60 năm Tạp chí TT&TT

Hòa nhịp cùng 2 lần chuyển đổi số của ngành TT&TT

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (năm 2020), Việt Nam lần đầu tiên bước vào quá trình CĐS. Nhưng với ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thì đây đã là lần CĐS thứ 2. Tạp chí TT&TT với bề dày 60 năm, đã gắn bó, hòa nhịp cùng Ngành trong cả hai lần CĐS này.

Truyền thông tri thức khoa học chuyên ngành tới người đọc

Tháng 6/1962, Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh (tiền thân của Tạp chí TT&TT) ra mắt bạn đọc số đầu tiên (theo giấy phép xuất bản số 909 Vg ngày 16/4/1962 của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ). 60 năm qua, Tạp chí đã không ngừng vươn lên góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) nay là ngành TT&TT Việt Nam.

Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh

Tập san được thành lập để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới ngành Bưu điện, một trong những yêu cầu quan trọng là phải đổi mới công tác thông tin kinh tế - khoa học kỹ thuật (KHKT), một lĩnh vực phải đi trước và luôn được Lãnh đạo Ngành quan tâm, coi trọng.

Là một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Tập san, ông Lê Đức Niệm - Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí BCVT (từ 11/1985 - 2/1990) kể lại: “Là những người đã học tập và công tác ở nước ngoài, hiểu rõ vai trò quan trọng của sách báo KHKT đối với các hoạt động chuyên ngành, khi về làm việc ở Phòng Kỹ thuật Tổng cục Bưu điện, chúng tôi thấy bức bách phải xuất bản sách báo để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, sản xuất và quản lý cho ngành. Đồng chí Phạm Văn Bảy (học ở Pháp về) và tôi (Lê Đức Niệm, học ở Trung Quốc về) đã đề xuất với đồng chí Đinh Văn Khoa (cũng học ở Trung Quốc về, lúc đó là Phó Phòng Kỹ thuật Tổng cục, về sau đã làm Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc, rồi Vụ trưởng Vụ KHKT của Tổng cục) đề nghị với Tổng cục trưởng Trần Quang Bình cho xuất bản sách và sáng lập ra Tập san Kỹ thuật Bưu điện và Truyền thanh. Lúc đó, Tổng cục đã được tách ra khỏi Bộ Giao thông - Bưu điện, thành lập Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh (quản lý luôn cả ngành Truyền thanh (hữu tuyến) và Phát thanh (vô tuyến). Về Tập san, được chấp thuận, chúng tôi làm Đề án, chuẩn bị về mặt tổ chức và điều kiện triển khai. Đồng chí Tổng cục trưởng làm Chủ nhiệm, đồng chí Phạm Văn Bảy được phân công làm Chủ bút, các kỹ sư trong Phòng theo ngành nghiên cứu và quản lý của mình, làm biên tập viên... Trong khi chờ đợi giấy phép của Bộ Văn hóa, từ cuối năm 1961 chúng tôi ra thử hai số để rút kinh nghiệm, rồi tháng 6 năm 1962 mới xuất bản chính thức”.

Ông Phạm Văn Bảy, Chủ bút - Tổng biên tập đầu tiên của Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh (năm 1962)

Chia sẻ về những ngày đầu mới thành lập, ông Phạm Văn Bảy - Chủ bút - Tổng biên tập đầu tiên của Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh - kể: “Tập san rất chú ý đến tính chính xác của kỹ thuật, không để xảy ra một sai sót nào, nhất là trong khâu chữa mo-rát. Ngoài ra, Tập san rất chú ý đến đối tượng là công nhân trong ngày đầu giải phóng, luôn thu thập ý kiến của độc giả, khi trưng cầu ý kiến thì có cả ngàn thư đóng góp. Gay go nhất là thời kỳ phải sơ tán vì bom đạn Mỹ, nhà in cũng ra nơi khác, anh em trong toà soạn cũng phải chạy đi chạy lại như con thoi không ngại gian nguy bom đạn nên Tập san vẫn ra đều đặn. Thời kỳ đó còn sử dụng chữ chì nên công sức anh em rất vất vả. Tập san có số lượng in lên đến 1.000 hoặc 2.000 bản là thuộc vào loại có số lượng in nhiều nhất lúc bấy giờ”.

Là người trực tiếp tham gia xuất bản Tập san từ những ngày đầu, ông Trịnh Đình Trọng, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí, người gần như cả quãng đời công tác đã gắn bó với Tạp chí (từ năm 1968 đến đầu năm 1996), tâm sự: “Khi Tạp chí mới ra đời, lúc ấy lượng thông tin về kỹ thuật ở Việt Nam rất ít và có lẽ Tập san là ấn phẩm duy nhất chuyên sâu về KHKT nên được độc giả đặc biệt quan tâm. Tạp chí đã đi vào những vấn đề thực tiễn mà người đọc đang cần để áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày như: tổ chức cuộc thi lắp máy thu thanh GALEN. Cuộc thi đã rất thành công vì đáp ứng được nhu cầu nghe đài của người dân trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Cuộc thi đã rất thành công vì đáp ứng được nhu cầu nghe đài của người dân trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá, nguyên Tổng Biên tập của Tạp chí (11/1993 – 2/2003)

Điểm lại những mốc phát triển của Tạp chí CNTT&TT, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá, người có thời gian 10 năm (11/1993 - 2/2003) là Tổng Biên tập của Tạp chí, cho biết: “Từ khi thành lập năm 1962 với tên gọi là “Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh”, năm 1987, sau 25 năm hoạt động liên tục với nhiều cố gắng của các cộng tác viên và các biên tập viên, Tập san được nâng cấp thành “Tạp chí Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh”. Lúc đó, Tạp chí đã phổ cập trong cả nước, được đông đảo các độc giả yêu thích vô tuyến - điện tử đón đọc với số lượng phát hành lớn. Một năm sau đó, tháng 4/1988, Tạp chí được đổi tên thành “Tạp chí Bưu chính Viễn thông” cho phù hợp với sự phát triển về lượng và chất của Ngành lúc bấy giờ. Sau khi thành lập Bộ TT&TT, Tạp chí đổi tên thành “Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT)” để phù hợp với những chức năng mới của Bộ”.

Là Tạp chí “thông tin - lý luận và khoa học công nghệ” chuyên ngành trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước, trong quá trình xây dựng và phát triển, Tạp chí đã thực hiện chức năng trao đổi thông tin, công bố các kết quả nghiên cứu, phổ biến kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình tiên tiến về thông tin - lý luận, khoa học, kỹ thuật, khoa học quản lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành.

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí (từ 3/2003 – 10/2005)

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí, từng khẳng định: “Tạp chí của chúng ta là ấn phẩm báo chí đầu tiên của Ngành Bưu điện Việt Nam. Trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, ban đầu, Tạp chí như một cẩm nang về kỹ thuật nghiệp vụ, phục vụ công tác tác nghiệp của CBCNV trong nội bộ Ngành. Hiện nay, Tạp chí TT&TT đã trở thành một Tạp chí hàng đầu về hàm lượng khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực TT&TT nước nhà”.

Phát triển theo từng bước tiến của Ngành

60 năm hình thành và phát triển của Tạp chí TT&TT là một chặng đường rất đáng tự hào. Ít có Tạp chí chuyên sâu về KHCN nào của Việt Nam có được bề dày truyền thống như vậy. Sức sống của Tạp chí thể hiện ở việc đáp ứng được nhu cầu thực sự về thông tin KHCN của xã hội và truyền tải kịp thời những nội dung, chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT. Đồng hành với sự phát triển của Ngành, từ khi còn sơ khai đến lúc đạt trình độ công nghệ hiện đại như ngày nay, Tạp chí đã bám sát tôn chỉ mục đích, làm phong phú kho tàng tri thức khoa học, quản lý về TT&TT.

CĐS lần thứ nhất: Trong giai đoạn những năm 1984 - 1985 và đầu những năm 1990, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện Đặng Văn Thân, người đã “bấm nút" chọn “digital”, cương quyết đi thẳng vào hiện đại hóa, tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam, khi đó là Tổng Biên tập Tạp chí Bưu chính Viễn thông. Giai đoạn này, ngành Bưu điện đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ với phương châm bỏ qua công nghệ trung gian đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá.

Nhớ lại giai đoạn “đi tắt đón đầu” này, ông Lê Đức Niệm kể: “Đến hơn 10 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vào năm 1986, tình hình đã thay đổi nhiều, yêu cầu thông tin liên lạc đã tăng cao, trình độ kỹ thuật viễn thông thế giới có nhiều tiến bộ, thông tin liên lạc ở nước ta cũng phải đổi mới, Tập san kỹ thuật phải được nâng cấp, trở thành một tạp chí KHCN, bao gồm cả CNTT, số hóa kỹ thuật viễn thông. Chúng tôi bàn với nhau đặt vấn đề để Bộ Văn hóa và Thông tin cấp phép đổi thành Tạp chí Bưu chính - Viễn thông và được chấp nhận.

Với sự góp sức tích cực của anh chị em và các nhà khoa học ở trong và ngoài ngành, hình thức và nội dung của Tạp chí đã thay đổi hẳn, ngày càng có nhiều tiến bộ, phạm vi được đề cập mở rộng ra nhiều, trình độ khoa học được nâng lên đến mức đại học và trên đại học tiếp cận được trình độ chung của các nước phát triển trên thế giới. Ngoài ấn phẩm chính ra đều kỳ, còn thường xuyên ra cả ấn phẩm phụ, có tóm tắt hoặc phần dịch tiếng Anh, cùng với xuất bản phẩm điện tử, không chỉ cán bộ trong nước mà cả các nhà khoa học và quản lý ở nước ngoài cũng tìm đọc, sử dụng”.

Đóng góp vào thành công của Ngành trong những năm đầu đổi mới và hiện đại hoá có vai trò tích cực của công tác thông tin báo chí và xuất bản. Thông qua các ấn phẩm như Tạp chí Bưu chính - Viễn thông, các đầu sách kỹ thuật - công nghệ và quản lý kinh tế, các hội thảo kỹ thuật chuyên đề… tư tưởng đổi mới và những chỉ đạo, định hướng chiến lược của Lãnh đạo ngành cũng như những kiến thức mới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức mạng lưới, quản lý kinh tế đã được phổ biến sâu rộng đến cán bộ công nhân viên trong toàn Ngành.

Mọi hoạt động triển khai “chuyển đổi số” lần đầu tiên của Ngành đã được Tạp chí truyền tải kịp thời với những thông tin chuyên ngành được bạn đọc quan tâm. Tạp chí Bưu chính - Viễn thông khi đó là ấn phẩm đầu tiên có những bài viết chuyên sâu về các hệ thống thông tin viba, hệ thống cáp quang, tổng đài kỹ thuật số lớn, công nghệ viễn thông di động công nghệ số (GSM), công nghệ vệ tinh..., những thông tin hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam và cả trên thế giới. Các vấn đề về quản lý kinh tế trong ngành Bưu điện giai đoạn đổi mới cũng được Tạp chí đăng tải kịp thời, là cẩm nang cho các nhà quản lý doanh nghiệp BCVT khi đó.

CĐS lần thứ 2: Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), trong đó nhấn mạnh thúc đẩy CĐS quốc gia và phát triển kinh tế số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình CĐS quốc gia với ba trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đầu năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII định hướng đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược kinh tế số và xã hội số. Gần như tất cả các bộ ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết, chiến lược và chương trình CĐS.

Trong lần CĐS thứ 2 này của Ngành không chỉ bó gọn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TT&TT như lần CĐS trước đó (chủ yếu trong các doanh nghiệp (DN) viễn thông). Bộ TT&TT được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án CĐS quốc gia, là thành viên chủ chốt của Ban chỉ đạo CĐS quốc gia do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Trong chức năng nhiệm vụ của Bộ có ghi rõ chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: “... công nghiệp CNTT; ứng dụng CNTT; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; CĐS quốc gia và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Do đó, Tạp chí đã lên chương trình truyền thông đầy đủ các hoạt động CĐS trong nội bộ Ngành. Đồng thời các cơ chế, chính sách quản lý mới của Bộ TT&TT nhằm thúc đẩy CĐS quốc gia cũng được Tạp chí giới thiệu kịp thời ra xã hội.

Trong bài phát biểu gần đây nhất về CĐS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “CĐS là sự hội tụ của KHCN, của kinh tế tri thức, của đổi mới sáng tạo, của CMCN lần thứ tư. CĐS là KHCN, vì CĐS thì dựa gần như hoàn toàn trên KHCN. CĐS là kinh tế tri thức, vì CĐS thì tạo ra kinh tế số mà kinh tế số là dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu, dựa trên các thuật toán, mà thuật toán và thông tin chính là tri thức”. Mà KHCN và tri thức chuyên ngành BCVT và CNTT, công nghệ số vốn là thế mạnh của Tạp chí, là thông tin Tạp chí vẫn truyền tải tới độc giả suốt 60 năm nay. Chính vì vậy, từ trước năm 2019, Tạp chí đã có nhiều chuyên đề đăng tải những bài viết chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số và chính phủ số cũng như kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia trên thế giới.

Khi các chủ trương về CĐS của Nhà nước được ban hành, Tạp chí là kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức mạnh mẽ, cung cấp cho bạn đọc những bài báo có giá trị lý luận khoa học, những thông tin chính thống, mang tính định hướng trong công tác triển khai hoạt động CĐS quốc gia.

Hàng trăm bài viết nghiên cứu sâu trong các chuyên đề thuộc 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm: Y tế; Giáo dục; Tài chính - Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và logistics; Năng lượng; Tài nguyên và Môi trường; Sản xuất công nghiệp... đã được Tạp chí phát hành. Những sản phẩm, dịch vụ số phục vụ hiệu quả hoạt động CĐS cho các cơ quan, tổ chức và DN đã được Tạp chí đăng tải trên cả ấn phẩm in và điện tử. Đặc biệt, các sản phẩm số “Make in Viet Nam”, những sản phẩm dịch vụ số đạt danh hiệu cao do các Hội, Hiệp hội chuyên ngành bình chọn... cũng được Tạp chí ưu tiên đăng tải và có đánh giá chi tiết, chuyển tải tới người dân và DN cái nhìn vừa tổng quát, vừa cụ thể.

Sức sống từ chất lượng và uy tín

Tạp chí đã đến với bạn đọc bằng những thông tin gần gũi và thiết thực. Ông Nguyễn Ngô Hồng, Nguyên Phó Tổng Biên tập thường trực Tạp chí đã có những ấn tượng sâu sắc khi Tạp chí tổ chức sự kiện tại các cơ sở đào tạo. “Những buổi giao lưu của Tạp chí với các Trung tâm đào tạo BCVT ở Hà Nam hoặc ở TP.HCM luôn có hàng trăm học viên tham dự, lắng nghe những vấn đề Tạp chí nêu lên, đặt ra những câu hỏi về những vướng mắc trong chuyên ngành họ đang gặp phải để Ban biên tâp Tạp chí giải đáp. Nếu Tạp chí không có những độc giả nhiệt tình và quan tâm đến ấn phẩm của mình như thế thì Tạp chí không thể tồn tại đến ngày nay”.

Lãnh đạo và Ban Biên tập Tạp chí, giao lưu cùng giảng viên, sinh viên Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông cơ sở II tại TP.HCM, năm 1998

Ông Đỗ Kim Bằng, Nguyên Thư ký tòa soạn của Tạp chí kể lại: “Khi là sinh viên, tôi hiểu biết về Ngành là qua Tạp chí. Ấn phẩm này cung cấp cho chúng tôi những khái niệm đầu tiên về ngành Bưu điện. Trong nhiều năm sau này, khi là kỹ sư, Phó tiến sỹ, tôi vẫn luôn đọc Tạp chí vì nó cung cấp những thông tin kỹ thuật rất bổ ích và cần thiết cho công việc”. Sau khi trải qua nhiều cương vị công tác ở các đơn vị khác nhau, ông đã “đầu quân” cho Tạp chí và giữ cương vị Thư ký tòa soạn. Năm 1997, ông đã đề xuất cho đăng tải hàng trăm tin, bài về Internet, tuyên truyền và phổ biến thông tin khoa học về loại hình công nghệ, dịch vụ đang “hot” lúc đó. Sau đó, Tạp chí tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Internet và đã đánh trúng nhu cầu thông tin của người đọc về lĩnh vực này”.

Trong 60 năm, Tạp chí đã gắn bó với sự phát triển của Ngành. Nếu lĩnh vực TT&TT được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các ngành khác thì Tạp chí TT&TT có vai trò tích cực, đóng góp cho quá trình hiện đại hóa Ngành. “Trong những năm tôi đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Tạp chí, Hội đồng Biên tập cũng đã bàn bạc rất nhiều về định hướng phát triển của Tạp chí. Hội đồng đều nhất trí giữ vững tôn chỉ mục đích, vừa là cơ quan ngôn luận về thông tin chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, vừa góp phần phát triển KHCN. Tạp chí đã gắn những nội dung về đào tạo với thành quả về nghiên cứu. Mặt khác, Tạp chí cũng phát huy ảnh hưởng ra xã hội, không chỉ bó hẹp trong Ngành mà còn phổ biến thành tựu khoa học và tri thức trong lĩnh vực TT&TT ra toàn xã hội”, GS.TSKH. Đỗ Trung Tá nhận xét.

Tạp chí vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007)

Kể từ khi thành lập đến nay, Tạp chí đã có sự tiến bộ vượt bậc về đội ngũ biên tập viên và Hội đồng biên tập. Hội đồng biên tập và Ban biên tập Chuyên san của Tạp chí quy tụ được các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín. Nhờ đó, chất lượng ấn phẩm luôn được đảm bảo và được bạn đọc tin tưởng.

60 năm qua, hơn một triệu bản in của Tạp chí in thường kỳ xuất bản 12 số/1 năm luôn được phát hành đúng hạn với chất lượng tốt được bạn đọc đánh giá cao. Từ nội dung ban đầu chỉ đơn thuần giới thiệu kỹ thuật BCVT, truyền thanh, đến nay Tạp chí đã mở rộng phạm vi, bao quát cả lĩnh vực báo chí, xuất bản và mọi vấn đề về CĐS quốc gia, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc đối với xu hướng phát triển của CMCN 4.0. Tạp chí đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, phục vụ hàng triệu bạn đọc. Những đóng góp nỗ lực của Tạp chí đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá xứng đáng bằng các phần thưởng cao quý: Hai Huân chương Lao động hạng III (năm 1982, 1997); Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002 và Huân chương lao động hạng Nhất năm 2007. 4 Huân chương Lao động qua các thời kỳ là minh chứng rõ nhất cho những đóng góp của Tạp chí cho ngành TT&TT nói chung với đất nước và độc giả nói riêng. Đây là công lao của biết bao thế hệ Lãnh đạo, Hội đồng biên tập, cán bộ, phóng viên, cộng tác viên. Điều đó không chỉ khẳng định sự cố gắng phấn đấu của Tạp chí mà còn minh chứng cho sự cần thiết của một ấn phẩm tuyên truyền về KHCN trong giai đoạn phát triển mới của Ngành.

Đến nay, theo đánh giá của lãnh đạo Ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực TT&TT, Tạp chí TT &TT vẫn là Tạp chí đầu tiên, uy tín nhất của Ngành TT&TT trong lĩnh vực KHCN. Sức sống của Tạp chí TT&TT nằm ở sức mạnh thông tin sâu về các lĩnh vực chuyên ngành, tính cập nhật và độ lan tỏa của thông tin, hiệu ứng xã hội mà Tạp chí mang lại. Trong công cuộc đổi mới hiện nay của đất nước, Tạp chí tiếp tục hòa nhịp vào tiến trình CĐS của Ngành và quốc gia, chuyển tải nhiều hơn những thông tin về chính sách và KHCN có giá trị tới độc giả./.