Xu hướng quản lý pháp luật về điện ảnh cần có sự thay đổi

27/09/2019 09:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau 12 năm triển khai và thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo cơ sở pháp lý trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phát triển điện ảnh; phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập điện ảnh Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thi hành Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh, chưa bao quát hết được mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay, chưa bắt kịp sự thay đổi và phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ trong công nghiệp điện ảnh, chưa cập nhật đầy đủ những quy định của pháp luật có liên quan mới ban hành như Luật Báo chí 2016.

Toàn cảnh hội nghị

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là Internet băng rộng dẫn đến sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ cung cấp trên internet, trong đó có dịch vụ cung cấp nội dung phát thanh, truyền hình, phim. Điều này dẫn tới xu hướng xem cũng thay đổi, chuyển dịch sang xem theo nhu cầu cá nhân trên các thiết bị cá nhân có kết nối internet. Thay vì người ta đến rạp, xem tivi thì ngày nay người ta có thể xem những bộ phim điện ảnh bom tấn, những phim ngắn vui nhộn…trên các thiết bị kết nối internet như điện thoại di động smartphone, ipad. Xu hướng này đặt ra yêu cầu cần thay đổi của công tác quản lý.

Việc sửa đổi bổ sung đầy đủ các cơ chế chính sách và quy định quản lý việc phát hành, phổ biến phim trên mạng sẽ là cơ hội giúp cho ngành công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn, cụ thể như:

Đơn vị phổ biến phim trên mạng sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều người xem hơn. Nếu như các rạp chiếu phim truyền thống chỉ có thể thu hút số lượng người xem hữu hạn trong một thời điểm, một giai đoạn thì đơn vị phổ biến phim trên mạng sẽ có cơ hội có tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu, trăm triệu thuê bao, người xem và trong đó không chỉ có các thuê bao, người xem ở trong nước mà còn là các thuê bao, người xem trên toàn cầu.

Hơn nữa, khi có tập khách hàng toàn cầu thì các đơn vị sản xuất phim của Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nội dung, sản xuất ra nhiều bộ phim hơn do đặc thù của phổ biến phim qua mạng (đáp ứng theo nhu cầu của cá nhân người dùng – VOD) là phải liên tục cập nhật nội dung, phim mới để cạnh tranh, hấp dẫn              người xem; đồng thời chất lượng nội dung, kịch bản phim sẽ nâng lên rõ rệt và đa dạng hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Chung cũng đề nghị trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung, Ban soạn thảo cần xem xét việc phải có chính sách quản lý phát triển phù hợp hơn đối với hoạt động phổ biến phim trên mạng, bởi lẽ so với hoạt động phổ biến phim truyền thống thì hoạt động phổ biến phim trên mạng có nhiều điểm khác biệt cần lưu ý như sau:

Nếu như ở các rạp chiếu phim truyền thống thường sử dụng màn ảnh rộng, kỹ thuật âm thanh, hiệu ứng chuyên nghiệp để công chiếu các bộ phim thì đối với phim trên mạng, người xem chỉ cần dùng thiết bị đầu cuối nhỏ gọn có sẵn như điện thoại di động smartphone, ipad, … để thưởng thức.

Số lượng, thể loại phim do đơn vị phổ biến trên mạng thực hiện sẽ nhiều hơn gấp rất nhiều lần so với số lượng phim chiếu rạp. Theo số liệu gần đây của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố thì hàng năm gần đây số lượng phim chiếu rạp chỉ mới chưa đến 300 phim/năm, trong khi ngành truyền hình là hơn 6.000 phim thì số lượng phim trên mạng có thể lên tới hàng chục ngàn phim.

Mô hình kinh doanh phổ biến phim trên mạng cũng có nhiều điểm khác biệt so với các rạp chiếu phim truyền thống như cách thức thu phí người dùng, việc cảnh báo và bảo đảm thực hiện quy định về độ tuổi người xem, hay các quy định về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nội dung phim trong nước, …

Việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về lĩnh vực điện ảnh trong môi trường truyền thống mang tính khả thi và thuận lợi hơn nhiều so với trên môi trường mạng. Thậm chí có những hành vi chỉ diễn ra mạnh mẽ và phức tạp, nhức nhối ở trên mạng như tình trạng vi phạm bản quyền đã gây ra bao hệ lụy cho cả đơn vị phổ biến phim và công tác quản lý nhà nước.

Ngoài ra, khi nói tới phổ biến phim trên mạng thì không thể không đề cập tới việc phổ biến phim xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài, đây không còn là xu thế mà đã trở thành vấn đề thực tế hiện hữu và vấn đề lớn nhất đặt ra là làm sao bảo đảm việc cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho các đơn vị phổ biến phim trong nước và nước ngoài, đồng thời phải quản lý tốt về nội dung phim.

Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh trong đó quy định quản lý việc phát hành và phổ biến phim trên internet là rất cần thiết, góp phần phát triển ngành nội dung của Việt Nam. Bởi đây là một thực tế hoạt động đang diễn ra và rất phát triển tại Việt Nam với những doanh nghiệp cung cấp nội dung (trong đó có phim) xuyên biên giới vào Việt Nam như Youtube, Netflix hay Amazon Prime Video… nhưng lại chưa chịu bất kỳ sự điều chỉnh nào của pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về điện ảnh.

Do đó, việc giao thẩm quyền xét duyệt cấp phép phổ biến phim trên mạng và trách nhiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về nội dung phim cho các cơ quan nhà nước, Bộ ngành cần đồng bộ với việc giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách và pháp luật quản lý hoạt động phổ biến phim trên mạng cho chính các cơ quan này để bảo đảm tính thống nhất trong thực thi và nguyên tắc quản lý tốt về nội dung đi đôi với thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng quản lý pháp luật về điện ảnh cần có sự thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO