Bưu chính thực hiện khát vọng chuyển mình

thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số

Lần đầu tiên lĩnh vực bưu chính có chiến lược phát triển riêng và tập trung tận dụng tối đa thành tựu của công cuộc chuyển đổi số (CĐS) để phát triển trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số. Doanh nghiệp (DN) bưu chính phát triển theo hướng DN ứng dụng công nghệ số.

Doanh thu bưu chính trong giai đoạn 2010 - 2021 tăng 11 lần

Theo Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT, trong giai đoạn 10 năm từ năm 2010, năm luật Bưu chính ra đời, số lượng DN bưu chính đến năm 2021 có 728 (tăng 18 lần) so với năm 2010 là 40 DN. Doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2021 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2010 là 4.017 tỷ đồng. Sản lượng bưu gửi năm 2010 là 330 triệu cái, đến năm 2021 là 1.377 triệu cái, tăng 4 lần. Tổng số điểm phục vụ bưu chính là 28.000 điểm, tăng 1,7 lần so với năm 2010 là 16.436 điểm. Tổng số người lao động là 48.964 người, năm 2021 là 170.000, tăng gần 3 lần.

Năm 2021, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của lĩnh vực bưu chính là 3.360 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020 là 2.400 tỷ đồng, thể hiện sự đóng góp của lĩnh vực cho NSNN, tốc độ tăng đáng kể và sự phát triển của DN bưu chính trên thị trường.

Năm 2021, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của lĩnh vực bưu chính là 3.360 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020.

Cũng theo Vụ Bưu chính, các DN bưu chính trong năm 2021 đã thể hiện tốt vai trò trong việc chung tay phòng chống dịch COVID-19 theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, trong đó tham gia cung ứng hàng hoá thiết yếu tại các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, được thể hiện qua số điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu là 4.162 điểm, khối lượng hàng hóa được cung cấp: 102.974 tấn. Tổng giá trị hàng hóa được cung cấp là 1.614 tỷ đồng. Khối lượng hàng hoá vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền địa phương là 8.390 tấn. Việc tham gia cung cấp hàng hoá thiết yếu này có sự tham gia của các DN bưu chính: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post), Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), Công ty CP Giao hàng nhanh (GHN), Công ty CP thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco).

Đánh giá phát triển thị trường bưu chính năm 2021, Vụ Bưu chính cho biết DN bưu chính nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực thể hiện qua sự tăng trưởng của thị trường; Đảm bảo an toàn các dịch vụ bưu chính phục cơ quan Đảng, Nhà nước; Đảm bảo cung ứng hàng hóa trong các tình huống khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ. DN bưu chính đã chú trọng CĐS theo định hướng của Chương trình CĐS quốc gia, bước đầu khẳng định vai trò là hạng tầng quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT).

Bên cạnh các DN bưu chính truyền thống đã xuất hiện rất nhiều DN công nghệ, đã bước đầu khẳng định được vai trò bưu chính là nền tảng quan trọng của TMĐT. Qua theo dõi thì sản lượng gói kiện chuyển phát cho TMĐT trong năm 2021 đã chiếm tới 62,3% tổng sản lượng gói kiện bưu chính. Đây được xem là xu hướng phát triển của lĩnh vực bưu chính trong những năm tới.

Chiến lược phát triển riêng của lĩnh vực bưu chính

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và công nghệ, bưu chính đã trở thành một trong những lĩnh vực lớn và đóng góp vào sự phát triển quan trọng của đất nước và cần phải có định hướng mới trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, năm 2021, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" và có hiệu lực ngay từ ngày ký. Trước đó, năm 2001, chiến lược phát triển bưu chính viễn thông (BCVT) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành gắn liền sự phát triển lĩnh vực bưu chính với lĩnh vực viễn thông.

Theo Vụ Bưu chính, trải qua 20 năm thực hiện chiến lược phát triển BCVT, lĩnh vực bưu chính đã đạt nhiều kết quả, vượt chỉ tiêu đề ra. Một trong những thành tựu lớn nhất đối với giai đoạn 2010 - 2020 là ban hành Luật Bưu chính năm 2010. Việc ban hành "Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" là bản chiến lược phát triển riêng của lĩnh vực bưu chính từ trước tới nay. "Điều này thể hiện sự đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ về vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực chúng ta đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới", lãnh đạo Vụ Bưu chính nhấn mạnh.

Cũng theo Vụ Bưu chính, chiến lược này đưa ra những mục tiêu, định hướng lớn nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính trong giai đoạn mới; tận dụng tối đa thành tựu của công cuộc CĐS để tạo thuận lợi, thời cơ phát triển lĩnh vực bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là cho TMĐT; bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu hình thành một Việt Nam số vào năm 2030.

Vụ Bưu chính cũng nhấn mạnh sự gia nhập mạnh mẽ vào thị trường bưu chính của các DN thuộc các thành phần kinh tế là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho DN phát triển. Đến hết quý II/2022, đã có 780 DN, trong đó, ngày càng có nhiều DN ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng các nền tảng của kinh tế chia sẻ.

Kim chỉ nam cho phát triển ngành Bưu chính trong 10 năm tới

Theo Vụ Bưu chính, chiến lược mới là kim chỉ nam cho ngành Bưu chính triển khai và thực hiện với tầm nhìn 10 năm tới. Chiến lược được xây dựng công phu có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các tổ chức, DN, trong đó Chiến lược đưa ra khát vọng lớn để lĩnh vực bưu chính chuyển mình trở thành lĩnh vực quan trọng, trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, tầm nhìn 2030 trong đó nổi bật, mục tiêu là đưa bưu chính tăng trưởng cao.

Cụ thể, chiến lược đưa ra khát vọng lớn của ngành bưu chính là: Bưu chính tăng trưởng cao; bưu chính chuyển dịch sang TMĐT và logistics; đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, khai thác nền tảng địa chỉ số; vai trò thiết yếu của bưu chính trong các tình huống khẩn cấp.

Chiến lược có 6 quan điểm phát triển bưu chính: (1) phát triển bưu chính trở thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia; (2) phát triển lĩnh vực bưu chính toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại; (3) xây dựng, phát triển hạ tầng bưu chính bảo đảm gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu; (4) thị trường bưu chính: mở rộng hệ sinh thái, mở rộng không gian hoạt động mới; DN bưu chính phát triển theo hướng DN ứng dụng công nghệ số; (5) bảo đảm người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính phổ cập có chất lượng, giá cước hợp lý; (6) hoàn thiện hệ thống pháp luật, minh bạch chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).

Theo đó, bưu chính có tầm nhìn 2030 và mục tiêu đến năm 2025 là trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là cho TMĐT; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; tham gia thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số

Chiến lược đề ra 5 mục tiêu: phát triển thị trường; phát triển hạ tầng bưu chính; thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số Nhà nước; nâng cao khả năng tiếp cận DVBCCI của người dân; nâng cao thứ hạng quốc gia.

Các mục tiêu nổi bật: Tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT đạt tối thiểu 30%; 100% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet; 100% hộ gia đình có địa chỉ số; 100% hộ SXNN lên sàn TMĐT; 100% sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT có truy xuất nguồn gốc; Phát triển tối thiểu 2 sàn TMĐT do DN bưu chính Việt Nam sở hữu để đưa hộ SXNN lên kinh doanh trên sàn; Hình thành CSDL DN bưu chính. Năm 2025, Việt Nam vào top 40 theo xếp hạng của UPU.

Để phát triển lĩnh vực, các nhiệm vụ đột phá cho giai đoạn 2022 - 2025 đã được đề ra gồm: quy hoạch phát triển mạng bưu chính công cộng; thực hiện Chương trình hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, xây dựng chính sách về chia sẻ, dùng chung hạ tầng giữa các DN bưu chính; xây dựng các trung tâm bưu chính quốc gia/vùng (MegaHub/Hub); hiện đại hóa mạng bưu chính KT1; hoàn thiện nền tảng Địa chỉ số Việt Nam; Phát triển sàn TMĐT Make in Viet Nam của DN bưu chính; hình thành dữ liệu ngành bưu chính.

Bên cạnh đó, CĐS DN bưu chính được đẩy mạnh (dựa trên nền tảng số và dữ liệu); xây dựng hệ thống báo cáo trực tuyến cho các DN bưu chính; xây dựng CSDL DN bưu chính; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính dựa trên công nghệ và khai thác dữ liệu bưu chính; hình thành một số DN bưu chính lớn làm nòng cốt; đẩy mạnh TMĐT ở địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế số nông thôn; tổ chức đào tạo chuyên ngành bưu chính trong cơ sở giáo dục đại học.

Là DN bưu chính quốc gia, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết Bộ TT&TT đã nỗ lực trong suốt những năm qua để hoàn thiện các văn bản, chính sách cho sự phát triển của lĩnh vực bưu chính đạt được một bước tiến rất quan trọng khi hỗ trợ cho các DN bưu chính hoạt động. Lĩnh vực bưu chính - chuyển phát trong thời gian vừa qua có vai trò quan trọng và các DN bưu chính ngày càng quan trọng hơn. DN bưu chính đã tham gia phát triển thị trường, phục vụ người dân, CĐS, kinh tế số - xã hội số, công dân số, trong đó có đóng góp để bưu chính Việt Nam xếp hạng thứ 45 trên thế giới và thứ 4 ở Đông Nam Á và trong giai đoạn tới phấn đấu trong top 40.

Ông Quốc Anh cũng cho rằng trong chiến lược mới đã đề cập đến CĐS, tự động hoá và vận hành… cho các DN bưu chính. Mỗi DN bưu chính có một thế mạnh nhưng hầu hết các DN đều đang hướng vào TMĐT, nên sự đồng bộ chính sách thúc đẩy TMĐT, logistcis, phát dặm cuối (last-mile) và các vấn đề khác là cần thiết.

Bưu chính cần chuyển biến mạnh mẽ

Trong thời gian qua, chủ trì và chỉ đạo triển khai Chiến lược phát triển bưu chính mới trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã nhấn mạnh các Sở TT&TT cần nắm được thể chế của lĩnh vực bưu chính, đặc biệt là Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt. Chiến lược nói rất rõ các mục tiêu, giải pháp, định hướng phát triển lớn của lĩnh vực. Theo đó, các Sở cần có kế hoạch triển khai, có các đầu việc cụ thể hóa kế hoạch.

Bên cạnh đó, các Sở cần lưu ý các quy định liên quan, đặc biệt Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết một số của Luật Bưu chính, đặc biệt Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông (BCVT).

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các Sở TT&TT phải nắm được lĩnh vực bưu chính hiện nay có 3 nhiệm vụ trọng tâm: đưa hộ SXNN, nông sản địa phương lên sàn TMĐT; phát triển và sử dụng nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số và triển khai Quyết định số 468/2021/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Về đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT, mỗi tỉnh có nhiều nông sản. Nông sản của tỉnh nào thì đầu tiên người dân ở tỉnh đó phải dùng sản phẩm của tỉnh đó, sau đó mở rộng đến các địa phương khác. "Phải xác định đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT mục tiêu số 1. Đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT rồi thì phải tiêu thụ được nông sản, có người dùng hàng tháng, có hoạt động mua/bán trên sàn. Tiếp theo là phải đảm bảo dịch vụ hậu cần (logistics) khi hộ SXNN, nông sản lên sàn. Hai sàn TMĐT Vỏ sò và Postmart phải đảm bảo từ giao dịch trên sàn đến logistics", Thứ trưởng lưu ý.

Về quản lý DN bưu chính, Thứ trưởng cũng lưu ý quản lý chặt chẽ đặc biệt DN bưu chính lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. "Quản lý DN phải bằng kiểm tra, giám sát bằng công nghệ. Trước đây, Vụ Bưu chính kiểm tra giám sát, kết nối số liệu với DN lớn, bây giờ phải kết nối với cả DN nhỏ để quản lý, để hạn chế tình trạng lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Phải có chế tài mạnh, phạt nặng DN vi phạm".

Về CĐS lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng lưu ý lĩnh vực bưu chính có 3 nhiệm vụ chủ chốt, bản chất các công việc này đều gắn với CĐS.

Các Sở TT&TT xem xét lại cách thức điều hành và chỉ đạo lĩnh vực bưu chính để có sự quan tâm sâu hơn, tốt hơn. Nếu làm tốt thì các dịch vụ lớn của bưu chính sẽ tạo ra thay đổi đột phá cho người dân. "Năm nay, trọng tâm của công tác CĐS quốc gia là lấy người dân làm trung tâm, đào tạo, đưa người dân lên môi trường số và đào tạo người dân thành công dân số. Bưu chính đang làm những việc này. Các Sở T&TT phải lưu ý để triển khai", Thứ trưởng nêu rõ.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 đầu tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: 6 tháng đầu năm 2022 ngành TT&TT có tới 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành. "Đây là các chiến lược lĩnh vực. Chiến lược mà cho riêng từng lĩnh vực thì sẽ rõ ràng hơn và dễ làm hơn. Đó là các chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số".

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chiến lược về bưu chính là sự tăng trưởng nhanh của bưu chính để 5 năm nữa bưu chính có thể to như viễn thông, là sử dụng công nghệ số mạnh mẽ trong hoạt động bưu chính, là khẳng định vai trò của hạ tầng bưu chính là hạ tầng logistics đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh hạ tầng viễn thông đảm bảo dòng chảy dữ liệu"./.