Bộ TT&TT đang chuẩn bị tổ chức đấu giá khối băng tần C3 (3800 - 3900 MHz) cho 5G. Việc cấp phép các băng tần cho 5G là một cột mốc quan trọng và là một bước thiết yếu để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Những cơ hội, thách thức và giải pháp triển khai mạng 5G đã được PV Tạp chí TT&TT trao đổi với bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam.
Theo bà Rita Mokbel: Vào tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2600 MHz và 3700 MHz. Hai cuộc đấu giá quan trọng này đánh dấu việc triển khai 5G diện rộng tại Việt Nam.
Việc cấp phép các băng tần này là một cột mốc quan trọng và là một bước thiết yếu để đạt được chuyển đổi số. Cả Bộ TT&TT và các nhà mạng đều có kế hoạch rõ ràng để thực hiện. Sự đa dạng của phổ tần rất quan trọng vì nó mang lại cho các nhà mạng cơ hội tận dụng các trường hợp sử dụng khác nhau, cho cả người tiêu dùng và khu vực doanh nghiệp (DN). Điều này góp phần tăng trưởng kinh tế, làm hài lòng khách hàng tốt hơn và tăng cơ hội doanh thu cho các nhà mạng. Đó là một chiến lược hoàn hảo, được Chính phủ, Bộ TT&TT lên kế hoạch và thực hiện tốt.
Trong lịch sử, các quốc gia đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế của họ. Hiện nay, chúng tôi tin rằng 5G sẽ đóng vai trò là “đường cao tốc số”, “hạ tầng số” cần thiết để đạt được tham vọng về nền kinh tế số. Chính phủ Việt Nam, với sự hỗ trợ từ nhiều bên liên quan, đang thúc đẩy sáng kiến này. Từ quan điểm của Ericsson, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, Bộ TT&TT và các nhà mạng hiện thực hóa tầm nhìn này.
Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT cùng các cơ quan quản lý tại Việt Nam. Một kế hoạch rõ ràng đã được thiết lập, không chỉ để cấp phép 5G mà còn để mở rộng phủ sóng thông qua 4G và cải tổ băng tần 900 MHz. Các cuộc thảo luận còn xem xét việc sử dụng thêm các băng tần khác. Tất cả những băng tần này đều quan trọng vì cung cấp dung lượng mạng tốt hơn và tính linh hoạt cao hơn.
Hiện tại, 5G sẽ được kích hoạt dựa trên mạng 4G, theo chiến lược triển khai mạng non-standalone (không độc lập) trước, sử dụng LTE hoặc 4G như một băng tần cố định. Trong tương lai, các băng tần mới sẽ cho phép triển khai 5G SA (standalone - độc lập). Điều này sẽ mang lại những ứng dụng, khả năng và cơ hội mới cho các nhà mạng, người tiêu dùng, Chính phủ và DN.
Chúng tôi ủng hộ và hoan nghênh mọi nỗ lực của Bộ TT&TT cùng các cơ quan quản lý nhằm tối ưu hóa mọi cơ hội và năng lực. Điều này giúp các nhà mạng thêm nhiều tính năng và khả năng cải tiến cho mạng lưới.
PV: Như bà chia sẻ, mạng riêng 5G mang lại những cơ hội cho nhà mạng, người dùng... Bà có nghĩ đây sẽ là xu hướng không?
Bà Rita Mokbel: Một trong những lợi ích chính của 5G là tiềm năng thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành công nghiệp. 5G sẽ trở thành hạ tầng số hỗ trợ Công nghiệp 4.0, và tại Việt Nam, 5G có thể cách mạng hóa các lĩnh vực sản xuất, cảng biển, khai thác và hậu cần thông qua mạng riêng 5G. Hiện tại, Chính phủ đang đặt mục tiêu phát triển khoảng 100 thành phố thông minh vào năm 2040 hoặc 2050, yêu cầu tự động hóa các lĩnh vực này bằng 5G và mạng riêng.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy nhiều ứng dụng hơn trong các ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam. Trước đây, sản xuất dựa trên quy mô, nhưng hiện nay tập trung nhiều hơn vào sản xuất tinh gọn. Lợi ích chính của mạng riêng 5G bao gồm tăng hiệu quả, nâng cao năng suất, giảm chi phí và tự động hóa. Sự chuyển đổi này có thể thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, mang lại những cơ hội lớn cho đất nước.
Ngoài ra, mạng riêng 5G có thể nâng cao năng suất lao động, một mục tiêu quan trọng đối với Việt Nam. Ví dụ, nhà máy thông minh 5G của Ericsson, được hỗ trợ bởi 5G và năng lượng tái tạo, đã cho thấy tăng 120% sản lượng trên mỗi nhân viên và giảm 65% việc quản lý thủ công nguyên vật liệu. Vì thế, những lợi ích do mạng 5G mang lại này còn tác động tới năng suất nhân viên, giảm chi phí và tổng chi phí sở hữu của DN. Chuyển đổi số là rất quan trọng và chỉ có thể được thực hiện đầy đủ thông qua mạng riêng 5G.
PV: Theo bà, đây là cách các nhà khai thác sử dụng 5G để nâng cao lợi nhuận và doanh thu không?
Bà Rita Mokbel: Chắc chắn rồi và như bạn đã biết với sự hỗ trợ triển khai 162 mạng 5G của Ericsson trên toàn thế giới, chúng tôi tự hào nắm giữ khoảng 60.000 bằng sáng chế được cấp trên toàn thế giới và được xếp hạng là công ty dẫn đầu trên thị trường cơ sở hạ tầng mạng 5G vào năm 2024. Kinh nghiệm sâu rộng này giúp chúng tôi hỗ trợ các nhà mạng một cách hiệu quả.
Ví dụ, ở Ấn Độ, chúng tôi đã tham gia vào việc triển khai 5G trên quy mô lớn, trung bình hơn 15.000 địa điểm mỗi tháng. Quy mô triển khai này tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm người dùng. Tại Singapore, chúng tôi có mối quan hệ đối tác lâu dài 30 năm với Singtel. Singtel đã và đang sử dụng 5G cho nhiều ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như đáp ứng trải nghiệm video nâng cao trong giải đua xe Công thức 1 (Formula 1) bằng cách triển khai giải pháp chia mạng (network slices) giúp người xem trải nghiệm giải đua ở chất lượng tuyệt hảo. Một ví dụ khác là việc sử dụng 5G trong các buổi hòa nhạc trực tiếp, như chuyến lưu diễn của Taylor Swift ở Singapore, mang đến cho người hâm mộ kết nối tốt hơn để chia sẻ video và hình ảnh trên mạng xã hội.
Tại Vương quốc Anh, chúng tôi đang hợp tác với British Telecom để triển khai cảng thông minh tại Cảng Belfast, tự động hóa nhiều nhiệm vụ khác nhau và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trường hợp sử dụng này giúp giảm thời gian kiểm tra và có thể được mở rộng sang sân bay và các lĩnh vực khác. Tương tự, ở Pháp, chúng tôi đang hợp tác với sân bay Charles de Gaulle để mang lại sự tự động hóa và hiệu quả với 5G. Tại Malaysia, mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với Digital Nasional Berhad (DNB) nhằm mục đích kích hoạt 5G trên toàn quốc. Chúng tôi đã ký thỏa thuận với các công ty như Scania để thúc đẩy đổi mới và tiếp cận các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.
Một trường hợp sử dụng nổi bật của 5G là truy cập không dây cố định (FWA). Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, FWA là một ứng dụng 5G quan trọng. Triển khai cáp quang có thể tốn kém và đầy thách thức, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. FWA cho phép cung cấp khả năng kết nối tốc độ cao với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, điều này rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Những ví dụ này minh họa cách 5G có thể thúc đẩy lợi nhuận và doanh thu cho các nhà mạng bằng cách cải thiện trải nghiệm người dùng, phát triển các ứng dụng mới và tăng hiệu quả hoạt động trong nhiều ngành khác nhau.
PV: Cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam cũng sẽ dịch chuyển từ mạng 4G sang 5G. Bà có thể chia sẻ một số bài học hoặc kinh nghiệm từ các quốc gia khác đang trải qua quá trình này không?
Bà Rita Mokbel: Việc dịch chuyển mạng và giới thiệu công nghệ mới, chẳng hạn như từ 4G sang 5G, là rất quan trọng đối với cả hiệu suất mạng và trải nghiệm của khách hàng. Người dùng ngày nay đặt kỳ vọng cao vào hiệu suất mạng, yêu cầu tốc độ cực cao cho các tác vụ như cuộc gọi video, công việc, email và thậm chí cả ứng dụng VR và AR. Nếu trải nghiệm người dùng bị ảnh hưởng, họ có thể chuyển sang nhà mạng khác.
Chúng tôi đã làm việc với 162 nhà mạng đang vận hành 5G trên toàn cầu và đã thu được nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi suôn sẻ từ 4G sang 5G. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi mượt mà, chúng tôi tập trung vào thiết kế mạng tối ưu, đảm bảo phạm vi phủ sóng và tính di động tốt nhất, và thiết lập các tham số mạng phù hợp để chuyển giao mượt mà giữa 4G và 5G. Ngay cả khi triển khai 5G, nhiều cuộc gọi vẫn sẽ chuyển giao giữa 4G và 5G, làm cho quá trình chuyển đổi này trở nên quan trọng.
Chúng tôi tận dụng chuyên môn khu vực và toàn cầu của mình để hỗ trợ chuyển đổi suôn sẻ, triển khai các tính năng và cải tiến trong các sản phẩm của mình, đảm bảo chúng hỗ trợ đồng thời cả công nghệ 4G và 5G.
Sản phẩm của chúng tôi đã sẵn sàng cho 5G kể từ năm 2015, với hơn 10 triệu thiết bị phát sóng sẵn sàng 5G (5G Ready radios) đã được xuất xưởng kể từ đó. Công nghệ mạnh mẽ này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi liền mạch từ 4G sang 5G tại Việt Nam, giống như ở các quốc gia khác trên toàn thế giới.
PV: Việc triển khai 5G có những thành công và cũng có một số thách thức. Bà có thể chia sẻ bài học nào có thể rút ra?
Bà Rita Mokbel: Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy các nhà mạng ở Việt Nam rất trưởng thành và có kiến thức chuyên môn cao. Kể từ năm 2019 hoặc 2020, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nhà mạng và Bộ TT&TT trong nhiều thử nghiệm khác nhau, bao gồm 30 thử nghiệm cho các khu vực nhỏ ở Việt Nam. Những thử nghiệm này cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về nhu cầu cụ thể của thị trường Việt Nam, đồng thời phát huy kinh nghiệm sâu rộng của chúng tôi từ các thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác để luôn đi đầu trong sự phát triển. Kiến thức mà chúng tôi tích lũy được qua nhiều năm đã trang bị cho chúng tôi để vượt qua mọi thách thức.
Một khía cạnh quan trọng là hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý, cả từ quan điểm của chúng tôi với tư cách là đối tác và từ quan điểm của nhà mạng. Điều cần thiết là tạo ra một hệ sinh thái toàn diện, không chỉ tập trung vào hạ tầng mà còn phát triển và tối ưu hóa các ứng dụng mang lại lợi ích cho Chính phủ, nhà mạng và người dùng.
Ba lĩnh vực trọng tâm chính mà nhà mạng và chúng tôi đang hợp tác tại Việt Nam bao gồm tính sẵn sàng của các thiết bị 5G và hệ sinh thái toàn diện. Điều quan trọng là phải có các thiết bị cạnh tranh tương thích với mạng và thiết lập mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong hệ sinh thái. Thứ hai, sự sẵn sàng kịp thời của các cơ sở hạ tầng như hạ tầng các khu vực triển khai mạng, hạ tầng giao thông và thiết bị như bộ định tuyến là rất quan trọng. Bộ TT&TT cùng các nhà mạng có kế hoạch tích cực để triển khai 5G, do đó, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc truy cập khu vực triển khai đều có thể gây ra sự chậm trễ triển khai đáng kể. Cuối cùng, tối ưu hóa và tự động hóa mạng. Để tận dụng tốt nhất cơ sở hạ tầng đã triển khai, tối ưu hóa và tự động hóa mạng là điều cần thiết để triển khai 5G thành công.
5G sẽ mở đường cho Công nghiệp 4.0, cho phép chuyển đổi số trong sản xuất, cảng thông minh, khai thác mỏ, hậu cần và các lĩnh vực khác. Một số khách hàng đã bắt đầu làm việc trên các trường hợp thí điểm cho mạng riêng hoặc mạng chuyên dụng 5G. Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu kiến thức chuyên sâu ban đầu về ngành.
Hiểu được các yêu cầu cụ thể của DN và chuyển thành các giải pháp hiệu quả là rất quan trọng. Khi ngành viễn thông tham gia vào các ngành công nghiệp khác nhau, khoảng cách kiến thức này có thể là một thách thức. Tuy nhiên, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhà mạng để thu hẹp khoảng cách này, mang chuyên môn và kinh nghiệm từ các dự án khác nhau trên toàn thế giới đến Việt Nam, đẩy nhanh quá trình tích lũy kiến thức và đảm bảo quá trình chuyển đổi sang 5G suôn sẻ.
PV: Bà có thể chia sẻ vai trò của nhân sự tham gia quá trình dịch chuyển quan trọng như thế nào?
Bà Rita Mokbel: Đào tạo và phát triển cá nhân là điều cần thiết, đặc biệt là khi giới thiệu hoặc chuyển sang công nghệ mạng mới có tác động lớn đến người dùng cuối, hoạt động trực tiếp và khách hàng. Công nghệ 5G, với tất cả các trường hợp sử dụng mà chúng tôi đã đề cập, sẽ mang lại nhiều tính năng và khả năng mới, đòi hỏi những nhân lực có tay nghề cao và kiến thức đúng.
Chúng tôi tiếp cận điều này thông qua nhiều chương trình khác nhau. Các nhóm toàn cầu của chúng tôi hợp tác chặt chẽ với đội ngũ Việt Nam, tham gia các cuộc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm sâu rộng của họ. Cùng nhau, họ hiểu rõ mạng lưới hiện tại và thiết kế giải pháp cơ sở hạ tầng phù hợp cho khách hàng tại Việt Nam. Việt Nam đã có một lực lượng lao động có năng lực cao, nhiều người trong số họ đã hỗ trợ triển khai ở các nước khác và thu được kinh nghiệm quý báu. Điều này, kết hợp với kiến thức chuyên môn toàn cầu, có nghĩa là chúng tôi không bắt đầu lại từ đầu mà đang xây dựng trên một nền tảng vốn đã vững chắc.
Theo quan điểm của Ericsson, đào tạo và phát triển liên tục là điều cần thiết. Chúng tôi tổ chức các hoạt động toàn cầu nơi nhóm sản phẩm của chúng tôi chia sẻ kiến thức rộng rãi. Các thành viên trong nhóm của chúng tôi có quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên, chương trình đào tạo và phát triển tốt nhất. Đào tạo là bắt buộc và được cập nhật thường xuyên dựa trên các cuộc thảo luận của lãnh đạo, đảm bảo đội ngũ của chúng tôi luôn đáp ứng vượt trên mong đợi của khách hàng, đặc biệt là về tích hợp mạng liền mạch và giới thiệu các công nghệ mới.
Hợp tác với các nhà mạng cũng là điều quan trọng. Chúng tôi hỗ trợ họ khi cần thiết và nỗ lực giáo dục cộng đồng rộng lớn hơn về công nghệ. Ví dụ, thành công của 4G một phần là nhờ các ứng dụng như Facebook và Uber đã thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Tương tự, đối với 5G, chúng ta cần một cộng đồng các nhà phát triển để tạo ra các ứng dụng mới.
Để thúc đẩy điều này, chúng tôi hợp tác với RMIT trong một số chương trình, bao gồm Chương trình Educate Program của chúng tôi, một chương trình đào tạo sinh viên khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại RMIT về 5G và các công nghệ mới nổi như AI, máy học (ML) và blockchain. Kiến thức này cho phép họ đổi mới sáng tạo và phát triển các ứng dụng mới. Chúng tôi cũng đang thảo luận với Bộ TT&TT để mở rộng chương trình này sang các trường đại học khác.
Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra “đường cao tốc số” thúc đẩy tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng cách đào tạo sinh viên, triển khai cơ sở hạ tầng phù hợp và khuyến khích các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng mới, chúng tôi mong muốn hỗ trợ chương trình Công nghiệp 4.0 và các mục tiêu kinh tế số của Việt Nam. Ericsson, với tư cách là DN công nghệ tiên phong toàn cầu, chúng tôi cam kết đóng góp vào sự chuyển đổi này và biến nó thành hiện thực.