là tính dễ tiếp cận, nghĩa là người học có thể học bất kì khóa học có sẵn nào nếu muốn. Khác hẳn với cách thức dạy học truyền thống vừa tốn nhiều thời gian vừa tốn tiền bạc, người học có thể học các khóa học trên nền tảng MOOC một cách dễ dàng hơn nhiều.

So với mô hình lớp học truyền thống, MOOC yêu cầu nhiều điểm khác biệt cơ bản, bao gồm: (i) Các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến chất lượng âm thanh, hình ảnh của bài giảng hoặc tài liệu đi kèm; (ii) Các khóa học MOOC phải cung cấp đầy đủ tài liệu đi kèm, bao gồm cả tài liệu tự biên soạn và tài liệu được phân phối trên web dưới dạng học liệu mở. Trong khi đó, đối với các lớp học truyền thống, nhiều trường hợp người dạy chỉ cung cấp trích dẫn hoặc danh sách tài liệu cho người học tự tìm đọc; (iii) Các bài kiểm tra, bài tập đều được thực hiện và đánh giá online, vì thế nội dung, cách thức cũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp; (iv) Yêu cầu về bản quyền đối với tài nguyên hỗ trợ việc học (bao gồm cả chú thích, trích dẫn, biểu đồ, hình minh họa) chặt chẽ hơn rất nhiều.

So với các khóa đào tạo trực tuyến truyền thống, đặc điểm khác biệt của MOOC là số lượng người tham gia có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn người học và thường không giới hạn hay ràng buộc về điều kiện tham dự cũng như phí đăng kí.

So với tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER), các khóa học MOOC có sự tham gia của giảng viên hoặc trợ giảng; có thời gian bắt đầu và kết thúc xác định. Trong khi đó, với OER hầu hết các tư liệu có thể được pha trộn và phân phối lại; không là các khóa học đầy đủ; không có sự tham gia của giảng viên (giảng viên đặt tài liệu ở đó để bạn sử dụng nhưng sau đó sẽ không có tương tác).

Người ta có thể phân MOOC thành 3 loại sau: (i) vMOOC, là một hình thức học trực tuyến chuyên biệt của một số ngành đòi hỏi mô phỏng và kỹ năng thực tế cao; (ii) cMOOC, nội dung học tập chỉ được cung cấp bởi người dạy, mô hình cMOOC theo tiêu chí xây dựng một cộng đồng cùng học tập (nhấn mạnh việc kết nối, học tập lẫn nhau). Mô hình này dựa trên triết lý chia sẻ, đóng góp và kết nối tri thức, người dạy cũng là người học và mạng xã hội là công cụ chính được sử dụng trong mô hình này; (iii) xMOOC (Traditional Extended Course), dựa trên cấu trúc giống lớp học truyền thống, bổ sung thêm cơ chế học tập trực tuyến như là cơ chế học tập chính thông qua việc cung cấp tài liệu điện tử kết hợp bài giảng video ghi lại trên lớp, các câu hỏi, các bài kiểm tra, đánh giá... Nội dung bài giảng trong mô hình xMOOC tập trung xoay quanh người dạy chứ không phải cộng đồng người học như cMOOC.

Xây dựng mô hình MOOC cho giáo dục đại học Việt Nam - Ảnh 1.

Mô hình xMOOC được đánh giá là phù hợp để triển khai trước tiên cho GDĐH so với cMOOC. Do ở bậc ĐH, SVvẫn chưa đủ tri thức và kỹ năng để tham gia vào các hệ thống cMOOC, nơi chủ yếu dành cho giới chuyên gia nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, xMOOC là sự tiếp nối của phương pháp dạy học truyền thống, do đó phù hợp hơn cho người học khi mới tiếp cận.

Giáo dục trực tuyến có tiềm năng to lớn trong việc giúp các trường ĐH đáp ứng một trong những nhiệm vụ cốt lõi của họ, đó là tăng khả năng tiếp cận GDĐH cho mọi người. Khuyết điểm cũng như sự cứng nhắc của hệ thống GD truyền thống, khiến cho sự tồn tại của MOOC mở ra một cơ hội mới đầy hứa hẹn cho GDĐH. 

Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của MOOC đối với GDĐH

Điểm mạnh của MOOC: MOOC phá bỏ giới hạn về thời gian và vị trí địa lý của người học. Người học được tiếp xúc với các khóa học chất lượng, do các giáo sư của các trường ĐH hàng đầu thế giới giảng dạy vì thế có cơ hội học tập và giao tiếp với cộng đồng quốc tế.

Khác với việc truyền thụ kiến thức 1 chiều trong các khóa học online trước đây, MOOC chú trọng vào nhu cầu và sở thích của người học, SV đã chuyển từ người tiếp thu kiến thức thụ động sang người học chủ động và trở thành người học thực sự. Đối với giảng viên, tính mở của MOOC tác động trực tiếp đến các khóa học của họ, khiến họ nhận ra tầm quan trọng khi tham gia vào việc “dạy học Internet” và học được từ các khóa học của người khác, rút ngắn được thời gian dạy cũng đồng nghĩa với việc giảng viên được chủ động mở rộng và ứng dụng kiến thức hơn. 

MOOC góp phần giảm ngân sách đầu tư vào đào tạo của quốc gia nói chung do các khóa học chủ yếu dựa vào công nghệ đa phương tiện nên các tài nguyên học tập có tính tái sử dụng cao; Người học không phải chứng thực trình độ hay bằng cấp mới có thể tham gia các khóa học trực tuyến, kích thích phương pháp tự học và hỗ trợ triết lý học tập suốt đời.

Điểm yếu của MOOC: Ngôn ngữ chính quy áp dụng cho các khóa học vẫn là tiếng Anh, đây là một trở ngại lớn cho người học khi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính của họ; Do số lượng học viên tham gia quá đông dễ gây ra tình trạng nhiễu thông tin trong quá trình học, việc trả lời những câu hỏi của hàng nghìn học viên là một thách thức lớn cho người dạy và trợ giảng nhất là khi không thể tương tác trực tiếp như một lớp học truyền thống; Khóa học online thiếu “cảm xúc” và thiếu tương tác so với học trực tiếp.

Đối với MOOC, SV linh hoạt hơn nhiều so với lớp học truyền thống, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian nên giáo viên khó có thể theo dõi quá trình học tập của họ. Bên cạnh đó, người học trên MOOC quá đông, đa dạng cả về cách thức và mục đích học tập, phân tán khắp nơi. Sự khác biệt và phức tạp giữa các nhóm người học làm cho việc kiểm tra, thi cử đánh giá kết quả học tập trở nên khó khăn. Do đó phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới như AI, điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data) vào hệ thống đánh giá các khóa học online; Vấn đề cấp chứng chỉ và đảm bảo chất lượng vẫn còn bị bỏ ngỏ trong mô hình này. 

Cơ hội phát triển MOOC cho GDĐH: Sự phát triển của MOOC là xu thế tất yếu, tiếp cận với xu thế phát triển của công nghệ, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo. Phương thức đào tạo truyền thống dần không đáp ứng yêu cầu của GDĐH trong kỉ nguyên hiện đại với các phát minh vượt bậc của CNTT. Ngày nay, mục tiêu của giảng dạy ĐH là để tạo thành “cộng đồng”, ở đó sự sáng tạo của cả giảng viên và SV được đề cao và sự phát triển hài hòa giữa giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng, dịch vụ xã hội phải được khích lệ.

Với hệ thống tích hợp bài về nhà, bài thi và thảo luận, các khóa học của MOOC lan tỏa nhanh chóng và thu hút ngày càng nhiều SV cũng như các trường ĐH quan tâm. Lãnh đạo các trường ĐH bắt đầu nhận thấy sự phát triển của MOOC sẽ dẫn đến công cuộc cải cách việc giảng dạy trong thời gian tới.

Sự phát triển của MOOC thời gian qua đã tác động đến cách cung ứng dịch vụ GD truyền thống, khuyến khích phân phối tài nguyên GD một cách công bằng hơn, thậm chí cấu trúc lại cách cung ứng dịch vụ GD hiện nay. Việc này sẽ làm thỏa mãn khát khao tri thức của con người và mang đến cơ hội cho các trường ĐH để cải cách nội dung, phương thức, kiểu cách dạy học cũng như việc tổ chức dạy học. MOOC nhấn mạnh sự tham gia của người học trong các khóa học, điều này dẫn đến 02 thay đổi trong dạy học. Một là chuyển từ lớp học truyền thống sang lớp học hiệu quả gắn với đổi mới cách dạy. Hai là chuyển từ việc lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy SV làm trung tâm.

Sự hình thành MOOC đã đem lại lợi ích cho người học khắp thế giới. Các ĐH cũng thu nhiều lợi ích vì MOOC là nền tảng cho giáo viên thể hiện kĩ năng dạy học còn các ĐH cải thiện hình ảnh của mình so với các ĐH tương tự trên thế giới. Sự cạnh tranh giữa các trường ĐH sẽ không chỉ ở các kết quả nghiên cứu như bài báo, dự án nghiên cứu mà còn ở các khóa học - đây là đơn vị cơ bản trong giảng dạy ĐH.

MOOC có thể hỗ trợ thể hiện toàn bộ quá trình giảng dạy một cách đầy đủ, bao gồm chương trình dạy, video giảng giải, câu hỏi, thảo luận trên lớp, bài tập về nhà của SV và phản hồi của giảng viên. Hơn nữa, công nghệ big data và hệ thống phân tích dùng AI sẽ phân tích toàn bộ quá trình học tập của SV cũng như kết quả học tập của họ, tạo ra 1 kênh thông tin đầy đủ và chủ động nhất cho đến nay về thành tựu dạy học. 

Thêm vào đó, MOOC tạo ra cơ hội phát triển các khóa học cạnh tranh giữa các trường ĐH. Những khóa học này thường gắn với các doanh nghiệp và đóng vai trò dẫn dắt trong sự phát triển của doanh nghiệp. Khi các khóa học được đưa lên nền tảng MOOC, số đông sẽ tiếp cận được. Đồng thời những người học quan tâm có thêm cơ hội truy cập, tài nguyên được chia sẻ.

Xây dựng mô hình MOOC cho giáo dục đại học Việt Nam - Ảnh 2.

Thách thức phát triển MOOC cho GDĐH:

Một trong các thách thức cố hữu là tỉ lệ bỏ học cao, điều này yêu cầu sự nghiên cứu từ nhà thiết kế chương trình và các nhà nghiên cứu để tìm ra lý do. Một lý do là các khóa học không đáp ứng, không cập nhật kịp theo nhu cầu học tập riêng của SV. Thiếu động lực tích cực, thiếu sự tự giác và tương tác hiệu quả cũng là các lý do dẫn đến SV bỏ học trên MOOC.

Các lý do khác bao gồm khóa học chưa đa dạng, sự khác biệt giữa nền tảng kiến thức và nhu cầu học tập của người học. Theo đó, cần cải thiện việc dự đoán nhu cầu học tập của SV trên cơ sở phân tích dữ liệu hành vi học tập của họ. Các tổ chức liên quan, các trường ĐH và các đơn vị vận hành nền tảng MOOC cần quan tâm đặc biệt đến nhu cầu người học, chất lượng khóa học, khuyến khích kết hợp với giảng dạy trên lớp. 

Một thách thức khác là chi phí để thiết kế và vận hành một khóa học khá cao, người dạy gặp khó khăn trong việc xây dựng các video hướng dẫn và cần nhiều sự giúp đỡ từ nhân viên kỹ thuật, thiết kế; Người học chưa có thói quen, phải trang bị kỹ năng tự học và phải có tính kỷ luật cao (tỷ lệ người học tham dự đầy đủ tất cả các buổi học chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tham gia, gần 50% học viên bỏ học trong buổi đầu tiên); Đặc tính mở và chia sẻ của MOOC là con dao 2 lưỡi, vừa mang đến sự thuận tiện cho người học và người dạy vừa trở thành thách thức cho việc quản lý học tập trên MOOC.

Bên cạnh các thách thức trên, trong bối cảnh chia sẻ tài nguyên GD, MOOC phải đối diện với vấn đề phát triển bền vững và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, công nghệ thay đổi nhanh chóng, nguy cơ mất an toàn thông tin và định kiến cho rằng khi MOOC phát triển có thể dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho giảng viên cũng là các thách thức với sự phát triển của MOOC. 

Một số đề xuất xây dựng mô hình MOOC cho GDĐH Việt Nam

Xây dựng nền tảng MOOC dùng chung cho GDĐH

Hiện có 02 cách tiếp cận xây dựng nền tảng MOOC cho GDĐH nước ta: Hoặc là, các trường ĐH Việt Nam có thể liên kết với các hệ thống lớn có sẵn ở nước ngoài như Edx, Coursera, Udacity... để đưa các khóa học nội địa vào hệ thống GD quốc tế. Cách tiếp cận này đang được áp dụng bởi nhiều trường ĐH châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; Hoặc là, một cơ quan, tổ chức trong nước đứng ra liên kết các trường ĐH và đầu tư cơ sở vật chất cho môi trường học tập mang tính chất công nghệ này.

Mỗi cách tiếp cận có các ưu, nhược điểm riêng, tuy nhiên để phát huy các ưu điểm, hạn chế các nhược điểm nêu trên trong bối cảnh nước ta, chúng tôi đề xuất phương án Bộ GDĐT chủ trì xây dựng hệ thống nền tảng, hạ tầng MOOC dùng chung, đồng thời tổ chức để các trường ĐH, theo nhóm ngành, xây dựng các khóa học và chia sẻ dùng chung. Phương án này tạo sự chủ động, không phụ thuộc vào hệ thống của nước ngoài, tiết kiệm ngân sách, giải quyết được vấn đề ngôn ngữ và kiểm soát được thành phần tham gia, công nhận tín chỉ giữa các trường ĐH trong nước.

Phát triển các khóa học trực tuyến trên nền tảng MOOC dùng chung

Ở giai đoạn đầu, Bộ GDĐT đầu tư xây dựng một số khóa học cốt lõi cho các nhóm ngành và tải lên nền tảng MOOC chia sẻ, dùng chung giữa các cơ sở GDĐH. Ở giai đoạn tiếp theo, mỗi cơ sở GDĐH và theo nhóm ngành đào tạo, phương thức đào tạo xây dựng và phát triển các khóa học trực tuyến đáp ứng tiêu chuẩn sư phạm và tiêu chuẩn kỹ thuật chia sẻ trên nền tảng MOOC dùng chung. Bước đầu có thể tập trung vào các khóa học có tính khả thi cao như các môn học về công nghệ hoặc các môn học cơ bản chung nhiều trường giảng dạy. Ngoài ra, có thể áp dụng kết hợp trong các môn học khác, ví dụ có thể kết hợp MOOC trong giảng dạy thực hành, vì thực hành đòi hỏi nhiều thời gian, khả năng tự học cao và đó cũng là thế mạnh của MOOC.

Nội dung khóa học nên được chia nhỏ để giúp người học thuận tiện hơn trong việc theo dõi, thời lượng trung bình của mỗi video thường nằm trong khoảng 5 đến tối đa 15 phút; cân nhắc hình thức tổ chức khóa học theo session (tất cả người học tham gia theo một lịch trình cụ thể) hoặc self-paced (mỗi học viên tự quyết định tiến độ học tập của mình); cho phép người học tham gia xây dựng bằng cách thảo luận, đóng góp nội dung (bài luận, video, hình ảnh...) để tăng cường tính tương tác của khóa học; thời gian từ lúc công bố khóa học cho tới lúc chính thức triển khai cần được cân nhắc sao cho đảm bảo được thời gian chuẩn bị cho khóa học (giảm tối đa tình trạng dời ngày học) và đạt được số lượng học viên ghi danh cần thiết. Đội ngũ giảng dạy bên cạnh khả năng chuyên môn phải có khả năng trình bày tốt cùng với sự hỗ trợ từ đội ngũ kĩ thuật (platform, quay phim, thiết kế đồ họa, quản trị viên, kiểm thử, quản lý dự án...).

Các cơ sở GDĐH chủ động khai thác có hiệu quả các bài giảng trực tuyến và các khóa học trực tuyến hiện có từ các cơ sở GDĐH trong và ngoài nước và từ nguồn tài nguyên GD mở để phát triển các bài giảng và các khóa học trực tuyến của từng cơ sở đào tạo, đồng thời chia sẻ đóng góp phát triển các khóa học dùng chung trên nền tảng MOOC của hệ thống GDĐH; Phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến đối với các nội dung, học phần trong chương trình đào tạo của các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và các khóa đào tạo cấp bằng ở các trình độ của GDĐH. 

Hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển MOOC dùng chung

Xây dựng, hoàn thiện quy chế phát triển, vận hành, quản lý, duy trì nền tảng MOOC dùng chung cho GDĐH, bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng; quy định trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, các cơ sở GDĐH và Bộ GDĐT trong việc đóng góp, chia sẻ, điều phối, khai thác tài nguyên các khóa học; quy định về tiêu chuẩn học liệu, quy trình thẩm định, công nhận khóa học bảo đảm chất lượng chia sẻ trên nền tảng MOOC dùng chung. 

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định chung về cấp phép mở, giấy phép mở, truy cập mở, phát hành mở và các hình thức khác; quy định về bản quyền tác giả, bảo hộ quyền tác giả, cho phép sử dụng theo giấy phép mở tạo hành lang pháp lý phát triển các khóa học trên MOOC dùng chung GDĐH.

Xây dựng, hoàn thiện quy định về công nhận kết quả học tập trên nền tảng MOOC, từ đó khuyến khích SV, giảng viên đóng góp, khai thác sử dụng trong chương trình học chính khóa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giảng viên, SV về vị trí, vai trò, lợi ích trong việc tham gia đóng góp, học tập trên nền tảng MOOC dùng chung. 

Xây dựng mô hình MOOC cho giáo dục đại học Việt Nam - Ảnh 3.

Một số giải pháp tăng cường dạy học trên nền tảng MOOC dùng chung

Một là thúc đẩy phương thức dạy học kết hợp với MOOC, đưa hệ thống MOOC vận hành như một thành phần chính quy trong GDĐH, tức là có sự đánh giá, ghi nhận kết quả trong quá trình học tập và xem đó là điểm học chính thức, khi đó sẽ đảm bảo tính nghiêm túc học tập của SV.

Các MOOC hiện nay có thể tích hợp vào các lớp học truyền thống, ở đó SV học xong, thi, lấy tín chỉ nhờ việc kết hợp học trên lớp và học online trên MOOC. Dạy học kết hợp tận dụng được ưu điểm của cả hình thức học truyền thống và MOOC vì thế có thể xem như tương lai của GDĐH. SV có thể học bất kì lúc nào ở bất kì đâu, thảo luận các câu hỏi và chia sẻ quan điểm trong lớp học. Phương thức học mới này cũng đặt ra một số yêu cầu cho cả SV và giảng viên. 

Ở phía giảng viên, cần chuẩn bị lớp học tùy theo mục tiêu giảng dạy, đăng tải các nhiệm vụ học tâp online và dành thời gian thảo luận. Ở phía SV, cần học cẩn thận, nghĩ các câu hỏi phản biện và kết thúc nhiệm vụ đúng hạn. Trong thảo luận trực tiếp, giảng viên có thể biết được các vấn đề SV gặp phải trong học tập, gợi ý việc học tập tiếp theo, giúp SV rút ra phương thức học cho riêng mình. Kết hợp MOOC và học trên lớp trong GDĐH chắc chắn sẽ là một cách thức hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của SV đối với sự phát triển cá nhân và nhu cầu của thị trường. Bằng cách này, không gian cho sự phát triển của SV sẽ được mở rộng và việc xây dựng kiến thức sẽ được hiện thực hóa thông qua tương tác của họ với giảng viên.

Hai là nâng cao nhận thức của giảng viên về ứng dụng MOOC bởi vì giảng viên có vai trò chủ yếu trong GDĐH. Giảng viên cần được động viên đổi mới trong dạy học và phát triển các khóa học tốt của riêng họ.

Ba là thiết lập và đẩy mạnh việc cấp tín chỉ trên MOOC cũng như cải tổ hệ thống chứng chỉ GD. Bằng cách này SV sẽ được động viên tham gia học trên MOOC nhiều hơn. Bên cạnh đó triển khai một số cách để tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của MOOC. Ở góc độ dạy học, mô hình mẫu học tập hiệu quả điển hình trên MOOC cần được phát hiện, tuyên dương và hỗ trợ kĩ thuật. 

Ở góc độ quản lý dạy học, hệ thống chia sẻ học liệu trực tuyến cần được thiết lập, việc lựa chọn khóa học và công nhận tín chỉ lẫn nhau cần được triển khai hiệu quả. Hệ thống đánh giá của MOOC được xem là điểm yếu khi triển khai các khóa học online, do đó đánh giá lẫn nhau là một phương thức đánh giá bổ sung, khuyến khích sự tham gia và thảo luận nhiều hơn của SV vào khóa học.

Người xây dựng khóa học cần nhấn mạnh vào việc tương tác giáo viên - SV trong các khóa học online. Để dạy học hiệu quả, đam mê của cả người dạy và người học cần được truyền cảm hứng. Một mặt, khi thiết kế các hoạt động dạy học, giáo viên nên tâm niệm về việc học tập hiệu quả của SV. Mặt khác, SV cần có trách nhiệm đối với việc học của mình và thực tập khả năng học tập suốt đời, học tập tự giác độc lập. Bằng cách đó, cả giảng viên và SV đều hưởng lợi từ quá trình dạy và học. 

Mô hình học tập trực tuyến mở (MOOC) là một trong các xu hướng đào tạo hiện đại phục nhu cầu học tập suốt đời của xã hội phát triển. Tuy nhiên việc triển khai và tham gia học theo mô hình này đòi hỏi sự linh hoạt của các tổ chức GD đào tạo (đặc biệt là GDĐH) trong việc triển khai để phát huy các điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong tạo hành lang pháp lý cho MOOC nhằm mang lại hiệu quả thiết thực./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

2. Hoàng Thị Minh Anh, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Hoàng Giang, Mô hình MOOC-Xu hướng phát triển giáo dục số hiện đại, Tạp chí khoa học giáo dục Việt Nam, số 19 tháng 7 (2019).

3. Tiago Santos, Metaversia - A MOOC Model for Higher Education, A Dissertation for degree of Master in Open Source Software, School of Technology and Architecture (2012).

4. Yu Li, MOOs in Higher Education: Opportunities and Challenges, Advances in Social Science, Education and Humanities Research Vol 319 (2019).

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình MOOC cho giáo dục đại học Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO